Chiếc vòng bạc

15.07.2022
Hoàng Văn Cung
Ông mặt trời đang lùi dần về phía tây, khoảng sân trước được căn nhà và mấy cây mít che khuất không còn ánh nắng. Thỉnh thoảng một làn gió mát, tiếng lá cây va vào nhau xào xạc. Mấy con chim bồ câu đi kiếm ăn bay về đứng trước tổ, tiếng gáy nghe đã thành quen cù, cúc, cu…

Chiếc vòng bạc

 Ngôi nhà trên núi. Ảnh internet

Ông Tâm tay phải cầm cái rổ, tay trái cầm con dao bó mây vàng óng màu khói từ bếp đi ra. Ông Tâm mặc bộ đồ pigiama màu xanh lơ đã bạc trắng, ngày về hưu ông khỏe hẳn ra. Ông nhường căn nhà mặt tiền trên phố cho vợ chồng thằng con trai cả, ông về ở hẳn căn nhà miền quê, nơi ông sinh ra và lớn lên. Tâm hồn thư thái, không vướng bận vào điều gì, trời nắng gắt ông ở trong nhà đọc sách, chiều chiều khi ánh nắng vàng nhạt nhòa ông lững thững vác cuốc ra đồng, miếng đất phần trăm vợ ông trồng đủ loại rau trái. Từ ngày ông Tâm về, bà Tâm cũng như trẻ ra. Ở nhà thì thôi, đi ra ngõ hay ra đồng gặp ai bà cũng hỏi to, nói to, tâm sự vui vẻ hồ hởi lắm. Con trai, con gái lớn có gia đình ở riêng, chỉ còn cậu út ở với bà. Nói là ở chứ thằng Thông đang học đại học năm thứ ba, thỉnh thoảng thứ bảy chủ nhật nó mới về. Những ngày giỗ chạp hay lễ tết, vợ chồng con cái chúng kéo nhau về thăm ông bà chật cả nhà. Thằng con cả một gái một trai. Đứa cháu trai chỉ mê bóng đá, cô cháu gái mới mười sáu mười bảy tuổi lúc nào cũng cái quền Jean bạc thếch, cái áo cộc cỡn hở cả bụng cả lưng, bà có nói nó còn cười và chê bà là lạc hậu:

- Bà già rồi, bây giờ mặc vậy mới mốt bà ạ.

Ông Tâm năm nay trên sáu mươi tuổi, ông mới nghỉ hưu được hai năm nay. Đã mấy lần các anh ở xã đến nhà vận động ông tham gia công tác, ông cũng có suy nghĩ nhưng chưa nhận lời. Từ khi còn làm việc ông đã có chủ kiến, nghỉ hưu là nghỉ luôn không có tham gia công việc làng việc xã nữa.

Chiếc rổ dùng lâu đã đứt nhiều mối buộc ở cạp, buộc lại còn dùng chán mới hỏng. Ông chăm chú từng mối buộc, thật khéo tay.

- Cháu chào ông ạ.

Ông ngẩng lên nhìn chẳng biết con cái nhà ai

- Chào cháu

Cô bé đi lại gần chỗ ông ngồi, dáng vẻ tự nhiên, hình như ông mới gặp lần đầu. Cô bé mặc quần Jean, cũng lại mốt Jean bạc màu, chiếc áo Jean mặc ngoài chiếc áo thin đỏ. Cô bé có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng hồng, dáng nhanh nhẹn khỏe mạnh, hàm răng trắng đều.

Cô bé lại gần, cặp mắt nhìn quanh, chắc là tìm chiếc ghế.

- Cháu ngồi chơi

Cô bé ngồi cạnh ông, dù là lạ nhưng có vẻ rất gần. Ông nhìn kỹ hơn vào khuôn mặt cô bé, đôi mắt xanh biếc, cái miệng mỉm cười rất có duyên. Ông nhớ lại trong ký ức, hình như ông đã gặp ở đâu đó một lần.

- Ông không biết cháu đâu, cháu về quê lần này là lần thứ hai, lần đầu cách đây đã bốn năm rồi ông ạ.

- Cháu thông cảm, ông cứ ngỡ như đã gặp cháu một lần rồi đấy, trông cháu quen quen mà.

Cô bé mỉm nhìn ông, có vẻ như đang dấu kín một điều bí mật

- Cháu giống mẹ, ông biết mẹ cháu đấy.

- Thế mẹ cháu là ai, cháu ở đâu về ?

Ông hỏi như nhanh hơn

- Cháu tên là Lan con mẹ Hồng

Ông dừng lại để chiếc rổ ra trước, lông mày nhíu lại có vẻ như đang suy nghĩ lần giở những trang ký ức một thời trai trẻ.

- Mẹ Hồng cháu, người xóm này, lấy chồng rồi lập nghiệp ở Tuyên Quang phải không?

- Dạ phải

- Thế bố mẹ cháu có khỏe không, cháu được mấy anh chị em ?

Ông hỏi dồn cô bé chưa kịp trả lời, ông đã lại hỏi tiếp

- Thế mẹ cháu có cùng về với cháu không ?

Lan lặng người trước những câu hỏi như chất vấn của ông Tâm. Cứ như lời mẹ kể cho Lan nghe, ông Tâm là người ngay thẳng, sống có tình nghĩa lắm, luôn quan tâm giúp đỡ người khác. Mẹ Lan day dứt vì đã phụ tình ông, đã không đợi chờ ông cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Cũng không nên trách làm chi, anh Tâm đi chiến trường mấy năm không có một lá thư, trong làng xã đã có nhiều người to nhỏ nói anh Tâm hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên.

Chiến tranh thật nghiệt ngã, một trận càn lớn địch đánh vào hậu cứ của trung đoàn, vài trang danh sách quân nhân quân lực để thất lạc rơi vào tay bọn chúng. Bọn tâm lý chiến không những phát loa trên máy bay trực thăng mà còn đọc cả trên đài phát thanh, xuyên tạc tin tức chúng thu nhận được. Tâm là một trong số người có tên trong danh sách bị thất lạc, trong thôn có người nghe trộm đài của địch đã tình cờ nghe được tên anh trong danh sách bị địch bắt làm tù binh.

Con gái có thì, bố mẹ Hồng liên tục giục Hồng không nên chờ đợi anh Tâm. Đúng lúc đó Vũ xuất hiện. Vũ có nước da bánh mật, to khỏe, chắc chắn. Vũ nghỉ học từ lớp bảy. Thanh niên trai tráng lớn là đi bộ đội vào chiến trường, ở nhà như Vũ bây giờ hiếm lắm, nghe nói Vũ ở Tuyên Quang làm ăn khá, so với ở quê gia đình Vũ có thể gọi là giàu có. Hình ảnh Tâm trong trái tim Hồng mờ dần. Hồng đồng ý với bố mẹ lấy Vũ, ăn hỏi sau ba ngày cưới ngay.

Bạn bè thân thiết với Hồng là Mai, Hạ…cũng không thể hiểu trước quyết định thật bất ngờ của Hồng. Đám cưới được ít ngày, Hồng theo chồng lên Tuyên Quang.

Sau giải phóng trung đoàn của Tâm lại hành quân lên biên giới Tây Nam, hết chiến dịch truy quét Funrô đến đánh nhau với bọn Pôn pốt Campuchia. Năm 1976 Tâm được đơn vị cho về phép. Khoác ba lô về đến nhà, bố mẹ Tâm, anh chị em họ hàng, bà con hàng xóm ai cũng mừng. Mấy ngày sau Tâm biết tin Hồng đã lấy chồng, Hồng đã sinh con thứ ba, Tâm mừng cho hạnh phúc của Hồng.

Ông Tâm như cố đọc nhanh trang nhật ký, ông không còn hỏi dồn nữa mà như có ý chờ đợi câu trả lời của cô bé.

- Mẹ cháu khổ lắm.

Ông Tâm bàng hoàng, sao lại có thể như vậy được nhỉ? Ở đó làm ăn khá lắm mà ?

- Thế mẹ cháu có đau ốm gì không?

- Ông ơi, đó là cả một câu chuyện cháu sẽ kể về mẹ Hồng cháu

Cô bé như thổn thức, những giọt nước mắt lăn trên má. Ông Tâm cũng xúc động, không biết nói thế nào để an ủi cô bé. Lấy khăn lau những giọt nước nước còn đọng lại trên khóe mắt, bình tĩnh và tự tin hơn, cô bé bắt đầu kể:

-…Mẹ cháu khổ lắm ông à, ngay từ lúc hai, ba tuổi cháu thường xuyên thấy bố cau có chửi rủa đánh đập mẹ. Những lúc ấy cháu chỉ biết khóc, cả ba chị em ôm nhau cùng khóc. Mẹ thì nhẫn nhục chịu đựng không nói một lời. Khi ông mặt trời chưa mọc chiếc gùi trên lưng theo mẹ ra rẫy, mấy chị em ở nhà trông nhau. Khi ông mặt trời khuất núi mẹ làm lũi về nhà. Từ khi mẹ sinh cháu cũng là con gái, bố cháu rất ít khi ra rẫy cùng mẹ, bố uống rượu nhiều hơn, chiều nào cũng say, nhìn thấy mẹ là bố lại chửi rủa. Chúng cháu sợ bố lắm.

Ông Tâm lặng đi, hình ảnh Hồng khi mười tám tuổi với cặp mắt long lanh nhìn Tâm tha thiết say đắm cứ chập chờn hiện về. Hình ảnh bà Hồng với chiếc gùi trên vai mình thấp thoáng trên nương, lầm lũi trở về mỗi khi bóng đêm ập đến phủ kín vùng núi rừng.

- Thế thì mẹ cháu khổ quá.

Tự ông thốt ra lời, ngắt mạch câu chuyện của cô bé Lan.

…Mẹ cháu còn khổ hơn khi sinh thêm em bé cũng là gái. Bây giờ thì cháu đã biết được những lời chửi rủa đay nghiến của bố. Hai chị cháu cùng mẹ ra nương, cháu ở nhà trông em. Một lần cháu cõng em đi chơi về, vừa bước vào sân nhà, bố cháu quát lên “Đồ vịt giời, chúng mày đi đâu giờ mới về”. Em cháu khóc thét lên, cũng may là mẹ và hai chị vừa về, cháu đưa em cho mẹ, hai chị đỡ chiếc gùi trên lưng. Bố quay sang mẹ đay nghiến “Đồ đàn bà sinh con một bề, giá hồi đó mày đứng lấy ông có phải ông đỡ khổ không, sao chúng mày không chết bớt đi”. Năm mẹ con ôm nhau òa khóc, bố lại hét lên “Tao đã chết đâu mà chúng mày khóc”.

Nghe đến đây ông Tâm không còn đủ bình tĩnh

- Bố cháu thế thì quá…

- Mẹ cháu gởi lại ông cái này. Thôi chào ông cháu về, lúc nào cháu lại sang thăm ông, mẹ cháu kể cho chúng cháu nghe chuyện của ông với mẹ khi còn trẻ.

Cô bé vừa nói vừa đứng dậy, thoáng một cái đã đi ra ngõ.

Ông Tâm mở chiếc hộp bằng bìa cát tông bên trong là một chiếc khăn tay mùi xoa và một chiếc vòng bạc. Chiếc vòng bạc Tâm đã tặng cho Hồng trước khi đi B, chiếc vòng bạc kỷ vật của mẹ cho Tâm. Mẹ dặn, “chiếc vòng bạc bà ngoại cho mẹ trước khi về làm dâu, con có thể tặng người bạn gái nào con yêu và tương lai của vợ của con”.

Cuối những năm sáu mươi cuộc chiến đấu giữa ta và địch ở chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Miền Nam tiền tuyến lớn cần chi viện cả về sức người sức của. Đoàn quân nối nhau suốt ngày đêm theo con đường mòn Hồ Chí Minh hướng phía Nam thẳng tiến. Miền Bắc hậu phương lớn với khẩu hiệu: “Tất cả cho tuyền tuyến, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Chiếc ba lô nặng trĩu, một bao gạo, một khẩu súng và một chiếc gậy, Tâm đi trong đoàn quân ấy. Những hôm trởi mưa vượt dốc những vết gậy lớp lớp chồng lên nhau. Đường trơn dốc cao thanh niên xung phong chặt cây chẻ ra, chắn đất, đóng cọc tạo ra từng bậc thang cho bộ đội vượt dốc. Không đâu mưa bằng Trường Sơn, mưa suốt đêm, mưa suốt ngày, mưa cả tuần chưa tạnh. Tiếng nước mưa rơi lộp bộp vào lá rừng, lưng áo ướt đầm mồ hôi, chiếc ba lô như chì xuống, thỉnh thoảng Tâm dừng lại đổi bao gạo sang vai bên. Tâm nhớ đến Hồng, không biết giờ này Hồng đang làm gì? Những ngày nghỉ phép trước khi Tâm đi B thật đẹp đẽ; đêm trăng Hồng rủ Tâm đi dọc theo con đường làng chạy ra cánh đồng. Lúa đã trổ đòng thoang thoảng hương thơm, gió nhẹ sóng lúa nhấp nhô, cả một biển lúa hai bên đường rì rầm xao động. Tâm và Hồng đã đến bên cầu, thật vắng vẻ yên tĩnh, cái yên tĩnh, thanh bình của làng quê gắn bó thân thương đến nao lòng. Tâm và Hồng chọn chỗ đẹp nhất trên cầu để ngồi, bên kia cầu là cả một cánh đồng rộng mênh mông. Cây đa cổ thụ có lẽ đã trải qua hàng nghìn năm đứng giữa cánh dồng, trông xa như là trái núi lớn với cả một rừng cây trùng điệp.

- Ngày mai anh lên đường, em sẽ đợi anh về.

Tâm chợt bừng tỉnh trước lời nói của Hồng. Thế là ngày mai hai đứa tạm chia tay, Tâm bồi hồi xúc động ôm chặt Hồng vào lòng như không muốn rời xa.

- Em sẽ đợi anh chứ, dù ở khoảng trời nào anh vẫn luôn nhớ đến em và chỉ yêu mình em thôi.

Hồng khóc, nước mắt ướt đầm vai áo của Tâm…

- Anh tặng cho em chiếc vòng bạc, đây là kỷ niệm của bà ngoại tặng cho mẹ. Tâm trao chiếc vòng cho Hồng.

- Em sẽ đợi chờ anh

Hồng đặt chiếc vòng vào ngực mình nói như một lời thề…

Chiếc vòng bạc còn đây mà bao nhiêu năm rồi hai người chưa gặp lại.

- Cà chua nhà mình năm nay sai quả, trồng mấy cây rau diếp mà ăn miết không hết.

Tiếng bà Tâm từ cổng ngõ, ông Tâm cất nhanh chiếc vòng bạc…

Bẵng đi dễ đến hơn mười ngày, ông Tâm không gặp lại cô bé. Hôm ấy cũng một mình ông ở nhà, cô bé ào vào như một cơn lốc, cũng với bộ đồ Jean và chiếc áo thin đỏ bên trong.

- Cháu chào ông

- Chào cháu, sao hôm nay cháu mới lại chơi.

- Cháu đến chào ông, mai cháu về nhà

- Cháu chuyển lời ông gởi lời thăm sức khỏe bố mẹ cháu nhé, Lan này ông định tặng lại cho cháu chiếc vòng bạc.

- Cháu không dám nhận đâu, chiếc vòng bạc là kỷ niệm của một thời của ông và mẹ cháu. Chiếc vòng ấy mẹ cháu quý lắm. Một lần vì chiếc vòng chậm một chút là không cứu được mẹ cháu.

- Sao, cháu nói vậy là sao ?

Ông Tâm một lần nữa lại bất ngờ, hỏi nhanh cô bé

…Một lần ở nhà một mình, mẹ cháu mang chiếc vòng bạc ra ngắm nhìn, mải suy tư bố cháu về lúc nào mà mẹ không biết, bố giật chiếc vòng trên tay của mẹ, rít lên “Của thằng nào nó tặng cho bà, đồ lừa dối, có phải của thằng Tâm người tình cũ của bà không”. Bố cháu ném chiếc vòng xuống ao và hét lên “Này thì vòng vàng vòng bạc” rồi đi tìm một vật gì đó để đánh mẹ. Mẹ cháu vẫn ngồi nguyên không nói một lời, bố kiếm được con dao phát rẫy, định lao vào chém mẹ “Ông giết, đồ đàn bà hư hỏng…” thật may vừa lúc đó chị em chúng cháu về nhà, cả ba chị em ào vào giằng lấy con dao và van lạy bố “Chúng con lạy bố, bố đừng giết mẹ con”. Rồi hàng xóm chạy đến cản lại, bố cháu mới thôi cơn nóng giận.

- Lại dến thế nữa cơ à, bố cháu thật quá

Ông Tâm không còn ngồi nguyên, ông rót nước và uống liên tục, ông tỏ ra rất bức xúc. Vẫn chưa dừng câu chuyện Lan kể tiếp:

…Cũng tưởng chuyện ấy rồi qua đi, cũng đến một tháng sau nhân dịp bố cháu vắng nhà vài ngày, hôm đó khoảng hơn năm giờ chiều, trời trở gió chị em chúng cháu từ rẫy về đến sân “Mẹ ơi, chúng con đã về”. Như mọi ngày mẹ đã hăm hở ra đón, vậy mà hôm nay gọi hai ba lần không thấy mẹ. Bỏ chiếc gùi trên vai, chị cả ra ao rửa chân tay, bất ngờ một tiếng gọi như xé lòng “Mẹ ơi, mẹ”, “Các em mẹ nằm chết ở bờ ao đây”. Chị em chúng cháu chạy tới, nhìn thấy mẹ nằm gối đầu vào bờ ao mắt nhắm nghiền, da mặt đã tím tái. Chị em cháu nhanh chóng đưa mẹ vào nhà thay quần áo, thoa dầu cho mẹ. Khi thay áo mới phát hiện tay mẹ nắm chặt chiếc vòng bạc, như vậy mẹ đã một mình xuống ao mò tìm chiếc vòng bạc. Mẹ cháu dần tỉnh lại, ngay câu đầu tiên mẹ đã hỏi “Chiếc vòng bạc của mẹ”. Chị cháu đưa ngay chiếc vòng, mẹ cầm lấy đặt lên ngạc, khuôn mặt mẹ sáng bừng lên rực rỡ, mẹ mỉm cười, đã lâu lắm rồi mới gặp lại mẹ cười tươi phảng phất một thời tuổi trẻ của mẹ. Mẹ bảo “Lúc mười tám đôi mươi mẹ là người đẹp nhất làng, mẹ và anh Tâm yêu nhau, hạnh phúc của mẹ là được sống trong hy vọng và chờ đợi. Mẹ tự hứa với lòng mình: dù năm năm hay mười năm mẹ vẫn đợi anh Tâm trở về… chiến tranh thật nghiệt ngã, những tin đồn thất thiệt về anh Tâm làm lòng mệ rối bời…”.

Cô bé dừng lại suy tư, chỉ một lát sau những giây phút xúc động cô bé nói tiếp.

…Bây giờ thì bố cháu không còn la mắng đánh đập mẹ được nữa, do uống nhiều rượu sau lần bị ngã vì say rượu bố phải nằm liệt giường không đi lại được.

Ông Tâm không còn nghe cô bé Lan nói thêm gì nữa, ông hình dung một bà Hồng còm cõi với chiếc gùi trên lưng: Một bà Hồng già nua đang nhẫn chịu chăm sóc người chồng trên giường bệnh; một bà Hồng nằm chết ngất nước da đã tím tái tay vẫn nắm chặt chiếc vòng bạc. ông Tâm nhớ lắm một cô Hồng xinh đẹp cách đây mấy chục năm đang ngồi ngay cạnh anh Tâm trẻ trung trên chiếc cầu hò hẹn thẹn thùng ấp chặt chiếc vòng bạc “Em sẽ giữ mãi chiếc vòng bạc và chờ đợi ngày anh về…”. Ông giật mình choàng tỉnh khi bóng cô bé Lan với bộ đồ Jean bạc chiếc áo thun đỏ vụt chạy ra khỏi cửa chỉ còn vẳng lại một câu “Cháu chào ông cháu về…”.

H.V.C