Con chim xanh vẫn hót

01.06.2022
Nguyễn Thu Hằng
Không biết bằng cách nào mà mẹ Chung lần ra được đến đầu hồi, chỗ gốc cây lựu già quanh năm buông từng chùm quả như những chiếc chuông nhỏ.

Con chim xanh vẫn hót

 Tranh minh họa: Lê Thiết Cương

Mẹ ngồi đó, lưng dựa tường, mắt nhìn lên vòm mít. Căn nhà ngói bốn gian mẹ xây từ giữa những năm tám mươi, từng mảng tường bở ra dính lên áo mẹ. Lúc Chung mắt nhắm mắt mở bước ra cửa, nhìn thấy dáng mẹ ngồi ở đó, anh đã giật mình. Sau trận đột quỵ, mẹ anh bị liệt nặng.

Mắt mẹ vẫn nhìn lên vòm mít. Một con chim xanh đang đậu trên cành hót vang. Chung ngồi xuống bên mẹ: “Sao mẹ không gọi con?”. Bà cụ chỉ tay theo hướng chim xanh: “Con chim xanh gọi mẹ đấy!”. Tiếng con chim xanh vẫn véo von. Mẹ kể, những lần trở dạ sinh mấy đứa, lúc nào con chim xanh cũng bay về hót ở đầu nhà.

Ngoài ngõ, cậu Pha đang đẩy xe bò ra đồng. Bà cụ Nha, mẹ cậu Pha, đã gần tám mươi vẫn ngồi trên xe với thằng cháu đích tôn. Mắt mẹ Chung nhìn như đuổi theo: “Mẹ muốn ra đồng như bà Nha quá!”. Chung nắm tay mẹ: “Mẹ có ngồi xe được không?”. Mẹ anh gật đầu.

Con chim xanh đã bay sang tán lá xoài trước cổng. Chung vào chái bếp kéo xe bò cải tiến ra sân, quét, lau bụi bặm.

Ngoài cổng, tiếng xe đạp lạch cạch rẽ vào. Cô Mí đèo con Xim về chơi. Vừa ấn túi thức ăn vào tủ lạnh, Mí vừa nói xối xả: “Từ nay, em cho cháu về ở hẳn với mẹ, mặc kệ tay Bình ở nhà muốn múa máy thế nào thì tùy. Cho chừa cái thói cậy nhà!”.

Chung liếc ra chỗ mẹ, thấy mẹ vẫn đang vuốt mái tóc mỏng như tơ của con Xim, thì suỵt ra hiệu cho Mí: “Be bé cái mồm thôi, mẹ đang vui. Thế vợ chồng lại cãi nhau à?”.

“Cãi nhau còn nhỏ. Tay Bình cùn là giở cái giọng cậy nhà, đuổi em cút về nhà mà chăm mẹ đi. Em điên lắm. Lần này, em đi luôn, cho biết mặt. Có sang van vỉ nỉ non em cũng không thèm về như lần trước nữa!”.

“Vợ chồng phường chèo, ti toe cho sớm vào mà chán sớm”.

Mí xắn cái quần ống loe lên đầu gối, bĩu môi dài thượt: “Hồi ấy, trẻ con nứt mắt đã bập vào hắn, em biết gì. Giờ, đi làm thì chớ, về đến nhà là phải hầu hạ dạ vâng mẹ hắn. Sớm nay em còn mải dỗ cho con Xim ăn chưa kịp vào thay bỉm đổ bô cho bà ấy, hắn vào buồng thấy bốc mùi, quay ra chửi em, em tức, bỏ về đấy”.

“Cô cũng trẻ con vừa thôi. Các cụ già kiệt sức sắp đi rồi, chăm mẹ chồng cũng phải như chăm mẹ mình chứ. Thôi thì cứ ở nhà vài hôm cho nguôi ngoai đã, rồi tính”.

“Em chả thèm tính gì nữa đâu. Anh có là đàn bà đâu mà dám nói chăm mẹ chồng cũng như mẹ mình được”.

“Tôi cũng chăm mẹ đấy thôi”.

“Nhưng anh khác”.

“Thôi, không nói chuyện đó lúc này. Mẹ thích ngồi xe bò ra đồng xem gặt đấy”.

Mí trợn mắt: “Đưa mẹ ra đồng chơi? Mẹ đang ốm thế?”.

“Nay mẹ khỏe nhiều. Hồi mình còn bé, mẹ chở anh em mình ra đồng, giờ mình chở mẹ một chuyến cho mẹ vui”.

“Anh Ngơi biết thì chết. Anh ấy đã hứa bao giờ mẹ khỏe lên sẽ cho chuyến xe về đón mẹ lên thành phố, ra biển chơi hẳn hoi. Chứ ra đồng thì có gì”.

Tiếng con chim xanh vẫn hót choéc chuýt chít vang đầu cổng. “Mẹ thích ra đồng làng mình cơ”.

Rơm nếp còn mấy bó trên gác bếp được mang chèn quanh thành xe, chiếc chăn bông đơn từ hồi Chung còn sinh viên được trải trong thùng xe. Chung bế mẹ lên xe, Mí ngồi phía sau ôm lấy mẹ, con bé Xim ngồi sát chân bà.

“Thế liệu có nặng đầu không?”. Mí hỏi.

Chung cầm càng xe, nhấc lên, kéo thử, xe lăn bánh lộc cộc. “Thêm hai người nữa anh vẫn kéo được nhá!”.

Xe qua giếng làng. Cái giếng đất ngày xưa thả bèo ong, nước trong leo lẻo, dân làng sáng chiều nườm nượp ra gánh nước về ăn. Giếng giờ đã được kè đá, thả sen. Mẹ chỉ xuống bậc cầu ao, giọng khập khiễng theo vòng bánh xe. Vụ mùa ấy, ban ngày mẹ đi gặt, tối về đập lúa, đêm mới ra giếng gánh được mấy thùng nước về đổ vào coóng dùng dần. Đêm đó không trăng, bước xuống giếng chật chưỡng, mẹ ngã, mặt xây xát. Ông nội nhìn thấy thì mát mẻ, lần mò đêm hôm ra đó để đứa nào nó cào vào mặt. Đợi ông vào nhà, bà nội lựa lời, ông ấy vốn khó tính khó nết. Từ lúc bố thằng Ngơi mất, ông ấy buồn, càng đâm ra xét nét tợn.

Trên vai Chung, thừng bò chùng lại. Bố mất khi Mí mới được ba tháng, Chung vừa đi học lớp một còn anh Ngơi thì lên lớp bẩy. Mí là em út nên hay được chiều. Chung còn nhớ một lần, mẹ mua cho Mí chiếc áo mới, Mí đang thử, Chung bơm mực vẩy vào áo em. Mí lăn ra sân, giẫy sần sật như đỉa phải vôi. Chung sợ mẹ về đánh đòn, phải dỗ Mí nín bằng một cuốc xe bò kéo lên đồng Bùn chơi rồi lại kéo về.

Cây gạo đầu làng đang kỳ bánh tẻ. Trên cành, bầy chim chuyền lích rích. Bàn chân Chung chầm chậm. Ngày xưa, mẹ Chung còn trẻ, đẹp như bông hoa gạo tháng ba. Ông nội không biết đã để mắt tới cô Hiên từ bao giờ mà khi bố anh đặt vấn đề muốn ông nội đến hỏi cô Hiên về làm vợ, ông đã ưng ngay. Ngày ấy, làng một năm hai vụ vẫn còn đói rài đói rạc. Mùa đông, bố nhảy tàu lên miền núi mua dăm bao sắn khô về ăn độn trừ bữa. Hai đứa con ra đời. Khi mẹ có mang em Mí, bố tái ngũ, chẳng bao lâu sau thì xảy ra chiến tranh, bố đã không về với bốn mẹ con nữa. Những đêm tháng ba hoa gạo nở, mẹ thường hay kể chuyện về bố cho ba anh em nghe, mẹ kể cả chuyện bố hi sinh trong một trận đánh ở biên giới phía Bắc.

Xe lên đến đồng Bùn. Lúa chín vàng óng. Đã có vài nhà đang cắt lúa. Trên bờ, những chiếc xe cải tiến đang đợi chở lúa về. Bà Nha nhìn thấy mẹ con Chung lên đồng thì gọi to: “Bà Hiên nay đã lên thăm đồng được rồi đấy à?”. Mẹ Chung cười: “Vâng bà. Vụ này, bông lúa cứ như đuôi trâu ấy bà nhỉ?”. Bà cụ Nha bước theo rãnh luống, cầm miếng trầu mời mẹ Chung ăn. Mẹ đã bỏ trầu từ khi nằm liệt giường, vậy mà khi bà cụ Nha nhai giập miếng trầu giúp mẹ, mẹ lại nhai bỏm bẻm. Hai bà ôn chuyện về đồng ruộng, lúa má. Cái Xim nhìn lên rặng bạch đàn, reo to: “A! Con chim xanh cũng bay ra đồng kìa!”.

Chung dừng xe ngay cạnh thửa ruộng đang ngả màu vàng mơ. Mí đỡ mẹ ngồi thẳng hơn. Mắt mẹ rưng rưng: “Lúa nhà mình sắp được gặt rồi!”. Chung vâng nhẹ, rồi kéo xe cho thật sát vào những bông lúa chín đẫy đang cúi đầu. Tay phải của mẹ vươn ra khỏi thành xe, chạm vào một bông lúa. Mẹ run run nâng bông lúa lên. Những hạt thóc mẩy vàng đang cọ lên bàn tay nhỏ bé xương xẩu của mẹ.

Chung nhớ, ngày mẹ còn trẻ, chính ở mảnh ruộng này, có một người đàn ông đã gánh lúa hộ mẹ lên xe bò, nhưng anh Ngơi đi đập châu chấu về nhìn thấy đã giằng lấy quang gánh trên tay bác ấy: “Cháu lớn rồi, để cháu gánh cho mẹ cháu, bác về đi!”. Như con nghé vực non cho những đường cày ép, anh Ngơi gánh lúa, miệng thở hồng hộc. Lúa dài quệt đất, rụng lả tả dọc ruộng. Vừa lên đến đuôi xe thì anh đặt phịch quang gánh xuống, ngồi bệt ra cỏ, thở dốc. Chung và Mí không gánh được thì ôm lúa chạy lên bờ, cố không cho người đàn ông ấy nhúng tay vào việc gì. Về sau, không bao giờ Chung gặp lại người đàn ông đó trên đồng nữa.

Mắt mẹ nhìn miết theo màu vàng ngần ngật: “Con cũng phải lấy vợ đi!”. Nghe mẹ nói Chung nghĩ đến Gấm.

Khi Chung thôi lang thang trên thành phố và về ở hẳn với mẹ, anh nhận đấu thầu cái ao gần mẫu giáp bờ sông cạnh nhà. Sau một năm thả cá, thu hoạch chỉ vừa kịp hòa vốn thì bờ lở, sạt tứ tung. Cô Mí sốt ruột, gọi điện cho anh Ngơi nhờ giúp vì anh Ngơi là kỹ sư xây dựng. Không ngờ, hai anh em bị anh Ngơi mắng cho một mẻ tơi tả, mắng vì cái sự chậm tiến do lười học hành từ ngày xưa nên giờ hậu quả là đến cái bờ ao cũng không biết làm cho ra hồn.

Mí tự ái, tắt máy, quay sang xả lên đầu Chung: “Hồi ấy, anh em mình học dốt thật, nên nghỉ học để đi làm giúp mẹ. Thử hỏi cả ba cùng đi học như anh Ngơi thì liệu mẹ có nuôi được anh Ngơi học hết đại học không? Giờ, nhờ mỗi việc mà nhiếc mắng người khác tầy đầu tầy cổ, đã thế chả thèm!”.

“Tính anh ấy vậy thôi chứ không có gì”.

“Phải đợi thế nào nữa mới là có gì?”.

Chung đi ra ngoài ao không tranh luận với Mí nữa. Chính Chung đã phải bỏ về sau mấy năm nghe anh Ngơi ra bám phố sống.

Hồi đó đúng dịp sinh nhật cu Bon, anh Ngơi gọi điện bảo Chung xin nghỉ việc bốc vác ximăng ở cửa hàng, đến nhà anh dự tiệc. Anh Ngơi mời nhiều khách, trong đó có cậu bạn học cũ, giờ là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn mà anh Ngơi có ý định xin cho Chung vào chân bảo vệ. Khi lau dọn bàn để chuẩn bị bày tiệc, Chung đã vô tình làm đổ lọ hoa hồng nhung. Chiếc lọ men rạn vỡ nát, hoa giập cánh lả tả trong vũng nước. Mặt chị dâu cau lại bực bõ, mặt anh Ngơi thì như đổ chàm. Anh Ngơi hất mạnh cánh tay Chung đang lúng túng nhặt từng mảnh vỡ, một mảnh đâm vào vết nứt nẻ trên bàn tay, máu tứa ra. Cảm giác đau xót cứa vào da thịt, Chung cắn răng với lấy miếng giấy ăn.

Tiếng chị dâu thất thanh: “Khiếp, máu thế mà chú sờ vào khăn giấy, mất vệ sinh quá!”. Anh Ngơi nhìn soi mói vào hai bàn tay rồi nhìn xuống hai bàn chân Chung, tất cả đều cùn mòn, cáu cóc, nứt nẻ, toang hoác từng miếng to như vãng cày. Anh Ngơi đã nói một câu còn hơn cả lấy dao cứa thêm vào những vết nứt nẻ đó: “Ngày trước bảo học thì không chịu học, giờ thành kẻ làm thuê thấy khổ nhục chưa? Chân tay nứt toác khiếp thế này thì ai người ta nhận cơ chứ!”.

Có tiếng nứt trong tận cùng tâm can Chung. Ngay đêm đó, Chung xách balô bảo ra chỗ cửa hàng ximăng ngủ để mai làm sớm, nhưng thực ra là anh ra ga, nằm vạ vật đợi sáng sớm có chuyến tàu nhanh, anh mua vé về quê. Từ bữa đó, Chung chưa ra lại nhà anh Ngơi lần nào nữa.

Đợt đó, Chung đang vét bùn dưới ao thì anh Ngơi và vợ về chuẩn bị cho ngày mai giỗ bố. Anh Ngơi đội mũ ra bờ ao, đi đi lại lại, tính toán, đo đạc, bảo đóng cọc tre rồi xây gạch giật cấp từ dưới lên. Chung gọi thợ làm cả tuần. Công trình ngốn tới mười lăm triệu. Nhưng vài tháng sau, bờ ao vẫn cứ sạt từng đoạn. Đến cuối năm, Chung phải đánh cá sớm để gạn đáy tát ao tính làm lại.

Anh Ngơi về ra thăm ao, nhìn thấy sạt lở, mắng: “Chắc lại không làm theo đúng quy trình mới thế!”.

“Em làm như anh chỉ mà!”. Chung cãi yếu ớt. Muôn đời, cái sự ít học luôn làm cho người ta trở nên yếu đuối trước người có cái sự học cao lớn như bức tường thành. “Anh xem, giờ tính làm thế nào?”.

“Thì xây lại, chứ còn thế nào”.

Anh Ngơi đang bỏ máy điện thoại ra tính toán cái gì đó thì Gấm, con gái ông Chiến bên xóm Trại gánh cỏ cá đi qua. Nhìn thấy bờ sạt, gạch trôi, Gấm liền nói: “Ao gần sông lớn xây bờ kiểu này không ổn. Cứ phải đóng bao cát, xi, chèn từ dưới đáy chèn lên đã”.

Anh Ngơi nheo mày: “Cô học ở đâu cách đó?”.

Cô Gấm cười: “Kinh nghiệm nhà em đấy!”.

Chung đến nhà ông Chiến học hỏi kinh nghiệm rồi về làm theo. Đến giờ đã qua ba lần tát ao mà bờ vẫn vững chắc như khi mới làm. Cái kinh nghiệm ấy còn được anh Ngơi đem đi cải tạo cho một công trình làm thêm khác: “Mấy cái bao cát xi thế mà hay. Anh nhận sửa chữa lại công trình khu sinh thái, cái hồ câu cá cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Bàn đi tính lại, cuối cùng anh liều đem cái kinh nghiệm của cô Gấm kia vào, không ngờ thắng lợi mỹ mãn”. Rồi anh Ngơi hỏi: “Cô Gấm học đến lớp mấy?”. Khi Chung bảo cô Gấm học hết lớp chín thì anh Ngơi bĩu môi: “Trông mặt lanh lợi mà sự học cũng ngắn!”. Câu nói của anh Ngơi còn thêm khúc nữa nhưng Chung ra ao cắm máy bơm, nước phọt lên từng chùm như đài phun, Chung chỉ còn nghe tiếng máy bơm phành phạch nổ.

“Lâu nay, cái Gấm không thấy rẽ vào nhà mình chơi nhỉ?”. Mẹ anh buông bông lúa, mắt nhìn về hướng anh đợi chờ.

“Cô ấy đang bận gợt cá hương chuẩn bị cho vụ thả sắp tới”.

“Lấy vợ thì lấy liền tay nhé!”. Cô Mí giục theo.

Chung cười trừ.

Chung đến chơi nhà Gấm nhiều lần. Hai đứa nói chuyện khá hợp nhau. Chung đã muốn ngỏ lời cưới Gấm về làm vợ, nhưng mỗi khi Mí giận dỗi chồng vì phải chăm sóc mẹ chồng liệt giường, Chung lại đắn đo. Có khi nào vợ chồng Chung cũng cãi nhau trước mặt mẹ vì chuyện phải chăm sóc mẹ, sẽ khiến cho mẹ buồn không? Thời gian còn lại của mẹ với anh em Chung giờ mong manh quá. Cứ nghĩ đến đó Chung lại ngập ngừng, anh chưa thể ngỏ lời với Gấm được. Xem ra Gấm vẫn có ý chờ.

Con bé Xim chỉ lên phía đê, chỗ đó ngoài sông Cái, nước mùa này không còn sóng sánh mép đê nhưng cũng đủ làm xôn xao đám cỏ lau, cỏ bồ công anh đang dần ngả màu trắng như tơ trời. Chung rướn bước, kéo xe, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương. Xe trườn lên đê, gió sông đem theo hơi nước thoảng qua mát rượi. Không quay đầu lại nhưng Chung hình dung rõ khuôn mặt mẹ anh đang mỉm cười, những nếp nhăn trên mặt mẹ xô lại như những bông lúa chín xô vào nhau.

Trưa ấy về, mẹ vui như trẻ nhỏ. Vừa ăn cơm, mẹ vừa kể chuyện ngày xưa. Những câu chuyện ngày xưa của ba anh em mẹ vẫn nhớ như mới hôm qua. Mẹ kể cái bữa Chung xách đèn bão đi đập ngóe về nấu cho lợn bị ma rủi đi lạc đến tận cánh đồng xã bên, may gặp bác đi soi ếch mới được bác dẫn về. Chung chợt nhớ ra chính bác soi ếch ấy hôm sau gặp lại mẹ con anh trên đồng, bác đã ghé vai gánh hộ mẹ mấy gánh lúa thì bị anh Ngơi đòi quang gánh. Không biết mẹ còn nhớ chuyện ấy không.

Mẹ lại kể cái xe bò mà mẹ đổi bốn tạ thóc để lấy khúc gỗ nghiến về thuê thợ xẻ ra đóng thùng xe. Thùng xe gỗ nghiến nên đã mấy chục năm qua xe chẳng bị mối mọt gì. Những buổi sáng lên đồng gặt, mẹ cho ba anh em ngồi thùng xe để kéo lên đồng, xe cứ bon bon. Cả chuyện anh Ngơi tan học, mải đá bóng, cởi đôi dép nhựa mẹ mua cho vứt ở rệ cỏ không cầm về bị mất, mẹ phạt chân đất đi học để cho chừa. Anh Ngơi phải đi móc cua đem chợ bán tự mua dép cho mình.

Mẹ nhìn Chung: “Anh Ngơi chắc bận công tác, hai tháng nay chưa về nhà”. Chung nắn bóp đôi bàn tay khô gầy của mẹ. Giọng mẹ như tiếng thở dài: “Các anh các chị làm con mẹ cũng chịu khổ nhiều, mẹ thương lắm!”. Anh và cô Mí nghe, rơm rớm nước mắt.

Ngày hôm sau, chú Bình đến đón cô Mí về lúc mẹ đang ngồi bên hiên cùng con bé Xim nghe con chim xanh đến hót trên cành.

Hai hôm nữa thì mẹ đi.

Tiếng con chim xanh hót trên vòm mít đã đánh thức Chung tỉnh dậy. Từ giường mình, Chung nhìn sang phía giường mẹ định gọi mẹ dậy thì mẹ không trả lời. Mẹ đã chìm vào giấc ngủ thiên thu. Khuôn mặt hao gầy của mẹ thanh thản đến kỳ lạ.

Anh Ngơi về nhìn thấy mẹ nằm trên giường thì lao vào ôm lấy mẹ khóc gọi. Mọi người gỡ tay anh Ngơi ra, còn nhắc không được để nước mắt rơi lên người mẹ, linh hồn mẹ sẽ quyến luyến trần gian mà không siêu thoát được. Lúc con bé Xim mếu máo kể hôm trước được ngồi xe bò ra đồng chơi với bà, anh Ngơi đã mắng Chung và Mí. Anh Ngơi đổ lỗi tại hai người đưa mẹ ra đồng bằng xe bò làm cho mẹ bị cảm, mẹ mới đi nhanh như thế. Anh Ngơi đã định đánh ôtô về đón mẹ ra chơi thành phố, ra biển một chuyến cho mẹ dối già mà không kịp.

Anh Ngơi còn nói nhiều nữa, Chung không nghe thấy. Vì khi ấy, Chung chợt nhìn thấy con chim xanh bay về trên vòm mít.

(Trích từ tập Chuồng cọp trên cao - tác phẩm vào vòng chung khảo Văn học tuổi 20 lần 7; tuoitre.vn)