Bên dòng Mòn Mỏi
Minh họa: Thành Chương
Xóm Tứ Thời cũng trăm hộ chứ ít gì, ngặt nỗi thanh niên trai tráng rời làng như đám sáo sổ lồng khi đủ lông đủ cánh. Sáo sang sông, đất rộng trời cao thì hun hút đời miên di. Mấy khi đám trẻ quay về. Có chăng chỉ là dịp tết nhất hay dịch bệnh. Xóm nằm sát biên giới nên cái cơ cầu khổ cực mấy đứa trẻ nào chịu cho thấu. Đôi ba năm nay, ngó lại làng thì chỉ toàn mấy ông bà già thương đất mà bám xứ, hoặc mấy cô quá lứa lỡ thì, không thì cũng nheo nhóc đám con nít lắm khi chẳng biết mặt ba má, chẳng nhớ nổi cái tên.
Ngay trong đêm, biên phòng chi viện năm đội, mỗi đội ba người, bắt đầu dùng xuồng máy đuôi tôm rẽ sóng nước quằn quại mà tiến về làng. Đêm vẫn gào rú tiếng mưa lồng tiếng gió. Có tiếng điện thoại reo vang. An nhìn vào màn hình là cuộc gọi từ Thoại. Bên kia điện thoại tiếng được tiếng mất. Cố Giang tràn bờ. Con kinh Mòn Mỏi nước dâng quá đầu gối. Ánh đèn pin bắt đầu bật sáng. Ba chớp, một tắt. Tiếng xuồng máy lạch bạch thúc nhịp, nhắm hướng mấy cây thốt nốt mà chạy.
Ngoại hay nói lụm An từ bên kia con kinh Mòn Mỏi. Một chiều biên giới hoàng hôn vàng võ chia đôi. Hơn hai chục năm trước Tứ Thời nhộn nhịp lắm. Thả cái xuồng qua con kinh là đánh hàng về lại xứ mình. Dân đi buôn từ chợ Gò bên Cam kéo hàng về núp sau đám cây chúc. Chờ chiều tối mấy ông biên phòng hổng đi tuần dọc con kinh thì bắt đầu ra tín hiệu cho người bên này đem xuồng qua tải hàng về.
An cũng từ một chiếc xuồng nào đó bên ấy mà trôi về mé kinh bên này. Chiếc xuồng trôi bồng bềnh. Ngoại đang đu đưa võng thì ngó là lạ, chạy ra mới thấy một đứa con nít được quấn trong cái áo hoa thêu hình bông chúc. Thời nhộn nhịp đó, dân buôn hải hồ giao thương nên cái chuyện ăn nằm rồi bầu bí hoang dại đâu tránh khỏi. Có chăng là An chưa đủ duyên mà gá phận làm con của một gia đình đàng hoàng tử tế thôi. Ngoại năm đó cũng gần năm mươi, lụm thằng nhỏ đem về coi như có của để dành hủ hỉ tuổi già. Ngoại đặt cho thằng nhỏ tên An là mong cầu trời đất gieo một niệm lành vào phận đời côi cút của thằng nhỏ.
Đôi lần An hỏi ngoại sao không cho nó gọi là má. Ngoại cười tỉnh rụi, lỡ đâu một ngày nào đó má nó tìm về nhận thì sao? Ai cũng có người sanh thành mà. Phải lâm vào nghịch cảnh thế nào người ta mới bỏ con cái mình. Chứ đứt tay chảy máu còn biết đau huống hồ là khúc ruột mình mang nặng chín tháng. Đời này qua hết mùa đông thì cũng đến mùa xuân. Cỏ nát thì cỏ cũng sinh sôi, dẫu bao bận nắng nôi mưa giông. Tỉ như đám chúc bên Cam, đám thốt nốt bên mình, nắng nóng đổ lửa, mùa khô cạn dòng, hay mưa giông lũ lụt vẫn trơ lì với hai đường biên giới. Tới mùa thì ra bông, tới thời thì kết trái. Lá chúc đem đốt lên mùi thoảng nhẹ dễ chịu lại xua đuổi muỗi. Xứ này hồi đó toàn qua bên kia đường biên mà bẻ lá chúc đem về xài. Hay như lục tỉnh giáp vòng cũng không kiếm đâu ra được cái món gà đốt lá chúc trứ danh tạo nên cái tinh túy ẩm thực miệt này. Còn thốt nốt thì cứ chặt một quầy, lấy trái nạo ra mà dầm đường đá là hết sẩy. Đó ông trời ổng sinh tất thẩy mọi thứ ra đều có nghĩa, nói chi đến một con người.
Ngoại thôi không nói, thắp mấy cây nhang lên cái bàn thờ. Bàn thờ chẳng có hình, chỉ vỏn vẹn cái bài vị ghi chữ ngoằn ngoèo như đại diện cho anh linh người đã khuất. Đôi lần An thắc mắc sao cái bàn thờ nhà mình lạ lùng, thờ chi mấy cái đồ cũ mòn cũ rích. Tỉ như cái chén nhỏ ngoại đựng một cái nút áo bà ba để cạnh một cái bài vị. Hay một cái nón rách, khăn rằn mục để cạnh một bài vị khác. Ngoại cứ thờ như thế. Giỗ quải cũng cúng đầy đủ. Người già xứ này, đôi khi vẫn cứ thờ những điều khó hiểu.
*
* *
Những đứa trẻ bên kinh Mòn Mỏi đứa nào cũng bơi giỏi từ tấm bé. Bơi để kiếm tiền. Bơi để tuồn hàng lậu phụ ba má. Duy một mình An không biết bơi. Ngoại nói không được xuống kinh. Không tuồn hàng lậu. Cứ bám vào cái quán nước ngoại mà đắp đổi qua ngày, đủ ăn, đủ sống và đủ học. Hàng lậu được mùa người ta xây nhà lên. Dần dà, chỉ hai bà cháu An là cứ mái tranh rách nát, hụt trước thiếu sau. Tiền vào cửa nhà nghèo cũng như gió thổi vào nhà trống. An sợ ngoại nhưng cứ tưng tức trong lòng. Mấy đứa bạn cùng tuổi cứ bơi một vòng kinh là tuồn được ít hàng lậu. Xong, chúng cầm tờ năm trăm nghìn đồng chạy lòng vòng mua đồ ăn rồi đứng trước mặt An cười hả hê. An cụp mắt xuống nhìn vào quán nước, ngoại vẫn mắc võng đong đưa như thể chẳng có chuyện gì.
Nhưng, có bận chiều đang dát vàng luễnh loãng con kinh Mòn Mỏi của mùa nước nổi, tiếng súng vang lên ba tiếng, tiếng xuống máy lạch bạch thêm tiếng người la hét. An thò đầu ra khỏi quán nước thì ngoại lấy cái nón lá phủi cái rột ra dấu ở yên đó. Hai bà cháu núp từ trong cái quầy đựng mấy chai nước ngọt mà ngó ra. Bóng áo xanh áo vàng lố nhố dọc kinh. Tiếng chửi thề, tiếng đấm đá, những nhát dao sáng lóa vung lên. Ngoại xua An vào nhà. Từ phía sau An lỏn nhanh đến mé hông nhà tò mò nhìn ra. Giằng co giữa chục bóng áo xanh và đám người buôn lậu cũng chừng nhiêu đó. Có tiếng hét. Có người ngã xuống kinh. Tất cả bị khóa tay và túm lên bờ, cột thành từng nhóm. Ngoại lao ra mặt xanh lét. An cũng nhảy vọt ra ngoài. Nhiều người trong xóm cũng túa ra. Ai như ông khách hay ghé quán thu mua thốt nốt của Tứ Thời đem lên thị trấn Châu Đốc bán lại, ổng đang bị một con dao cắm vào bụng. Máu chảy ướt đẫm áo xanh.
Ông mua thốt nốt là biên phòng bây ơi! Ai đó nói.
Từ đận đó, Tứ Thời không còn những chuyến hàng lậu dọc ngang đường biên. Bình yên nhưng cái nghèo cũng bắt đầu bám riết khiến hết người này đến người khác bỏ đất lang bạt kì hồ.
*
* *
Xuồng bắt đầu cặp mé kinh Mòn Mỏi, nước dâng cao quá nửa đám thốt nốt. Lia ánh đèn pin tìm cổng trường tiểu học, An thấy phía nóc trường là lố nhố trẻ nhỏ. An ra hiệu cho xuồng bắt đầu cặp vào. Nước vẫn chảy xiết. Đêm vẫn đen kịt. Có tiếng gào to, là giọng thầy giáo Thoại. An báo về chỉ huy cần điều động thêm xuồng cứu trợ. Ngó sơ qua cũng mấy chục người chứ không ít. An ra dấu cho mọi người bình tĩnh bắt đầu trèo lên tầng hai và phát áo phao. Từng em một leo xuống, lên xuồng.
Xuồng chỉ độ chục người là đầy.
Xuồng rời đi để lại An cùng thầy giáo Thoại và đám học sinh thấp thỏm chờ các đội khác đang trên đường đến. Mưa vẫn rơi nặng hạt. Gió quất vào mặt An những tia nước rát buốt. An cởi áo phao đưa cho thầy giáo Thoại. Thầy yên tâm tui giờ bơi giỏi lắm!
Thầy giáo Thoại người trên thị tứ, ra trường được cử về xóm Tứ Thời, là người trụ vững ở cái trường thuộc diện xa xôi hẻo lánh nhất tỉnh. Biết bao giáo viên được điều động về rồi cũng xin đi. Cái trường vừa xa, vừa nghèo, lại toàn đám học sinh ương bướng. Đứa không cha không mẹ, hỏi gì cũng hổng biết. Đứa thì hỏi thầy học nhiều chữ sau này có giàu hay không. Có đứa thì chắc nịch học làm chi cho mệt, ráng ăn cho mau lớn rồi đi thành phố làm kiếm tiền, hay qua bên Cam nè, cách có một đường biên à, vô mấy sòng bài làm là tiền không. Thầy Thoại lắc đầu ngao ngán, mấy lần tính bỏ ngang.
Một bận An ghé qua chào hỏi thầy giáo. An dẫn thầy giáo đi hết cái xóm Tứ Thời. Đi đến đâu cũng toàn mấy ông bà già tay bắt mặt mừng khen thầy giáo trẻ đẹp láng lẫy. Tiếng một cũng dạ tiếng hai cũng thưa. Ông thầy giáo ngơ ngác hổng hiểu ý An muốn gì. Chiều đó An dẫn thầy ra con kinh nhìn hàng thốt nốt sừng sững bên đường biên. An bắt con gà của ngoại, An đốt lá chúc, bên li rượu thốt nốt xứ quê, hai người trẻ khề khà nói chuyện đời mình.
An kể Mòn Mỏi của thời xa xưa. Kể thầy giáo thị tứ nghe thằng con trai hổng biết ba má là ai chỉ biết mỗi bà ngoại. Kể chuyện tận mắt thấy đám người buôn lậu đâm ông biên phòng. Kể những đứa bạn mình lớn lên qua con phà Vàm Cống lên Sài Gòn mưu sinh. Lại có đứa vượt kinh Mòn Mỏi bỏ hàng thốt nốt sang Cam. Người đi ngày càng đông. Người về ngày càng lưa thưa. Xóm Mòn Mỏi đúng như cái tên của nó là sự hoài vọng trong rã rời của người ở lại. Chỉ vì nghèo, chỉ vì không biết chữ đó thầy giáo. Năm đó nếu ngoại không nhất quyết bắt tui học, nếu ông biên phòng bị đâm không vòng về đây kí cái giấy bảo lãnh chắc tui cũng không vô được bộ đội. Năm đó xa lắm rồi. Thời bây giờ mà không có chữ là cái xóm Mòn Mỏi coi như xứ chết. Con người ta đôi khi không chết vì đói mà chết vì nông cạn thiếu hiểu biết. Thầy ở lại Mòn Mỏi đi. Những đứa trẻ ở đây đã không cha không mẹ giờ không chữ nghĩa thì lớn lên tụi nó không trộm cướp cũng tha hương biệt xứ. Chiều tím lịm ngang trời. Khói bếp ngoại un cay nồng. Khói lồng vào gió làm cay mắt. Thoại nghe cổ họng mình nghèn nghẹn…
Xuồng tiếp viện cũng kịp trờ tới giữa cơn thấp thỏm của An. Phải thêm ba đợt ứng cứu nữa mới di dời hết dân của con kinh Mòn Mỏi về nhà văn hóa xã trên vùng gò đất cao nhất Tứ Thời. Giữa đêm đen kịt, nước mưa làm nhòe cặp mắt kiếng của Thoại, chỉ một bước hụt chân, rơi xuống dòng nước xiết. Dòng nước chảy mạnh, trong tích tắc đẩy Thoại xa dần chiếc xuồng. An lao vội vào dòng nước, bơi gần đến, sóng đánh tròng trành, hai bàn tay lúc chạm được Thoại, lúc lại bị cuốn đi. Thoại vẫn chới với. An gắng sức, tay chân bắt đầu tê cóng, các múi cơ rút lại. Thoáng trong đầu An biết chuyện gì xảy ra. Nghĩ vội nếu ông trời sinh mình ra là điều có nghĩa như ngoại nói, thì ông trời ơi ông giúp con lần này, con phải cứu ông thầy, dân Tứ Thời mất thầy là đám trẻ mất cả cuộc đời. An xoải tay nhắm hướng thầy giáo Thoại mà lao đến...
*
* *
Ông biên phòng bị đâm sau vài tháng hồi phục thì được điều động về kinh Mòn Mỏi. Thiên hạ ven bờ kinh đồn ổng thương con nhỏ nào của Tứ Thời mình, chứ đâu ra tuốt luốt ngoài Bắc mà về xứ mút chỉ cà tha này làm chi cho mệt. Phá cái án lớn này, lên lon lên chức, làm to làm lớn mắc chi đi làm đồn trưởng cái đồn khỉ ho cò gáy. Ông biên phòng bỏ ngoài tai nhiều lời bàn tán. Ổng ghé mỗi nhà kêu đám con nít đi học. Ổng lập danh sách hộ nghèo để trình xã vay vốn. Mùa mưa ổng hì hục chằn nhà. Mùa khô ổng đào mương dẫn nước về đồng. Một ngày hai bốn tiếng ngó qua ngó lại cứ thấy ổng loay hoay ở kinh Mòn Mỏi. Dân còn nghèo nên tui còn cực. Ổng nói nhẹ tênh bữa ông trưởng xóm mời rượu dịp cúng đình. Ổng ngồi coi tuồng tích cải lương cũng vỗ đùi đen đét. Chừng câu vọng cổ xuống xề ổng vỗ tay lộp bộp đã cái nư hệt như dân miệt thứ.
Có lần ông biên phòng đi kiểm tra vùng biên, ổng ghé nhà ngoại, nhìn cái bàn thờ, ổng thở dài thắp ba cây nhang. Ổng ngó về phía hàng thốt nốt. Chái bếp ngoại lò dò kho mắm, mớ bông điên điển thằng An mới cắt hồi sáng tinh mơ. Ổng nói tui khoái món này lắm đó bác. Cái bông nó vàng rực đẹp mắt, ăn vào nhân nhẫn đắng, vậy mà trôi xuống cuống họng nó lại ngòn ngọt. Xứ này cái chi cũng lạ. Nhưng, xứ này lắm điều cũng đậm đà nghĩa nhân. Cha tui đi lính biên thư về nói cha ở miệt Cửu Long, nơi này sóng nước phù sa dạy con người ta sống đời thật thà. Xứ này thảo thơm cây lá bốn mùa đáng sống. Chỉ là biến thiên thời cuộc, thất học nghèo đói khiến người ta sanh nông nổi. Thư đi thư về, tui hồi đó cứ ước một lần được đến đây. Cứ háo hức chờ thư cha. Lúc đó chiến tranh biên giới Tây Nam, đám tàn quân Pol Pot càn quấy khắp nam lộ 4 đến sát biên giới. Năm đó, giữa cái lạnh thấu xương của những ngày tết nhà có thư, là giấy báo tử cha, ông nằm đâu đó ở một cánh đồng phía Ta Keo.
Ông biên phòng giọng thườn thượt buồn. Chiều lộng gió có tiếng đám chim ngược về tây sau một ngày xoải cánh thiên di. Ngoại sắp thêm cái chén với đôi đũa. Chú em ngồi lại ăn cơm với bà cháu tui nghen. Cơm nghèo nhưng cái tình miệt thứ nó thiệt thà mời mọc. Ông biên phòng ngồi lại. Gắp mấy cái bông điên điển, chấm với mắm kho mà mắt cay xè. Ngoại lấy cái khăn rằn lau vội nước mắt. Đó là những năm đói mòn đói mỏi. Xứ này giao tranh ác liệt. Sau giải phóng tưởng êm, hóa ra cái ác nó luôn chực chờ. Tui thiệt hổng phải người xứ này, là từ phía bên kia chạy qua trong một trận lùng sục của đám Pol Pot. Cứ cắm đầu mà chạy, cả nhà tứ tán. Phía sau là lửa đốt, là tiếng súng, là tiếng thét gào. Chừng chạy đến con kinh này là biết mình thoát. Rã rời lịm đi. Tỉnh lại thấy có ông lính cứu đưa về trạm xá. Tui ở lại luôn bên này. Lửa gần rơm thì bén, ngày bầu bì vẫn cứ nơm nớp sợ. Ông lính đi là tui thắp nhang giữa đồng, vọng về cố xứ mong cho người mình thương quay về nhà bình an. Nhưng rồi ổng cũng không về nữa. Nhóm bạn ổng cũng nằm lại đâu đó bên đất lạ. Chẳng tìm thấy xác. Người ta đưa về mấy món linh tinh, nói của ổng. Đội xe ổng lái lúc đang vận chuyển vũ khí lọt ổ phục kích của Pol Pot ở ngã ba Angtasom. Tụi nó đem xác đi đâu mất, lục trên xe chỉ còn mấy thứ này. Tui để lên hết bàn thờ. Hồi đó cũng chạy đi chạy lại hỏi tìm xác ổng. Người ta hỏi tui là gì. Tui lủi thủi quay về. Một cái giấy lận lưng còn không có, chỉ là lời hẹn thề bên kinh Mòn Mỏi giấy tờ gì đâu mà xác thực. Đứa con tượng hình hơn năm tháng thì sẩy. Trong những giấc mơ sau này, cứ thấy ông lính trẻ nắm tay đứa con gái ghé về thăm. Vậy nên, hồi lụm thằng nhỏ này tui gọi nó là cháu ngoại. Cái căn nhà này cũng là đất hổng ai ở, tui dựng lên tá túc. Hai bà cháu không giấy tờ gì hết.
Ông biên phòng nhìn ngoại rồi nhìn An, nhìn ra bàn thờ. Cũng là ngã xuống vì quê hương, cũng là đồng đội của cha mình. Thôi bác để cháu tính. Ông biên phòng rời đi khi đêm bắt đầu phủ kín dòng kinh. Ổng quay lại nhìn An rồi vuốt đầu thằng nhỏ. Ráng đi con, đời sinh ra là khoác sẵn cho mình cái áo số phận. Đâu có ai được chọn. Có chăng là mình phải sống sao cho cái áo đó nó sạch đẹp tươm tất lên. Từ nay con sẽ có cha. Chỉ cần lo học và nhớ bám đất quê mà sống. An không biết gì, chỉ biết từ đó tháng nào ổng cũng ghé nhà dúi cho ngoại ít gạo, ít thịt, thêm ít tiền để lo cho An học hành. Cũng từ đó ngoại biểu An gọi ổng bằng cha.
*
* *
An lên huyện xác nhận danh tính người xóm mình mất hút bên kia hàng thốt nốt. Ngó sơ qua danh sách hơn hai chục người xóm Tứ Thời, có người mới mười sáu, người đã hơn bốn chục. Ông trưởng huyện thở dài, nhấp ngụm trà sen. Con sông Cố Giang chảy quanh huyện ôm trọn bốn xã vào lòng. Phù sa bồi bãi cũng dần dà bị vắt kiệt. Chín cửa sông ngày xưa giờ còn bảy cửa. Biển xâm thực hết trơn. Hôm rồi tỉnh họp đau đáu vụ dân đồng bưng bắt đầu di cư đi các thành phố lớn mà sống. Ruộng đồng sông nước chẳng còn là thứ để nắm níu người ta ở lại xứ này. Vậy đó, nên bọn xấu mới có cớ dụ đám người xứ mình qua bên kia biên giới làm mấy điều bậy bạ. Thời công nghệ, dân mình còn non nớt dễ bị dăm ba đồng tiền làm mờ mắt quẫn trí. Qua bên đó nó nhốt vào các nhà chứa, nó bắt gọi điện thoại lừa đảo ngược lại bên này. Nó lập cái danh sách, ngày gọi mấy chục cuộc, có khi giả cả làm công an để hù dọa mấy người nhẹ dạ. Hôm nào không kiếm tiền được không cho ăn, đánh bầm dập. Muốn gọi điện kêu người nhà cứu thì phải bỏ mấy trăm triệu. Có đứa chịu không nổi tự tử. Có lúc cả nhóm người Việt Nam tụ lại phá vòng vây bỏ chạy. Chạy được một ít, một ít bị bắt lại đánh nhừ tử. Đánh chết thì quăng vào rừng. Cũng có đứa nhảy đại xuống sông. Cứ vậy mà chìm dần giữa mênh mông nước…
An bần thần cầm danh sách, giữa cuộc họp căng thẳng để lên chiến dịch trấn áp bọn buôn người vùng biên, lòng ai cũng rười rượi nỗi buồn. Nước lũ vừa rút, gió chướng tràn về. Những cơn chướng non vẫn ràn rạt thổi qua đồng bưng. Thổi tận lòng người. Thổi cho phận người châu thổ men theo con gió tết mà về sum vầy. Nhưng, đâu phải ai muốn quy hồi cố hương cũng được. Những cơn gió đậu lên vai áo xanh ngày nắng hanh vàng. Quãng đường về lại kinh Mòn Mỏi của An nghe đắng đót xa xăm.
Chiến dịch được lên, phối hợp chặt chẽ biên phòng hai bên và công an hai tỉnh giáp nhau. An được phân công chốt ngay dòng kinh Mòn Mỏi, dự đoán sẽ là đường rút của nhóm buôn người khi bị chặn trên đường đưa nhóm người Việt của mấy tỉnh miền Tây sang Cam. Trận đánh lớn, ngày giăng lưới là hôm trăng tròn tháng tư. An sắp xếp đồ, chỉ kịp nói với ngoại An trực ban vài ngày. Ngoại nhìn trời bàng bạc màu ghi xám. Lạ lùng sao đầu hạ mà trời lạnh tanh vậy cà. Ngoại buông câu hỏi vào dòng kinh Mòn Mỏi. Ngoại thắp cây nhang lên bàn thờ. Ngoại dúi vào tay An cái khăn thêu hai chữ Bình An bằng chỉ đỏ. Làm gì thì làm, giỗ ông phải về nghen con. Mái tóc bạc sương mai, ánh mắt in hằn dấu chim di, đôi bàn tay nhăn nheo như những vết nứt của châu thổ.
An quay đi, ngoại vẫn đứng sau rào thưa.
Gió biên thùy thổi lồng lộng…
Đêm quyết định khi tin báo xác định đường đi của nhóm đối tượng, An cùng nhóm chiến sĩ nằm ém quân đầu con kinh Mòn Mỏi. Đêm thâm u bỗng vang lên tiếng xuồng máy đuôi tôm lạch bạch. An nhận được tín hiệu đèn pin ba chớp một tắt từ phía xa. Tiếng loa gọi vang lên. Nhóm đối tượng sẽ nhắm hẳn về cuối dòng kinh, từ đó chỉ cần nhảy xuồng là có thể bơi qua bên kia đám chúc, ẩn nấp vào đám rừng rậm mà tẩu thoát về biên giới Cam. Đợi xuồng chở nhóm đối tượng lọt vào đúng ổ, An nổ tiếng súng bắt đầu trận đánh. Nhóm đối tượng đáp trả. Giữa đêm đen kịt là màn quần thảo trên sông. Nhóm người nhảy xuống kinh bơi. An cũng nhào xuống. Một vết dao cắt xợt vào bắp tay An buôn buốt. Vẫn mặc kệ, An túm lấy hai tay đối tượng ngoặc ra sau, kéo theo dòng chảy dạt vào bờ. Đồng đội phía bờ bắt đầu tiếp viện. Vùng kinh Mòn Mỏi sáng rực đèn và ầm ĩ tiếng la. Nước kinh bị xới tung theo những cú đánh, theo những bì bõm trồi lên lặn xuống. Cả hai đầu kinh đã khóa chặt. Hai bên ven bờ là biên phòng trấn giữ. Bỗng An nghe nhói ngay bụng mình. Chụp ngay tên tội phạm với con dao găm sáng choang, An dùng khuỷu tay đánh mạnh vào vai. Con dao rớt xuống. An lòn tay qua kẹp sát cổ, lảo đảo áp đối tượng vào bờ.
Có tiếng thét máu kìa.
An chỉ kịp nhìn xuống và thấy đêm tròn đầy một giấc ngủ…
*
* *
Bữa đêm dậy sóng lòng kinh Mòn Mỏi, sớm trời ngoại chạy lên xã tìm thằng cháu, người ta nói nó lập công lớn, trong đêm đưa lên thành phố để báo cáo rồi nghe đâu được điều ra tận bộ. Ngoại mừng rơn đi về thắp lên bàn thờ mấy cây nhang. Cây nhang cong vòng cuộn tròn lại như anh linh của người đã khuất lắng nghe tiếng lòng ngoại. Nhưng, thằng cháu đi cả tuần vẫn bặt tăm. Ngoại ghé trường nhờ thầy Thoại gọi điện cho ngoại thăm cháu. Già cả có biết bấm số hay gọi gì cho ai. Cầm cái điện thoại chứ nào giờ toàn An gọi về ngoại bấm cái rồi nghe. Nay lần đầu tiên phải đi gọi thằng cháu, ngoại đâm ra lóng ngóng. Thoại gãi đầu nói chuyên án lớn, từ ngoài bộ chỉ đạo đánh vào, đang trong giai đoạn làm báo cáo nên thằng An đâu có được xài điện thoại. Để con chở ngoại về, khi nào An nó xong việc con đem nó về cho ngoại.
Chiều vẫn chầm chậm trôi, ngoại gom mớ lá rồi đốt lên. Mùi khói ngái nồng lan xa bên dòng kinh Mòn Mỏi. Bỗng có tiếng gọi ngoài bờ rào. An về đúng như lời hứa, về trước ngày giỗ ông. Ngoại quýnh quáng buông cây chổi ôm lấy An. Dữ thần, nay lập công lớn cái đi mất hút. An cười nhẹ tênh. An là của ngoại, của con kinh Mòn Mỏi, của xóm Tứ Thời, của sông Cố Giang, đi đâu cũng không bằng xứ quê. Đất nào cũng có thể sống nhưng đất quê mới là nơi mình về. Tỉ như đám người làng mình phiêu bạt theo lời dụ dỗ qua bên Cam, nay được giải thoát về lại xứ, ai cũng ngời ngợi những niềm vui sum vầy.
Ngoại xua An ra chái bếp tắm nước lá, dội rửa đi hết nhọc nhằn gian lao, xui rủi bệnh đau. Nước lá thơm lừng quanh nhà. Ngoại thắp nhang lên bàn thờ miệng cười móm mém.
Sẫm trời Thoại từ trường ghé ngang nhìn An mừng hớn hở. Đêm quyện mùi bánh chín, lửa ấm ngoài sân vườn. An với Thoại ngồi canh bánh cúng ông. Trong nhà ngoại sắp lễ. Thoại tỉ tê, đêm đó người ta đưa mày lên thành phố ngay rồi dặn nhau giấu ngoại. Tao cũng thót tim. May là mày về nguyên vẹn. Ngày nào lên xã người ta cũng nói mày hôn mê chưa tỉnh. Tao nửa đêm men ra bờ kinh Mòn Mỏi mà cầu trời. Có hôm còn nhờ thầy ngoài đình ghi cho cái sớ cầu an mà đốt.
An cười ông thầy thị tứ rồi bộc bạch. Tao bị mất máu nên hôn mê. May nhờ chuyển kịp lên thành phố. Lúc tỉnh dậy thấy cha nuôi đang ngồi bên cạnh giường. Cha biểu tịnh dưỡng cho kĩ rồi về. Ngày nào cha cũng ghé ngang. Hôm về cha vuốt đầu tao không nói gì, mắt ổng đỏ hoe. Bác sĩ, y tá nói ổng bay từ ngoài Bắc vào, đêm nào ổng cũng kê cái ghế ngồi cạnh tao. Ổng nắm tay nói chuyện với tao. Ổng nói kinh Mòn Mỏi cần tao nên chưa xong việc là hổng được đi. Đây là mệnh lệnh. Ổng năm sau là về hưu rồi, mà bao năm qua, con kinh Mòn Mỏi vẫn nằm y thinh trong tâm trí ổng. Đời kinh cũng như đời người, phải xanh lành thì đất mới nở hoa, nhà mới ấm chỗ…
(VNQĐ)