Đeo mang mặt tuồng...

04.04.2016

Như cụm khói ứa ra từ sau nếp nhà, cả đời day dứt với nghiệp, ngày ngày vẫn chắt chiu, níu giữ từng màu sắc, đường nét… để chỉ mong những mặt nạ tuồng được “tròn vai”… Ông là NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế, người đã trọn đời mình gắn với việc nghiên cứu, phục dựng mặt tuồng và các động tác hình thể của bộ môn này.
Coi vậy, mà đã trọn 30 năm, NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế chỉ chuyên việc nghiên cứu về mặt nạ tuồng.

Đeo mang mặt tuồng...

Đó là chưa tính quãng thời gian trên dưới 50 năm ông đi làm đạo diễn, diễn viên cho đoàn tuồng Quân khu 5, rồi sau này là Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ông cười nói, nếp nhăn xô lệch gương mặt, giọng đã khàn cạn đáy, nhưng nhắc chuyện tuồng… thì như khơi lại một dòng ký ức, tươi rõ, ngồn ngộn. Người già – nghệ sĩ, gần trọn đời dự phần ở những chốn vui vầy, đông đúc, đến ngày bóng xế lụm cụm trong gian nhà nhỏ, buồn vui gói ghém một mình. Chuyện ông Huế giỏi về lý luận lẫn thị phạm trong bộ môn tuồng đồ, hẳn những ai yêu tuồng người Trung Bộ đều biết. Đến cả những anh chàng họa sĩ say mê khuôn hình, kết cấu của mặt tuồng, cũng đều tìm đến ông và coi ông như một “tổ sư” của thời hiện đại… Thế nhưng, coi vậy, mà đã chừng 5 năm nay, ông thôi những cuộc đông người.


Tuồng xuống phố tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: S.ANH

Chiều cuối năm se sắt gió, tôi ngồi nhìn tay ông mân mê từng đường nét trên những “tác phẩm” cuộc đời, những Đổng Kim Lân, Phàn Diệm, Lữ Bố… đã cùng ông mê mải đi đến ngày xế chiều. Ông nói với người nghe như đang nói một mình, linh hồn một vở tuồng, phải đi từ mặt nạ, rồi mới đến cách ra bộ, đài từ diễn viên… “Nhưng mặt nạ tuồng bây giờ, nhiều kiểu cách, nhiều bày vẽ, đâm ra trật”, NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế nói. Và ông tự an ủi mình khi nghĩ về những người con, cũng như ông, sống chết quyết nối nghiệp nhà. Gần như cả gia đình NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế đều lớn lên trên sân khấu hát bộ. Cha là nghệ sĩ Nguyễn Vĩnh Trung, mẹ là NSND Ngô Thị Liễu, anh là NSƯT Vĩnh Phô, từ nhỏ ông đã được sự chỉ bảo của cha mẹ và các NSND Nguyễn Nho Túy, NSND Nguyễn Lai, NSND Phạm Chương, NSƯT Văn Phước Khôi… Và cũng từ đây ông bắt đầu viết lý luận, làm hệ thống động tác hình thể và múa hát bộ. Bây giờ, khi ông ngồi trong góc nhà nghe kỷ niệm nương theo gió, thì những người con, người cháu ông lại tiếp tục vận lấy mê say này. Không ít người nói ông may mắn, bởi để một cuộc đời được tiếp nối và luôn luôn có kẻ đi tìm, lần hồi những chuyện cũ, thì công việc của con người ấy, hẳn đã tỏa lan một thứ hương sắc và không gian riêng, ám ảnh nhiều lớp người. 


Tưởng có thể làm sống lại khoảnh khắc của hàng chục năm đã bị bôi xóa, một tối thứ Bảy ở bờ đông sông Hàn (TP. Đà Nẵng), người nghệ sĩ tuồng ban ngày lấm lem chuyện mưu sinh, lại được tái ngộ cùng người yêu mê. Con trai, cháu gái, con dâu cụ Huế, đều cùng đoàn “tuồng xuống phố”. Gian hàng mặt nạ dựng ngay cạnh sân khấu của Linh – con trai cụ Nguyễn Vĩnh Huế, vẫn còn đủ sức hút với người già người trẻ phố thị. Coi như là một kế nghiệp, để đôi mắt người già bớt đi nỗi buồn cô quạnh. Linh nói, để vẽ lại ấu thơ của mình, cái bóng in đậm nhất là người cha mê đắm mặt tuồng, rồi cả gia đình lớn của ông bà với những sắc màu rực rỡ, âm thanh quyến rũ của sân khấu tuồng đồ. Nên có lẽ muốn tránh trớ cũng không được, muốn chối bỏ cũng không xong. Cứ day dứt thì sao đặng để bỏ làm chuyện khác. Vậy là anh theo nghiệp cha, vẽ mặt tuồng, tập động tác hình thể cho diễn viên trẻ. Và có lẽ cũng nguyện giữ gìn thứ di sản tinh thần này cho cả gia đình mình.Ông san sớt rằng, trong nghệ thuật tuồng không gọi là hóa trang mà gọi là “dặm mặt”, “kéo mặt” hoặc kẻ mặt... Nguyễn Vĩnh Huế mê mẩn mặt nạ tuồng đến nỗi đã viết vài cuốn sách, tỏ bày từng chi tiết, đường nét trên mỗi nhân vật thiện – ác – trung - tà. Hãy nghe một đoạn luận của ông: “Mặt tuồng có nhiều điểm giống với các bộ môn sân khấu khác, nhưng nó cũng có những điểm khác nhau cơ bản. Với bộ môn sân khấu khác, là một nhân vật xuất hiện khi thông qua hành động, qua một lớp, một hồi, có khi đến hết vở diễn khán giả mới hiểu được nhân vật đó thuộc loại nào. Trái lại, nghệ thuật tuồng không cho phép như vậy, khi nhân vật bước ra sân khấu lần đầu tiên thì phải làm cho khán giả hiểu ngay nhân vật đó thuộc loại nào, trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay đức độ… Không được để cho khán giả mất thời gian suy đoán nhân vật mà tập trung thưởng thức nghệ thuật biểu diễn của diễn viên, vì đây là loại hình nghệ thuật thuộc dòng sân khấu biểu hiện. Muốn thực hiện được điều đó, người diễn viên phải biết vận dụng các yếu tố như ngôn ngữ, giọng nói, động tác hình thể, hóa trang của nghệ thuật tuồng để giới thiệu một cách nhanh chóng tính cách nhân vật mà mình đang đóng. Cách kẻ mặt nhân vật là một yếu tố quan trọng của nghệ thuật tuồng để thể hiện điều đó...”. Những câu chữ tưởng giản đơn vậy nhưng lượng tri thức cung cấp cặn kẽ về mặt nạ trong sân khấu tuồng thì vô cùng. Tuồng, có thể, là máu thịt của ông, là những buồn vui thăng trầm ông nếm trải, chiêm nghiệm. Người ta vô rạp, mê mẩn coi đào kép sắm vai, hả hê cười khóc những khóc cười của cuộc mưu sinh. Còn ông, đứng sau cánh gà, nhìn “đứa con” mang vẻ đẹp của lòng thành tỏa sáng. Thời ấy, hình dung ông là một chàng trai trẻ, nhưng đã nghĩ mình mang cung mệnh hoài cổ, để rồi phải đau đáu chắt chiu, ghi nhớ từng chút một điệu bộ, câu hát, nét dặm, nét khắc…

Ba bốn bận chuyển dời chỗ ở, rồi nơi làm việc, cuối cùng, cụ cũng về lại khu phố “nghệ sĩ” – nơi những người bạn ở Đoàn nghệ thuật quân khu V xưa kia, nay tách ra thành Đoàn dân ca kịch Quảng Nam và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cư ngụ. Trong căn nhà nhỏ, đối diện với Nhà lưu niệm Tống Phước Phổ, chiều chạng vạng, lão nghệ sĩ vẫn mằn tay lên từng “gương mặt nhỏ”. Cụ ngồi như pho tượng, tuổi già kết đóng gương mặt. Những lớp tuồng trứ danh có lẽ vẫn còn đó, vang vang nơi sân khấu cuộc đời. Đã vẹn tròn tâm, tài cho bộ môn nghệ thuật truyền thống, nhưng ông, vẫn như mắc mứu đâu đó với phước phần tổ nghiệp đã trao. Trong một lần trò chuyện hồi đầu năm, NSƯT Nguyễn Vĩnh Huế nói, mặt nạ tuồng – linh hồn của từng nhân vật, đã theo thời gian mà nhạt phai. Chỉ vậy thôi, mà người như hiu hắt theo.

Nhạc sĩ Trương Đình Quang từng viết về người bạn cùng trong ban nghệ thuật của mình rằng, “trong việc dàn dựng, Nguyễn Vĩnh Huế vừa nghiên cứu, vừa thực nghiệm các điệu múa, diễn xuất sân khấu ở các vở diễn về đề tài lịch sử, theo truyện cổ dân gian (Thoại Khanh – Châu Tuấn, Nguyễn Huệ, Thái hậu Dương Vân Nga, Bà đô đốc áo đỏ, Trần Quốc Toản ra quân...). Sau tháng 5.1975, trên đất miền Trung, có 4 đoàn tuồng, kịch hát bài chòi. Nhưng, nhiều chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn (số đông là được mời từ nơi khác đến), đã lãng quên hoặc vì không có khả năng xử lý động tác hình thể và múa trong vở diễn (do đó, biến kịch hát bài chòi, tuồng cổ thành thể loại kịch nói pha ca bài chòi). Nhận biết tình hình trên, Vĩnh Huế lo gìn giữ, chắt chiu vốn liếng nghệ thuật của người xưa, cứ chờ đến một lúc nào đấy, người ta sẽ phải cần đến”. 

Tuổi xế chiều, trách sao được những đắng đót, chạnh lòng. Ông vẫn khỏe, để chỉ cần thấy bóng dáng đó thôi, người ta vẫn đủ niềm tin về một mê say nghiêm cẩn sẽ được đền đáp xứng đáng. Và lớp người mê những tinh túy ông phô ra trong cách diễn đạt mặt tuồng đúng điệu, luôn cầu mong ông khỏe, dù việc đi việc ở là chẳng đặng đừng, dù cho những cuộc đông người đã vắng bóng ông…

Song Anh
(baoquangnam.com.vn)