Danh thần Võ Đăng Xuân - Vũ Hoài An
Võ Đăng Xuân còn có tên là Tiến Thượng, Tiến Thảng, Tiến Tiếu, tự là Thành Chi, người làng Phô Thị, tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, nay là làng Phô Thị, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Thân thế và sự nghiệp
Võ Đăng Xuân sinh vào năm nào không rõ. Cha là Võ Đăng Nghị[1] và mẹ là bà Hồ Thị Liên.
Thuở nhỏ ông học ở trường phủ Thăng Bình, sau đó vào trường Đốc Quảng Nam. Năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), ông thi Hương đỗ Cử nhân tại trường thi Thừa Thiên. Ba năm sau, trong khoa thi năm Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 2 (1849) ông thi đỗ Phó bảng tại Huế. Sách Đại Nam thực lục, bộ sử biên niên ghi chép những việc thực về các đời vua chúa nhà Nguyễn, chép: “Tháng 4 nhuận, thi ở Điện. Sai Thượng thư bộ Lại là Phan Thanh Giản, Tham tri bộ Công là Trương Quốc Dụng sung chức Đọc quyển; Tả tham tri bộ Hình là Vũ Tuấn, Thị độc học sĩ sung biện các vụ là Mai Anh Tuấn sung chức Duyệt quyển. Cho bọn Đỗ Duy Đê 12 người đỗ Tiến sĩ xuất thân và Đồng tiến sĩ xuất thân có thứ bậc khác nhau (Duy Đê, Lê Đình Duyên đỗ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Phan Sĩ Thục, Phạm Quang Mãn, Phạm Văn Khuê, Trần Huy Côn, Nguyễn Bằng Dực, Chu Duy Tân đỗ Tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân). Lại lấy 12 người đỗ Phó bảng: Nguyễn Văn Hội, Lê Đức Hợp, Đỗ Khải, Trịnh Huy Quỳnh, Phạm Tuyên, Nguyễn Ngạn, Ngô Quang Diệu, Vũ Đăng Xuân, Nguyễn Tuyên, Lê Đức Nhuận, Đặng Đức Dịch, Bùi Thố”.[3]
Sau khi đỗ Phó bảng tại Huế, ông được bổ Hàn lâm viện kiểm thảo rồi bổ Đồng tri lĩnh huyện Tuy An. Ông làm việc hết sức thanh liêm, công bằng nên được nhân dân tin phục. Nhưng sau vì chậm trễ trong việc kết nghĩ các án cướp, ông bị giáng bổ xuống hàm chánh bát phẩm lĩnh kiểm thảo sung Nội các hành tẩu.
Tự Đức năm thứ 19 (1866), theo xem xét và đề nghị của Bộ Lại, ông làm việc tại Hàn lâm viện với nhiệm vụ trông coi sổ sách của hai bộ Lễ và Binh. Trong sắc phong của vua Tự Đức cho ông vào ngày 24.10.1866 ghi rõ: “Sắc cho nguyên Đồng tri phủ lãnh Tuy An huyện Tri huyện Võ Tiến Thượng, quê quán xã Phô Thị, tổng An Thái Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Trước đây bị giáng bốn cấp, nay Bộ Lại xem xét đề nghị, vậy chuẩn cho hàm chánh b phẩm, lãnh Hàn lâm viện kiểm thảo, sung Nội các Lễ Binh tịch hành tẩu và phải nghe theo cai quản viên phụng hành công vụ, khanh phải ra sức cố gắng gấp bội để lưu tiếng tốt về sau”.[4]
Tự Đức năm thứ 21 (1868), bọn phỉ người Thanh ở Trung Quốc thường tràn sang cướp phá các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn của nước ta. Những tỉnh này nằm gần biên giới, lại rất xa kinh đô, quân lương nơi đây không đủ. Quân triều đình đã đánh nhiều trận, có thắng có thua vẫn không dẹp hết chúng được. Vua Tự Đức cho rằng, nếu không dẹp yên bọn thổ phỉ này thì biên giới ta khó giữ. Vua Tự Đức bèn xem sổ quan ban võ thấy nhiều người bị đình trệ, bèn sai quan Bộ Binh tra rõ các viên quản các vệ ở trong kinh và các tỉnh ngoài tại chức đã được ba năm trở lên, có công trạng bắt giặc hoặc am hiểu võ nghệ, trận pháp, xạ pháp thì làm danh sách kê khai để vua phái đi. Lúc này Võ Đăng Xuân đang làm ở Hàn lâm viện, nhưng cũng được phái đi theo quân thứ của Lạng Sơn - Cao Bằng. Sau đó, ông bị bệnh và về quê nghỉ dưỡng chờ hậu bổ.
Tự Đức năm thứ 23 (1870), ông được thăng Biên tu lĩnh Tri huyện Hương Trà và nhiếp biện ấn vụ của huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Trong sắc phong của vua Tự Đức cho ông vào ngày 10.3.1870 viết: “Sắc cho Võ Tiến Thượng nguyên hàm Chánh bát phẩm, lãnh nội các biên tu, được sung lo việc quân thứ của hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Nghĩ dưỡng bệnh chờ hậu bổ, nay đã đến kỳ ra lo công việc. Nay văn ban của đình thần lựa chọn đề cử nên chuẩn cho khanh thăng thọ Hàn lâm viện biên tu, lãnh huyện Hương Trà và nhiếp biện ấn vụ của huyện Phú Vang. Phần tất cả việc công ở sở hạt phải nhất nhất tuân theo luật lệ mà phụng hành. Nếu không cần mẫn chăm lo chức trách thì sẽ bị trị theo phép nước”.[5]
Tự Đức năm thứ 24 (1871), do chánh tích tốt, được nhân dân ca tụng, ông được đặc ban là Phụng Thành đại phu Hàn lâm viện Thị giảng, lãnh việc đề hình của Hà Nội và Án sát sứ của Án sát ty. Sắc phong của vua Tự Đức ngày 23.6.1871 viết: “Sắc cho Biên tu, Tri huyện huyện Hương Trà kiêm quản sự vụ huyện Phú Vang Võ Tiến Thượng là người học thức tài ba, thực hành đúng theo quy châm của người làm quan là: Thanh, Thận, Cần. Vì vậy đặc ban là Phụng Thành đại phu Hàn lâm viện Thị giảng, lãnh việc đề hình của Hà Nội và Án sát sứ của Án sát ty”.[6]
Tự Đức năm thứ 25 (1872), trong khi là đương kim Án sát Hà Nội, ông được cử làm Tán tương Quân thứ Sơn - Hưng - Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang) đánh dẹp phỉ Trung Quốc, cùng lái buôn người Pháp là Garnier đang hoành hành vùng thượng lưu sông Hồng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Đồng Đăng, Kỳ Lừa... Sau đó, trong lúc đánh nhau với phỉ Trung Quốc, ông để đồn Đông Lý thất thủ nên bị giáng ba cấp lưu dụng. Sách Đại nam thực lục chép rằng: “Đồn Đông Lý, tỉnh Tuyên Quang bị giặc chiếm mất. Đề đốc Nguyễn Văn Hùng, Phó lãnh binh Nguyễn Khiển, Đỗ Văn Ngũ đều phải cách chức lưu nhiệm; Tham tán Ông Ích Khiêm phải giáng năm cấp, Tán tương Vũ Tiến Thảng (tức Võ Đăng Xuân - TG) phải giáng ba cấp, Án sát Tuyên Quang là Nguyễn Quế phải giáng hai cấp, đều được lưu nhiệm cả”.[7]
Rồi sau đó, ông lại tham gia trong đạo quân của Tham tán Ông Ích Khiêm tiến đánh hai đồn Đan Hà, Đồng Lũng, bất chấp hỏa lực của địch và viện binh đến không được, ông vẫn hăng hái xông lên trước nên hy sinh tại trận. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tán tương quân thứ ở Sơn - Hưng - Tuyên là Vũ Tiến Thảng (tức Võ Đăng Xuân - TG) (nguyên lãnh hàm thị giảng sung chức tán tương) đi đánh giặc ở hai đồn Đan Hà và Đồng Lũng, vì coi thường tiến đánh, bị chết trận. Việc ấy tâu lên. Vua bảo Bộ Binh rằng: Tiến Thảng lầm lỗi vì táo bạo hăng hái quá, không những hại đến bản thân, cũng hại cả việc nước, nhưng quan văn mà như thế, rất có nghĩa khí, đáng khen, chuẩn cho truy tặng hàm Hàn lâm viện thị độc, chiểu theo hàm được tăng mà cấp tiền tuất và cho con được tập ấm”.[8]
Theo lời kể của ông Võ Tấn Cẩm (sinh năm 1931) và ông Võ Tấn Tâm (sinh năm 1941) là hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Võ ở làng Phô Thị (cụ Võ Đăng Xuân đời thứ 8) thì theo tương truyền khi ông hy sinh, kẻ thù đã chặt lấy đầu ông, các tướng sĩ phải khiêng quan tài của ông đi bộ suốt ba tháng trời mới về đến quê nhà và chôn ở xứ Đàng Trạm, làng Phô Thị. Nơi đây, dân làng vẫn gọi mộ ông là Mộ Quan Án.
Tin ông hy sinh được tâu lên vua. Ngày 20.5.1872, vua Tự Đức cho rằng, suốt những năm tháng kể từ khi thi cử đỗ đạt rồi ra làm quan, lúc nào ông cũng tỏ ra là người “tang hồ tráng chí, khoa bảng danh lưu”, nhiều lần “quên thân vì nước chẳng chút từ nan” nên truy tặng cho ông là Trung Thuận đại phu Hàn lâm viện Thị độc học sĩ. Tự Đức năm thứ 33 (1880), ông được liệt vào thờ ở Trung nghĩa từ. Còn con của ông là Võ Tiến Gián được ấm thụ Chánh cửu phẩm sung việc từ trác nha Sơn phòng Nghĩa Định (Quảng Ngãi - Bình Định).
Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911) đương kim Tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn và cũng là người cùng huyện Lễ Dương với ông khi hay tin ông hy sinh đã viết bài văn truy niệm ông, trong đó có câu:
“Chí ông ai nấy đều biết, ai nấy đều nói là phải, là người huyện tôi nổi danh, ai nấy lấy làm vinh hạnh về ông! Nay ông đã ngưng nghỉ, chí ông không mất nhưng huyện tôi mất một người.
Ô hô! Ôi là thương tiếc, thế là công bố khí khái của ông là văn, xin mời ông, về dự hội cờ Triệu đầy tiếng thổn thức này”.
Những di tích, di vật liên quan
Hiện nay tại làng Phô Thị vẫn còn nhiều dấu tích về ông. Tại căn nhà thờ ông ở làng Phô Thị do ông Võ Tấn Cẩm hương khói, thờ tự vẫn còn lưu giữ tổng cộng 07 sắc phong gồm: 04 sắc phong của vua Tự Đức ban cho ông vào các mốc thời gian: ngày 24.10 Tự Đức năm thứ 19 (1866), ngày mồng 10.3 Tự Đức năm thứ 23 (1870), ngày 23.6, Tự Đức năm thứ 24 (1871) và ngày 20.5 Tự Đức năm thứ 25 (1872); 01 sắc phong của vua Tự Đức ban cho ông nhưng được Bộ Lại sao lại vào ngày 20.5, Tự Đức thứ 25 (1872); 02 sắc phong cho cha và mẹ ông ngày 19.9, Tự Đức năm thứ 28 (1875); cùng 01 văn bằng của Thự Tổng đốc Hà Nội, Ninh Bình (họ Bùi) cấp cho ông vào ngày 28.3, Tự Đức năm thứ 25 (1872). Đây là những văn bản vô cùng quý giá, là nguồn sử liệu hết sức quan trọng minh chứng cho hành trạng một danh nhân của Thăng Bình đã có nhiều đóng góp cho đất nước, dân tộc dưới thời Nguyễn.
Đặc biệt, trên một gò đất nhìn ra cánh đồng thuộc xứ Đàng Trạm, làng Phô Thị, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là nơi an nghỉ cuối cùng của danh thần Võ Đăng Xuân. Mộ có kích thước 5 x 8 m, xây bằng vôi và gạch theo phong cách triều Nguyễn. Trước mộ có bức bình phong, mặt trước không rõ motif trang trí, mặt sau còn sót lại những dòng chữ Hán mờ nhạt do trải qua thời gian, mưa gió bào mòn. Hai bên cũng có hai bức bình phong được xây bằng gạch. Tiếp đến là lối vào mộ và bia, mộ. Đây là một trong những ngôi mộ cổ còn khá nguyên vẹn trên đất Quảng Nam.
Thay lời kết
Có thể nói, cố Tán nhương Võ Đăng Xuân, người con của quê hương Thăng Bình, đã có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước, ông được vua Tự Đức hết lời ca ngợi là “người tang hồ tráng chí, khoa bảng danh lưu, nhiều lần quên thân vì nước chẳng chút từ nan” và được truy tặng là Phụng Thành đại phu Hàn lâm viện Thị giảng, Trung Thuận đại phu Hàn lâm viện Thị độc học sĩ. Do đó, thân thế, hành trạng của ông cần được tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu làm cho sáng tỏ, đặc biệt những di tích, di vật liên quan đến ông cần được các cấp chính quyền địa phương quan tâm lập hồ sơ công nhận di tích để bảo tồn di sản vô cùng quý giá của tiền nhân.
V.H.A
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Ngận. Quảng Nam xưa và nay (di cảo). Nxb Thanh niên, 2004.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam liệt truyện. Tập 3+4. Nxb Thuận Hóa, 2013.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục, 2007.
4. Phạm Ngô Minh - Trương Duy Hy. Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn 1601 - 1919. Nxb Văn nghệ, 2007.
[1] Ông Võ Đăng Nghị được vua Tự Đức cho là “người biết cách dạy con, đem thân vì nước” nên trong sắc phong ngày 19.9.1875, vua Tự Đức đã truy tặng cho ông là Phụng Nghị đại phu Hàn lâm viện Thị độc.
[2] Bà Hồ Thị Liên được vua Tự Đức cho là “người dùng đức hạnh dạy con, học hành đỗ đạt” nên trong sắc phong ngày 19.9.1875, vua Tự Đức đã truy tặng bà là Ngũ phẩm nghi nhân.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục. Tập 7. Nxb Giáo dục, 2007, tr. 127.
[4] Bản dịch của Tống Quốc Hưng - Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hội An.
[5] Bản dịch của Tống Quốc Hưng - Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hội An.
[6] Bản dịch của Tống Quốc Hưng - Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hội An.
[7] Quốc sử quán triều Nguyễn. Sđd, tr. 1334.
[8] Quốc sử quán triều Nguyễn. Sđd, tr. 1339.
(Ảnh bìa là mộ danh thần Võ Đăng Xuân)