Vàng son

10.05.2021
Lê Thiết Cương
Vị trí địa lý của nước ta nằm ở góc mép lục địa châu Á, phát triển theo chiều dài, hẹp chiều ngang. Với vị trí ấy cũng là nơi kết của những dòng sông. Vì sông nào mà không chảy từ Tây sang Đông để về với biển. Việt Nam là nước của những cửa sông, trải dài từ Bắc tới Nam.

Vàng son

NGUYỄN GIA TRÍ – Vườn xuân Trung Nam Bắc. 1969-1989. Sơn mài. 200x540cm. Bảo tàng Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh

Quê ta đâu cũng là sông nước
Phơi phới triều lên bát ngát bờ
(thơ Tô Thùy Yên)

Sông Hồng, sông Mã (Thanh Hóa), sông Lam (Nghệ An), sông Hương (Huế), sông Thu Bồn (Quảng Nam), sông Côn (Bình Định), sông Cửu Long…Sông nối rừng núi với đồng bằng và với miền biển. Sông không chỉ là con đường giao thông, chuyên chở người và hàng hóa mà còn nối kết văn hóa của các vùng miền với nhau. Có nền văn minh nào mà lại không ở bên một dòng sông? Nếu coi Việt Nam là một vùng văn hóa thì mỗi dòng sông ấy tạo ra một tiểu vùng văn hóa, làm cho văn hóa Việt đa dạng phong phú. Không có một nơi nào, miền nào, làng nào ở Việt Nam mà không là một làng nghề, nghề thủ công đã là một truyền thống của người Việt, một truyền thống mấy nghìn năm từ gốm, đúc đồng (trống đồng Đông Sơn) đến mây tre, dệt lụa, chạm khắc gỗ, giấy… Bài viết này xin được nói về nghề sơn của người Việt – nước Việt.

Sơn là một nguyên liệu cổ truyền của người Việt. Hiện vật nhiều tuổi nhất là chiếc mái chèo sơn then (đen) trong ngôi mộ thuyền ở Việt Khê, Hải Phòng có niên đại khoảng 2.500 năm (khai quật năm 1961). Hoặc dụng cụ chế tác sơn như thép (bút vẽ), bàn vặn sơn, bát đựng sơn… trong một ngôi mộ ở Thủy Nguyên, Hải Phòng có niên đại khoảng 2.000 năm (khai quật năm 1972). Nhựa sơn từ cây sơn là nguyên liệu chính của nghề sơn. Cây sơn có ở nhiều nơi, nhưng tốt nhất là ở vùng trung du, Yên Bái, Phú Thọ. Các nước châu Á đều có cây sơn, cây sơn Việt Nam thuộc giống Rhus succedenes, chất lượng rất tốt và tốt hơn so với một số nước.
Các sản phẩm chế tác từ sơn thân thuộc trong đời sống của người Việt từ đồ thờ trong đình chùa như tượng thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, ngai thờ, kiệu, cuốn thư, hộp đựng sắc phong, mõ, mâm bồng… đến đồ gia dụng như tủ, bàn, mâm, khay… Sơn có thể phủ trên nhiều chất liệu làm cốt như gỗ, đất, đá, đồng, những pho tượng ở Tam Bảo chùa Mía (Sơn Tây, Hà Nội) cốt đất phủ sơn đẹp mê hồn. Ở chùa Đậu (Thường Tín – Hà Nội) có hai pho tượng phủ sơn mà cốt là hai vị thiền sư sau khi tịch diệt, niên đại thế kỷ 17. Đây là một dẫn chứng về cách ứng dụng sơn rất đặc biệt của cha ông ta. Ngoài sơn mài còn có sơn mài khảm trai, sơn quang dầu… Ở các bảo tàng lớn trên thế giới đều trưng bày tác phẩm sơn mài Việt Nam như: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (New York), Bảo tàng Guimet (Paris)…
Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập. Các ông thầy người Pháp ngoài dậy vẽ sơn dầu còn khuyến khích sinh viên nghiên cứu chất liệu truyền thống trong đó có sơn mài, chính vì vậy nên mỹ thuật Việt Nam hiện đại có nhiều tên tuổi bậc thầy gắn với chất liệu này như Nguyễn Gia Trí (Vườn xuân Trung Nam Bắc), Nguyễn Sáng (Chùa Phổ Minh), Nguyễn Tư Nghiêm (Thánh Gióng), Kim Đồng (Lò gốm)… Như vậy là ngoài sơn mài mỹ nghệ thì Việt Nam có thêm sơn mài mỹ thuật. Đó cũng là một nét độc đáo. Các giai đoạn phát triển của mỹ thuật Việt Nam kế tiếp thế hệ bậc thầy mỹ thuật Đông Dương đều có những họa sĩ thành danh với chất liệu sơn mài như Trương Bé, Bùi Hữu Hùng, Đinh Quân…
Các làng nghề sơn nổi tiếng như Hạ Thái, Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội), làng Sơn Đồng (Hoài Đức) chuyên tượng thờ và đồ thờ, Cát Đằng sơn quang đầu, Đình Bảng (Bắc Ninh), Bình Dương trước 1975 có thương hiệu Thành Lễ nổi tiếng…
Văn hóa Việt Nam là văn hóa làng, làng Việt làm ra nước Việt, chất Việt là chất làng. Tất cả tinh túy của văn hóa nghệ thuật Việt đều từ làng mà ra. Làng Việt là làng nước, nước Việt là nước làng. Từ hát cửa đình đến chèo sân đình, đến rối nước ở thủy đình, quan họ ở các làng Kinh Bắc, hội làng cho đến điêu khắc đình làng, chùa làng đều là những kiệt tác của nghệ thuật Việt… Làng là đơn vị hành chính cơ bản của nước Việt. Nói đến làng là nói đến đình làng, chùa làng, cổng làng, giếng làng nhưng đằng sau lũy tre làng (hiểu rộng ra là bản làng, buôn làng) chính là tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, yêu thương đùm bọc, đó chính là linh hồn của làng, là chất keo gắn kết người làng với nhau, gắn kết gia đình, gắn kết các làng lại để làm nên một ngôi làng lớn, mang tên làng Việt, nước Việt. Người ta hay gọi tình cảm gắn bó keo sơn cũng là vậy. 

Văn hóa chính là một chất keo gắn kết cộng đồng của một dân tộc. Đồng hương, cội nguồn, hòa giải, hàn gắn, đoàn kết gì thì cũng phải bắt đầu từ văn hóa, coi văn hóa là nền móng.

Thế giới ngày càng mở, càng phẳng, càng 4.0 thì bản sắc văn hóa dân tộc càng phải cần gìn giữ. Giai đoạn hiện nay chính là lúc thể hiện bản lĩnh văn hóa của mỗi dân tộc. Sự pha tạp lai căng rất khó tránh vì văn hóa bền vững bao nhiêu thì lại mong manh bấy nhiêu. Thêm một điều nữa tình hình chính trị trong khu vực cũng như trên thế giới ngày càng nhiều những diễn biến phức tạp. Hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm mà sức mạnh đoàn kết dân tộc cần được đề cao. Như đã nói ở trên văn hóa là chất keo gắn kết người Việt, dân tộc Việt, lịch sử của dân tộc đã minh chứng điều ấy. Văn hóa còn là bàn thờ chung, là phúc đức của dân tộc, phúc dầy thì vận nước dầy và hiểu theo một nghĩa nào đó thì văn hóa cũng chính là biên giới. Mất văn hóa là vô phúc, là mất nước.
Như đã nói ở trên, họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993) là người đầu tiên thành công với sơn mài mỹ thuật. Cả đời ông chỉ chuyên tâm với sơn mài. Ông kế thừa tinh hoa nghề sơn truyền thống của dân tộc và nâng lên, sáng tạo lại các kỹ thuật của sơn mài mỹ nghệ thành hội họa sơn mài.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 ở Chương Mỹ, Hà Tây cũ và mất năm 1993 ở Sài Gòn. Ông học Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936), ông vẽ nhiều thể loại từ tranh biếm họa đến tranh cổ động, ông vẽ bột màu và sơn dầu trước khi chuyên tâm cho sơn mài và đây cũng là chất liệu gắn với tên tuổi Nguyễn Gia Trí. Có thể nói ông đã dành trọn cả đời cho sơn mài với những tác phẩm tiểu biểu: “Lùm tre thôn dã” (1938), “Thiếu nữ bên đầm sen” (1938), “Đêm trung thu ở Hồ Gươm” (1939), “Thiếu nữ bên hoa phù dung” (1944), “Bình phong” (khoảng sau 1954), “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc”…
Là người cẩn trọng, chu toàn lại ứng xử với một chất liệu đòi hỏi công phu, kỹ lưỡng như sơn mài nên ông không để lại nhiều tác phẩm.
“Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” là tác phẩm cuối cùng của ông, ông bắt đầu vẽ từ trước 1975 và hoàn thành năm 1988, kích thước 200×540 cm theo hình thức bình phong gồm 9 tấm vóc ghép lại. Hình thức này hợp với những bức tranh khổ lớn mà họa sĩ thường dùng, đôi khi có thể vẽ cả hai mặt thành hai tranh khác nhau. Cho nên đây là tác phẩm có kích thước lớn nhất của ông.

Như tên gọi của bức tranh, ông vẽ một khu vườn “tưởng tượng” trong tiết xuân, có nắng gió, có sương khói, có hoa đào, có đền miếu, có ong bướm, có chim bay, công múa và trong khung cảnh lộng lẫy, lung linh xuân ấy, trọng tâm vẫn là con người, vẫn là những nhân vật đã thành biểu tượng của ông từ những bức tranh đầu tiên: thiếu nữ với áo dài. Họ cũng chính là mùa xuân, là những nàng tiên trong vườn xuân địa đàng ấy. Người thì múa quạt, người thì đàn, người thì hát, người thì cưỡi lân; người nằm, kẻ ngồi, có những người nắm tay nhau cùng dạo vườn xuân, nắm tay nhau cùng nhảy một điệu vũ xuân nào đó. Người và cảnh vật, mùa xuân và xuân trong lòng người hòa một nhịp, thực và ảo hòa làm một. Tất cả toát lên không khí thanh bình, an lạc của một ngày mới, mùa mới, năm mới tràn đầy tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng chim hót… đầy nhựa sống và niềm vui. Điểm hạn chế của sơn mài là bảng màu ít, chỉ có son, then, vàng bạc. Đã thế sơn mài lại không dễ vờn tỉa, tạo sáng tối, đậm nhạt như sơn dầu. Nhưng hai bất lợi đó lại được Nguyễn Gia Trí tận dụng làm cho sơn mài của ông rất hiện đại. “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” cũng như các tác phẩm khác của ông đều là những mảng phẳng, kiểu đồ họa, gợi hình chứ không gợi khối. Đúng như ông từng tâm sự: “Với chất liệu sơn mài, không được bắt nó phải theo mình mà phải tôn trọng nó, hiểu và nương theo nó”.

Trong tác phẩm này, trên nền son nhì đỏ bầm đằm thắm chỉ còn lại sắc vàng của vàng trần và then, không thấy ông dùng bạc quỳ trong tranh này mà thay vào đó là gắn trứng. Có thể nói sắc trắng trong tác phẩm này là chủ đạo. Từ kỹ thuật gắn trứng, ông đã đưa thành nghệ thuật khi tất cả những mảng trắng được bay bổng tự do, gắn tràn ra ngoài hình, không chấp nhận gò bó trong cái khuôn chật chội của hình thể. Cuộc vượt thoát ra khỏi hình cũng là vượt khỏi sự ràng buộc kiểu đúng hình của hiện thực, thoát ra khỏi thực, một điểm rất mới mà các tác phẩm trước của ông chưa có. Với kiểu gắn trứng tự do này, hình sẽ động hơn, các nhân vật dường như đang chuyển động. Hơn nữa kiểu gắn này còn làm cho những mảng trắng kết lại, tạo thành một kiểu bố cục màu rất khúc triết.

Thêm một tuyệt bút trong “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” đó là: tác phẩm này như một dàn hợp xướng của nét, nét đứt, nét liền, to nhỏ, nét then, nét son, nét vàng hòa quyện uốn lượn, bay bổng, phóng khoáng, tự do… đầy ảo diệu, ngẫu hứng và cũng không phải là nét kiểu đường viền, chạy theo hình mà hoàn toàn chỉ là nương theo hình để nhấn nhá, khơi gợi cho hình, gọi hình.

Như đã nói ở trên, “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” chỉ là một khu vườn tưởng tượng cho các cô gái của ba miền cùng gặp gỡ, vui xuân. Xin nhắc lại, bức tranh được khởi vẽ trước năm 1975, cho nên “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” chính là ước mơ của ông, một người con đất Bắc lập nghiệp ở phương Nam, luôn mơ ngày thống nhất. Nghệ thuật đích thực thì bao giờ cũng đi từ cái tôi đến với cái toàn thể. Câu chuyện của cá nhân phải chạm được đến chuyện chung. Ước mơ của Nguyễn Gia Trí, ước mơ có tên “Vườn xuân Trung, Nam, Bắc” cũng chính là ước mơ về đất nước thống nhất của mọi người Việt.

(tapchimythuat.vn)