Năm mới tuổi hồng - Kỳ Nam

13.01.2020

Năm mới tuổi hồng - Kỳ Nam

Hồi xưa nhà nào cũng đông con cháu, Ngoại tôi có bốn người con thì được coi là khá hiếm hoi rồi. Nhà Ngoại Hai, ngoại Tư, nhà nào cũng có đến bảy tám cậu dì, cộng thêm dâu rể nữa... Mỗi lần tết nhứt, con cháu tụ hội về một nhà thì thiệt quả là “vui như TẾT”.

Mùng Một, sáng sớm thì má đã giục cả nhà sửa soạn để đi chúc Tết. Sáng mùng Một với cô nhỏ 8 - 9 tuổi quan trọng lắm. Áo dài mới, Má nói màu này là “màu thiên thanh”, nghe tên là đã cảm thấy cả một bầu trời xanh rời rợi... Áo đã được ủi kỹ từ hăm mấy Tết, treo vào góc tủ, cả năm chỉ có Tết là có dịp mặc áo dài như má nên cô nhỏ săm soi mãi từ khi đưa ông Táo. Mặc áo vào, khẽ khàng cài từng chiếc khuy như sợ lỡ mạnh tay quá thì áo chẳng thành áo dài. Má đeo vào cổ con gái nhỏ chiếc kiềng vàng - không quên dặn dò “kiềng này là của bà cố để lại đó nghen con. Con gái mặc áo dài đeo kiềng thì phải đi đứng nhẹ nhàng, không được chơi phá phách, là vô phép biết không?”. Cô nhỏ xúng xính áo dài, chân mang hài nhỏ thêu cườm, tay xách bóp đầm bé tí, má xức cho chút nước hoa thoang thoảng trên má.

Ngoại có ba chị em gái, nhà bà ngoại Hai là nơi cả đại gia đình tụ họp, ngoại Hai là chị ruột của ngoại, mấy dì mấy cậu của ba nhà đều thân nhau như anh chị em ruột. Đến lớp cháu như tôi thì số gọi nhau là anh chị em đã tròm trèm hai chục đứa tụ họp, cười giỡn rần trời.

Nhà bếp chộn rộn. Mấy dì, mợ đôi tay thoăn thoắt với đủ món bánh mứt. Ngoại Hai khéo lắm, bánh trái nào qua tay ngoại Hai cũng trở thành những thứ ngon đến lạ kỳ. Tôi cứ nhớ hoài món xôi vị của ngoại Hai cùng với món bánh bò rễ tre, rồi nào là các món mứt... Trẻ con thì chỉ thích thứ ngọt nên ký ức tôi đọng lại cơ man nào các hương vị ngọt lìm lịm của Tết nhà. Dì Chín với dì Hai tết nào cũng trổ tài cắm hoa, nào thược dược to tròn xòe từng lớp cánh mỏng màu hồng tím, mãn đình hồng thì từng cành vươn cao ngất nghểu. Cành mai cắm vào lộc bình thì cần hơ lửa đốt gốc mới tươi lâu... Cô bé tôi ưa xán đến bên  dì Chín thủ thỉ hỏi han, ngắm nghía, lâu lâu lại thò tay xoay vuốt mấy cành hoa, chỉ thế thôi mà sướng rơn như chính mình làm ra được tác phẩm vậy.

“Tới giờ cúng rồi, mấy đứa vô hết mau lẹ nè” dì Tư ra sân lùa hết cả đám lũ lượt vào đứng xếp hàng dọc theo dãy tường phía trước bàn thờ, phủi quần sửa áo ngay ngắn, đứa nào đứa nấy mặt mày trang nghiêm, khoanh tay tròn vo trước ngực, mắt chăm chắm ngó lên bàn thờ cẩn xà cừ lóng lánh ngũ sắc, bày bộ lư đồng sáng choang, cặp dưa hấu to tướng nằm oai vệ, bánh trái lẫn trong khói hương ngào ngạt.

Sau khi ông ngoại Hai thắp nhang khấn vái, ba bà ngoại áo dài trang trọng cùng nhau ngồi lễ rồi lần lượt cậu mợ, dì quỳ lạy. Kế tới lũ nhỏ chúng tôi theo thứ tự lớn trước nhỏ sau cũng trang trọng quỳ trước bàn thờ tổ tiên. Mấy bàn tay nho nhỏ chắp lại, miệng cũng lầm rầm gì đó rồi đứng lên vái dài mấy cái, kết thúc nghi lễ đầu năm của mình. Ngoài sân, những cánh mai vàng rực nắng...

Kế tiếp là màn hấp dẫn hơn: lì xì của ông bà. Đứa nào cũng ráng bặm môi, tròn mắt nói cho rành mạch mấy câu chúc tết “kinh điển” hàng năm: chúc ông bà dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi... rồi đưa hai tay nhận lì xì, mắt sáng rỡ, chân chỉ chực chạy ra sân nhập bọn cùng đám anh chị em đang mặc sức hò reo. Bây giờ thì áo dài xúng xính đã không còn quan trọng nữa, các cô nhỏ ngồi phệt xuống thềm, rút những tờ tiền mới cứng trong bao đỏ rực, hớn hở so sánh xem ai có nhiều hơn những bao lì xì đẹp...

Năm mới đã vào nhà!

K.N

Bài viết khác cùng số

Quà tặng mùa Xuân - Trần Trung SángChuyển thư chiều ba mươi Tết - Đỗ Xuân ThuBao giờ mùa Xuân cũng đến - Bùi Việt PhươngLàm gì để có được một Đà Nẵng đáng sống? - Diệp Dân HùngKỷ niệm pháo Nam Ô - Đặng Hiếu DânBác Hồ và mùa Xuân 60 năm trước - Xuân TrìnhVăn học Nghệ thuật Đà Nẵng - Một năm nhìn lại - Bùi Văn TiếngĐà Nẵng cho tôi một yên bình - Nguyễn Thị Anh ĐàoCây “tọa đăng” và Tết... - Y NguyênNăm mới tuổi hồng - Kỳ NamChợ Hàn - Trần Thu ThủyGiếng quê - Hải NguyênThơ xuân - Thanh QuếƯớc vọng ngày xuân - Trịnh Bửu HoàiAnh sẽ là cơn gió - Tần Hoài Dạ VũGiấc mơ - Nguyễn Nho KhiêmNgày đi qua thẳng băng - Nguyễn Kim HuyNăm mới - Nguyễn Đông NhậtTrôi ngược cua đường gấp khúc - Đinh Thị Như ThúySương - Nguyễn Tấn OnỪ, thì mai Tết - Trần Huy Minh PhươngDừng lại mùa đông - Nguyễn Thánh NgãGấu trắng; Sang xuân - Vy Thùy LinhTháng giêng - Huỳnh Minh TâmTa trở lại Đà Nẵng - Nguyễn Thị Minh ThùyLinh cảm - Trần Mai HườngĐóa phù dung - Trần Trình LãmThơ viết đêm giao thừa - Trần Văn ThọSắc xuân - Ngô Hà PhươngXuân reo trên phố Hàn - Trương Công MùiQuán nhỏ lưng đèo - Hồ Sĩ BìnhHạnh phúc cỏ đan! - Tăng Tấn TàiXuân nhớ mẹ...! - Mỹ AnĐợi xuân - Quốc LongMiên tưởng - Lê Xuân CừĐà Lạt trong tôi - Nguyễn Xuân TưMùa xuân của mẹ - Xuân TrườngPhố đã mùa xanh - Nguyễn Nho Thùy DươngNỗi buồn - Thiều HạnhVề nghe gió hát ca dao - Vạn LộcKhông bắt đầu không kết thúc - Thụy SơnKhát xuân - Nguyễn Hoàng ThọNỗi nhớ mùa xuân - Trác MộcViết sau giấc mơ gặp Bùi thi sĩ - Nguyễn Nhã TiênMây vườn cũ - Hoàng Hương ViệtTa và em đêm ba mươi - Lê Anh DũngVườn mẹ - Mai Hữu PhướcDốc cạn sức này yêu em - Nguyễn GiúpHoa sưa - Trần Trúc TâmĐà Nẵng ngày nắng lên - Huỳnh Thúy KiềuLối mộng xuân quê - Nguyễn Miên ThượngLục bát tôi - Nguyễn Ngọc HạnhCon chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam - Huỳnh Thạch HàXuân Canh Tý kể chuyện chú chuột tinh khôn Mushika của thần hạnh phúc và may mắn Ganesa - Nguyễn Tú Anh, Trần Kỳ PhươngMê đắm những khúc nhạc xuân - Văn Thu BíchChuyện chữ chuyện nghĩa - Phan Nam SinhĐiệu múa lộn nhào xuống... gầm đất - Lê HuânSự tích Dinh Bà ở làng Tân Thuận - Phạm Lâm“Lời dặn” - Một bút pháp triết lý của Dã Hàng - Hoàng Hương ViệtChuyện về hai bài thơ chữ Hán dịp Tất niên và Tết Nguyên đán của Phan Khôi - Phan Nam SinhĐọc lại khúc ngâm của Nguyễn Gia Thiều: Kẻ đứng phía sau cung nữ - Nguyễn Minh HùngNét độc đáo trong các truyện ngắn viết về Tết giai đoạn trước 1945 của nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Vũ Đình AnhThơ Odysseus Elytis