Điệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê Huân

13.01.2020

Điệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê Huân

Dịp đón Tết năm 1964, tôi đứng ra tổ chức cho đoàn thanh niên gồm những cán bộ diễn viên Trường Múa Việt Nam, đi thăm và biểu diễn cho cán bộ, công nhân viên nông trường Ba Vì (Sơn Tây), nơi trong năm tôi đã có dịp đi thực tế sáng tác về Anh hùng Hồ Giáo (quê Quảng Ngãi) nổi tiếng của ngành chăn nuôi bò sữa miền Bắc.

Chuyện về nhân vật Hồ Giáo tôi sẽ có dịp kể nhưng kể về chuyến đi này với sự cố hi hữu xảy ra với sân khấu múa tạo nên một kỳ tích khó có thể lặp lại. Buổi tối chúng tôi biểu diễn một chương trình ca múa nhạc phục vụ cho khán giả nông trường. Tất nhiên ngoài ban lãnh đạo và anh chị em cán bộ công nhân viên nông trường Ba Vì có mặt anh Hồ Giáo, người bạn kết nghĩa của tôi ngồi dự ở hàng ghế đầu vỗ tay hoan nghênh tán thưởng nhiệt tình sau mỗi tiết mục chúng tôi công diễn.

Trong chương trình có điệu múa “Đường trời khôn thoát” của biên đạo NSƯT Trọng Lanh. Tôi đóng vai giặc lái Mỹ bị bắn hạ. Tiết mục này được xếp cuối cùng để khóa chốt chương trình.

Sân khấu biểu diễn do nông trường dựng lên gồm các tấm ván kê trên những vỏ thùng tô nô rỗng, đó là sân khấu kiểu dã chiến thời chiến tranh chống máy bay Mỹ phá hoại miền Bắc. Chúng tôi mang theo cả dàn nhạc sống của trường, dàn nhạc có tên “Lúa Vàng” do nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích chỉ huy.

Tiết mục múa gồm nhiều diễn viên múa giỏi là giáo viên và học sinh sắp tốt nghiệp hệ chính quy hệ 7 năm khóa 7 của trường. Chúng tôi diễn hết mình thể hiện tính cách nhân vật và các động tác múa một cách hoàn hảo. Đến pha cuối cùng trong tình tiết điệu múa máy bay Mỹ bị hạ, tên giặc lái đầu sỏ nhảy dù xuống trốn chạy bị dân quân ta truy đuổi, hắn hốt hoảng vấp ngã lộn nhào. Tôi vận dụng kỹ xảo bằng một cú nhảy lộn vòng, ai dè khi ngã xuống cả tấm ván sân khấu bật lên khiến tôi lọt thỏm xuống dưới gầm đất. Cũng là lúc dàn nhạc vang lên hợp âm kết thúc, chiến thắng huy hoàng. Vì tưởng là sự bố trí, sắp đặt của sân khấu, khán giả nông trường vỗ tay hoan nghênh nhiệt tình. Riêng nhạc trưởng Nguyễn Đình Tích và các nhạc công ngồi trước sân khấu biết việc xảy ra đều đứng dậy ngó nghiêng lo ngại cho tôi. Rất may, tôi chỉ bị va đầu, chạm lưng đau điếng nhưng vẫn gượng bò ra kịp thời cúi chào khán giả với một nụ cười như mếu. Anh Hồ Giáo chạy đến ôm chầm lấy tôi, miệng khen “Giỏi quá! Giỏi quá”.

Ngày hôm sau, chúng tôi trở về trường múa nơi đang sơ tán ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Nông trường tặng cho chúng tôi cả một xe sắn tươi (củ mì) về chia cho cả trường đón Tết.

Trên xe, chúng tôi hát vang ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích sáng tác tặng cho nông trường Ba Vì “Xuân đang reo vui, xuân đã đến trên nông trường đồi xanh thắm nắng lung linh. Bò bê tung tăng trong sớm mai vui đùa đón mừng xuân mới. Xuân đang reo vui trên đất nước ta hai miền tưng bừng chiến thắng, còn giặc thù kia tan tác, tiếng súng từ miền Nam báo tin xuân về...”.

L.H

Bài viết khác cùng số

Quà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãTháng giêng - Huỳnh Minh TâmTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnSương - Nguyễn Tấn OnTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúyGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưMiên tưởng - Lê Xuân CừĐợi xuân - Quốc LongHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpHoa sưa - Trần Trúc TâmĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiVườn mẹ - Mai Hữu PhướcTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNăm mới - Nguyễn Đông NhậtNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiThơ xuân - Thanh QuếXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam Sinh“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm LâmĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhThơ Odysseus Elytis