Đường về - Truyện ngắn Lê Ngọc Duy

04.07.2016

Trại sáng tác Văn học, Mỹ thuật thiếu nhi 2016 do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức từ ngày 14/6 đến ngày 30/6/2016, có 45 em tham gia gồm 23 em có năng khiếu văn, thơ và 22 em có năng khiếu hội họa với 63 truyện ngắn, tản văn, thơ và 89 bức tranh.
Ban Tổ chức đã chọn trao 02 giải Nhất, 02 giải Nhì và 06 giải Ba cho các sáng tác đạt chất lượng tốt.
Vannghedanang.org.vn giới thiệu truyện ngắn Đường về của Lê Ngọc Duy (Lớp 10/22, Trường THPT Phan Châu Trinh), đạt giải Nhất của Trại.

Đường về - Truyện ngắn Lê Ngọc Duy

Tôi không còn nhớ rõ, đã bao nhiêu năm tôi sống xa gia đình, chỉ nhớ rằng tôi đã đón nhiều cái Tết một mình, có điều năm nay tôi ba mươi, còn năm ngoái tôi hai chín. Tôi đã sống và hiện diện như một họa sĩ giữa đất Đà thành này lâu lắm rồi, kể từ khi thành phố một lần nữa chuyển mình, và từ con sông Hàn cắt ngang thành phố mọc lên hai cây cầu mới nữa. Căn hộ tôi đang ở là tầng trên cùng của một chung cư kiểu cũ đối diện dòng sông. Trên này vào mùa hè rất thú, ban ngày thì phòng tôi gần mặt trời nhất nên một lẽ cố nhiên là tôi sẽ vẽ tranh trong tình trạng mồ hôi nhễ nhại, cảm giác như hơi nước ngưng tụ trên da tôi và đặc quánh lại như dầu ăn bám trên một xiên thịt vừa vớt ra khỏi chảo. Nhưng đêm đến, không khí trên cao không bão hòa bởi khói xe, bụi đường. Trong vắt và mát lạnh. Và từ đây, tôi có thể bao quát cả thành phố. Tôi thích bỏ ra hàng giờ liền nhìn ngắm Đà Nẵng, quan sát những dòng xe nối đuôi nhau. Những dải ánh sáng di chuyển trên mặt đường xám đen luôn cho tôi những ý niệm về sự tuần hoàn của thời gian và không gian. Nếu mỗi đốm sáng là một sự kiện, thì đến một lúc nào đó sự kiện ấy sẽ được đưa vào quỹ đạo một lần nữa, ngay lúc người ta không ngờ tới.

Những cây cầu nối hai nhánh sông vẫn luôn là nguồn cảm hứng để tôi sáng tác. Trong những năm qua, tôi gần như đã vẽ hết tất cả cây cầu ở nơi này. Ở mỗi góc nhìn, cây cầu lại trông khác đi. Tôi luyện tập vẽ những cây cầu như cách mà Leonardo da Vinci từng vẽ trứng, hàng trăm và hàng ngàn quả trứng như vậy trước khi ông trở thành một tượng đài hội họa của nhân loại. Tôi chỉ vẽ những cây cầu, không người, với những gam màu tái hiện lại những thanh sắt bạc, những nhịp cầu xám trắng, những trụ bê tông màu ghi vươn lên từ mặt nước. Tôi có đăng bán chúng trên các diễn đàn nghệ thuật nhưng không nhiều người mua. Tôi cũng mang chúng đến hội đồng nghệ thuật thành phố và nhận lời từ chối từ những họa sĩ lão làng. Câu trả lời luôn là bức tranh tôi vẽ thiếu một cái gì đó, thỉnh thoảng họ dùng từ “linh hồn” và thỉnh thoảng là “tình yêu”. Đôi khi tôi cũng lờ mờ nhìn thấy như vậy, nhưng tôi không tìm ra phương cách nào để bù khuyết. Có lẽ tôi mãi không thể nói chung tiếng nói với nghệ thuật. Hoặc ít nhất, đó là cách người ta nghĩ về nghệ thuật của tôi.

Tối nay trời mưa tầm tã, tôi về nhà trong tình trạng ướt sũng, và tâm trạng cũng ướt sũng như thế. Các lão già cổ hủ ở hội đồng nghệ thuật thành phố lại từ chối những bức tôi vừa vẽ. Tủ lạnh hết rượu, tôi tìm một điếu thuốc để làm ấm người thì nhận ra điếu cuối cùng đã được đốt lúc sáng, đang nằm lọt thỏm trong cái bát xỉn màu cùng nhiều tàn thuốc khác. Ngay khi tôi định buông câu rủa thầm thì chuông điện thoại vang lên. Một người đàn bà trung niên có giọng nói ồm ồm réo vào màng nhĩ tôi:

- Anh có phải Trần Kiên con trai ông Trần Ngạn không?

- Tôi đây. Chị là ai?

- Tôi gọi đến từ viện dưỡng lão mà bố anh đang ở. Chúng tôi e rằng không thể giữ ông lại đây nữa vì ông liên tục yêu cầu được về nhà. Chúng tôi đã từ chối với lý do ông không có người thân thích ở đây. Có thể vì vậy mà ông đưa ra nhiều yêu cầu khác mà chúng tôi khó đáp ứng được.

- Khoan đã. Viện dưỡng lão… vậy còn mẹ tôi đâu? – vừa nghe câu hỏi của tôi, đầu dây bên kia vang lên một tiếng thở dài, nhưng là kiểu thở dài vì ngán ngẩm. Bà ta tiếp:

- Mẹ anh đã mất cách đây hai tháng vì đột quỵ. Anh trai anh từ chối chăm sóc ông Ngạn và chúng tôi không liên lạc được với anh nên đành đưa ông vào viện dưỡng lão. Nhưng tình hình của ông ngày một xấu đi. Ông trở nên thiếu minh mẫn và xuất hiện những bất ổn về thần kinh, hai tuần trước ông bảo mình không thể đi lại được nữa và ngồi xe lăn cho đến giờ. Ông đã tuyệt thực hai ngày và chúng tôi không thể khiến ông ăn uống trở lại. Chúng tôi đã liên lạc với Trần Cảnh anh trai anh và anh ấy cho tôi số của anh. Các anh hãy sắp xếp cho ông trở về nhà. Chào anh.

Người đàn bà gập máy mà không để tôi kịp nói gì thêm. Tôi không biết có phải mình vừa tưởng tượng ra cuộc điện thoại vừa rồi như những suy tưởng thông thường của tôi để tạo cảm hứng vẽ tranh hay không. Tuồng như một buổi sáng tôi thức dậy, bỗng nhiên mẹ tôi biến thành tro, bố tôi vừa hóa què vừa hóa điên. Tôi có lẽ còn phải nhận trách nhiệm chăm sóc ông ta và tự chôn vùi sự nghiệp của mình trong việc nấu ăn và thay tã. Tôi tìm số anh tôi để hỏi về tất cả chuyện này. Vừa bấm số, tôi đã thấy anh ấy gọi đến.

- Chào em trai, dạo này khỏe chứ? – Anh ta nói bằng một giọng trìu mến đến kỳ quặc.

- Người ở viện dưỡng lão đã gọi cho em rồi. Anh vào thẳng vấn đề đi.

- À… thật ra thì thế này…

Quả nhiên, chẳng có gì thay đổi so với trước đây khi anh em tôi còn ở chung nhà. Anh tôi lúc nào cũng xấu tính và ích kỷ. Anh có gia đình và vợ con phải lo, anh có công việc và những mối quan hệ phải giải quyết, anh có vấn đề tài chính đang phải xoay sở,… và hàng chục lý do khác mà có thể anh đã liệt kê ra giấy để đọc vanh vách trong điện thoại nhằm chối bỏ trách nhiệm với ba. Tôi lại càng không có lý do cho riêng mình, nên hẳn nhiên, tôi sẽ phải trở về nhà sau rất nhiều năm, về nơi mà tôi đã suýt quên mất sự hiện diện của nó.

Sáng hôm sau, khi vừa bước chân ra cửa, tôi đã kịp nhìn lại “cái kén” nuôi dưỡng nghệ thuật của mình. Màu vẽ, giá vẽ, khuôn và những thứ đồ giúp tôi có cảm hứng được đặt rải rác trong cả ba phòng, thỉnh thoảng tôi làm màu đổ lên thảm và rèm cửa vì quên đậy nắp, lấm lem cả quần áo, nhưng vẫn xoay sở được. Thỉnh thoảng tôi pha màu vẽ vào rượu và nếm thử, xanh cho biển thẳm, xám cho mặt sông và đen cho mắt đêm. Hôm nay, tôi lại tiếc rẻ chúng. Nghệ thuật của tôi là một thứ nghệ thuật đánh đổi, đòi hỏi tôi phải cách ly với những lo lắng tầm thường vụn vặt, phải cách ly gia đình và những mối quan hệ - những thứ tưởng bình thường mà như một thứ hơi độc có thể làm trì trệ và tha hóa nghệ thuật thuần khiết của tôi. Tôi đã từng nghĩ như thế khi quyết định dọn ra khỏi nhà nhiều năm về trước. Nghĩ đến việc cuộc sống trong tương lai sẽ bị xáo trộn và tôi phải từ bỏ những đam mê sở thích thường ngày để sống cho gia đình, nói đúng ra chỉ còn mình ba tôi, làm cổ họng tôi tắc nghẹn. Tôi sắp phải chôn vùi nghệ thuật của mình trong căn nhà mà tôi những tưởng mình sẽ ra khỏi nó mãi mãi hay sao?

Anh tôi rất hăng hái được chở tôi về nhà, nhưng sau khi xong trách nhiệm, anh giao lại cho tôi chiếc chìa khóa, lấy cớ có cuộc hẹn và biến mất khỏi đó. Tôi bước vào ngôi nhà mà tôi đã bỏ đi thật lâu rồi nhìn quanh một lượt. Vị trí đồ đạc trong nhà vẫn không thay đổi, duy chỉ một điều mà tôi có thể cảm nhận được, là mùi vị vấn vương, tang tóc và cũ kĩ mà có lẽ từ ngày mẹ ra đi, mùi hương ấy cứ tràn ngập khắp nhà.

Tôi tìm mãi mà chẳng thấy ba đâu, những gì ở trước mắt tôi chỉ là một căn nhà trống hoác. Tôi đặt vali xuống và đi qua từng phòng để tìm ông. Đến gian nhà bếp, tôi có để ý thấy một bình hoa được đặt ở giữa bàn ăn. Đó là bình hoa bằng gốm của mẹ, và những bông hoa héo rũ có lẽ đã được hái trong vườn.

Cánh cửa dẫn ra khu vườn mở hé, tôi thấy ba đang ngồi nhìn ra vườn. Bây giờ trời đã sẩm tối, khu vườn được giăng mắc bởi một lớp sương mờ ảo, hoang dại. Nhiều khi, tôi không rõ tại sao ba tôi vẫn thích ra đó chỉ để ngồi bất động, dù cho quang cảnh của khu vườn trông ma mị đến thế nào. Có vẻ như tình trạng sức khỏe của ông cũng không khác với mô tả của người đàn bà ở viện dưỡng lão là mấy. Mọi thứ ngột ngạt trong căn nhà này cùng với ý nghĩ phải sống chung với một ông già ngồi xe lăn khiến tôi tin rằng, đây sẽ là nấm mồ cho nghệ thuật của mình. Tôi buông một tiếng thở dài ngao ngán, rồi đi chuẩn bị bữa tối.

Tôi không rõ ông cụ thích ăn gì. Đã quá lâu để tôi có thể nhớ và cũng từ rất lâu rồi, tôi không nấu những bữa ăn đầy đủ như vậy. Thấy ba vẫn ngồi sau mái hiên nhìn ra khu vườn, tôi bèn đẩy ông vào bếp, tôi có thì thào vào tai nhưng dường như ông không nghe thấy. Bên bàn ăn, ông già dõi đôi mắt mờ đục lướt qua những thứ trên bàn: một tô cơm, một đĩa cá kho, một đĩa rau luộc, một bát nước rau, hai cái chén và một đôi đũa. Ông cứ nhìn hết một lượt rồi một lượt nữa. Bỗng nhiên, ông chậm chạp trờ tay lên bánh xe lăn, đẩy xe vòng ra sau lưng tôi, hướng đi vào bếp. Tôi nghe tiếng lua khua vang lên, rồi thấy ông trở ra với một cái chén và một đôi đũa nữa. Tôi không hiểu ông đang làm gì, hình như ông cũng không để ý đến sự ngạc nhiên của tôi. Chầm chậm và run run, ba đặt cái chén và đôi đũa lên bàn, với tay xới cơm vào cái chén ấy, gắp vào đó một con cá kho, rồi trở lại với bữa ăn của mình. Tôi chưa khỏi ngạc nhiên vì điều ấy, thì ông đã quay mặt về phía cái ghế không người và bắt đầu nói chuyện. Giọng ông bỗng trở nên vui tươi, hình như ông đang nói với một phụ nữ nào đó về khu vườn ở sân sau, nhưng là khi vẫn còn được mẹ tôi chăm sóc.

Ba tôi ngày nào cũng đẩy xe ra ngồi ở khu vườn ấy, chỉ trừ những hôm trở trời, căn bệnh thấp khớp đến hành hạ đôi chân ông khiến ông chỉ có thể nằm vật vờ trên giường mà không nhấc người lên được. Lẽ ra tay ông đang vuốt dọc những đường vân mà bình thường ông khó có thể nhìn rõ trên chiếc tràng kỷ bằng gỗ xoan đào, thì vào những lúc như thế, lại phải đặt trên công tắc cấp cứu ở đầu giường, mà có thể vang lên bất cứ lúc nào vào một ngày trái gió.

Mấy hôm nay tôi đang vật lộn với đống màu vẽ và những ý tưởng rối ren trong đầu. Dường như những cảm hứng mọi khi không còn hiện hữu trong những gam màu xám, trắng và đen – những màu sắc vẫn luôn là chất xúc tác cho hội họa của tôi. Tôi mơ hồ nhận ra một ý niệm vô hình đã vẩy những nét cọ mà chính tôi không tiên liệu được. Đang đi những nét đầu tiên của bức tranh thì tôi nghe có tiếng gõ cửa. Ba tôi, với cái nhìn ánh lên một sự cương quyết lạ thường, nói với tôi một câu cũng lạ thường như thế, và là câu nói đầu tiên sau ngần ấy thời gian tôi gặp lại ông:

- Mua cho ba một cây gậy chống.

- Gậy chống? Nhưng để làm gì hả ba?

- Đừng hỏi nhiều. Mua nó. Và đặt trong phòng ba.

Đoạn, ông bỏ về phòng, để lại tôi cứ ngẩn người một lúc lâu vì không hiểu nổi tính khí kì quặc của ông. Tôi bắt đầu lo sợ tình trạng của ông đang xấu đi và ông không ý thức được hành động của mình. Dù vậy, hôm sau tôi cũng mua một cây gậy chống ba chân bằng inox và đặt nó cạnh giường ông khi ông đang nghỉ trưa. Dưới ánh sáng vàng nhạt từ đèn ngủ, khuôn mặt ông tự nhiên ấm áp lạ, đôi mắt mờ đục luôn mở ra nặng nhọc ấy đã từng rất tinh anh, từng ánh lên hạnh phúc trước những thành công bé mọn của tôi trong những ngày thơ ấu rất xa xôi mà tôi còn nhớ được. Vẻ ấm áp ấy hẳn sẽ rạng rỡ hơn nữa nếu mẹ tôi vẫn còn ở đây. Giật mình không biết mình đã đứng như vậy được bao lâu, tôi tắt đèn và lặng lẽ ra khỏi phòng.

Tối hôm đó, như thường lệ, tôi dọn ra mâm cơm thì có cảm giác trên bàn ăn thiếu vắng một thứ gì đó. Là một bộ chén đũa nữa mà thường ngày ba tôi vẫn tự tay đi lấy. Đằng nào thì ông cũng tự mình làm việc đó như một thói quen, tôi nghĩ, nên tôi lấy thêm một cái chén và một đôi đũa, đặt đúng vào chỗ ngồi của “người phụ nữ thứ ba”. Đoạn, tôi bắt gặp ánh mắt ông nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên. Ông không nói gì cả, nhưng vô thức, tôi cảm thấy bữa ăn hôm nay gần gũi hơn mọi ngày.

Gần đây tôi có khá nhiều cảm hứng vẽ một bức tranh đêm. Ban đầu, tôi định lấy ra mấy lọ màu tôi vẫn hay dùng để vẽ nền. Nhưng khi nhìn kĩ lại tôi mới biết trong khuôn màu ấy còn có cả màu vàng, một ít màu xanh và những giọt màu vàng cam rực rỡ khác. Tôi bắt đầu vẽ một hàng sưa đương mùa nở rộ, soi mình dưới mặt sông lấp loáng ánh trăng. Tôi lấy màu vàng kem vẽ mặt trăng đang tỏa ra thứ ánh sáng dịu dàng ôm lấy bao la vũ trụ và quyện vào những bông hoa sưa trắng ngà đang khẽ rung rinh. Tôi vẽ một con sông trăng lấp lánh như dát đầy những chuỗi pha lê lững lờ trên mặt nước. Tôi lại vẽ một cô gái đứng bên bờ, gió khẽ lay động tóc cô và ánh trăng làm mái tóc đen tuyền huyền hoặc ấy sáng lên óng ánh. Tôi còn chấm vào đó những hạt nước trắng ngọc nép mình trong kẽ lá và trĩu nặng trên đầu ngọn cỏ xanh thẫm. Lùi vài bước và ngắm lại bức tranh của mình, tôi đã vẽ những thứ tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ họa hình, những thứ tôi chưa từng có ý định cho nó một hình dáng tràn đầy như thế trên khung canvas còn thơm mùi hồ áo. Và ấy cũng là lần đầu tiên trong ba mươi năm qua, tôi muốn đi vào bức tranh của chính mình.

Chiều nay là một chiều tháng tư ấm áp và đầy nắng. Tôi tranh thủ dọn dẹp những đồ lỉnh kỉnh trong bếp. Những vật dụng đều bám bụi thời gian bởi thiếu vắng bàn tay người. Lớp bụi được phủi ra liền bay vào không khí, qua một vệt nắng từ khe cửa khép hờ nhìn ra vườn, những hạt bụi đang chuyển động hỗn độn như thể muốn đón nhận nhiều ánh nắng nhất có thể, chúng lấp lánh trong nắng. Tôi dõi theo, vệt nắng dẫn tôi đến cánh cửa. Mở cửa ra, tôi bị choáng ngợp bởi quang cảnh trước mắt mình. Nắng chiều nay như một thứ mật ngọt quyện lấy tất cả: những cây cỏ khô héo, những dây leo vươn dài và cả những bụi cỏ dại rậm rạp. Nếu khu vườn là những hoang dại và điêu tàn, cớ sao nắng lại ưu ái dành trọn mật ngọt của mình cho nó. Nắng như lớp đường keo đặc quánh phủ lên đầu cỏ, lên hàng râm bụt và cả những cuống hoa thẳng cao nhưng đã khô lại từ lâu. Hẳn chúng đã từng rất đẹp trước khi bị rút cạn nhựa sống. Những bông hoa đó, tôi biết chúng, dù chúng khô rũ và quắt lại thì tôi vẫn nhận ra chúng, hay một phần ký ức của tôi luôn ở đó và quen thuộc với chúng, đó là những bông hoa mẫu đơn vào mùa nở rộ, cũng vào thời điểm này trong năm, vào một ngày nắng đẹp như vậy, mẹ tôi sẽ ra vườn cắt những đóa mẫu đơn. Bà sẽ đứng tại chỗ kia, nơi đó, ôm lấy những đóa hoa muôn hồng ngàn tía như những vầng mây, cũng mềm và xốp như mây, nhưng mang hương thanh khiết của sen, bà sẽ nhìn tôi và nở một nụ cười dịu dàng, như đóa mẫu đơn nhuần nhã vươn những cánh hoa mềm đón ánh mặt trời. Khu vườn lúc ấy đẹp như tranh vẽ. Tôi chợt nhận ra, trong bức tranh ấy còn có ba tôi, ông ngồi đó, trên chiếc tràng kỷ bằng gỗ xoan đào, ánh nắng vươn tới và ánh lên mái tóc ông những sợi bạch kim trong như cước. Tuồng như trong đời tôi chưa từng gặp bức tranh tuyệt đẹp như thế. Mình phải vẽ lại nó trước khi mình quên mất, tôi nghĩ, và mang những giấy những màu, vẽ những nét đầu tiên bức tranh người đàn ông mở rộng lòng mình đón nhận muôn hương ngàn sắc ấy, và cả nụ cười của mẹ tôi, nụ cười đẹp hơn nắng mai đã luôn được giữ lại trong tôi như một mạch ngầm ký ức. Đây là lần đầu tiên tôi muốn vẽ lại những thứ từng hiện hữu, từng là đẹp đẽ nhất, quan trọng nhất của ba, dù đó chỉ là những kí ức về một quãng đời đã qua mà ba luôn muốn níu giữ…

Ba vẫn giữ khoảng cách với tôi, hoặc ít nhất là tôi cảm thấy thế. Giữa hai con người tuy chẳng có gì ngăn trở mà tưởng như dựng nên lũy nên thành. Trong bữa ăn, tôi lắng nghe tất cả những câu chuyện mà ba nói với mẹ - “người phụ nữ thứ ba”, có lúc tôi đã muốn reo lên khe khẽ vì một mảnh ký ức trôi dạt trong những năm tháng phiêu bạt nay hiển hiện trước mắt tôi, như tôi đang chạm tay vào thơ ấu của chính mình. Tôi những muốn tham gia vào câu chuyện ấy, những muốn nói với ba rằng tôi đã nhớ ra những điều ba vừa kể, tôi cũng đã từng sống trong những câu chuyện đó. Nhưng rồi tôi chẳng thể thốt nên lời. Âm thanh vui tươi kia vừa dâng đến cuống họng đã rơi vào im lặng miên trường. Tôi nhận ra, đã quá lâu để tôi có thể bắt đầu một câu chuyện giữa chúng tôi bằng cách ấy nữa.

 

* * *

 

Ban tổ chức của một cuộc thi vẽ tranh với quy mô toàn quốc gọi cho tôi để xác nhận lời đồng ý tham dự. Tôi chỉ tình cờ tìm thấy cuộc thi này trên mạng vài tháng trước, theo lời rủ rê của một đàn anh trong nghề, tôi điền vội vào tờ đơn đăng ký và gửi ngay cho họ.

 Đúng một tuần rưỡi, tôi hoàn thành xong tác phẩm của mình. Lần này tôi vẽ lâu hơn so với thường lệ, chẳng phải vì tôi quá chú trọng vào tiểu tiết của bức tranh, lúc nào tôi chẳng chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình, mà đó là lần đầu tiên tôi gặp khó khăn trong việc thể hiện phong cách từ trước đến giờ.

 Sau khi đóng gói tranh để gửi đi, tôi đặt nó ở góc phòng, bên cạnh là bức tranh mà tôi đã vẽ ba mấy ngày trước. Nhìn thấy nó, tôi bất giác khựng lại. Nó chỉ đơn thuần là cảm hứng nhất thời của tôi, là sự ấn tượng về những hoài tưởng quá tươi sáng của một ông già bệnh tật đang ở bên kia vực dốc cuộc đời. Những đường nét, màu sắc trong bức tranh ấy không phải là hội họa mà tôi muốn theo đuổi, tôi chỉ vẽ nó như một người họa sĩ bắt được cái đẹp trong thoáng chốc, nó là ba chứ không phải là tôi.

Ban tổ chức gọi cho tôi thêm lần nữa. Lần này, họ đem đến cho tôi một tin vui mà tôi nghĩ, đó sẽ là thành quả mỹ mãn cho những cống hiến nghệ thuật của tôi cho hội họa và những nỗ lực đấu tranh cho con đường này. Giải Nhất. Tôi mừng đến mức reo lên trong điện thoại, tôi muốn kể điều này với tất cả mọi người xung quanh mình, còn chuyện người ta có quen tôi hay không cũng chẳng còn quan trọng nữa. Vì cuối cùng, nghệ thuật của tôi đã được công nhận, tài năng thật sự của tôi đã bị chôn vùi bởi những cặp mắt tầm thường quá lâu rồi.

Phòng triển lãm đông người, những cái đầu gật gù đang thưởng thức hội họa, đèn điện trên trần hắt ra sáng trưng, căn phòng càng trải rộng và sâu trước mắt tôi. Tôi băng qua những hàng tranh ở hai bên, háo hức tìm ra vị trí trưng bày tác phẩm của mình. Đi đến cuối phòng triển lãm, tôi thấy một gian phòng nhỏ tách biệt với không gian xung quanh, có rất nhiều người đứng lại chỗ đó. Tôi nghe tiếng người ta bàn tán về bức tranh đạt giải cao nhất, họ dùng những từ “rực rỡ” và “kỳ diệu”. Tôi bắt đầu lấy làm ngạc nhiên, bức tranh mà tôi muốn vẽ đâu có giống như vậy. Chỉ khi vào trong gian phòng kia, tôi mới biết tác phẩm mà mình dự thi lại chính là bức tranh tôi vẽ ba đang ngồi nhìn ra vườn.

Sự nhầm lẫn đó là một phép màu mà tạo hóa đã ban cho nghệ thuật của tôi. Những mảng sơn dầu như hấp thụ mọi nguồn sáng trong phòng, bức tranh trở nên sống động tựa hồ tôi có thể bước vào khu vườn ấy. Mỗi một gam màu được vẽ nên lại dắt tôi đi qua một sợi dây ký ức. Thảm cỏ xanh vươn dài ôm lấy những khóm mẫu đơn cũng giống thảm cỏ ở công viên ngày nhỏ ba hay lén mẹ dắt tôi đến. Ba đã mủi lòng trước lời năn nỉ của tôi và cho phép tôi chơi đùa trên dốc cỏ thoai thoải. Trong mắt một đứa trẻ thành phố, những dốc cỏ kia không khác gì những dải đồi mật phập phồng trải dài tít tắp. Cậu bé lên sáu ngày ấy đã cuộn mình như một con sâu tinh nghịch và lăn trên đám cỏ xanh mơn mởn, run lên thích thú vì những ngọn cỏ lướt trên da mặt. Rồi những bông mẫu đơn đang uống đầy mật nắng, chúng mềm xốp như những đám mây mà ba và tôi cùng ngắm. Ba cầm tay tôi, chỉ vào những đám mây nhẹ tênh lững lờ trôi ngang trời và vẽ cho chúng hình thù mới: những con voi, những con nhím hay một quả lê khổng lồ trắng xốp. Tôi nhớ mình đã thì thào vào tai ba, rằng mai sau lớn lên con sẽ làm một họa sĩ, vẽ những đám mây trắng kia và cất chúng trong túi để luôn có thể mang cả bầu trời theo bên mình. Cây điệp vàng ở góc sân đang trổ những chùm hoa vàng hươm như mùa hạ vừa gõ cửa làm tôi nhớ những ngày tôi học cấp hai. Đó là cái cây mà ba con tôi cùng trồng để lấp đầy thêm một chút mảnh vườn của mẹ. Những chiều đi học về, ba thường mua cho tôi một cây kem mát lạnh và chúng tôi cùng bách bộ qua những con đường xanh ngắt, dưới chân là thảm vàng hoa điệp. Những cánh hoa nhỏ rơi trên tóc tôi, ba cúi gỡ chúng, không biết mùa hạ vừa khẽ rơi trên tóc, trên vai mình. Cũng trong bức tranh ấy, nắng xuyên qua kẽ lá, in lên khoảng sân gạch đỏ những bông nắng xanh trong như ngọc. Ba tôi ngồi đó, nhưng tư thế không còn bất động bởi tâm thế sẽ bước đến và hòa vào sắc nắng. Nắng nhoài người về phía ba. Nắng chảy trên vai ông như cách nắng đã chảy trên lưng chúng tôi những ngày thơ ấu ông cùng tôi bước đi trên cát, trước những con sóng bạc đầu và trước bầu trời xanh cao vun vút. Lúc ấy tôi đã tinh nghịch bắt chước bài thơ “Những cánh buồm” của nhà thơ Hoàng Trung Thông và nói với ba:

- Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé, để con đi! – Nghe tôi nói, ba thoáng ngạc nhiên rồi mỉm cười rạng rỡ, đối lại tôi bằng bốn câu cuối của bài thơ.

- Lời của con hay tiếng sóng thầm thì. Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm. Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận. Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Tôi suýt thốt lên “Ước gì” khi gặp lại những ký ức ấy. Như thể lồng ngực tôi đang nở rộng để đón nhận cảm giác hạnh phúc mơn man khó tả dâng đầy trong lòng. Thì ra, tình yêu luôn hiện hữu trong nghệ thuật, bằng cách này hay cách khác. Trên đường về, tôi nảy ra ý định mua một bó mẫu đơn, hẳn ba sẽ vui lắm khi lại được nhìn thấy chúng.

Tất cả tâm hồn tôi nảy nở một cảm giác nôn nao suốt đoạn đường về nhà, tôi đã bước nhanh hơn thường ngày, tôi mong được về nhà, cắm bó hoa ấy vào cái lọ cao cao bằng gốm men xanh ngọc của mẹ trên bàn ăn và được nhìn thấy nụ cười của ba. Nhưng tất cả những niềm hạnh phúc ấy tắt lịm khi tôi vừa bước đến cửa nhà. Cánh cửa chỉ khép hờ chứ không đóng. Ở kia còn trơ trọi cái xe lăn. Gió thổi những xác lá bên vệ đường vấn vít vào hai bánh xe nghe xào xạc và vỡ vụn khi tôi bước đến càng làm tâm trí tôi họa hình một cảnh tượng khả dĩ kinh hoàng.

Như một kẻ điên, tôi chạy xộc vào nhà, tìm kiếm tất cả các phòng, cả khu vườn sau nhà. Nhưng đều không có ba. Tôi rối rít hỏi chính mình liệu ba đang ở đâu và tự mình cay đắng vì không trả lời được. Trong lúc quẫn trí nhất, tôi sực nhớ những người ở viện dưỡng lão đã cài đặt một chế độ theo dõi bằng GPS vào điện thoại của ba, dù tôi chưa từng sử dụng cách ấy nhưng ngay lúc này, đó là tia hi vọng duy nhất.

Kia rồi, tôi reo lên, ba đang ở góc phố cách đây ba dãy nhà. Nhưng câu hỏi này vừa đi, câu hỏi kia lại dồn dập đến. Tôi bàng hoàng nhận ra chiếc xe lăn vẫn còn ngoài cửa, vậy ba có thể đi bằng phương cách nào. Tôi tức tốc chạy theo dấu chấm đỏ đang nhấp nháy trên bản đồ điện thoại. Mỗi lần băng qua một ngã tư là mỗi lần tôi thấy hồi hộp hơn, mỗi lần sượt qua một chiếc xe đang lao đi vun vút là mỗi lần trái tim tôi nín thở. Nếu không phải ai đó bắt ba đi thì ba cũng sẽ ngã gục bởi quá nhiều hiểm nguy trong lòng phố, dù có một điều kỳ diệu trên đôi chân mình. Ba đã ở kia, cách tôi chỉ vài chục mét, ba bước những bước chậm chạp nhưng chắc chắn, tay đang chống trên… chiếc gậy tôi đã mua. Ba làm tôi bất ngờ quá! Đôi chân ấy không hề ốm yếu như tôi nghĩ, vì một lẽ nào đó mà ba đã giấu chúng tôi về chuyện này.

Tôi quyết định không đến hỏi ba mà tiếp tục đi theo ông với một khoảng cách vừa đủ để kịp chạy đến khi cần. Ba cứ thế đi qua những con đường, những góc phố, và khi ba dừng lại trước nghĩa trang thành phố, tôi chợt hiểu ra mọi chuyện. Ba đến bên mộ mẹ, chống tay lên gậy và run run ngồi xuống. Họ đã nói chuyện rất lâu, câu chuyện vẫn thế, vẫn là về khu vườn tươi đẹp với cây điệp vàng góc sân, những hàng dây leo xanh ngắt, những đám cỏ non lún phún phủ xanh mặt đất và những bụi mẫu đơn mềm như xốp, thơm hơn sen. Tôi nhận ra, đến cuối cùng, không gì có thể chia cách họ, ngay cả cái chết, ngay cả những khoảng cách mà người ta cho là vĩnh hằng. Ba đã giấu chúng tôi, đã lừa những người ở viện dưỡng lão để được trở về ngôi nhà của mình, về với khu vườn ngập nắng tháng tư và tràn sức sống, dù chỉ là trong hoài niệm. Đó là một thứ tình yêu mà những người trẻ như tôi không bao giờ hiểu được.

Lúc ra về, ba đã rút một cành mẫu đơn giấu trong ngực áo khoác và đặt nó lên mộ mẹ, mỉm cười:

- Đến cuối cùng, tôi cũng có thể tự tay tặng hoa cho bà rồi.

Tiếng gậy gõ lên mặt đá vỉa hè vang lên lanh lảnh. Ba bước đi chậm rãi như cách ông nói chuyện với bà. Ba đâu cần phải vội nữa.

Ba đã bước vào nhà, có lẽ ông không biết rằng tôi đã về và đã tìm kiếm ông. Ông cất cây gậy chống vào chỗ cũ, đẩy chiếc xe lăn vào nhà và ngồi vào đó như thể buổi chiều nay chưa từng xảy ra chuyện gì.

Bánh xe lăn ra khu vườn, ba ngồi cạnh chiếc tràng kỷ và vuốt dọc những vân gỗ xoan đào của nó.

Tôi bước đến ngồi cạnh ông, không quên đặt giữa chúng tôi bó mẫu đơn lúc nãy tôi đã để quên trong phòng bếp.

 
Aubade

 L.N.D