Bà Tứ

01.07.2022
Đinh Thị hảo
Bà Tứ ngồi bó chổi giữa sân, xung quanh bà là những cọng rơm nếp vòng óng. Tiết trời năm nay lạ quá, giữa hè rồi mà lại có vài ngày trở lạnh.

Bà Tứ

Bà bỏ chiếc chổi đang bó dở xuống, đưa tay xoa xoa đầu gối. Gần cả cuộc đời bà quẩy gánh hàng rong đi khắp làng trên xóm dưới, mệt đâu nghỉ đấy. Giờ nhiều tuổi, mắt mờ, chân mỏi, cháu bà không cho đi bán nữa. Bà Tứ thở dài:

- Không biết hôm nay đi làm nó có mặc áo ấm không đây?

Cả xã ai cũng biết bà Tứ bán hàng rong không chồng không con, nhưng chẳng ai biết quê quán bà ở đâu. Người già trong làng nói bà Tứ bị lạc bố mẹ khi chạy nạn, có hai vợ chồng bán hàng rong nhặt được bà bên vệ đường đem về nuôi. Bà Tứ theo mẹ nuôi đi bán hàng để tìm lại người thân. Nhưng bố mẹ đẻ chưa tìm được thì bố mẹ nuôi lần lượt ngã bệnh rồi qua đời. Người làng bảo bà là cô tinh, ai gần bà đều chết hết, không ai nhận nuôi bà nữa. Một mình bà lẻ loi trong căn nhà rơm vách đất bố mẹ nuôi để lại. Khi đó bà Tứ mới mười tuổi.


- Cút đi cô tinh.Ngày nắng, bà bê thúng hàng cũ đi từng ngóc ngách bán những chiếc kẹo chảy nước, những cái kẹp tóc bằng vải ố màu. Ngày mưa, bà Tứ lội khắp cánh đồng mò cua bắt ốc đem đến các nhà đổi khoai sắn ăn. Một đứa trẻ gầy gò ốm yếu thì bắt được bao nhiêu đâu. Người ta thương thì người ta cho ăn thôi. Bọn trẻ thấy bà đi qua đều ném đất ném đá:

- Cút về nhà mày đi.

- Chắc bố mẹ nó bỏ nó đó.

- Cái đồ không cha không mẹ, không ai thèm nuôi.

Bà Tứ cứ lớn lên như vậy. Đến tuổi mười bảy mười tám vẫn dáng người nhỏ thó, tóc xơ xác, quần áo cũ xin được của người ta. Chẳng ai hỏi cưới, ai cũng sợ rước cô tinh về nhà. Bà lầm lũi với gánh hàng rong sống qua ngày. Mặt bố mẹ đẻ đã mờ theo năm tháng, bà cũng không muốn đi tìm nữa rồi. Ngôi nhà cũ mấy năm trước mưa to gió lớn làm sập. Bác trưởng thôn thương tình hô hào người dân xây cho bà nhà mới bằng gạch gói cũ dỡ ra từ nhà kho của thôn. Nhà nhỏ nhưng có chỗ che mưa che nắng, bà sờ bốn bức tường gạch mà ôm mặt khóc.

Thời gian như gió lướt qua bên cửa sổ. Ngỡ đâu bà cứ thui thủi một mình như vậy, cho đến một ngày bà quẩy gánh sang xã khác bán hàng.

- Cút đi, mày cút ra khỏi làng tao.

- Đứa con hoang, mày là đứa con hoang.

- Đồ không cha không mẹ,

lêu lêu....

Giữa lũ trẻ con đang quát tháo cười đùa, có một thằng bé đen nhẻm quần áo bẩn thỉu, tóc tai rũ rượi che khuất đôi mắt quật cường và cái mím môi kìm nén. Bà Tứ như nhìn thấy chính mình của nhiều năm trước. Tủi thân, cô đơn và bất lực. Gánh hàng rong lăn ra xuống vệ đường, bánh quế kẹo que rơi đầy đất. Bà Tứ lao đến ôm đứa trẻ vào lòng. Đứa trẻ òa khóc.

Về nhà đi con.

- Cháu không có nhà, mẹ cháu chết, bố cháu bán nhà bỏ đi rồi.

Nước mắt lăn dài trên hai khuôn mặt một già một trẻ. Năm ấy bà Tứ gần năm mươi tuổi. Bà đưa đứa trẻ về làng. Bác trưởng thôn khi xưa nay đã già lắm rồi. Ông nhìn đứa trẻ lắc đầu:

- Thôi cũng là cái số. Tôi cho thằng bé vào khẩu nhà tôi, vài ngày nữa cô Tứ cho nó đến trường làng học đi. Đời mình đã khổ rồi, đừng để nó lại khổ theo. Mai sau nó khôn lớn có chỗ mà nương tựa.

- Cháu chỉ mong đời nó không như đời cháu, chứ chẳng biết có sống được đến ngày nó đủ cứng cáp hay không.

Bà Tứ dẫn đứa trẻ về. Ngôi nhà đơn sơ bỗng nhiên ấm áp lạ thường. Bà nhìn nó thở dài:

- Sao đứa trẻ này lại khổ vậy chứ?

- Bà đừng bỏ cháu, mai này lớn cháu sẽ nuôi bà.

Năm ấy nó mới mười hai tuổi.

Thấm thoát đã hơn chục năm, trên đường làng không còn bóng dáng hai bà cháu bước thấp bước cao với gánh hàng rong nữa. Bà Tứ chưa kịp bó xong chiếc chổi thì đã có tiếng trẻ con í ới:

- Bà Tứ ơi! Chú Năm về rồi kìa.

- Đâu? Đâu? Con ơi?

Bà Tứ lật đật bước ra sân, chưa kịp đi đến cổng đã thấy bóng người nhảy qua hàng rào. Chàng thanh niên cao ráo bỏ mũ trên đầu xuống, lộ ra đôi mắt sáng ngời, nước da ngăm đen, miệng cười hớn hở:

- Bà ơi, con về rồi!

- Bố nhà anh, cổng có không vào lại nhảy qua hàng rào thế?

Chàng trai trẻ đỡ bà vào nhà ngồi. Vài người hàng xóm sang hỏi thăm. Tiếng nói tiếng cười rộn rã. Anh Năm lấy kẹo chia cho bọn trẻ, lắng nghe các bà các cô kể chuyện nhà. Một lát mọi người ra về hết, bà Tứ mới hỏi:

- Lần này con về ở bao lâu?

- Con dồn phép nghỉ được hai tuần bà ạ. Con tính xây cho bà bức tường rào và cánh cổng mới.

- Để tiền mà cưới vợ, nhà có gì đâu mà phải xây tường.

- Bà ở một mình con không yên tâm.

- Thế đã gặp bố con chưa?

Anh Năm cúi đầu:

- Ông ấy mất cách đây vài năm, hai cậu em trai cũng gần bằng tuổi con.

- Giời ạ! - Bà Tứ thở dài.

- Bà! Con có gặp một người giống bà lắm. Ông ấy là chủ của rất nhiều quán cơm bình dân. Nhân viên treo ảnh của ông ngay chỗ cửa ra vào, con có chụp lại ảnh nè.

Nói rồi anh Năm mở chiếc điện thoại cũ cho bà xem. Bà Tứ run tay cầm lấy chiếc điện thoại, ghé sát mắt vào nhìn. Người trong ảnh cũng đã nhiều tuổi, nhưng gương mặt phúc hậu, có nốt ruồi to ngay khóe mắt bên phải.

- Chị ơi! Em không thích nốt ruồi này đâu, em ghét nó, hu hu.

- Em ngoan đừng khóc. Chị cũng có một cái đấy thôi.

- Nhưng của chị nhỏ, của em to. Bọn trẻ con trêu chọc em. Lớn lên có đủ tiền em sẽ nhờ thầy lang xóa nó.

- Thầy lang không xóa được đâu. Em cứ để thế, sau này nhỡ có bị lạc chị còn tìm em…

Bà Tứ đưa tay sờ nốt ruồi nơi mắt trái, những giọt nước mắt già nua làm ướt ngón tay nhăn nheo run rẩy. Anh Năm lặng lẽ ra vườn cuốc đất. Bà Tứ đi bán hàng rong quanh năm, khu vườn đầy cỏ dại. Đây không phải nơi anh sinh ra nhưng lại là nơi cho anh những tháng ngày bình yên và vui vẻ nhất. Khi anh còn mẹ, cũng không được vui như ở với bà. Người đàn ông ấy có vợ bé suốt ngày về đánh chửi. Mẹ thương anh cắn răng chịu đựng, để anh có bố như những đứa trẻ bình thường. Cuối cùng thì sao chứ? Ông ấy bán nhà, vứt anh cho họ hàng nuôi. Họ hàng hắt hủi, anh bỏ làng đi lang thang cho đến khi gặp bà Tứ, bà dù nghèo nhưng rất yêu thương anh.

Tường bao xây xong thì anh Năm lại lên thành phố làm việc.

- Bà nhớ ăn uống đầy đủ nhé. Con nhờ cô Ba hàng xóm rồi, bà muốn ăn gì thì bảo cô ấy mua. Tiền con để dưới gối ấy.

- Bà ăn được bao nhiêu đâu, con cầm tiền lên thành phố mà sống.

- Bà không phải lo, con có tiền mà. Con kiếm đủ tiền mua nhà cho bà lên phố ở nhé.

Bà Tứ lặng lẽ nhìn bóng anh đi ra đầu làng bắt xe. Thành phố là nơi nào đó rất xa xôi, bà không muốn tới. Ở đây có bà con làng xóm, có những con đường bà đi mãi đã thuộc từng gốc cây.

Hai ngày sau, bà đang lúi húi rắc hạt vừng, có tiếng trẻ con gọi dồn dập:

- Bà Tứ ơi! Có khách bà Tứ ơi!

Bà Tứ đứng lên nhìn, ngoài cổng có người đàn ông ăn mặc đơn giản, tóc đầy sợi bạc. Ông nhìn bà rồi khuỵu chân xuống ôm mặt khóc:

- Mẹ ơi! Con tìm thấy chị rồi!

Nắng vàng nhảy nhót trên tóc người đàn ông, ngoài vườn hạt vừng rơi đầy đất.

- Sau này nhỡ có bị lạc chị còn tìm em.

- Không, chị cứ đứng yên một chỗ, em sẽ đi tìm chị. Em là con trai mà.

(thanhnien.vn)