Giếng quê - Hải Nguyên

13.01.2020

Giếng quê - Hải Nguyên

Trở về thăm quê, vẫn con đường làng quanh co hai bên ruộng lúa, nhưng cái giếng đầu làng gắn liền với một thời tuổi thơ đầy kỷ niệm của tôi đã không còn nữa. Nhưng đâu đó, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng gàu múc nước va đập vào thành giếng, tiếng cười đùa, tiếng gọi nhau í ới của lũ bạn. Đưa mắt nhìn quanh, tôi chợt cảm thấy da diết trong lòng...

Nhớ những ngày sau năm 1975,  lũ trẻ chúng tôi theo gia đình trở về quê hương. Đối với chúng tôi cái gì cũng mới lạ, từ cây lúa xanh non đến những vồng khoai vun thẳng tắp. Những ngày vào vụ người lớn đều ra đồng, còn lũ nhỏ chúng tôi ở nhà hái rau, nấu cơm... và đặc biệt là phải gánh nước, để sau một ngày lao động vất vả cả nhà có nước để dùng. Trong chiến tranh, cái giếng làng tôi bị bỏ hoang hơn chục năm, trúng đạn bom sứt miệng thành, mới được xóm giềng tu sửa lại, vậy mà nước vẫn đầy và trong veo. Hằng ngày, cứ đến chiều là bọn tôi gọi nhau, quảy thùng ra giếng. Thế là từ chỗ không quen biết chúng tôi trở thành những người bạn thân. Do ở thành phố quen với kiểu vặn một cái là nước chảy ra, nên khi về quê, chúng tôi không đứa nào biết gánh nước. Mới đầu chúng tôi chỉ gánh được non nửa thùng, mà vai đứa nào đứa nấy đỏ tía. Mấy ngày sau để đòn gánh lên vai vẫn còn đau thắt ruột, nhưng dần dần rồi cũng quen. Từ gánh chỉ được non nửa thùng nước lần lần bọn tôi cũng nhích lên đầy thùng. Nhìn hai thùng nước đầy ngập, đung đưa trên hai đầu cây đòn gánh được đặt lên vai của những thân hình gầy còm chúng tôi, người lớn ai thấy cũng la: bọn bây gánh ít thôi còn để lớn chứ...

Cũng tại cái giếng này, biết bao kỷ niệm thời trẻ con của tôi ở đó. Sau mỗi lần gánh chuyến cuối cùng, gác đòn gánh lên hai miệng thùng ngồi nghỉ xả hơi. Chúng tôi tâm sự với nhau biết bao điều, nào chuyện ở trường ở lớp, mẹ đi chợ sáng qua mới mua cái gì cũng đem khoe ra tất hoặc khi nhà nấu củ khoai củ sắn cũng gói đem ra chia bạn. Chiều nào vắng một đứa là bọn tôi bồn chồn, không biết con nhỏ đó có chuyện gì hay đau ốm chi đây. Thế là khi xong nhiệm vụ là chúng tôi rủ nhau kéo qua xem thử. Tình bạn tình hàng xóm của chúng tôi lớn dần bên cái giếng ấy. Khi học xong cấp ba mỗi đứa một nơi, nhưng những dịp hè, dịp tết là lại tìm về bên nhau và bây giờ cũng vậy đứa nào gặp khó khăn chúng tôi cũng đều động viên chia sẻ.

Vào những đêm rằm, mặt trăng chiếu xuống giếng tròn vành vạnh, lung linh, rất đẹp, chúng tôi không dám thả gàu xuống múc, sợ sẽ làm vỡ vụn ánh trăng đi. Đây cũng là điểm hẹn của các chàng trai, cô gái trong làng, mượn cớ đi gánh nước để hẹn hò tâm sự. Chúng tôi thường rủ nhau ra trêu, các anh bảo để anh yên, ngày mai đứa nào đi gánh nước, anh sẽ múc dùm cho. Thế là chúng tôi kéo đi còn ngoái đầu nhắc lại anh nhớ đó nghe... Nhiều cặp đã bén duyên nhau từ cái giếng làng này. Nhưng trong cuộc bể dâu đó, cũng có những mối tình dang dở, nuối tiếc, cái giếng làng tôi cũng bị vạ lây.

“Anh tưởng giếng sau anh nối sợi

dây dài

Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài

sợi dây”

Cái giếng mà chúng tôi thường đến lấy nước gọi là giếng ông Nhạn. Ngày xưa, nếu người nào có chức sắc hoặc giàu có trong làng mà bỏ ra một số tiền kha khá để cùng dân làng làm giếng, thì giếng thường có tên người đó như giếng Xã Mãi, giếng Hương Triêm, giếng ông Đối... Theo quan niệm xưa, việc đào giếng là một việc làm không kém phần quan trọng, thì việc lấp giếng lại càng kiêng cử hơn. Để chọn được mạch nước tốt, phải chọn đất có mạch nước ngầm ẩn sâu trong lòng đất, chỗ thông thoáng, sạch sẽ và tiện đường đi lại. Vùng đất ở quê tôi chỉ cần trục xuống sâu khoảng sáu bảy sải tay là có được mạch nước trong vắt như gương soi. Đặc biệt nước giếng ở làng tôi vừa mát vừa ngọt. Giếng hình tròn, đường kính  non một sải tay. Dân gian cho rằng, đào giếng mà gặp mạch nước tốt là gặp điềm lành, phước lớn. Những khi mạch nước cạn dần, là báo hiệu điềm dữ sắp đến như hạn hán, mất mùa...

Vào những ngày Tết, nhà nào cũng gánh nước đổ đầy ảng. Nhất là chiều 30 tết, giếng lại càng đông hơn, tiếng nói tiếng cười, không khí Tết rộn rã cả một vùng quê... Vào ngày cuối năm, người nhà gần giếng nhất thường có một mâm lễ cúng giếng. Đây là tục lệ cúng giếng hằng năm, phẩm vật hoa quả, hương, đèn, áo giấy, một ly nước giếng và một ly rượu trắng. Khi giếng được cúng xong, người ta lấy một cái nia đậy lên miệng giếng, đợi sang xuân, mùng năm hay mùng bảy hạ nêu mới cho khai nguồn. Nhưng ngày nay chỉ cần đến ngày mùng ba là giếng được sử dụng trở lại. Và trong những lễ cúng bao giờ trên bàn thờ gia tiên, hay bàn thờ thần thánh ở miếu, đình... không thể thiếu ly nước mưa hay nước giếng. Ngoài ra trong nghi thức cúng đình ở một số nơi còn có lễ rước nước ở giếng làng rất đông vui.

Tôi nhớ ngày ông tôi còn sống, năm ấy ông bảo năm nay là năm tuổi ông, sao hạn rất xấu, nên mới sáng sớm ngày mùng một Tết ông bảo tôi ra giếng giở nia múc gánh về cho ông một đôi nước. Biết là vi phạm nguyên tắc chung của làng, nhưng thương ông tôi vẫn đi. Nước được gánh về, ông múc vào ly đặt lên bàn thờ rồi đổ phần nước còn lại vào ảng. Không biết làm vậy có giải được sao hạn xấu hay không, nhưng tôi thấy trên khuôn mặt ông đầy mãn nguyện.

Những năm gần đây, cuộc sống của người dân quê tôi sung túc, đầy đủ hơn nhiều nhà đã có giếng khoan hoặc có nước máy rất thuận tiện trong sinh hoạt gia đình. Do đó, nhiều nơi giếng làng bị lãng quên hay bị san lấp. Tuy nhiên một vài nơi giếng vẫn còn gắn bó trong sinh hoạt  đời sống hằng ngày của người dân.

Giếng một mảnh hồn quê của làng, ngày nay còn rất ít, nhưng những giá trị văn hóa của nó còn in rất đậm trong tâm hồn mọi người, nơi chứng kiến bao kỷ niệm, bao thăng trầm của người dân và làng xóm từ thế hệ này qua thế hệ khác. Giếng bình lặng mà thâm tình, là mạch nguồn dịu ngọt, nuôi dưỡng bao tâm hồn người dân quê tôi. Mỗi dịp về thăm quê, đâu đó vẫn còn cảnh vài cô thôn nữ gánh nước, tôi chạnh nhớ về kỷ niệm xưa và trong lòng yêu sao cái làng quê bé nhỏ của mình...

H.N

Bài viết khác cùng số

Quà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãTháng giêng - Huỳnh Minh TâmTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnSương - Nguyễn Tấn OnTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúyGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưMiên tưởng - Lê Xuân CừĐợi xuân - Quốc LongHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpHoa sưa - Trần Trúc TâmĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiVườn mẹ - Mai Hữu PhướcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNăm mới - Nguyễn Đông NhậtNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiThơ xuân - Thanh QuếXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhThơ Odysseus Elytis