Trốn tìm - Truyện ngắn của Quế Hương
1. Ngồi ngửa ra ghế, ông bác sĩ thờ ơ hỏi mẹ nó: “Cháu đau gì?” Mẹ nó ấp úng: “Tôi chẳng hiểu…cháu cũng ăn uống, đi học bình thường nhưng đột nhiên cháu không nói. Cháu ... ” -Bà ngập ngừng rồi bật tiếng đó một cách khó khăn. Ông bác sĩ chồm người dậy, linh hoạt hẳn lên .Ông ta hỏi to: “Sao? Bà nói sao? Nó sủa à ?”. Ông ta ồ liên tục, lấy làm thú vị với căn bệnh khác thường này rồi nói với nó: “Sao vậy cháu? Nằm xuống bác coi nào!” Ông ta khám nó chừng 5 tiếng đồng hồ. Vạch mí mắt, soi mũi, soi họng rất lâu. Ông ta bắt nó a…a…nhưng nó im lặng không hợp tác.
Hơi thở có mùi bia của ông ta phả vào nó và nó nín thở để khỏi quyện với ông ta. Ông ta nghe tim phổi, lắc bụng đến nghe tiếng ọc ạch của ly nước nó vừa uống ở nhà, gõ đầu gối nó bằng cái búa tí tẹo và kéo quần nó xuống để coi chim có bình thường không. Sau cùng ông ta buông tha nó và quay qua mẹ nó. Nó biết mẹ lại kể chuyện mình đẻ thiếu cân. Chậm biết nói. Bội nhiễm vi- rút TT (1). Đái dầm. Nhút nhát. Vân vân và vân vân…Lợi dụng lúc ấy nó kéo quần lên và chẳng thèm mang giày phóng ra cửa.
Nó cắm đầu cắm cổ chạy va cái rầm vào một người tay dắt một con bé đang đi vào. Ông ta chưa kịp quát nó đã phóng trối chết vì đó chính là thầy giáo dạy Toán có biệt danh ông khủng bố. Ở lớp ông khủng bố dội bom nó liên tục. Chữ như gà bới. Chậm như rùa. Nhát như thỏ. Ngu như chó…Nhiều lúc nó tự hỏi mình là con gì nhỉ ? Cuối cùng nó quyết định nó là chó. Chó rất dễ thương và không ngu chút nào. Như Bonheur đấy thôi. Nhờ quyết định ấy, nó thoát hiểm một cách dễ dàng. Đầu tiên là thầy khủng bố. Thầy vừa mở miệng rủa sả nó như thường lệ: “Tôi không hiểu sao em lại ngồi đây…” thì nó làm một tràng “Gâu…gâu…gâu…” Miệng thầy há to, mắt như rớt ra ngoài và thầy lắp bắp: “Ơ…lại còn thế!”. Cũng trong giờ văn, khi cô văn mẫu dặn dò: “Các em học thuộc dàn bài chi tiết (thật ra là bài mẫu ở lớp học thêm) và chép sạch đẹp vào thì nhiều điểm thôi”, nó ngồi dưới lớp đáp: “Gâu…gâu…gâu” – “Chó đâu ra đây?”- Cô ngạc nhiên. Nó làm tràng thứ hai, tụi bạn cười nghiêng ngả còn cô lảo đảo tựa vào bàn. Ngay chiều hôm đó nó bị dẫn đến bác sĩ .
Không thể hiểu nổi người lớn. Mẹ luôn bắt nó giống đứa khác. Bố muốn nó giống thiên tài. Cô giáo hồi lớp Bốn thì không chấp nhận cây bút nào khác cây bút chì cô cho làm mẫu. Còn giành quyền yêu ghét của nó. Cô ra đề tả một con vật sống quanh em. Nó viết về con gián bị lật ngửa: “Khi ấy trông nó tội làm sao, những cái cẳng màu nâu hươ hươ bất lực trong không khí cho đến khi kiệt sức mà chết. Em lấy cái tăm lật nó lại. Nó đi, chào cám ơn em bằng hai cọng râu dài như hai cái cần ăng - ten…” Cô đọc bài văn điểm 4 ấy trước lớp, kết luận: “Ai cũng như em thì thế giới này đầy gián! Eo ôi!”. Từ đó nó có thêm biệt danh “Bạn loài gián” !
Chạy một mạch hết con đường, nó bắt đầu đi. Vừa đi vừa lẩm bẩm: “Cụp vô! Cụp vô...Mình cụp vô! ”.Chả là hai tuần nay thầy Toán chuẩn bị thi giáo viên giỏi cấp thành phố. Tổ, trường góp ý xây dựng, dự giờ. Giáo án điện tử, máy tính, máy chiếu xôm trò…Điều thầy đau khổ là sự hiện diện của nó trong tiết thi dạy. Nó chậm chạp, kêu lên là mất bình tĩnh ấp a ấp úng. Gợi ý nó ở nhà sẽ đụng ba nó, một phụ huynh “vàng ” của trường. Thầy dạy trước bài, dặn trăm phần trăm giơ tay. Loại ngón cụp như nó chỉ để làm cảnh. Thầy chỉ gọi bọn ngón duỗi. Thầy còn phân bài tập cho từng đứa như phân vai diễn. Mất 2 tuần diễn tập.
Nó về nhà, Bonheur ra đón, vẫy đuôi lia lịa, miệng há như cười. Tôi đợi cậu lâu rồi đấy! Giờ mình chơi ném banh đi! Và hai đứa chơi trò tha ném .
2 – Bonheur là con chó nhà quê đặc được mẹ đặt tên Tây. Đó là món quà ông nội đem dưới quê lên cho cháu. Nó dạy Bonheur đi hai chân, nhặt đồ vật, chạy thi còn Bonheur dạy nó nói tiếng cẩu. Chỉ cần mấy tiếng gâu gâu âm sắc khác nhau, con chó hiểu ngay nó buồn hay vui, muốn chơi trò gì. Nhiều khi hai đứa gâu gâu loạn xạ trong căn nhà vắng lặng.
Rồi nó phát hiện nó không chỉ biết cẩu ngữ. Có lần mẹ thấy trong căn bếp sạch bóng một đàn kiến đang cõng hạt cơm và sai nó lấy bình thuốc xịt muỗi. Lúc ngón trỏ của nó sắp bấm vào vòi xịt, nó nghe tiếng tim mình đập mạnh, tiếng con kiến đầu đàn: “Tụi này có làm gì đâu, chỉ cõng hạt cơm rơi về tổ !”. Ba nó nuôi con khướu Bách Thanh biết hót giọng trăm loài. Sáng sớm nhìn con chim quý trong cái lồng chạm trổ ngửa cố ra rả, ba nó nhại: “Sướng quá! Sướng quá !” Còn nó lại nghe: “Nhớ má quá! Nhớ má quá!” Tiếng hót như gai nhọn đâm lỗ chỗ mảng trời xanh trước mặt.
Mẹ dắt nó đến mấy bác sĩ. Ông thì bảo nó mắc bệnh tự kỷ. Ông phán rối loạn nghe nói chưa rõ nguyên nhân…nhưng ông nào cũng khuyên cho nghỉ ngơi kẻo điên đấy! Mẹ hoảng quá cho nó nghỉ xả hơi một tuần.
Nó đi dọc ngang trong ngày rộng thênh thang không niềm sợ hãi, không thời khóa biểu, không bị la mắng. Cười vô cớ. Nói đủ thứ tiếng. Chơi đủ trò. Bonheur nhặt trong xó một cái giỏ tre phủ đầy mạng nhện tha lên phòng khách sang trọng nằm thò mõm vào đó. “Mày làm gì thế ?”- “Cậu không nhớ à? Đây là cái giỏ ông đem tui từ dưới quê lên ”. Bonheur là một con chó tình nghĩa. Ông nội bế nó từ thơ bé. Thế mà ông lên chơi, nó mừng như điên. Từ ông phả ra một mùi quen thuộc không phai nhòa trong ký ức nó - mùi đất đai, rơm rạ, mùi thơ ấu.
“Tới đây! - Bonheur kéo ống quần nó - có bạn cho tôi lẫn cậu đấy!” Thì ra nó phát hiện bên kia bức tường chắn mới có một chàng Fox bé xíu, lùn tịt, mắt lồi, mõm ngắn, không lông. Chàng hạt tiêu cũng khoái cô nàng cao lớn cuống cuồng làm quen. Chủ con Fox là một con bé váy xòe như bông hoa nở.
- Chó đằng ấy tên gì? – Nó hỏi vọng qua.
- Lí Lắc. Còn chó đằng ấy?
- Bonheur, tiếng Pháp có nghĩa là Hạnh Phúc. Cho Bonheur làm bạn với Lí Lắc được không?
- Bằng cách nào?
- Thả qua ô thông thoáng .
Làm bạn với Lí Lắc, Bonheur đúng là hạnh phúc. Hai đứa nô đùa với nhau còn hai cô cậu chủ nhỏ chơi trò phóng máy bay giấy chở những câu hỏi.
- Đằng ấy tên gì?
- Na. Còn đằng ấy?
- Ông nội đặt cu Gạo. Nhưng mẹ gọi là Rice.
- Tớ thích cu Gạo hơn.
Máy bay giấy hạ cánh xuống thềm nắng rồi lại phóng qua tường là là đáp xuống cỏ. Hai đứa nhỏ mải mê chơi trò nói chuyện trong im lặng cho đến khi ba con Na về. Con bé vội trả Bonheur nhưng con này toài xuống phóng theo Lí Lắc. Hai đứa sóng đôi bên nhau trên hành lang đầy nắng. Bố con Na giận điên người. Làm sao một con Fox bạc triệu lại cho kết bạn với một con chó ta rẻ tiền như thế!
Hôm sau những ô thông thoáng của bức tường chắn được bít lại. Con Fox bị xích lồng lộn trong tiếng kêu thương nhớ bạn tình. Thỉnh thoảng một chiếc máy bay giấy đáp xuống sân nhà thằng bé rồi lại bay vút lên ngã chắm chúi trên cỏ vì chở quá nặng.
Cu Gạo đã đến bác sĩ thứ năm, uống rất nhiều thuốc và vẫn…trốn vào tiếng sủa. Không nói là không hiện hữu. Bố bàn chuyện mánh mum trong điện thoại cả khi có nó. Mẹ kể chuyện nó sủa với bạn. Bà này ôm bụng cười. Cả mẹ cũng cười. Thầy khủng bố tới thăm, vuốt đầu nó như vuốt con chó: “Sủa chán chưa? Anh chị cứ cho cháu nghỉ ít ngày. Em kèm riêng không chỉ đuổi kịp mà còn vượt tụi trong lớp. Bảo đảm với anh!”
Đêm, bố mẹ đặt nó nằm giữa những tiếng thở dài, tiếng chì chiết nhau:
- Bên bà mấy đời trước có ai loạn thần kinh không? Bệnh này do gien.
- Coi thử đời ông cố, ông sơ bên ông đi! Bên tui không có. Đừng đổ thừa! - Giọng mẹ dấm dẳng.
- Bên tui cũng không. Cha thạc sĩ, giám đốc tưởng rằng sau con sẽ tiến sĩ, bộ trưởng…ai ngờ!- cha nó thở dài.
- Sĩ…sĩ…giấy kể gì? Ông làm gì kệ ông nhưng tui có một đứa đừng làm nó điên. Lo chuyển trường cho nó. Trường chuyên quá sức thì học trường thường .
- Bà quả có gien tầm thường. Cái gì cũng ưa thường. Bà lo chữa bệnh cho nó. Chuyện học hành để tui. Đi không nổi thì bế!
- Tôi nhất định chuyển nếu nó hết sủa.
- Lại phải chạy cho nó từ trung bình lên khá giỏi người ta mới nhận. Tốt hơn hết là đem con Bonheur cho quán thịt chó. Chơi với chó nói tiếng cẩu đấy mà!
- Không!- Nó kinh hoàng ngồi bật dậy hét lên.
- Có thế chứ! - ba nó cười ha hả.
Mẹ mừng ứa nước mắt. Còn nó im re, nhớ lại giấc mơ biến thành chó của mình.
Nó và con Bonheur chạy thi trong vườn. Vườn dài ra như cánh đồng theo sải chân của nó và con chó. Bonheur bảo: “Cậu chạy nhanh thế ?” – “Nếu không mày sẽ bỏ tao lại trên cánh đồng này một mình. Trời sắp tối rồi.” – “Cậu nhìn xuống chân coi! Thường chạy bằng hai chân cậu mới thua tui. Giờ cậu phóng bằng bốn chân. Tui sùi bọt mép mới theo kịp cậu nè!”. Nó nhìn xuống và kinh ngạc mình chạy bằng bốn chân thật. Người nó cũng mọc đầy lông lá như Bonheur. Hoảng quá nó hét lên. Nhưng đó chỉ là tiếng sủa. Nó sủa vô vọng trong bóng tối dày đặc, trong nỗi hoảng sợ kinh hoàng cho đến khi mẹ chạm vào người nó lay nó dậy. Thật kinh khủng khi biến thành chó dẫu trong giấc mơ.
3 – Xe hơi của ba nó ngừng lại bên thềm. Bác tài mở cửa. Cùng lúc ấy có tiếng đập cửa xe:
- Mở cho tao. Ngột thấy mồ! Y chang cái hộp sắt!
Bác tài lật đật vòng qua bên kia. Rồi từ trên xe bước xuống một Hai Lúa chính hiệu. Trên tay ông già là cái giỏ tre ràng rịt cẩn thận.
Con Bonheur nhảy xổ ra, liếm láp ông già rối rít rồi ngửi ngửi cái giỏ sủa toáng lên.
- Ông nội lên chơi ! – Nó vòng tay.
- Sao cu Gạo xanh xao vậy Ruộng?
- Lên đây ba đừng gọi thế người ta cười- Bố nó cau mặt.
- Cười hở mười cái răng. Tao đặt cái tên ấy là để mày đừng có quên gốc rạ. Quà của cu Gạo đây! – ông nội quay qua chìa cho nó cái giỏ.
- Ngoao..ngoao…
- Gâu…gâu…gâu…- Bonheur chồm đáp trả.
- Ba cứ cho nó chó mèo…Chơi đổ bệnh.
- Tía mày một đời ở với chúng có đổ bệnh đâu! Quả đất này đâu chỉ dành cho con người! Đứa nào thương yêu loài vật cũng nhân hậu. Gạo, cháu thích thành người nhân hậu không ?
- Dạ thích.
- Hết gâu gâu lại meo meo…Coi chừng đấy !- ba nó nhìn nó đe.
- Hai đứa chơi với nhau. Tao ra lệnh. - Ông nội dí miu vào Bonheur. Miu xù lông còn Bonheur sủa chiếu lệ. Nó đã nghe mùi quen thuộc của đồng quê và thơ ấu.
- Gọi nó là Mướp !- ông nội bảo.
Nó biết mẹ sẽ đổi tên Mướp thành Mina hoặc gì gì đó. Điều chắc chắn là nó lại biết thêm Miu ngữ!
Một tuần sau, cu Gạo khoái trá ngồi nghe hai con nói chuyện:
- Trên này chán quá, không có chuột đồng - Mướp nói.
- Chuột đồng là con gì? Tớ chưa từng thấy – Bonheur trả lời.
- Nghe nói đằng ấy cũng gốc ruộng cơ mà, sao không biết ?
- Lên đây hồi bé .
- Chuột đồng múp míp, ngào ngạt hương đồng gió nội. Nếm rồi là mê.
- Tớ chỉ ăn trứng lộn và gặm xương thôi. Ăn mãi cũng chán.
- Đây cũng không có chỗ ị.
- Cứ ị ra sân. Chị Năm hốt ngay mà!
- Nhưng tớ có thói quen kín đáo, lịch sự. Xong là đào chôn. Mèo giấu cứt mà!
- Để tớ chỉ cho một chỗ. Theo tớ !
Hai đứa chạy đi còn nó thuật lại cho ông nội nghe. Ông vỗ đùi cười ha hả: “Cha thằng cu Gạo! Mày quả là cháu Hai Lúa! Lũ chim cò mèo chó gà heo nói chuyện gì ông mày hiểu hết trọi! Chỉ con người là khó hiểu. Họ hay thay đổi ”.
Ngày nào ông nội cũng chực nó đi học về chơi trò “dzìa quê ”. Mới lên tuần mà coi bộ ổng nhớ quê dữ, thở ngắn thở dài. Tivi ông chê biết nói không biết nghe. Nằm máy lạnh nhức đầu. Ăn lạnh nhức răng. Giữa âm thanh phố thị ồn ào, ông say sưa biểu diễn khúc nhạc đồng quê – nhại tiếng ếch nhái, chim, cò. Ông tả mấy món chuột đồng, ếch, rắn nghe ứa nước bọt. Ông kể chuyện mùa soi ếch, mùa nước nổi, len trâu, cây cầu khỉ, sân chim, vườn cò…Những câu chuyện ấy ướp đẫm mùi vị đồng quê thương nhớ khiến Bonheur và Mướp cũng vểnh tai nghe và kích thích trí tưởng tượng của cu Gạo dữ dội khiến nó đòi ba mẹ nghỉ hè phải cho cả ba đứa “dzìa quê” một tháng.
Sân nhà cu Gạo đầy máy bay giấy. Đáp xuống, phóng đi chở những câu chuyện tầm phào, những câu hỏi ngớ ngẩn. Thế mà hiệu quả còn hơn ông bác sĩ thứ sáu!
4- Bằng cách nào đó, nó được chuyển về một trường không điểm, không chuyên khi nói trở lại. Cô giáo chủ nhiệm kiêm dạy Văn xếp nó ngồi cạnh một thằng tên Hùng có biệt danh “Hùng có ngay ạ!” ! Hôm ấy thằng Hùng bị gọi đọc bài.
- Trần văn Hùng!
- Có ngay ạ!
Thằng Hùng đứng dậy cầm vở đi lên.
Gió lạnh đầu mùa thông thốc lùa vào cửa, vốc từng nắm rét ném vào lũ trẻ, luồn vào tận đường may, mũi đan. Thằng Hùng co ro trong tấm áo mỏng, răng đánh đờn cầm cập.
- Thưa cô em không thuộc bài …
Làm xong thủ tục, thằng Hùng giương đôi mắt thiếu ngủ nhìn xuống lớp, nhe răng cười. Nó đợi xối xuống mình những lời mắng mỏ quen thuộc nghe đến chai lì. Nó được đến trường mà không được học. Đêm nào cũng bưng cháo gà đến 1 giờ sáng. Ngày đi học về là bị dì ghẻ sai túi bụi, nhổ lông gà liên miên. Thấy im lặng đè nặng, thằng Hùng ngẩng lên nhìn. Ánh mắt cô giáo đang đậu trên bàn tay cáu bẩn, vàng màu nghệ của nó trên mép bàn. Bối rối, nó thụt tay lại giấu sau lưng.
- Lần sau Hùng trả bài cho cô nghe! – Tiếng cô dịu dàng.
- Có ngay ạ !
Dưới lớp lác đác tiếng cười. “Hùng trâu bò hôm nay hên quá ta, không bị chửi ”…
Thằng Hùng về chỗ, vẫn lơ mơ vì sự khác thường vừa rồi. Còn cô đến khép cánh cửa gió lùa. Áo len màu tím như màu giấc mơ.
- Sao bạn không mặc áo ấm?
- Áo tớ ngắn ngủn, chuột lại cắn nát .
Hôm sau cu Gạo đi học sớm, mặc hai áo ấm. Nó kéo thằng Hùng ra một góc, cởi áo:
- Mình tặng …
- Không dám đâu! Mẹ bạn mắng chết !
- Mình xin mẹ rồi. Bạn mặc…mình ấm đấy!
- Thật không ?
- Thật !
Thằng Hùng mặc áo, ấm đến hồng đôi má thiếu ăn, long lanh đôi mắt thiếu ngủ.
Giấc mơ màu tím tinh ý nhận ra ngay, đến bên người cho, thầm thì :
- Ấm không em?
- Dạ ấm ! - Nó lí nhí trả lời. Nó biết cô hỏi lòng nó có ấm không.
Những chuyện vặt vãnh thế mà cu Gạo vui suốt ngày. Có cái gì đó khe khẽ ngân rung trong lòng nó khiến nó cười một mình, ôm Bonheur gâu gâu, thét vào tai Mina ngoao ngoao rồi ra sân phóng máy bay giấy. Chẳng còn ai nhận ra thằng bé 12 tuổi lử đử lừ đừ cõng trong tâm hồn mình một tảng đá nặng hơn thân xác .
Bài viết đầu tiên về văn miêu tả, nó được điểm cao nhất lớp. Nó tả Bonheur và Mina nằm bên nhau trước mái hiên đầy nắng và kết luận:
“Bonheur quàng chân ôm Mina ngủ. Nắng đắp mền cho hai đứa.”
Có thế mà cô khen nức nở. Cô còn bảo: “Cô tin lớp chúng ta sau này sẽ có nhà văn, một nhà văn nhạy cảm, nhân hậu và đầy ắp tưởng tượng.”
Trưa ấy một chiếc máy bay giấy phóng lên trời chở lời cô vút vào mây xanh, nhiều năm sau mới đáp xuống bãi cỏ nhà bên khi cậu bé mắc bệnh sủa ngày nào trở thành văn sĩ chở ngày thơ ấu bay qua trên những con chữ có cánh .
Q.H
Chú thích (1):vi-rút Tưởng Tượng