Biểu tượng Lửa tỏa sáng trong văn thơ Hồ Chí Minh
1. Lửa – Biểu tượng cho việc gây dựng phong trào cách mạng.
Hồi còn ở Việt Bắc, đồng chí Nguyễn Thọ Chân cùng các đồng chí Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp đến xin tiền Bác:“- Trung ương không có tiền, mà chỉ cấp tiền để cho các chú đi và về thôi. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm, nhưng biết cách thì cũng có thể đốt được cả một cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to, nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được...”[1]. Đây cũng là phong cách dùng ngụ ngôn quen thuộc của Bác để nói về vấn đề căn cốt nhất là “cách” xây dựng phong trào. Cách ấy là gì? Là dựa vào dân.
Bài Nhóm lửa nói về công việc cách mạng lúc đầu bao giờ cũng gian nan: “Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa/ Biết bao nhiêu là sự khó khăn/ Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân/ Cũng lo sợ lửa khi tắt mất”.Nhưng khi đã hội tụ đủ các điều kiện thì sức mạnh cách mạng thật vô cùng: “Khi lửa đà chắc chắn bén lên/ Thì mưa gió, chi chi cũng cháy/ Mưa lún phún, lửa càng nóng nảy/ Gió càng cao, ngọn lửa càng cao/ Núi rừng đều bén, cháy ào ào/ Lửa nung đỏ, cả giời sáng toé...”[2]. Cách mạng như lửa là tỏa sáng, là lan truyền, là thiêu cháy những gì bất công: kẻ xâm lược, tay sai, lạc hậu, bần cùng…
Chính vì quan niệm dựa vào dân, trọng dân nên trong công tác dân vận Bác Hồ yêu cầu để cho dân tự chủ, tự chủ nêu và giải quyết vấn đề: “Phát động quần chúng không phải như lửa rơm, đốt cháy bùng lên rồi tắt ngay. Phải làm cho quần chúng giác ngộ, làm cho phong trào ăn sâu trong địa phương, tự quần chúng nêu vấn đề, tự họ giải quyết vấn đề, tự họ tranh đấu. Không phải cán bộ học được gì rồi thì mang nói cho nông dân ngồi nghe”[3]. Đó là bài học vì dân, yêu dân, tin dân, kính trọng dân cho hôm nay!
2. Lửa – Biểu tượng cho thế và lực cách mạng.
Nhật ký trong tù chỉ có ba ngọn lửa tỏa sáng xua tan bóng tối và giá lạnh chốn lao tù. Ngọn lửa trong bài Nạp muộn (Buồn bực) là ngọn lửa trong tưởng tượng, trong suy nghĩ “buồn bực” của chủ thể: “Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận/ Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh/ Trong ngục người nhàn nhàn quá đỗi/ Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh”.Ngọn lửa ở đây chưa cụ thể, là ẩn dụ cho chiến tranh, nhưng nghiêng về chiến tranh cách mạng đang nóng bỏng, đang bốc cao. Thế mà một người chiến sĩ cách mạng lại phải ở tù...
Trong văn xuôi, ở một ví dụ, Bác nhắc “dân và quân ta phải luôn gắng sức, cẩn thận, chuẩn bị, đề phòng, luôn luôn tấn công địch và phá hoại địch, tuyệt đối chớ tự kiêu, chớ khinh địch, dù lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhóm, chỉ có tiến, không có thoái”[4]. “Lửa mới nhóm” mạnh mẽ, cường độ lớn về độ nóng, độ lan tỏa.
Đồng chí Dương Đại Lâm nhớ về bài học “Người dạy chúng tôi: Đế quốc như nước trong nồi, cách mạng như lửa, nước với lửa bao giờ cũng kỵ nhau. Lửa càng cháy càng bốc cao ngọn thì nước trong nồi càng nóng đến độ nào đó sẽ sôi trào ra ngoài làm lửa tắt. Ta lại nhóm lại lửa, chất thêm củi vào, ngọn lửa lên to lại có thể làm cho nước sôi nóng, chảy tràn ra tắt bếp một lần nữa. Ta lại chất thêm củi, nhóm lại lửa cứ như thế mãi cho đến khi nước cũng phải cạn, gang cũng phải chảy ra. Cho nên phải có hội viên trung kiên thì khi địch tiến hành khủng bố trắng mới không tan rã tổ chức, mới có củi mà nhóm lại ngọn lửa”[5].Ở đây hình tượng “lửa” được sử dụng đa nghĩa: là sức mạnh cách mạng, là phẩm chất cách mạng (hội viên trung kiên).
3. Lửa – Biểu tượng cho môi trường rèn luyện, thử thách, cho thế và lực phản động, hung tàn.
Giáo dục thanh niên Bác hay dùng thành ngữ “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Nhưng nhiều trường hợp Người “tập” thành ngữ để tạo ra một thành ngữ mới như trong bài báo Thực dân Pháp xâm lăng Bidectơ lên án Pháp xâm lược một địa danh (cửa biển) của nước Tuynidi. “Khi đó Liên Xô (cũ) đã ủng hộ Tuynidi còn Mỹ lại giúp Pháp xâm lược. Thật đúng là “Lửa thử vàng gian nan thử bạn”[6].
Ngoài ra, Bác Hồ dùng “lửa” làm biểu tượng cho thế và lực của giặc Pháp để nói về phương châm chiến lược của ta. Hồi đầu kháng Pháp nhiều người lo lắng vì Pháp mạnh, ta yếu, Bác giải thích ngắn gọn: “Thế địch như lửa. Thế ta như nước. Nước nhất định thắng lửa”. Thế giặc lúc đầu ào ạt nên ta phải giữ sức, trường kỳ kháng chiến: “Muốn trị lửa phải dùng nước. Địch muốn tốc chiến, tốc thắng. Ta lấy trường kỳ kháng chiến trị nó, thì địch nhất định thua, ta nhất định thắng”[7].
4. Lửa – Biểu tượng chocuộc sống ấm áp, cho hạnh phúc gia đình.
Bài thơ Mộ (Chiều tối) có một ngọn lửa ấm áp tình đời, tình người, tỏa sáng, tỏa ấm xua tan giá lạnh: “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ/ Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không/ Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết, lò than đã rực hồng”. Lò than rực hồng là lò than đượm lửa. Chữ “hồng” được coi là “nhãn tự” vừa là niềm tin yêu, niềm lạc quan, hy vọng vừa là ước mong cháy bỏng cuộc đời này luôn ấm áp để cho nhưng thôn nữ kia hạnh phúc với cuộc sống đủ đầy.
Bài Ngục trung sinh hoạtghi lại cảnh sinh hoạt tù đày khác lạ là người tù tự nấu ăn: “Mỗi người đều có một hoả lò/ Và mấy chiếc nồi lớn nhỏ/ Thổi cơm, đun trà, lại nấu thức ăn/ Suốt ngày khói lửa không lúc nào ngớt”. Chắc hẳn đây là những tù thường phạm và Bác lúc này được coi là thường phạm nên giam chung. Do vậy mới có cái bức tranh sinh hoạt này. Là cảnh tù nhưng có khói lửa và sự bận bịu nấu ăn nên không còn cảnh tù mà chỉ còn là cảnh sinh hoạt dân giã, bình dị. Không có cảnh chen chúc, cảnh treo ngược trên thuyền, cảnh giải đi giải lại...mà trở về với đời thường. Càng thấy hai chữ “khói lửa” bình thường mà đầy khát vọng.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt kể, đầu năm 1950, trời rét đậm. Có lần khi chờ một cuộc họp, bên bếp lửa hồng, Bác buột miệng: “- Thật là ấm cúng!”. Tôi thưa với Bác: “- Đúng vậy! Ấm lửa hồng, nhưng trước hết là ấm tình người”. Bác vui bảo tôi: “- Nếu có thím ở đây hay chú về với thím thì còn ấm hơn nhiều!...”[8]. Chi tiết này chứng tỏ phẩm chất thi sĩ thường trực, xuyên suốt, từ những suy nghĩ tầm chiến lược đến những suy nghĩ nhỏ, từ cảm hứng bao trùm đến những phẩm chất cụ thể như liên tưởng, tưởng tượng, so sánh... thì ở Hồ Chí Minh là tình thương con người, luôn lấy con người là gốc, là mục tiêu phấn đấu.
(vannghequandoi.com.vn)
[1] Nhiều tác giả - Bác Hồ sống mãi vơí chúng ta, tập 2, tr 477, 478.
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. Sđd, tr 276.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8. Sđd, tr 47.
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5. Sđd, tr 355.
[5] Nhiều tác giả - Bác Hồ, Hội văn nghệ Cao Bằng 1990, tr 135.
[6] Hồ Chí Minh toàn tập,tập 13. Sđd, tr 180.
[7] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4. Sđd, tr 539.
[8] Nhiều tác giả - Bác Hồ ở Việt Bắc - Nxb Chính trị Quốc gia, 2011, tr 360.