Xuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ Phương

13.01.2020

Xuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ Phương

Trong nghệ thuật Ấn Ðộ cũng như nghệ thuật Chàm, hình tượng con chuột luôn mang ý nghĩa tốt đẹp, đó là con chuột nhà hay chuột nhắt (mouse), chứ không phải chuột cống. Chuột nhắt trong truyền thuyết Ấn Ðộ gắn liền với thần Ganesa, được đề cập đến trong nhiều kinh điển của Ấn Ðộ giáo như kinh Matsya Purana và sau đó là kinh Brahmananda Purana, một trong mười tám cổ thư của Ấn Ðộ, các bộ kinh này đề cập đến các lớp biểu tượng phức tạp được mô tả trong những thần thoại và truyền thuyết khác nhau. Trong những văn bản cổ này, tên chú chuột nhắt của thần Ganesa được biết đến là Mushika.

Trong các bộ kinh cổ kể trên, có ba truyền thuyết khác nhau kể về sự ra đời của chú chuột Mushika. Câu chuyện thứ nhất kể rằng Mushika là món quà của thần Shiva tặng riêng cho Ganesa khi nghe con trai của mình phàn nàn về việc không có bạn đồng hành.

Tuy nhiên, một truyền thuyết khác lại giải thích về con vật cưỡi (vahana) của thần Ganesa rằng, đã từng có một con quỷ tên là Mushikasura, hắn ta tàn phá thế giới và làm cho nơi nơi khiếp sợ. Vì thế, Ganesa được chư thần (Deva) phái đi tiêu diệt con quỷ này. Sau một trận chiến khốc liệt, con quỷ đã bị Ganesa đánh bại. Nhưng trước khi Ganesa sắp sửa chính thức giết hắn, Mushikasura đã nhận thấy sức mạnh thần thánh của Ganesa và thiện tâm của vị thần này, cho nên nó đã cúi nhận những sai phạm của mình, cầu nguyện và van xin Ganesa tha thứ. Thần Ganesa chấp thuận tha thứ cho con quỷ với điều kiện là Mushikasura phải phục vụ cho thần mãi mãi. Mushikasura ngay lập tức đồng ý phục tùng thần Ganesa bằng mọi giá, dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh. Lúc đó, Ganesa đã ban phước lành và biến Mushikasura thành một chú chuột nhắt tinh khôn. Từ đó, chú chuột đã trở thành người bạn đồng hành trung thành và là vật cưỡi của thần Ganesa, được biết đến với cái tên Mushika.

Một ghi chép khác lại kể rằng đã từng có một nhạc công tên Krauncha, người bị nguyền rủa đã trở thành một con chuột bởi vì Krauncha rất kiêu ngạo nên đã vô tình hoặc có thể là cố ý

giẫm lên dấu chân của nhà hiền triết Vaamadeva. Krauncha bị biến thành một con chuột khổng lồ. Người nhạc công vô cùng đau đớn cho sự bất hạnh của mình và bắt đầu phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó. Thần Ganesa đã nhìn thấy điều đó nên bắt giữ con chuột bằng một chiếc thòng lọng. Giống như câu chuyện trước, con chuột đã cầu xin sự tha thứ và lòng thương xót của Ganesa, vì thế thần đã giảm kích thước của chuột xuống và khiến nó trở thành bạn đồng hành của Ganesa, được đổi tên thành Mushika.

Tuy vậy, bất kể là trong truyền thuyết nào, Mushika luôn là người bạn thân thiết và trung thành, luôn ở bên cạnh để hỗ trợ cho thần Ganesa. Chuột Mushika đồng hành cùng ba trong tổng số tám hóa thân để hành thiện của thần Ganesa, chú chuột là biểu trưng cho bản chất cao quý của mỗi cá nhân. Trong kinh Ganesa Purana, thần Ganesa sử dụng chuột Mushika như là phương tiện của mình trong lần hóa thân cuối cùng. Do vậy, chú chuột Mushika đã xuất hiện như một đề tài chính trong các tác phẩm điêu khắc cùng với thần Ganesa ở miền Trung và miền Tây Ấn Ðộ từ thế kỷ thứ 7, và luôn luôn được đặt gần bên chân của thần Ganesa.

Chú chuột Mushika cũng là trung tâm của nhiều câu chuyện khác liên quan đến thần Ganesa và do đó được coi là biểu tượng của sự may mắn và lòng trung thành trong Ấn Ðộ giáo. Thậm chí còn có một câu kinh cầu nguyện nổi tiếng đề cập đến chú chuột Mushika trong kinh Ganesa Puruna như sau:

“Ngài là đấng sở hữu chú chuột Mushika, đó là phương tiện di chuyển của ngài, tay ngài cầm chén mật Modak, Ðấng thần linh với đôi tai lớn như những chiếc quạt, và ngài đeo sợi dây thiêng, Ngài là con trai của đấng tối cao Maheswara (thần Shiva), ngài có vóc dáng thấp tròn, Ôi! Ðấng hộ trì vượt qua mọi chướng ngại, con xin quỳ dưới bàn chân linh thánh của ngài.”

Theo truyền thống Ấn Ðộ giáo, các tín đồ dâng những món đồ ngọt nhỏ cho chú chuột Mushika sau khi họ cầu nguyện và cúng dường cho thần Ganesa, dù là bàn thờ được lập ở nhà hay trong những ngôi đền linh thiêng. Kinh Ganesa Puruna giải thích rằng nếu hình tượng chuột Mushika được đặt ngồi gần chân Ganesa và chỉ nhìn chằm chằm vào dĩa bánh Laddu (bánh ngọt hình tròn có nhân đậu) nhưng không ăn, điều đó biểu thị cho sự hướng vọng đến bản chất hoàn hảo của con người, người đó đã chinh phục được bản ngã của mình. Bởi vì chú chuột Mushika có thể từ bỏ thói quen gặm nhấm của nó; nghĩa là những tính xấu trong một cá nhân có thể được sửa đổi; và không gì có thể gặm nhấm được những điều tốt đẹp và cao quý của một con người. Ðiều đó cũng biểu thị rằng một bản ngã được thanh lọc hoặc được kiểm soát có thể sống trong thế gian mà không bị ảnh hưởng bởi những cám dỗ trần tục. Chú chuột Mushika là phương tiện của thần Ganesa, biểu thị rằng con người phải biết tự kiểm soát bản ngã tối tăm để trí tuệ được tỏa sáng.

Một tuyệt tác điêu khắc chất liệu sa thạch phát hiện tại thánh địa Mỹ Sơn thể hiện thần Ganesa mặc sampot với hình tượng đầu cọp là biểu trưng cho sức mạnh của Ganesa, một trong bốn tay thần cầm chén mật Modak. Ðiểm nổi bật là hình một con rắn quấn quanh phần bụng to tròn của thần Ganesa, bởi rắn được xem như là bạn của người nông dân theo truyền thuyết Ấn Ðộ và một số quốc gia Ðông Nam Á có ngành nông nghiệp trồng lúa. Theo đó, người nông dân luôn rất lo lắng vì chuột phá hoại mùa màng vào mùa lúa chín, chuột đào hang trên khắp các đồng lúa và dự trữ thức ăn trong các hang đó bởi tập quán sinh sôi nảy nở rất nhanh của chúng. Tuy vậy, rắn là khắc tinh của chuột, chuột là thực phẩm trong tự nhiên của loài bò sát này, vì thế người nông dân tin rằng rắn bảo vệ mùa màng cho họ.

Một câu hỏi được đặt ra, vì sao chuột được tôn thờ? Theo các lý giải trong truyền thuyết Ấn Ðộ, với khả năng không ngừng sinh sôi nảy nở nên chuột phải tích lũy thực phẩm. Tập quán tích lũy để có sự đủ đầy được xem là tính tích cực lớn nhất của loài gặm nhấm này, dù việc tích lũy đó là do phá hoại mùa màng của nông dân. 

Thần Ganesa xuất hiện đã giải quyết các vấn đề xung đột giữa người, rắn và chuột, mang đến sự thịnh vượng và sung túc nhờ vào sức mạnh và quyền năng của mình. Thần Ganesa di chuyển thường xuyên trên lưng chuột Mushika, do đó Mushika luôn phải túc trực bên cạnh thần, vì thế chuột không còn làm phiền lòng người nông dân nữa.

N.T.A, T.K.P

Bài viết khác cùng số

Quà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTháng giêng - Huỳnh Minh TâmTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngVườn mẹ - Mai Hữu PhướcDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpHoa sưa - Trần Trúc TâmĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam SinhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhThơ Odysseus Elytis