Sân khấu với đề tài hiện đại: Nghệ thuật sân khấu đang đứng bên lề cuộc sống

05.09.2022
Minh Nguyệt
Đề tài hiện đại trong nghệ thuật sân khấu luôn được sự quan tâm của các nhà quản lý nghệ thuật, giới nghệ sĩ và các tác giả kịch bản. Đã có nhiều cuộc hội thảo, nhiều cuộc tranh luận nhưng chưa đưa ra được ý kiến đồng thuận cuối cùng.

Sân khấu với đề tài hiện đại: Nghệ thuật sân khấu đang đứng bên lề cuộc sống

Một cảnh trong vở kịch “Đi qua ngày giông bão'' - Dân ca Hà Tĩnh.

Vấn đề đặt ra là, khái niệm thế nào là đề tài hiện đại; khoanh vùng thời gian để xác định đề tài hiện đại và những vấn đề cần phản ánh trong tác phẩm mang đề tài hiện đại.

Theo Bách khoa toàn thư, đề tài là thuật ngữ dùng để chỉ phạm vi các sự kiện tạo nên cơ sở chất liệu đời sống củatác phẩm nghệ thuật; còn hiện đại là những phát minh, những thành tựu mới nhất của khoa học, kĩ thuật. Chúng ta đang sống ở giai đoạn cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực công nghệ như: công nghệ sinh học,công nghệ nano, công nghệ kỹ thuật số,in 3D,trí tuệ nhân tạo (AI),… đã và đang trở thành xu hướng biến đổi của bối cảnh xã hội toàn cầu, phá vỡ hoàn toàn những nguyên tắc cũ trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh…, chính là chúng ta đang sống ở xã hội hiện đại.

Như vậy, đề tài hiện đại phải gắn liền với xã hội hiện đại, do đó, theo tôi: Đề tài hiện đại là những tác phẩm bao hàm các nội dung về những vấn đề đương đại của cuộc sống hiện đại, có tác động đến tư tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân, được tác giả sáng tạo thông qua các hình tượng nghệ thuật hiện đại.

Tại sao lại như vậy.

Trước hết, "Đề tài hiện đại" là những tác phẩm bao hàm các nội dung về những vấn đề đương đại của cuộc sống hiện đại.

Như chúng ta đã biết, hiện đại và đương đại hoàn toàn khác nhau. Nội hàm của hiện đại là cơ sở hạ tầng khoa học kỹ thuật nhằm hỗ trợ các hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của con người tại thời điểm hiện tại; còn nội hàm đương đại, là những vấn đề của xã hội hiện đại tác động đến tư tưởng, nhận thức và hành động của đại đa số dân chúng. Vì thế, những vấn đề của đương đại sẽ nảy sinh những xung đột, mâu thuẫn, làm chất liệu tiền đề cho một vở kịch.

Tuy nhiên, những vấn đề đương đại ấy phải có tác động đến tư tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân; vì sao?

Theo tinh thần của triết học Mác - Lê Nin, thì quần chúng nhân dân có lực lượng đông đảo; là bộ phận dân cư chống lại tư tưởng đối kháng, thù địch với nhân dân, gây ra sự bất công trong xã hội để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Quần chúng nhân dân là một phạm trù lịch sử, vận động, biến đổi theo sự phát triển của lịch sử xã hội. Vì thế, mọi tác phẩm nghệ thuật cần hướng về nhân dân, phục vụ nhân dân, nói lên tiếng nói của nhân dân và khía cạnh nào đó, có ý nghĩa bảo vệ nhân dân. Đồng thời, tác phẩm cũng phải có tính đảng nhằm đấu tranh với cái xấu, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…Từ trong hình tượng nghệ thuật phải toát lên vẻ đẹp của đời sống, nhân cách, cổ vũ con người hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Những vấn đề đương đại ấy, phải được tác giả sáng tạo thông qua các hình tượng nghệ thuật hiện đại.

Tất nhiên là như vậy, chủ đề hiện đại thì các hình tượng nghệ thuật phải phù hợp với xã hội hiện đại thì mới có tính thời sự cao, dễ đi vào lòng công chúng; được công chúng ủng hộ, qua đó, hoàn thành sứ mệnh của sân khấu và giúp sân khấu phát triển.

Vậy làm thế nào để xác định thời gian "đề tài hiện đại"? Vì đề tài hiện đại sử dụng chất liệu kịch từ những vấn đề phát sinh của xã hội hiện đại, do đó, theo tôi:  Thời gian xác định đề tài hiện đại là những vấn đề nội tại của xã hội hiện nay. Tác phẩm mang đề tài hiện đại phải chứa đựng nhân sinh quan của xã hội hiện đại. Một tác phẩm, dù được sáng tác trong thời gian nào, nếu chứa đựng được những vấn đề của đời sống hiện đại thì được coi là đề tài hiện đại.

Tuy nhiên, theo tính chất sáng tác, tác phẩm bao giờ cũng phản ánh đời sống xã hội tại thời điểm mà tác giả đang sống, được sáng tạo qua nhãn quan chính trị của tác giả; vì thế, rất hiếm có tác phẩm, được sáng tác từ những thập kỷ trước, đến nay vẫn còn mang "hơi thở" của xã hội hiện đại (ví như tính chất tham nhũng tại thời điểm những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ XX khác với tính chất tham nhũng tại thời điểm thập niên đầu của thế kỷ XXI; những diễn biến tâm lý theo xu hướng xã hội cũng vậy…). Do đó, những sáng tác trước đây, nói về những vấn đề xã hội, chỉ mang đề tài hiện thực xã hội chủ nghĩa, không còn mang đề tài hiện đại.

Một tác phẩm đề tài hiện đại phải gắn liền với bản chất xã hội của nghệ thuật, đó là: Tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân dân, tính thời đại và cao hơn là tính đảng. Tác phẩm phải chứa đựng được các tư tưởng, xúc cảm niềm tin, khát vọng và cả triết lý sống thời đại; đồng thời phải có tính dự báo thời cuộc.

Nghệ thuật phải bắt nguồn từ sức sống của dân tộc và khát vọng của nhân dân mà nghệ thuật hiện đại là một hiện tượng xã hội, thực hiện các nhiệm vụ của xã hội và gắn với ý thức xã hội; trong đó, nội dung và hình thức nghệ thuật phải là tấm gương phản chiếu cuộc sống, phản ánh những diễn biến quan trọng của đời sống nhưng phải biết gạn đục khơi trong. Tức là, một tác phẩm nghệ thuật phải gắn liền với văn hóa thẩm mỹ; đó là sự sáng tạo cái đẹp trong tư tưởng, hành vi của con người trên nền cái đẹp của đời sống xã hội.

Những vấn đề của xã hội hiện đại mà tác phẩm nghệ thuật cần đề cập tới hiện nay là: Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lũng đoạn chính sách; đấu tranh chống suy thoái đạo đức, suy thoái tư tưởng cách mạng, biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai, vũ khí hủy diệt, chất độc sinh học… và những vấn đề tâm lý trong cuộc sống hiện đại.

Hiện nay, rất ít những tác phẩm đề tài hiện đại được dàn dựng trên các sân khấu. Câu hỏi đặt ra là quá ít tác phẩm viết về đề tài hiện đại? Hay các nhà hát né tránh dựng vở về đề tài hiện đại? Hay là việc dàn dựng những vở kịch có đề tài hiện đại chưa được sự quan tâm thích đáng của cơ quan chức năng và những nhà quản lý? Điều này dẫn đến nghệ thuật sân khấu đang đứng bên lề cuộc sống.

"Khi những vấn đề lớn của cuộc sống được đặt ra, những vấn đề làm day dứt lòng người, rung chuyển thời đại, nhưng nghệ sĩ lại không thấu hiểu nó, không quan tâm tới nó, thậm chí còn thờ ơ với nó thì không sao đạt được tới một tác phẩm nghệ thuật có nội dung tốt"; "Chiều sâu của những vấn đề xã hội trong quan hệ thẩm mỹ bắt gặp tầm rộng lớn của lý tưởng sống và lý tưởng thẩm mỹ của nghệ sĩ sẽ mang lại cho nghệ thuật những giá trị nội dung lớn lao" (Mác - Lê Nin).

Và chừng nào còn tránh né, còn sợ động chạm, còn chưa dám nói lên tiếng nói mạnh mẽ của quần chúng nhân dân về những vấn đề đương đại thì chừng đó sân khấu còn rời xa sứ mệnh, mất dần vị thế trong lòng khán giả và dẫn đến thoái trào. Các nhà quản lý, nếu ngoảnh mặt với nghệ thuật sân khấu, chính là bỏ rơi một mặt trận văn hóa quan trọng, loại "vũ khí" sắc bén để lên án những thói hư tật xấu trong xã hội, nhằm cải biến dân chúng.

Một nguyên nhân khá quan trọng làm cho sân khấu mang đề tài hiện đại không thể phát triển mạnh mẽ là thiếu tinh thần cổ vũ của giới lãnh đạo các cấp; phần vì quá bận rộn, phần vì nhìn thấy đâu đó trong những nhân vật phản diện có hình ảnh của mình, đang bị nhân dân lên án dưới hình thức nghệ thuật, vì thế, không mấy mặn mà lại càng không khuyến khích; khác với lãnh đạo trong các thời kỳ kháng chiến, tích cực xem sân khấu, cổ vũ sân khấu và dùng sân khấu để truyền đạt khát vọng xây dựng đất nước, thúc đẩy các giá trị tốt đẹp trong nhân dân.

- Cần có sự quan tâm nhiệt tình, trách nhiệm hơn nữa của các nhà quản lý văn hóa. Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa đã tạo bước đệm quan trọng để văn hóa phát triển mạnh mẽ; qua đó, cũng xác định rõ trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa trước "sinh mệnh" văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

-Tích cực lan tỏa các tác phẩm nghệ thuật trong quần chúng nhân dân. Đưa sân khấu về với nhân dân, gần gũi với nhân dân thì vở kịch mới có sức lan tỏa về giá trị tư tưởng và truyền "lửa" giữ gìn gia sản văn hóa dân tộc cho các đời sau.

(VNCA)