Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo… - Bùi Văn Tiếng

30.07.2016

Không hiểu sao mỗi lần nghĩ đến quy hoạch đô thị, lòng tôi cứ thầm mong các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị hãy quan tâm đến câu hỏi “nên giữ lại, đùng phá bỏ cái gì?” nhiều hơn, sâu sắc hơn là quan tâm đến câu hỏi “nên xây thêm, cần làm mới cái gì?”. Đương nhiên không xây thêm, không làm mới cái gì cả thì cũng không thể chỉnh trang đô thị theo yêu cầu quy hoạch, nhưng có lẽ chỉ nên đặt vấn đề xây thêm, làm mới cái gì đó sau khi đã trả lời rốt ráo câu hỏi “nên giữ lại, đừng phá bỏ cái gì?”. 

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo… - Bùi Văn Tiếng


Chính vì các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị Đà Nẵng muốn giữ lại nguyên vẹn không gian kiến trúc của Bảo tàng Điêu khắc Chăm - báu vật quốc gia độc nhất vô nhị - nên đã cho thiết kế Cầu Rồng theo một cách rất độc đáo: gắn kết cây cầu vào với phố phường - chứ không phải ngược lại, nói khác đi cầu Rồng chỉ có thể bắt đầu và kết thúc tại mép nước sông Hàn...

Cũng do muốn bảo tồn nguyên vẹn đình làng Nại Nam các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị Đà Nẵng đã phải nhờ đến “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy di dời toàn bộ ngôi đình xưa cổ kính sang địa điểm mới - chứ không phải triệt hạ, phá bỏ tất cả để... trùng tu.

Và không hiểu sao cứ mỗi lần nghĩ đến quy hoạch đô thị, tôi lại nhớ đến tâm trạng u hoài của hai nhà thơ cổ điển Việt Nam: Bà huyện Thanh Quan và Tú Xương “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương (...) Ngàn năm gương cũ soi kim cổ / Cảnh đấy người đây luống đoạn trường” (Thăng Long thành hoài cổ) là niềm cảm cựu của Bà huyện Thanh Quan, cùng như Sông kia rày đã nên đồng / Chỗ làm nhà cửa cho trồng ngô khoai / vẳng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò (Sông Lấp) là nỗi khắc khoải của Tú Xương trước những đổi thay về diện mạo đô thị khi thành Thăng Long và thành Nam Định chuyển sang một thời đại mới. Nói như vậy để thấy hồn đô thị là cái gì đó rất dễ tổn thương, nhất là trong nhãn quan của những người nghệ sĩ và trí thức. Nói như vậy để thấy trong qua trình quy hoạch đô thị, các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị cần nỗ lực nhằm giữ lại đến mức cao nhất có thể đối với hồn đô thị thể hiện trên từng con đường, từng khúc sông hay từng công trình kiến trúc... nếu không thì các di sản văn hóa hoặc vĩnh viễn mất đi cả hồn lẫn xác hoặc vẫn còn xác nhưng sẽ vô hồn.

Tất nhiên thương hải biến vi tang điền - cuộc đời dâu bể, không thể nào lưu giữ nguyên yẹn mọi dấu xưa tích cũ. Bảo tồn phải đi đôi với phát triển - nhiệm vụ kép ấy chính là cái khó trong khi giải quyết bài toán quy hoạch đô thị hiện nay. Cái giỏi của các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị là làm sao bảo tồn thật tốt các di sản văn hóa để chính các di sản văn hóa ấy đủ tư cách tham gia vào quá trình phát triển, chẳng hạn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn hoặc chí ít cũng là nơi chốn lưu giữ hồn đô thị trong mắt những cư dân luôn nhạy cảm với thời quá khứ. Nơi chốn lưu giữ hồn đô thị như vậy cũng có thể xem như một loại bảo tàng, chẳng hạn cầu Ngyễn Văn Trỗi - cây cầu dã chiến bằng sắt của quân lính Mỹ được bắc qua sông Hàn sau khi lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng những năm 60 của thế kỷ trước – đã được giữ lại bên cạnh cây cầu dây văng hiện đại để trở thành một bảo tàng chiến tranh sống động lưu giữ ký ức của người Đà Nẵng về một thời quê hương bị ngoại bang chiếm đóng. Nhân đây cũng xin nói thêm rằng với một thành phố năng động và đang từng ngày đổi mới như Đà Nẵng, số lượng đường phố không ngừng tăng lên làm biến đổi diện mạo đô thị, nên chăng đưa vào trưng bày trong bảo tàng bộ sưu tập trụ biển tên đường qua các thời kỳ phát triển, từ Tourane thành phố nhượng địa, đến Đà Nẵng thị xã trước ngày giải phóng, đến Đà Nẵng đô thị loại 1 cấp quốc gia ngày nay... Những trụ biển tên đường mang hơi thở nồng ấm của lịch sử như vậy giờ có còn không và đang ở nơi nao?

Trong bảo tồn di sản văn hóa, vai trò của các chuyên gia quy hoạch và các nhà quản lý đô thị rất quan trọng, bởi một nét vẽ và một chữ ký đôi khi có sức mạnh đủ để xóa sổ hay giữ lại một dấu xưa tích cũ nào đó. Nhưng chỉ có các hướng dẫn viên du lịch và người thuyết minh trong bảo tàng mới có khả năng trở thành cầu nối giữa hồn di sản với du khách tham quan và với những cư dân luôn nhạy cảm với thời quá khứ. Chính họ chứ không phải ai khác sẽ thổi hồn vào di sản văn hóa thông qua việc xác lập thật chính xác và trình bày thật thuyết phục tấm căn cước của từng di sản, và muốn được như vậy, đương nhiên họ phải là người vừa nhạy cảm nhất trong những người nhạy cảm với dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo vừa khát vọng nhất trong những người khát vọng với tương lai đó trước mặt ta biển rộng / trên đầu ta lồng lộng gió trời cao (thơ Tố Hữu).

 

B.V.T