Nghề giám tuyển Mỹ thuật ở Việt Nam: “Đường dài cần có ngựa hay”

16.11.2020
Minh Hằng
Mới đây Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam diễn ra tại Hội Mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh đã phần nào phác thảo bức tranh về nghề giám truyển mỹ thuật. Cho thấy, cần có những giải pháp tổng thể để có thể phát triển nghề giám tuyển ở Việt Nam, bởi muốn Mỹ thuật Việt Nam bắt kịp xu hướng thế giới, thì “Đường dài cần phải có ngựa hay”.

Nghề giám tuyển Mỹ thuật ở Việt Nam: “Đường dài cần có ngựa hay”

Nghề giám tuyển có thể chia thành nhiều lĩnh vực: 1. Mua, lưu trữ và triển lãm các bộ sưu tập; 2. Chọn chủ đề và thiết kế các cuộc triển lãm; 3. Phát triển hoặc tổ chức tài liệu triển lãm; 4. Thiết kế, tổ chức hoặc thực hiện các chuyến tham quan và hội thảo cho công chúng; 5. Tham dự các cuộc họp, hội thảo và các sự kiện dân sự để thúc đẩy nghệ thuật; 6. Tham gia phục chế, vệ sinh, giám định, định giá; 7. Giám sát, quản lý các nhân viên, kỹ thuật viên và sinh viên tình nguyện tại các sự kiện nghệ thuật; 8. Lập kế hoạch và tiến hành các dự án nghiên cứu đặc biệt; 9. Các vấn đề pháp luật, pháp chế, hợp đồng, dự án, tài trợ…

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có một cơ sở đào tạo giảng dạy nghề giám tuyển Mỹ thuật. Đa số những người làm công tác giám tuyển là những nghệ sỹ đi lên từ quá trình tự học. Chính vì vậy, đã có nhiều ý kiến cho rằng, muốn làm nghề giám tuyển, chỉ cần biết ngoại ngữ, am hiểu về văn hóa, mỹ thuật, thêm vào đó là mối quan hệ rộng rãi trong giới mỹ thuật là có thể trở thành giám tuyển. Điều này đúng hay không, cho đến nay vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi.

ĐỊNH HÌNH MỸ THUẬT VIỆT NAM

Trong 15 tham luận và cùng chừng đó ý kiến được trình bày trực tiếp tại Hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật Việt Nam đã chỉ ra rằng, nghề giám tuyển (curator) tại Việt Nam trong mấy chục năm qua là tự phát, tự học tự làm. Và trong tương lai gần, điều này sẽ không có nhiều thay đổi... Do đó, không nên quá kỳ vọng vào một đời sống mỹ thuật sôi động với những triển lãm nghệ thuật chất lượng cao.

Đón nhận thông tin không mấy lạc quan này, giới mỹ thuật nói riêng, người yêu hội họa nói chung đều không khỏi chạnh lòng, thậm chí có người còn hồ nghi khi cho rằng, những tác phẩm có mặt trong các triển lãm hội họa lâu nay từ quy mô cá nhân, khu vực đến toàn quốc... công tác giám tuyển thực chất chưa được thực hiện bởi những người được đào tạo bài bản, có kỹ năng trong việc sưu tầm, giám định, phục chế, bảo quản, trưng bày và tổ chức triển lãm cũng như am hiểu về các vấn đề mỹ thuật, thị trường... Thế nên, sau mỗi kỳ triển lãm (chủ yếu quy mô cấp quốc gia) đều để lại những dư âm với đa phần nghiêng về sự nuối tiếc cho một sự thiếu hụt ở một vài lĩnh vực cụ thể. Gần đây nhất có thể kể đến Festival Mỹ thuật trẻ 2020, dù ba năm tổ chức một lần, nhưng ngoài số lượng tác phẩm giảm so với các kỳ trước thì sự đa dạng các tác phẩm hội họa và một số tác phẩm điêu khắc, sắp đặt cũng không thể khỏa lấp được sự thiếu hụt về các loại hình ngôn ngữ đương đại như sắp đặt trình diễn, video art... đã khiến Festival thiếu đi sự toàn diện. Hay tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015 (quy mô 5 năm/ lần), không khó để nhận thấy sự mất cân đối giữa hội họa, điêu khắc và các loại hình nghệ thuật khác đang ở mức khá trầm trọng. Đến nỗi nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh và Triển lãm rằng, phải chăng Mỹ thuật Việt Nam thực sự đang khủng hoảng về chất lượng nghệ thuật? Hay thẩm mỹ Hội đồng nghệ thuật của Mỹ thuật Việt Nam 2015 có vấn đề trong tuyển chọn tác phẩm?

Công bằng mà nói, việc tuyển chọn các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu tham gia các kỳ triển lãm mang tính chất tổng kết một chặng đường (có tầm quốc gia hoặc quá trình sáng tác đối với cá nhân) không hề đơn giản. Đòi hỏi người tham gia tuyển chọn - giám tuyển phải hội đủ những kiến thức cần thiết về chuyên ngành và vấn đề cần đạt được của triển lãm. Tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản, chủ yếu theo kinh nghiệm cá nhân được tích lũy trong hoạt động sáng tác, việc giám tuyển vì thế chưa được thực hiện một cách chuyên nghiệp, đôi khi còn có cảm tính. Ông Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Tp.Hồ Chí Minh chia sẻ: Trước đây hoạt động giám tuyển tồn tại ở các cuộc triển lãm dưới hình thức tập thể gọi là Hội đồng nghệ thuật. Nhưng điểm yếu cơ bản của cơ chế này là không ai đứng ra chịu trách nhiệm về mặt nghệ thuật, vì thế một số triển lãm còn có cả những sản phẩm kém chất lượng, sao chép ý tưởng của người khác... Giới làm mỹ thuật tư nhân cũng đau đáu khi thiếu đội ngũ làm công tác giám tuyển, khiến ngành mỹ thuật thời gian qua gần như “giậm chân tại chỗ”, trong khi các nước trong khu vực đã phát triển hơn ta rất nhiều.

ĐẦU TƯ ĐỂ CÓ SỰ CHUYÊN NGHIỆP

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm khẳng định: “Không thể phủ nhận vai trò của các giám tuyển tại các triển lãm ngoài công lập. Họ chính là hạt nhân hình thành nên các cuộc triển lãm có chất lượng”.

Có thể thấy, giám tuyển đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và quyết định thành công của triển lãm. Song để có được một đội ngũ giám tuyển chuyên sâu, đa lĩnh vực, vẫn còn là bài toán khó đối với ngành mỹ thuật Việt Nam, nhất là khi chúng ta chưa có được những cơ sở đào tạo sẵn sàng đào tạo chuyên ngành giám tuyển, cũng như giáo trình bài bản được biên soạn từ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hội họa trong nước và quốc tế.

Cho rằng, Việt Nam đã có nghề giám tuyển từ năm 1995 đến nay, nhưng số lượng giám tuyển chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chưa kể không có cơ sở đào tạo có thể cấp chứng chỉ hành nghề giám tuyển như một bộ môn độc lập. Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, mở các lớp đào tạo giám tuyển, cử người đi nước ngoài học, để trong tương lai không xa chúng ta có được đội ngũ làm việc bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Việc thứ hai là các bảo tàng và các tổ chức nghệ thuật nói chung phải thiết lập được cơ chế mới về quản lý và tài chính thì mới mong thuê được các giám tuyển lành nghề, giỏi việc.

Tiến sĩ Phạm Hữu Công (trường Đại học Công nghệ Sài Gòn) đề nghị nên đưa nghề giám định trở thành nghề ưu tiên hàng đầu trong các ưu tiên của quá trình đào tạo mỹ thuật. Nếu không đào tạo các kỹ năng chính của giám tuyển, thì việc nhận định và giám định sẽ không đạt được chất lượng, công việc về sau sẽ khó có kết quả như ý. Về căn bản, việc đào tạo giám tuyển chính là bổ sung cho đời sống mỹ thuật những chuyên gia giải các bài toán cụ thể về từng chuyên môn cụ thể.

Trên thực tế, đời sống mỹ thuật đang rất sôi động, cùng với phê bình mỹ thuật, giám tuyển cũng cần phải được nhìn nhận, đánh giá lại cho đúng vai trò là một nhân tố quan trọng, không chỉ giúp xâu chuỗi những tác phẩm nghệ thuật trong cùng quy mô triển lãm mà còn là sợi dây gắn kết giữa nhà quản lý, giới đầu tư, công chúng yêu hội họa cho mục đích phát triển không ngừng nghỉ của nghệ thuật. Do đó, khởi động các cơ sở đào tạo phục vụ cho công tác chuẩn bị lực lượng giám tuyển là một đòi hỏi cấp thiết của đời sống nghệ thuật. Theo PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh: Trong quá trình đào tạo cần có những quy định, yêu cầu rõ ràng về nghề giám tuyển. Ông cho rằng, các cơ sở đào tạo trước mắt cũng như lâu dài cần phối hợp với hệ thống bảo tàng, mời những chuyên gia có uy tín, có thực tiễn để tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho những người đang làm công tác giám tuyển tại Việt Nam, lâu dần sẽ hình thành đội ngũ nhân lực giám tuyển. Còn theo giới chuyên môn, hoạt động giám tuyển ở Việt Nam tuy đã có bề dầy hơn 20 năm, nhưng so với thế giới thì vẫn còn khá mới mẻ, do đó tính chuyên nghiệp chưa cao. Đây là những hạn chế khiến cho nhiều triển lãm, dự án công cộng được thực hiện kém hiệu quả. Do đó, nếu có được hệ thống giám tuyển được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, thì trong tương lai, rất có thể đội ngũ này chính là “bà đỡ” tạo điều kiện cho mỹ thuật phát triển nếu như có sự công tâm và có trách nhiệm cao.

Quay trở lại với chủ đề hội thảo Thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giám tuyển mỹ thuật... với đa số ý kiến thống nhất cho việc đầu tư, mở các lớp đào tạo chuyên sâu, bài bản về nghề giám tuyển để thúc đẩy thị trường mỹ thuật trong nước nói riêng, hoạt động mỹ thuật nói chung là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, việc đào tạo cũng không vì thế mà chạy theo số lượng, mà phải chú ý đến chất lượng. Bởi giám tuyển ngoài việc sở hữu bằng cấp cao, còn cần có “phông” văn hóa dày, sự am hiểu thị trường nghệ thuật, quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực. Cùng với những tiêu chí về phẩm chất như: uy tín trong giới chuyên môn, óc sáng tạo, sự nhạy bén trong kinh doanh, kết nối tài trợ, truyền thông quảng bá… để trở thành cầu nối giúp họa sỹ - tác phẩm, bước ra ngoài thế giới cá nhân đến với cộng đồng và vươn xa ra thế giới. Chính vì vậy, để có đời sống mỹ thuật thực sự phát triển, đã đến lúc Cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Hội Mỹ thuật và các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hơn nữa cồn tác đào tạo, bởi muốn đi đường xa thì cần “có ngựa hay” .

(baovannghe.com.vn)