Người ở lại

22.09.2022
Khương Quỳnh
Anh gặp lão trong chuyến công tác dài ngày ở Tây Nguyên, đúng lúc chuẩn bị lên xe quay về thành phố. Nụ cười hiền từ của lão tình cờ lọt vào ống kính, trên vai là chiếc gùi nhô lên một quầy chuối chín bị chim ăn nham nhở. Sau chân lão là đàn chó cỏ, lố nhố con ngồi con đứng. “Này Xám, đủ ăn rồi, ta về thôi”, hóa ra lão đang nói chuyện với một con chó. Con chó đã rụng từng mảng lông báo hiệu sự già nua như chủ nhân của nó.

Người ở lại

Minh họa: Hiển Trí

Chẳng hiểu sao, khoảnh khắc lão và đàn chó đứng trong ánh sáng chiều tà, trên mé một khu vườn trông như rừng nguyên sinh lại khiến tâm hồn anh xao động. Không hẳn do bệnh nghề nghiệp, chỉ là tự dưng anh muốn nán lại thêm một ngày ở vùng đất heo hút này. Người thanh niên bản địa huých tay anh, thì thầm: “Lão sống một mình với đàn chó”.

Thấy người cùng xóm, lão đon đả mời cả hai vào nhà uống nước: “Lão thèm có hơi người thật đấy”. Lão đẩy cửa cổng bằng cánh tay phải bị cụt một nửa. Bên trong là khoảng sân đất và một ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Ông già ngồi xuống rót trà rồi hỏi chuyện anh thanh niên trong lúc nhiếp ảnh gia quan sát khu vườn.

Khu vườn rộng cả héc ta mà chẳng có quy hoạch hay chuyên canh cây gì. Cây ăn trái mỗi loại một vài gốc, toàn những cây giống cũ. “Này bác, sao bác không chặt bớt mấy cây này đi mà trồng cây giống ghép, bán được giá hơn”, người dẫn đường gợi ý. “Mấy cây này lão trồng cho bà nhà ăn, giờ sao nỡ chặt đi”, lão đáp. Trong câu chuyện, ông già vẫn luôn miệng “bà nhà” đầy tha thiết.

Lão kể rằng, sau những ngày bom đạn nơi chiến trường, lão sống sót trở về với cánh tay cụt và tâm thế sẽ sống cô độc đến chết. Anh thanh niên ba mươi tuổi rời quân ngũ với chứng mất ngủ, thường lẳng lặng ra bờ sông vào buổi trưa hay đêm khuya thanh vắng, tìm khung cảnh thênh thang để dỗ dành giấc ngủ. Một đêm, đang mê man mơ về đồng đội cũ thì bóng dáng một cô gái từ từ đi tới.

Anh giật mình bật dậy, tay giơ về phía trước trong tư thế đang ôm súng, hét lớn: “Mật khẩu? Mật khẩu là gì?”. Cô gái ngơ ngác một lúc rồi bụm miệng cười. Tiếng cười kéo chàng thanh niên về thực tại, cô gái với chiếc đòn gánh trên vai, chắc là đang xuống sông gánh nước. Mối duyên của vợ chồng lão cũng bắt đầu từ dạo ấy. “Chẳng ai nghĩ người trẻ trung xinh xắn như thế mà lại ưng mình. Tôi cứ nhủ mãi, chắc bà ấy phải cúi xuống thật gần để kéo mình ngoi lên”, lão hồi tưởng.

Họ cưới nhau rồi vào Nam đi kinh tế mới. Đó là chủ ý của bà, vì bà biết ông vẫn khao khát làm việc như một người bình thường. Được phân cho một khoảnh đất rộng để khai khẩn, ông vui vẻ hẳn lên. Dù có một tay rưỡi, ông làm việc hăng hái chẳng thua ai. Mỗi khi làm xong một thửa đất mới, lão hào hứng hỏi vợ: “Mình thích ăn quả gì để tôi trồng?”. Bà vẽ ra đủ loại cây trái miền Nam, có nhiều trái mới chỉ nghe tên mà chưa được ăn thử. Ông cất công đi khắp nơi tìm hạt giống về ươm trồng.

Một hôm, bà chỉ vào bụng mình và khoe với ông “hạt đậu nhỏ” đang cựa mình trong đó. Họ vỡ òa hạnh phúc, ngóng chờ từng ngày được trông thấy đứa con đầu tiên. Nhưng ngày nó sinh ra lại là ngày đau khổ nhất cuộc đời ông. Đó là đứa bé tay chân teo tóp, có cái đầu rất to và mềm nhũn. Lần đầu tiên nhìn thấy nó, ông loạng choạng đi ra khỏi phòng, cánh tay cụt dựa vào tường, miệng méo xệch, rồi hức lên rời rạc.

Vợ lão nằm trong phòng cũng khóc. Chẳng cần ai nói ra, nhìn hình hài của đứa trẻ cũng đủ hiểu đó là di chứng của những ngày lão đi qua vùng đất da cam trơ trọi rực lửa. “Ta cứ nuôi nó, nó vẫn sẽ lớn lên bình thường mà mình, mình ơi!”, bà ôm đứa nhỏ, cố an ủi chồng.

Trong lúc đau khổ nhất, bà vẫn tìm cách nâng đỡ ông. Nhưng đứa trẻ mất chỉ sau hai ngày chào đời, lúc nó mất, vợ chồng lão không thể rơi thêm giọt nước mắt nào. Họ lẳng lặng tiễn con đi trong đêm và rồi giữ nguyên bầu không khí ấy suốt khoảng thời gian dài. “Thời đó đau buồn thật, mà mình biết có bà ấy bên cạnh, nên không đến nỗi…”, ông bỏ lửng câu nói.

Không chịu nổi sự buồn chán nữa, một chiều, ông mang về cho vợ mình một con chó. Lão ôm con Xám về, ấp nó trong chiếc áo làm vườn cũ mèm. Nhìn thấy con chó, đôi mắt bà hấp háy: “Chó ở đâu ra đấy mình? Mặt cưng chưa này”. Lão không dám kể đó là con chó xấu nhất trong đàn năm con nhà ông Ba giữa xóm, chẳng ai nhận nuôi nên ông cho lão.

Con Xám khuấy động cuộc sống vốn quá bình lặng của đôi vợ chồng già. Mỗi sáng, nó chạy quanh cào cửa đánh thức chủ dậy rồi nhảy cỡn lên liếm tay lão. Nó dịu dàng gác nhẹ hai chân trước lên lưng bà mỗi khi bà ngồi xuống lúi húi làm việc.

Lần đầu tiên con Xám mang bầu, bà cũng hồi hộp chờ đợi sự chào đời của những con chó con. “Ôi mình ơi, bọn chó con đều bình thường cả này”, nghe câu nói vô tư của bà lão, tự dưng ông thương bà đến quặn thắt. Nỗi ám ảnh về những điều không lành lặn đã đeo bám quãng đời dài dằng dặc.

Vài năm sau, bà mất rất nhẹ nhàng trong một giấc ngủ, người ta bảo đó là trúng gió. Người lão khô đét đi vì đau đớn. Nhiều lần, ngồi trước mộ vợ, lão tự động viên, bà ra đi trước như vậy có khi lại may mắn, đàn bà yếu đuối ưu tiên được đi trước. Nếu bà là người ở lại sẽ phải xoay trở bao nhiêu mới đối mặt với nỗi cô độc và quạnh vắng này.

Không riêng ngôi nhà của lão, đến xóm cũng ngày càng quạnh vắng. Vì xóm nằm trên một cung đường thừa thãi, tức là xe cộ không cần tạt qua đây nếu muốn qua tỉnh thành khác. Xóm cứ lèo tèo chẳng có cơ hội gì để giàu lên nổi. Người ôm mộng “kinh tế mới” chán nản bỏ về cố hương.

Khu vườn của lão nằm tít nơi cuối xóm, phải đi qua một loạt những ngôi nhà đóng cửa bỏ hoang nên trông càng u buồn. Bởi vậy, lâu nay, lão hiếm có người lại nhà chuyện trò, cũng chẳng mấy khi đi chợ, cứ bòn mót, kiếm ăn quanh vườn. Dù thế lão chưa bao giờ có ý định bỏ đi, lão sẽ là người ở lại.

Quay về thành phố, vào phòng rửa ảnh, anh hồi hộp chờ đợi được nhìn thấy những tấm ảnh về ông lão nơi xóm nhỏ. Anh chợt sững người trước một bức cận cảnh đôi mắt ông - đôi mắt đang cười nhưng cố kìm giữ một giọt nước. Có lẽ, tấm ảnh được bấm máy vào khoảnh khắc lão đang kể nỗi lòng của người ở lại.

 (QNO)