Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Trong bối cảnh hiện nay, dưới những tác động của quá trình đô thị hóa đã và đang diễn ra trên cả nước nói chung, địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng, một số làng xã cũng chịu nhiều ảnh hưởng, có những biến đổi mạnh mẽ trên các lĩnh vực như: kinh tế - văn hóa - xã hội, đặc biệt là các giá trị của di sản văn hóa dân gian.
Tọa đàm nhằm trao đổi về các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ. Trên kết quả những nghiên cứu này nhằm góp phần giúp cơ quan quản lý đề ra chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian làng Phong Lệ trong đời sống hiện nay.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng chủ trì và phát biểu tham luận tại Tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh: Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ, tọa đàm với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ” nhằm trao đổi về các giá trị di sản văn hóa dân gian làng Phong Lệ.
Kết quả của các nghiên cứu này nhằm góp phần giúp cơ quan quản lý đề ra chính sách, giải pháp phù hợp với thực tiễn hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian làng Phong Lệ trong đời sống hiện nay, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi học thuật góp phần giúp hội viên Hội Văn nghệ dân gian có thêm kinh nghiệm nghiên cứu và hiểu biết về văn hóa của một vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa dân gian đặc trưng của thành phố Đà Nẵng.
Tọa đàm với nhiều tham luận được nghiên cứu công phu, dẫn luận cụ thể về các giá trị di sản văn hóa của làng Phong Lệ (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) như: "Làng cổ Phong Lệ và những trầm tích lịch sử-văn hóa" của Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng; "Những khác biệt làm nên giá trị văn hóa làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng; "Từ kiến trúc xưa làng Phong Nam nghĩ về công việc bảo tồn" của Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ; "Đặc điểm giá trị di sản văn hóa dân gian và lễ hội Mục đồng tại làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Huỳnh Viết Tư; "Bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng dân gian làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang; "Xung quanh dự án Nghiên cứu phục dựng lễ hội Mục đồng làng Phong Lệ" của Nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt; "Vài suy nghĩ về bảo tồn di sản văn hóa làng Phong Lệ xưa" của Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Tuấn; "Những đặc trưng sinh hoạt gia đình, dòng tộc ở vùng Phong lệ xưa và nay" của Nhà nghiên cứu Đỗ Thanh Tân…
Nhà Nghiên cứu Võ Văn Thắng đã chia sẽ về những tư liệu lịch sử quý hiếm về lịch sử tên làng Đà Ly, Phong Lệ; Đưa ra các luận giải về ngôn ngữ đưa ra giá thiết về nguồn gốc dân cư của làng.
Nhà Nghiên cứu Hoàng Hương Việt - Một trong những người đã tham gia phục dựng Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ đã đưa ra nhiều ý kiến về giải pháp bảo tồn như: Bảo tồn làm sao phải giữ được cái gốc của di sản, làm sao để phát huy được giá trị di sản trong đời sống hiện nay. Đề nghị các cấp ngành làm hồ sơ công nhận di sản Lễ hội mục đồng làng Phong Lệ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến dự và phát biểu tại Tọa đàm, Đồng chí Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: Huyện Hòa Vang cũng đã xây dựng đề án 2 làng văn hóa đặc trưng là làng Bồ Bản và làng Phong Nam, giữ nguyên khung cảnh và kiến trúc xưa, tôn tạo, giữ gìn các di tích văn hóa lịch sử. Tọa đàm hôm nay đã giúp sức cho Huyện rất nhiều trong việc cung cấp tư liệu để nhận định những giá trị văn hóa đặc trưng của huyện.
Kết luận Tọa đàm, NNC Bùi Văn Tiếng cho rằng, việc bảo tồn nguyên trạng các di sản văn hóa ở Phong Lệ trong giai đoạn hiện nay là hết sức cấp thiết. Việc bảo tồn phải gắn liền với việc phát huy được giá trị các di sản, tuy nhiên, cần cẩn trọng trong việc phát huy các giá trị văn hóa đó bằng du lịch. Từ những ý kiến tọa đàm hôm nay, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố sẽ có ý kiến đề nghị lên UBND thành phố về việc đầu tư nguồn lực để huyện Hòa Vang có thể phục hồi, trùng tu các di tích trên địa bàn huyện.