Học tập và làm theo Bác về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

07.08.2015

Học tập và làm theo Bác về giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt

Ngôn ngữ có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc, đôi khi còn là nhân tố đảm bảo sự ổn định và tiến bộ của mỗi quốc gia, dân tộc đó. Chẳng những thế, ngôn ngữ còn góp phần quan trọng trong việc kế thừa và bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc  sử dụng và bảo vệ Tiếng Việt, Người thường nhắc nhở mọi người phải biết giữ gìn và quý trọng Tiếng Việt.

1. Hồ Chí Minh là một trong số ít những lãnh tụ trên thế giới thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong bộ sách “Hồ Chí Minh Toàn tập”, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều tác phẩm của Người được viết bằng tiếng nước ngoài như: Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc. Không dừng lại ở biết tiếng nước ngoài, Hồ Chí Minh còn sử dụng ngôn ngữ - tiếng của dân tộc khác một cách điêu luyện, thuần thục. Bởi Người không chỉ dành thời gian, công sức cho học ngôn ngữ, mà còn dành thời gian tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán và con người nơi đây.

Một trong những lý do chính thôi thúc Hồ Chí Minh học ngoại ngữ là để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Người đến nhiều quốc gia, làm nhiều nghề để sống, nhưng trên hết, Người luôn ý thức học hỏi những cái hay, cái tốt để đem về giúp đỡ dân tộc mình. Hồ Chí Minh nhận thức rõ vai trò của ngoại ngữ. Đối với Hồ Chí Minh, ngôn ngữ bất đồng “là một trở lực” lớn, vì thế việc hiểu ngôn ngữ bản xứ, học ngoại ngữ chính là “phương tiện” để Người có thể nắm bắt nhanh tình hình, làm quen và tìm hiểu các nền văn minh khác nhau. Vì thông thạo ngoại ngữ, hiểu văn hóa, con người nước bạn, nên Hồ Chí Minh đã tìm ra cách giao tiếp, làm việc phù hợp với người lãnh đạo và nhân dân ở nước ấy; để lại những ấn tượng tốt đối với đối tác và góp phần thiết lập những mối quan hệ lớn, đem lại thành công cho Người và lợi ích cho dân tộc. Biết ngoại ngữ, Người cũng có thể tự mình phân tích tình hình chính trị, xã hội đầy biến động, tự trau dồi, rèn luyện bản thân để có một nhãn quan chính trị nhạy bén. Hồ Chí Minh từng viết, khi Cách mạng Tháng Mười nổ ra ở nước Nga, Người chưa hiểu hết ý nghĩa của cuộc Cách mạng Nga, khi đó “trình độ tiếng Pháp của tôi còn kém và nhận thức chính trị của tôi còn bị hạn chế”(1). Nhưng đến lúc Người đứng dưới ngọn cờ của Quốc tế thứ ba, Người “đã nắm vững tiếng Pháp và đã có thể tiến hành tự học chính trị một cách sâu sắc và có thể hiểu rõ các vấn đề quốc tế”(2).

Mặc dù giỏi ngoại ngữ, nhưng Hồ Chí Minh không xem ngoại ngữ là ngôn ngữ chính của mình. Người chỉ sử dụng ngoại ngữ trong những trường hợp bắt buộc như: Ra nước ngoài, trong đàm phán hoặc làm việc với các chính khách. Những khi nói chuyện với đồng bào trong nước, Người chú trọng dùng tiếng mẹ đẻ, nói ngôn ngữ của dân tộc. Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí đặc biệt không thể thay thế của Tiếng Việt trong đời sống xã hội ở Việt Nam. Người thường nhắc nhở: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”(3); hay “ta phải giữ đất nước của chúng ta, Tổ quốc của chúng ta; phải giữ cái tiếng của chúng ta”(4). Người mong rằng mỗi người dân Việt Nam đều có ý thức bảo vệ Tiếng Việt cả trong giao tiếp cũng như viết báo, làm văn... “không nên dùng tiếng ngoại quốc, khi có thể dùng tiếng ta”(5).

Muốn thoát khỏi sự nô dịch, có nền độc lập hoàn toàn, dân tộc ta cần giữ gìn được ngôn ngữ của mình. Cùng với việc lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh cũng kiên quyết đấu tranh, bảo vệ tiếng nói của dân tộc. Người khẳng định: “Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục dân tộc mình”(6), Người đề nghị trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa M.Mutê: “Ở Việt Nam thì tiếng Pháp không thể bị áp đặt là một ngôn ngữ bắt buộc”(7).

Khi giành được độc lập vào năm 1945, Hồ Chí Minh đã quan tâm ngay đến việc dạy chữ quốc ngữ cho dân thông qua chủ trương xóa nạn mù chữ. Vì thế, đất nước ta nhanh chóng gặt hái nhiều thành tựu trên lĩnh vực giáo dục, bảo vệ và gìn giữ được ngôn ngữ dân tộc. Năm 1958, sau khi thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, chúng ta thu được kết quả đáng tự hào: Công việc xóa nạn mù chữ đã gần xong, số sinh viên đại học đã tăng lên gấp 6 lần và số học sinh trung học lên gấp 14 lần, số học sinh tiểu học gấp 4 lần so với thời Pháp thuộc. Các trường đại học đều dạy bằng Tiếng Việt... Điều ấy chứng minh rằng, khi một dân tộc được tự do, độc lập, người dân được quyền nói tiếng nói của dân tộc thì có thể phát huy hết tài năng để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của mình.

2. Không chỉ dừng ở đó, theo Hồ Chí Minh, khi đã có tiếng nói riêng của dân tộc mình thì chúng ta cần biết giữ gìn và phát triển nó. Khoa học ngày càng phát triển, có những chữ mới mà ta chưa có, thì ta phải mượn: “Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu”(8). Chúng ta sử dụng tiếng nước ngoài để làm giàu thêm trong khi diễn đạt, nhưng phải có chừng có mực: “Cái gì Tiếng Việt Nam có thì cứ nói Tiếng Việt Nam, chớ có mượn tiếng nước ngoài”(9). Không nên mắc bệnh sính dùng tiếng nước ngoài, tưởng như thế là hay mà không lường hết được “Dùng đúng, đã là một cái hại, vì quần chúng không hiểu. Nhiều người biết không rõ, dùng không đúng, mà cũng ham dùng, cái hại lại càng to”(10). Người nhấn mạnh: “Tiếng nói là một thứ của rất quý báu của dân tộc, chúng ta phải hết sức giữ gìn lấy nó, chớ để bệnh nói chữ lấn át nó đi”(11). Nói không phải dễ. Nói để người nghe hiểu, hiểu để làm càng khó hơn, vì thế Người căn dặn: “Nói cũng phải học, mà phải chịu khó học mới được” không phải cứ sính dùng chữ thế là sang. Biết tiếng nước ngoài là tốt, rất tốt nhưng không nên lạm dụng tiếng nước ngoài. Ra nước ngoài nói tiếng nước ngoài, nhưng ở trong nước nói chuyện với nhau nên dùng ngôn ngữ Tiếng Việt. Chúng ta phải hiểu, yêu Tiếng Việt là yêu nước. Phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt.

Hồ Chí Minh cũng dạy rằng, trong việc giữ gìn Tiếng Việt, cái gì tiếng ta dùng đã quen rồi, không nên tự ý sửa đổi. Sẽ “tả” quá nếu những chữ Hán đã hoá thành tiếng ta, ai cũng hiểu, mà cố ý không dùng. Thí dụ: Độc lập mà nói “đứng một”, du kích thì nói “đánh chơi”. Hay lại viết: “Quốc hội họp kỳ thứ bốn”. Nhưng xưa nay nhân dân ta vẫn nói “thứ tư” chứ chưa có ai nói “thứ bốn” bao giờ. Thế là không nên, không hợp lý. Chúng ta nên sửa ngay lối tư duy cứng nhắc ấy. Hồ Chí Minh nhắc tới cả việc cải cách chữ, viết hoa, viết tắt của nhiều người vẫn còn tuỳ tiện: “Có những khẩu hiệu viết rất to, nhưng Hồ Chủ tịch cũng không hiểu vì viết tắt cả một đống. Không ai đọc được, có lẽ chỉ có anh viết khẩu hiệu ấy đọc được thôi, Hồ Chủ tịch không hiểu thì chắc dân cũng ít người hiểu”(12); “có cách viết “hoa hòe”, chữ U không ra chữ U, chữ N không ra chữ N, chữ I không ra chữ I”(13) chúng ta cũng nên sửa ngay để góp phần giữ gìn Tiếng Việt.

Hồ Chí Minh nêu gương trong việc dùng ngôn ngữ. Ngôn ngữ do Người sử dụng uyển chuyển, linh hoạt, đảm bảo sự trong sáng của ngôn từ, có tính chính xác cao, sức truyền tải lớn, phù hợp với từng đối tượng hướng tới. Ví như khi nói với bọn De Gaulle (kẻ thực dân đế quốc Pháp), Người dùng tiếng Pháp, ngôn từ đanh thép, quan điểm rõ ràng, dụng ý châm biếm, đả kích sâu cay: “Tổ quốc của Ngài là Đại Pháp, đã đầu hàng Hitler một cách rất vẻ vang, hơn 500 tướng và hai triệu lính của quý quốc đương bị Đức cầm tù một cách rất oanh liệt”,... “Xin Ngài lo cứu nước và dân tộc của Ngài đã, rồi sẽ nói đến việc khác; còn Việt Nam chúng tôi, 40 năm nay nhờ “công đức” quý quốc đã nhiều rồi. Lần này, chúng tôi quyết dùng súng, đạn, gươm, dao để đạp đổ ơn huệ ấy và giành lại độc lập tự do cho Việt Nam. Chúng tôi xin Ngài chớ lo! Và chúc Ngài hai chữ Thất bại!”(14). Nói với người dân Việt Nam, Người luôn dùng Tiếng Việt, lời lẽ tha thiết đi vào lòng người như dục dã, khơi gợi ở mỗi người tinh thần yêu nước, ý thức tự giác, trách nhiệm, nghĩa vụ trước vận mệnh của Tổ quốc thời điểm Người kêu gọi toàn dân tham gia tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”(15); và đầy trìu mến, tin tưởng, Người trao gửi trọng trách cho thanh niên: “Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng. Bác mong các cháu đều xứng đáng là những anh hùng trong sự nghiệp cách mạng tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc và xây dựng xã hội mới”(16)... Đó là mấy ví dụ minh chứng cho việc sử dụng ngôn ngữ, ý thức bảo vệ Tiếng Việt của Hồ Chí Minh - ở đó ngôn ngữ đã thực hiện đầy đủ chức năng của nó.

3. Hiện nay, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhân loại đòi hỏi phải có những người công dân toàn cầu, những người có khả năng làm việc ở mọi quốc gia, dân tộc. Với yêu cầu của môi trường làm việc mới, mỗi cá nhân không thể tự giới hạn mình trong khuôn khổ của ngôn ngữ dân tộc. Họ cần trang bị cho mình những ngôn ngữ khác. Ngoại ngữ lúc này chẳng những là đòi hỏi mà còn là phương tiện quan trọng tạo cơ hội tốt cho họ phát huy năng lực của mình. Ngoại ngữ (đặc biệt là ngôn ngữ quốc tế) thực sự trở thành cầu nối, chất xúc tác đối với mọi xã hội hiện đại. Nhưng không vì thế, ngoại ngữ lại đóng vai trò chính để thay thế cho ngôn ngữ dân tộc. Mỗi quốc gia dân tộc trong đó có Việt Nam phải biết giữ gìn, trân trọng ngôn ngữ của mình. Đó cũng là một cách để mỗi dân tộc giải quyết được nguy cơ bị hòa tan, mất đi bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

Dân tộc Việt Nam có tiếng nói riêng của mình. Tiếng nói ấy từ lâu đã là ngôn ngữ quốc gia thống nhất, cơ bản đã ổn định về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Chúng ta tự hào và phải biết bảo vệ tiếng nói ấy. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, Tiếng Việt đã có những thay đổi nhanh chóng. Xét trên nhiều phương diện, đây cũng là vấn đề hợp quy luật. Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố tích cực đáng ghi nhận vẫn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp có khả năng làm hỏng và làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt. Xu hướng sử dụng tùy tiện, thiếu tôn trọng Tiếng Việt, đôi khi là sự sáng tạo thái quá làm biến dạng Tiếng Việt diễn ra khá phổ biến. Xu hướng lạm dụng quá mức tiếng nước ngoài xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ. Nhưng tiếc thay, trào lưu đó không dừng lại chỉ ở giới trẻ, ở những giao tiếp đời thường.

Nguyên nhân là do một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ bị chi phối bởi trào lưu Tây hóa, hiện đại hóa. Họ đang thiếu hụt kiến thức về ngôn ngữ Tiếng Việt, chưa xác định rõ, thậm trí thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ Tiếng Việt. Song vấn đề còn ở chỗ, một số chương trình truyền thông, một số trang mạng có tính xã hội rộng lớn dường như đang vô tình tiếp tay cho việc hủy hoại Tiếng Việt, khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, quan điểm của xã hội về các xu hướng mới này còn thiếu và chưa rõ, chưa kể nhiều ý kiến trái chiều gây ra những trở ngại nhất định trong việc định chuẩn việc sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt.

Chúng ta khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của ngoại ngữ trong thời điểm hiện nay. Nhưng chúng ta không thể để mặc ngôn ngữ dân tộc tự phát đi theo quy luật của riêng nó, vì vậy, trước hết cần chủ động đón nhận xu thế thời đại, đưa ra những biện pháp nhằm định hướng để ngôn ngữ dân tộc phát triển đúng quỹ đạo, phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới nhưng không làm mất đi bản sắc vốn có của ngôn ngữ dân tộc. Theo lời Hồ Chí Minh, một mặt, chúng ta đón nhận cái mới nhưng phải tiếp thu có chọn lọc nhằm bổ sung cái thiếu, hiện đại hóa và làm giàu ngôn ngữ dân tộc, mặt khác phải biết loại bỏ những từ ngữ không còn phù hợp với sự biến đổi của dân tộc và thế giới hiện đại. Thứ hai, dùng ngôn ngữ Tiếng Việt, cố gắng chỉ sử dụng ngoại ngữ trong những trường hợp bắt buộc, không pha tạp ngôn ngữ khi không cần thiết, song cũng tránh Việt hóa tất cả các từ ngữ một cách gò ép, tôn trọng ngữ âm, ngữ pháp của Tiếng Việt kể cả trong giao tiếp. Thực trạng hiện nay cần có sự vào cuộc, can thiệp, chấn chỉnh kịp thời của các cấp, các ngành, mỗi công dân và toàn xã hội trước khi quá muộn. Thứ ba, với mỗi gia đình cần tạo dựng môi trường ngôn ngữ lành mạnh, uốn nắn việc sử dụng tiếng mẹ đẻ cho con em từ khi còn nhỏ. Với đội ngũ nhà giáo và nhà trường phải nêu gương trong sử dụng ngôn ngữ, kiến thức ngôn ngữ khi thực hiện quá trình giáo dục các em; tiếp tục uốn nắn, định hướng, vun đắp giúp các em hoàn thiện vốn từ Tiếng Việt của mình. Với các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài việc cẩn trọng trong sử dụng từ ngữ cũng cần tăng cường các nội dung thiết thực góp phần to lớn trong việc trau dồi ngôn ngữ của nhiều người đặc biệt giới trẻ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có các biện pháp kiên quyết cùng chế tài cụ thể trong quản lý lĩnh vực này.

Bảo vệ Tiếng Việt - ngôn ngữ dân tộc là công việc hết sức khó khăn, lâu dài, cần phải kiên trì. Nhưng đó là việc chúng ta phải làm. Bảo vệ Tiếng Việt, đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ với chính bản thân chúng ta mà còn vì tương lai của dân tộc./.

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, H,  2011, t.11,  tr.10, 11.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.465.

(4), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 306.

(6), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.630, 478, 596.

(7)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.321.

(8), (10),  (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.341, 345, 33.

(12) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.209.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.165.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.620.

ThS. Hoàng Diệu Thúy
Trường Đại học Hoa Lư

(tuyengiao.vn)