Nàng Santiago

20.07.2022
Lê Nguyễn Vân Khánh
Tôi chỉ mới gặp Yên hai lần, nói chính xác là gặp mặt trực tiếp hai lần. Lần đầu tiên là khi tôi đi công tác ở Đà Lạt.

Nàng Santiago

Yên lúc ấy có lẽ đang thiệt vui, nói huyên thiên suốt từ buổi tối, ngay từ khi đến đón tôi ở góc đường, cho đến lúc tôi nằm trong căn phòng gỗ của em và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đà Lạt khi ấy vẫn lạnh. Rất lạnh! Buổi sáng Yên dậy trước. Em ra ngồi chỗ cái ghế gỗ trước căn phòng. Bên cạnh có mấy cục gạch Yên dùng để úp chén ướt lúc mới rửa xong. Hàng hiên rất bé, chỉ đủ hai người ngồi. Sáng Đà Lạt lạnh và trong, nhưng mà không khí vẫn có chút gì buồn buồn.

Yên rót nước từ trong cái ấm bằng sắt ra cho tôi. Cái ấm móp méo đặt sẵn ở đó, chắc em lấy đầy nước từ trước. Yên nói chị ngồi trước hiên và đánh răng bằng nước này đi, đừng đi ra nhà vệ sinh chung làm gì cho xa. Yên là một trong số những người luôn chăm sóc cho tôi, mặc dù người đáng được chăm sóc thực ra là em mới phải. Trong lúc tôi rửa mặt thì Yên vẫn đứng ở gần đấy, cạnh lưới thép hàng rào nhà hàng xóm. Yên nói, chị ơi, có cây gì thơm quá nè, em hay ra đây đứng ngửi nó. Tôi đi tới, thấy Yên dịu dàng vò tay vào bụi cây. Hai đứa cứ thế đứng vuốt những cánh lá bé xíu, rồi ngửi mùi ấm nồng ấy trên tay. Tôi nói đó là cây hương thảo, cây này ăn được, món tây hay dùng như gia vị.

- Dịp này năm ngoái em đang ở đâu?

Tôi hỏi trong lúc thò tay qua hàng rào nhà hàng xóm, vò vò mấy cái lá con con của cây hương thảo.

- Mùa này em thường đi rất nhiều, ba năm rồi em không về nhà. Cứ đi loanh quanh hết nơi này đến nơi khác. Thành ra lúc nhớ lại những chuyện cũ mọi thứ cứ lẫn lộn hết cả lên.

Yên cũng đưa hẳn bàn tay qua mắt lưới B40, em dịu dàng cọ vào mấy cái lá bé nhỏ. Mùi hương thảo ấm nồng dễ chịu trong tiết trời lành lạnh buổi sáng của Đà Lạt.

- Chị nghĩ chúng ta cứ đi cả năm như vậy rồi, cũng nên chọn dịp nào đó để trở về nhà phải không?

Yên bất chợt cười lớn:

– Đó cũng là một lý do để về hay sao: “đã đi cả năm”? Và Khánh đang tính khuyên em đừng đi lung tung và hãy trở về nhà phải không?

Tôi chỉ cười, trong giây phút không biết trả lời em thế nào.

- Em cứ nghĩ lý do để về là khi tìm được cái mình muốn tìm, cái khiến mình ra đi.

- Vậy em muốn tìm cái gì?

- Nếu em biết em muốn tìm điều gì thì có lẽ em đã mau chóng tìm ra nó. Em nghĩ là chị hiểu, ai trong số chúng ta sau khi tốt nghiệp đều cảm thấy có một chút mông lung, phải không?

Yên là bạn đồng môn với tôi ở trường đại học. Em học cùng khoa nhưng lại sau tôi hai khóa. Thực ra mãi đến sau khi ra trường một vài năm chúng tôi mới bắt đầu nói chuyện với nhau. Bởi lẽ tôi không phải là người quảng giao, lại ít khi trò chuyện với bạn khác khóa trong trường. Yên sôi nổi hơn, sự sôi nổi có chừng mực và dễ gần. Lần này gặp ở Đà Lạt, có lẽ là lần nói chuyện lâu nhất từ trước đến nay! Trước đó chúng tôi chỉ thỉnh thoảng trò chuyện qua mạng xã hội, mặc dù ít nhưng lúc nào cũng luôn có cảm giác dễ chịu và tự nhiên.

Chúng tôi học khoa truyền thông. Đến nay tôi vẫn theo nghề còn Yên thì không. Em không thích việc đi họp báo phải nhận phong bì và một vài chuyện khác. Ở tuổi mới ra trường, bất ngờ vì những chuyện ấy cũng không phải là hiếm. Em viết bài cộng tác cho một vài tờ báo được một thời gian ngắn rồi bỏ. Sau đó lại đi lang thang vài tỉnh khác, có khi làm phục vụ ở nhà hàng hoặc vài công việc dịch vụ. Lần này Yên lên Đà Lạt trồng cà chua ở một trang trại nhỏ. Công việc rất vất vả, chứ không phải là chuyện mộng mơ về một mảnh vườn như mọi người thường nghĩ. Điều duy nhất em vẫn làm xuyên suốt là viết lách một vài thứ mang tính chất cá nhân.

- Còn việc viết lách của em thì thế nào?

- Em vẫn viết. Thậm chí em còn nghĩ nó là công việc chính ấy chứ. Hàng ngày trồng cà chua giống như kiểu chị đi đào đãi khắp nơi để tìm vàng. Có vàng rồi thì mới bắt đầu làm mọi thứ khác. Em nghĩ như vậy em sẽ viết tốt hơn.

- Nếu vậy thì công việc trồng cà chua tính ra lại rất tốt. Vừa cho em chất liệu để viết, lại vừa giúp em có chi phí để trang trải cuộc sống.

- Trên nguyên tắc là vậy, em không thể nào viết nếu tách mình ra khỏi cuộc sống. Việc viết lách giúp em có động lực đi lang thang khắp nơi và thử làm nhiều công việc khác nhau. Như kiểu công việc chăn cừu của chàng Santiago trong Nhà giả kim của Paulo Coelho ấy, em cứ đi “chăn cừu” cho đến khi tìm được “kho báu”.

Sau rồi chúng tôi không nói gì thêm. Yên và tôi cứ đứng chỗ hàng rào ngửi cây, mặc cho trời Đà Lạt lành lạnh và vẫn buồn.

Lần thứ hai chúng tôi gặp nhau là ở Sài Gòn.

Yên gọi cho tôi vào giờ tan sở. Tôi hẹn em ở một tiệm ăn nhỏ dọc bờ kênh. Chúng tôi ăn một vài món nhẹ cho bữa tối.

- Em đã tìm ra điều em muốn tìm chưa? – Tôi khởi sự.

- Tất nhiên là chưa, nhưng em nghĩ là trong khi ấy em đã tìm thêm được một vài thứ. Khánh cũng là người hay viết, vậy em hỏi chị: việc viết lách có cần đến nút thắt hay không? Có tuyệt đối cần thiết cho bản thân câu chuyện hay không?

- Chị không biết! – Tôi cười lớn - em nói câu này cứ như trên phim hay trong truyện ấy, ở ngoài đời không ai hỏi chị như vậy!

- Em cũng thấy vậy. Trong truyện thì Santiago cũng đã gặp nhiều biến cố, nút thắt để tháo gỡ nó. Còn em ngoài đời thực thì không. Cuộc sống cứ đều đều như vậy, rất vất vả nhưng lại không có gì để tháo gỡ. Em không phải Santiago thì em là ai?

Thực ra tôi đã nghĩ hầu như phần lớn thời gian chúng ta đều đi tìm điều gì đó. Tìm tiền, tìm tình yêu, tìm hạnh phúc... Tất cả đều là những thứ mơ hồ, khó định giá và không giới hạn. Nội hàm và cả ngoại diên của nó đều là thứ biến thiên thuộc về cá nhân mỗi người. Nhỏ bé, hoặc vô cực!

Riêng tìm câu trả lời về thân phận của chính mình, thì lại là điều khác biệt hơn nhiều.

- Chị không biết nút thắt quan trọng đến mức nào, nhưng đó không phải là điều bắt buộc phải có, kể cả trong truyện cũng như đời sống.

Trước đây tôi đã nghĩ câu chuyện luôn cần có thắt nút để mở nút. Người viết biết mình nên viết gì và người đọc biết câu chuyện đang xảy ra. Nhưng nếu vậy thì đời sống chỉ còn là những mẩu chuyện rời rạc, câu chuyện cũng chỉ cần được tóm tắt trong hai câu hỏi “điều gì đã xảy ra?” và “giải quyết nó như thế nào?”.

- Có một điều chị biết là, nút thắt không phải là cái em tìm kiếm. Nếu nút thắt có thể cho em cơ hội trả lời mọi câu hỏi, thì đó hẳn là một truyện ngắn đơn giản, không phải đời sống.

Trời có gió, và gió xao động những nhánh cây ven đường. Ánh đèn đường vàng vọt hắt xuống mặt đường vắng. Chỗ chúng tôi ngồi cũng có một bóng đèn vàng nhỏ treo dưới mái hiên gỗ. Cây sử quân tử chòi xuống một nhánh. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện nhưng chỉ toàn những chuyện không liên quan đến mạch chính, dưới đèn đường trong quán vắng. Thỉnh thoảng có vài ba chiếc xe xẹt qua, tôi nghe rõ cả tiếng bánh xe nghiến vào vũng nước giữa đường. Có hai vợ chồng người bán hủ tíu đã soạn sửa dẹp quán. Mấy cái ghế hay nồi chảo thau tô gì đó đã xếp gọn lên xe. Người vợ đổ nước ra mặt đường và quét tước. Tiếng chổi rạt rạt. Rồi khi tôi chưa kịp nhớ tới họ một lần nữa, họ đã đi đâu mất.

- Vậy chị nghĩ cái gì quan trọng hơn?

Tôi không trả lời, chỉ hớp một ngụm bia trong tiếng nhạc dìu dịu.

- Em nghĩ là em sẽ về quê, cũng gần đến tết rồi.

Lần này Yên làm tôi khá bất ngờ. Tôi không nghĩ cũng đến ngày em chọn lý do “gần đến tết” để trở về quê.

- Chị đừng cười! Em chỉ thử vận may thôi, giống như Santiago đến cuối cùng đã tìm thấy kho báu ngay từ điểm xuất phát. Em sẽ về tìm xem.

Chợt tôi thấy nhánh sử quân tử trên mái hiên khẽ lay động.

Trong lúc tôi đang dọn mâm cơm cuối năm thì nhận được thư của Yên. Dấu bưu điện cách đây khoảng 3 ngày.

“Chào Khánh,

Khi Khánh nhận được thư này thì em đã về quê được ít hôm, đủ để bất ngờ về những gì đổi thay trong 3 năm em đi tìm kho báu. Thư tay trong một vài trang giấy biết nói gì với Khánh, em chỉ biết kể cho Khánh nghe một chuyện này.

Lúc uống nước Khánh thường nghĩ gì? Trước đây, những lúc uống nước hình như em thường nghĩ tiếp theo đây mình sẽ làm những việc gì, hoặc là “mệt quá, sao cây cà chua này lại đột ngột bị sâu ăn lá?”, mọi thứ mọi thứ, ngoại trừ việc nghĩ về nước.

Khánh đọc xong đoạn này chắc lại nghĩ rằng em lại nói chuyện không thực tế. Không đâu, thực tế lắm, ít ai nghĩ đến chuyện uống nước trong khi uống nước, phải không?

Một hôm em ra cái giếng sau nhà. Chợt em nhớ chuyện lúc nhỏ thường đứng ở thành giếng và gọi “AAAAA”. Tiếng giếng vọng lại nghe rất hay. Nhưng ba em nói đừng làm vậy, ông thần giếng sẽ lôi mày xuống dưới nếu mày cứ hét lên. Từ đó về sau em không bao giờ làm vậy nữa. Cũng vì vậy mà cái giếng trở thành nơi rất đặc biệt, vừa bí ẩn vừa cởi mở, vừa hấp dẫn vừa đáng sợ, vừa rõ ràng vừa mông lung. Giờ đây khi đứng bên cạnh nó, cảm giác đó thật giống như khi em muốn đi tìm câu trả lời cho giá trị của mình. Không ai nói chính xác được sự thật ở sâu trong lòng giếng. Và sự thật của em cũng khác sự thật của chị, sự thật của chúng ta khác sự thật của tất cả mọi người.

Em uống một ngụm nước giếng và thực sự nghĩ về chuyện uống nước. Khánh biết gì không, nước giếng rất mát và ngọt, một cách rất đặc biệt.

Và rồi em đã nghĩ rằng điều quan trọng hơn nút thắt là rung động. Bởi đó là sự chú tâm và biết rung động.

Em không biết một lúc nào đó em có lại làm Santiago ra đi với đàn cừu hay không, nhưng em sẽ chú tâm hơn một chút. Kể cả việc dừng lại và, lắng nghe.

Tết ấm!”

Nếu không đề tên người gửi có lẽ tôi vẫn biết là Yên viết cho tôi, bằng cái cách em viết. Tôi kẹp lá thư trong quyển sách đọc dở, dọn nốt mâm cơm. Không khí cận tết nên cứ se lạnh một cách dễ chịu, tự nhiên tôi lại nhớ mùi hương thảo bên hàng rào thép hôm nào.

(QNO)