Phong cách làm việc của Bác Hồ
Phong cách Bác Hồ là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc và nhân loại. Phong cách của Bác thể hiện qua cách nghĩ, cách làm, cách diễn đạt, ứng xử, sinh hoạt,… xuất phát từ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú. Bác không dựa vào quyền lực để buộc mọi người phải phục tùng, mà bằng sự nêu gương, bằng phong cách làm việc quần chúng, tập thể, dân chủ và khoa học.
Bác thường yêu cầu cán bộ, đảng viên "phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng". Bác nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt "quan cách mạng", quan nhân dân không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ, không phải cứ viết lên trán hai chữ cộng sản thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đạo đức, có tài, có tâm, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân. Phải yêu thương dân, kính trọng dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình. Còn nếu cứ cậy quyền lực chỉ làm cho dân sợ, dân ngại, dân xa lánh và khinh ghét chứ không thể giành được sự tin yêu, kính phục của người dân.
Năm 1961, khi về thăm lại Pác Pó, Cao Bằng, thấy đồng bào tổ chức đón tiếp, Bác nói: Tôi về thăm nhà mà sao phải đón tôi. Khi đi thăm dân, Bác không muốn có nhiều bảo vệ vì đã có nhân dân bảo vệ Bác. Bác gặp gỡ bà con nông dân ngay trên đồng ruộng giữa trưa hè. Bác bỏ dép, xắn quần, lội nước nơi bà con đang cấy, hoặc tát nước như một nông dân quen việc đồng áng. Phong cách quần chúng bình dị đó của Bác có sức hút kỳ lạ, làm cho quần chúng đến với Bác không chút e ngại, mà bình dị và tự nhiên như người cha, người bác, người anh thân quen. Phong cách đó làm cho lãnh tụ và quần chúng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc. Nhờ vậy, mọi người có thể nói hết những suy nghĩ, trăn trở, băn khoăn của mình, còn Bác thì lắng nghe, suy nghĩ để hiểu rõ những khó khăn, nhọc nhằn, vất vả của mọi người đang phải gánh chịu.
Bác Hồ là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, nhưng Bác luôn giữ phong cách làm việc tập thể và dân chủ. Khi bàn về cách làm và xuất bản loại sách người tốt, việc tốt với một số cán bộ, Bác nói: "Bác muốn bàn luận dân chủ, các chú có ý kiến gì trái với Bác thì cứ cãi, nhất trí rồi về làm mới tốt được. Không nên: Bác nói gì, các chú cũng cứ ghi vào sổ mà trong bụng thì chưa thật rõ, rồi các chú không làm, hay làm một cách qua loa"(1). Phong cách làm việc tập thể, dân chủ của Bác luôn luôn tạo ra được không khí làm việc phấn khởi, hăng hái, sáng tạo và vô cùng hiệu quả.
Ngày 03-02-1969, nhân kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Bác Hồ viết bài báo: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đăng trên Báo Nhân Dân số 5409. Lúc đầu dự thảo bài báo, Bác cẩn thận cân nhắc, nên dùng đầu đề nào? “Đập nát”, hay “chống”, hay “rửa sạch”, hay “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân. Cuối cùng Bác chọn đầu đề cho bài báo là Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Sau đó, dự thảo được gửi cho các đồng chí trong Bộ Chính trị đọc và góp ý cho bài viết. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đọc, nghiên cứu và góp ý cho bài viết ở tiêu đề có dấu sửa bằng cách ngoặc mệnh đề “Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước và “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân” ra sau, chủ đề bài viết là: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhưng Bác vẫn giữ nguyên là “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
Các đồng chí Tố Hữu và Vũ Kỳ đề nghị với Bác cho chuyển vế sau thành vế trước, vì nói chung cán bộ, đảng viên ta là tốt, ưu điểm là cơ bản, chỉ có một số ít thoái hóa biến chất, cho nên đặt đầu đề như Bác có vẻ mạnh quá. Bác nói: “Ý kiến của các chú Bác thấy cũng có lý. Nhưng Bác còn phân vân điều này. Gia đình các chú tiết kiệm mua sắm được bộ bàn ghế, giường tủ mới. Vậy trước khi kê vào phòng, các chú có quét dọn nhà cửa sạch sẽ hay cứ để rác rưởi bẩn thỉu mà khiêng bàn ghế, giường tủ vào”(2). Và Bác đồng ý đổi tên đầu đề bài báo thành Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nhưng ở trong bài thì dứt khoát phải để nguyên ý Bác là Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng.
Việc Bác yêu cầu các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đọc, nghiên cứu, góp ý cho bài viết của mình, một mặt thể hiện tính dân chủ, tranh thủ được trí tuệ của tập thể, mặt khác có thể coi đây là hình thức sinh hoạt chính trị đặc biệt. Để đưa ra ý kiến của mình, mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phải đọc kỹ bài viết, có dịp ôn lại đạo đức cách mạng, những thành tích vẻ vang trong những năm tranh đấu của Đảng, được cảnh báo và thấy rõ tác hại, nguy cơ tiềm ẩn của chủ nghĩa cá nhân, những căn bệnh vô cùng nguy hiểm mà nó gây ra. Từ đó, rút ra phương pháp phòng, chống, để tiến tới quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Nhiều lần Bác đã phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ không dân chủ, do đó mà người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng coi thường đảng viên, quần chúng với Đảng xa rời nhau và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Làm cho quần chúng nhụt chí, không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong công việc.
Phong cách làm việc khoa học của Bác thể hiện ở tác phong đi sâu, đi sát, nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể. Làm việc phải có mục đích rõ ràng, tập trung, chương trình, kế hoạch đặt ra phải sát hợp "Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”(3). Bác Hồ đã phê phán bệnh "hữu danh vô thực" ở không ít cán bộ, đảng viên: "Làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính, không từ dưới làm nên. Làm cho có chuyện, làm lấy rồi. Làm được ít suýt ra nhiều, để làm một bản báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ lại thì rỗng tuếch... Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà, cũng là một bệnh rất nguy hiểm"(4).
Phong cách làm việc của Bác luôn là những bài học quý đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.
(1) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, NXB CTQG, HN 1996, t.10, tr.191.
(2) Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, Nxb CTQG, HN, 2006, tr.451
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 1995, t.5, tr.285.
(4) Sđd t.5, tr.256-257.
Nguyễn Văn Công
(bqllang.gov.vn)