Biển Đông - Biển của hòa bình - Bùi Văn Tiếng

22.10.2015

Biển Đông là một trong những biển thuộc Thái Bình Dương - đại dương lớn nhất thế giới được nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Ferdinand Magellan đặt tên từ năm 1520 nhằm ghi nhận sự bình an của mình khi đi vào đại dương này sau hải trình rất dài từ eo biển Magellan đến Philippines, đồng thời cũng nhằm thể hiện khát vọng chung của những người đi biển luôn mong muốn một cuộc hải hành an ninh và an toàn. Như vậy từ gốc rễ cội nguồn, Biển Đông đã sớm gắn liền với thanh bình và cao hơn là với thái bình. Cho nên hoàn toàn có thể khẳng định Biển Đông là biển của Hòa Bình.

Biển Đông - Biển của hòa bình - Bùi Văn Tiếng

Biển của Hòa Bình trước hết phải là một vùng biển đảm bảo tốt nhất quyền tự do hàng hải của các nước trên thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu khai mạc đầy ấn tượng tại Đối thoại Shangri-La XII tối ngày 31 tháng 5 năm 2013, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh rằng: “Lưu thông trên biển chiếm tỷ trọng và có ý nghĩa ngày càng lớn. Theo nhiều dự báo, sẽ có trên 3/4 khối lượng hàng hóa thương mại toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển và 2/3 số đó đi qua Biển Đông. Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”. Và gần một năm sau, trong bài phát biểu vào chiều ngày 11 tháng 5 tại thủ đô nước Myanmar, người đứng đầu Chính phủ ta lại lên tiếng cảnh báo trên diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN năm 2014: “Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển  Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Từ ngày mồng 1 tháng 5 năm 2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (...) Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông”.

 

            Biển của Hòa Bình phải là một vùng biển đảm bảo tốt nhất khả năng cứu hộ cho tàu thuyền qua lại chẳng may gặp sóng to bão lớn. Chính vì vậy mà nghiên cứu các châu bản triều Nguyễn - văn bản chính thức của vương triều phong kiến nhà Nguyễn, có bút phê của nhà vua, chúng ta không chỉ thấy rõ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình thông qua các hoạt động của nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua, mà còn thấy rõ sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trên biển đối với các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Chẳng hạn như Châu bản dâng trình cứu nạn tàu nước ngoài bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa: “Thần Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc: Ngày 27 tháng này tiếp nhận được viên Tài phó người nước Pháp và 11 viên Phái viên, thủy thủ lái, lái thuyền cùng đi trên một chiếc thuyền ván nhỏ vào đậu tại bản tấn mà viên Tài phó thưa rằng nguyên thuyền (tức của họ) ngày 20 tháng này rời cảng này ra biển, đến giờ Tuất ngày 21 tháng này mới đến được các xứ sở Hoàng Sa, thì bị sóng cát, thuyền đắm, nước xô vào, viên thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng bọn phái viên đem 2 hòm bạc công cùng 15 viên thủy thủ, lái thuyền xuống chiếc thuyền đó đi sau, hiện nay chưa thấy về, vả lại nước ngọt trên chiếc thuyền đó đã hết. Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn Phái viên, bảo vệ và đưa họ về tấn, còn bọn Tài phó cho ở lại tấn. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu. Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 - 1830. Châu phê: Lãm”. Ngoài ra, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 104, năm Minh Mệnh thứ 14 - 1833 còn chép: “Vua bảo bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một màu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường bị nạn. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

 

Biển của Hòa Bình phải là một vùng biển thực hiện nghiêm Tuyên ngôn về các nguyên tắc của luật pháp đề cập các quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc nêu trong Nghị quyết số 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên Hợp  Quốc: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”. Chính vì vậy mà suốt mấy chục năm qua, những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới luôn đứng về phía nhân dân Việt Nam để đấu tranh với việc nhà cầm quyền Trung Quốc - trong quá trình thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông - đã nhiều lần làm dậy sóng Biển của Hòa Bình, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực nêu trong Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: vào năm 1974, dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa giết hại 74 người Việt; vào năm 1988, dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma của quần đảo Trường Sa tiếp tục giết hại thêm 64 người Việt; và đặc biệt nghiêm trọng là vào đầu tháng 5 năm nay, lại một lần nữa làm Biển Đông dậy sóng qua sự kiện hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 ngay tại yết hầu của Biển Đông. Tuy chưa sử dụng vũ lực nhưng lần này các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc cũng đã hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh, đâm húc thẳng vào các tàu của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương, trong đó có các kiểm ngư viên của Chi đội Kiểm ngư 3 thuộc Chi cục Kiểm ngư vùng II đóng trụ sở tại phường Thọ Quang quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng.

 

*

Sử dụng giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 bất chấp đạo lý và pháp lý, Trung Quốc không chỉ muốn khoan thăm dò dầu khí mà còn là và chủ yếu là muốn khoan thăm dò sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt chúng ta… Do sớm xác định và luôn khẳng định Biển Đông là biển của Hòa Bình, những ngày qua người Việt ở trong nước và cả ở nước ngoài hết sức kiềm chế, cố giữ trái tim nóng và cái đầu lạnh, ra sức thể hiện đẳng cấp của một dân tộc có tầm cao văn hóa trong thời đại văn minh, từ đó đồng tình ủng hộ quan điểm mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dõng dạc trình bày tại diễn đàn Hội nghị Thượng đỉnh các nước ASEAN năm 2014: “Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động vi phạm và bằng mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với Luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.” Biển Đông chỉ thực sự là biển của Hòa Bình khi chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng và lợi ích chính đáng của đất nước được bảo vệ đến cùng, không khoan nhượng!

 

B.V.T