Văn hoá, nhìn từ góc độ phát triển thành phố - Lê Hồng Nhuận

17.11.2018

Những năm trước đây, tên gọi Đà Nẵng hãy còn nằm sau gạch nối với Quảng Nam để hợp nên  một địa danh quen thuộc: Quảng Nam-Đà Nẵng. Địa danh ấy còn được gọi bằng cái tên hồn hậu Đất Quảng và đi vào tâm thức mọi người theo câu ca: “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu hồng đào chưa nhắm đà say/Bạn về nằm nghỉ gác tay/Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta”. Từ trong mảnh đất trọng nghĩa thâm tình và gắn kết keo sơn ấy, Đà Nẵng đã từng bước trở mình vươn vai để hướng về chân trời cuộn sóng biển Đông.

Văn hoá, nhìn từ góc độ phát triển thành phố - Lê Hồng Nhuận

Cuộc chia tay giữa những người con Quảng Nam-Đà Nẵng vào giữa tiết trời xuân 97 như là một câu chuyện cổ tích của thời hiện đại. Tựa như tích xưa, Lạc Long Quân mang 50 con theo cha lên rừng, mẹ Âu Cơ cùng 50 con xuống biển tạo dựng cuộc sống mới với ý nguyện mở mang làm giàu cho quê hương. Bấy giờ nào ai đoán định được những người con Quảng Nam, những người con Đà Nẵng sẽ làm gì và làm như thế nào để thực hiện ước mơ về tương lai của mình.

Từ sau cái đận “Hai mươi tuổi áo cũ rồi hoá chật”(1), vươn mình khoác chiếc áo mới, Đà Nẵng đã luôn sống trong niềm thôi thúc vì những gì cần làm cho thành phố phát triển hãy đang còn ở phía trước.

Đà Nẵng như mũi tên lao ra biển Đông”(2).Trong hai mươi mốt năm qua quả người Đà Nẵng đã sống, suy nghĩ và hành động với tâm thức ấy. Từ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến được công nhận đô thị loại I cấp quốc gia là sự trả lời về tư duy và phương thức hành động chân xác của Đà Nẵng để khẳng định mình.

Những năm gần đây, có một Đà Nẵng được xem là hiện tượng trong công cuộc đổi mới đối với cả nước. Từ qui hoạch, kiến trúc, chỉnh trang, xây dựng phát triển đô thị đến chương trình “Thành phố 5 không” mà tên gọi đã trở thành “thương hiệu” của Đà Nẵng đâu phải là chuyện thường tình. Sải thêm một bước dài, Đà Nẵng thực hiện đề án”Thành phố 3 có”, mà một trong ba đề án đó-đề án “Có nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” được xem là bước khởi đầu của chiến lược xây dựng con người Đà Nẵng thành con người có văn hoá, xây dựng Đà Nẵng thành thành phố trung tâm về văn hoá theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Đề án này được xem là một trong những chủ trương trọng tâm, có ý nghĩa đột phá của thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Đà Nẵng đang tiến nhanh trên con đường đô thị hoá. Trong các vấn đề liên quan đến phát triển đô thị thì quản lý đô thị được xem là nhạy cảm nhất. Theo đó trong việc thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh đô thị thì hình thức và giải pháp quản lý văn hoá thiết nghĩ cũng không thể xem nhẹ.

Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị bao gồm nhiều mặt trong đó văn hoá nơi công cộng cũng là một mặt không kém phần quan trọng, góp phần thể hiện văn hoá của một cộng đồng, một vùng đất.Với tầm cỡ là một đô thị loại I cấp quốc gia, hoạt động văn hoá công cộng ở Đà Nẵng sẽ có đặc thù khác biệt do vậy mà việc xây dựng và quản lý cần  phải tiến hành sao cho phù hợp với xu thế vận động và phát triển văn hoá ở một đô thị lớn.

Chẳng phải ngẫu nhiên Đà Nẵng trở thành đô thị. Nhìn lại lịch sử sẽ thấy đấy là cả một lộ trình chuyển tiếp dài dặc bắt đầu từ khi Hội An không còn giữ vai trò là cảng quan trọng bậc nhất ở xứ  Đàng Trong và Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam á nói chung; khu An Thị tiếp đến chợ Hàn ra đời đưa Đà Nẵng từ qui mô thị trấn lên thị xã thời Pháp thuộc rồi thực sự trở thành thành phố lớn của miền Trung thời Mỹ. Từ thực tế đó, văn hoá Đà Nẵng mang dấu ấn của sự giao lưu đa quốc gia . Đặc biệt từ khi mở cửa vùng Á Đông và phương Tây, một tầng lớp thị dân đã xuất hiện. Theo đó tính cách người Đà Nẵng sẽ có tính cách thị dân bên cạnh tính cách nông dân hình thành từ những ngày đầu đi mở đất lập làng. Với gốc gác nông thôn bước lên thành phố, những khó khăn trong ứng xử trước sự phát triển của xã hội là điều không thể tránh khỏi đối với thị dân . Trong công cuộc đô thị hoá, thực hiện xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, đặc biệt là văn hoá nơi công cộng nhất thiết không thể không quan tâm nghiên cứu đặc trưng văn hoá và tính cách thị dân để có thể xây dựng tác phong văn minh đô thị mà cụ thể là cách ứng xử văn minh đối với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội ở đô thị, đối xử giữa người với người theo trình độ tổ chức và sinh hoạt tại các đô thị vừa đảm bảo tính hiện đại theo những chuẩn mực quốc tế vừa thể hiện bản sắc dân tộc.

Nói về văn minh công cộng hiện nay, giáo sư Phạm Đức Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Đông Nam Á đã có lần bày tỏ bức xúc: “Chúng ta đã đạt được những bước tiến dài về đời sống kinh tế, về khoa học kỹ thuật, nhưng văn hoá công cộng thì chưa có những bước tiến tương xứng”. So lại thực tế quả là môi trường văn hoá công cộng ở nước ta còn nhiều điều phải trăn trở. Thực tế đó đặt ra câu hỏi lớn cho các tỉnh thành mà đặc biệt là các đô thị lớn ở nước ta trong quá trình đô thị hoá và hội nhập toàn cầu.

Nhìn lại Đà Nẵng cũng sẽ thấy vẫn còn nhiều hành vi không đẹp khác thuộc về văn hoá ở mỗi con người tại các khu công cộng dẫu không phổ biến như những năm trước đây diễn ra hằng ngày một cách hiển nhiên, tuỳ tiện theo thói quen dẫu cho đề án “Có nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đến nay đã qua giai đoạn tuyên truyền, vận động và đang đi vào thực tiễn, dẫu biết rằng để thay đổi nếp sống là cả một vấn đề lớn liên quan đến nhận thức và thời gian, không thể thực hiện trong một sớm một chiều song cũng cần có sự nhìn nhận lại để xác định lại giải pháp quản lý tiến hành sao cho thật  toàn diện và đồng bộ các yêu cầu cần phải thực hiện trong quá trình quản lý văn hoá công cộng ở đô thị.

Một điều không thể phủ nhận là sự tuỳ tiện, bừa bãi không chỉ phản ánh một nền văn hoá công cộng thấp kém mà còn là dấu ấn của một cuộc sống hoang dã, một nền sản xuất nhỏ lạc hậu. Trong xu thế hội nhập, khoa học kỹ thuật, thiết bị, công nghệ đều có thể nhập khẩu. Duy chỉ có con người với những tác phong vốn có là không thể thay thế. Từ đó để thấy rằng làm thế nào để mọi người nhận thức được sự cần thiết và tính cấp bách của việc xây dựng và phát triển văn hoá nơi công cộng vừa đáp ứng sự phát triển của đô thị loại một văn minh hiện đại vừa gìn giữ và phát huy những tinh hoa truyền thống văn hoá Đà Nẵng là điều đặc biệt quan trọnốngng hành với việc hình thành nhận thức, sự quyết tâm và thống nhất trong tổ chức, chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, sự chấp hành của các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội, sự đồng lòng hưởng ứng của đại đa số quần chúng trong thành phố, sự tuyên truyền vận động với nhiều hình thức phong phú qua các phương tiện thông tin đại chúng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội khi triển khai xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh nơi công cộng là điều hết sức cần thiết, phải thực hiện đầy đủ và triệt để.

Có lẽ Đà Nẵng cũng đã nghĩ đến và chuẩn bị  mọi điều khi quyết định ban hành đề án “Có nếp sống văn hoá, văn minh đô thị”. Tuy thế mà lúc vào cuộc vẫn chưa thật chủ động và đồng bộ. Có thể nhận thấy trong công tác tuyên truyền vẫn chưa quan tâm  đúng mức đến việc xây dựng mạng lưới  và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền cơ sở thực hiện tuyên truyền phổ biến nội dung xây dựng tác phong văn minh nơi công cộng đến mọi tầng lớp nhân dân và điều không thể không nói đến là chưa thật chú trọng đến vai trò và sức mạnh của dư luận xã hội.

Văn hoá là sự tổng hoà các mối quan hệ xã hội, trong mỗi con người nó được hình thành thông qua truyền thống gia đình, sự giáo dục của nhà trường song các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Dư luận với chức năng xã hội của mình sẽ định ra yêu cầu, chuẩn mực trong quan hệ ứng xử theo đạo đức xã hội, đòi hỏi mỗi công dân phải tuân theo, thể hiện sự tán thành, uốn nắn sai lệch, hướng dẫn hành vi theo đúng chuẩn mực của đạo đức xã hội. Thông qua dư luận, những hành vi cao đẹp được khích lệ, những hành vi xấu xa bị lên án, chỉ trích. Thời gian qua, sự quản lý văn hoá nơi công cộng ở đô thị Đà Nẵng còn nhiều thiếu sót, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu sót đó là do trong tuyên truyền vận động, trong biểu dương, phê phán còn chung chung, chưa thực sự chỉ đạo dư luận và chưa tạo được dư luận  xã hội mạnh mẽ ca ngợi gương người tốt, việc tốt và phản đối quyết liệt với những hành vi ứng xử xấu ở nơi công cộng; chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một chương trình thuyền thông về văn hoá công cộng trong khi trước đó đã từng có chương trình truyền thông về tiêm chủng mở rộng, về an toàn giao thông, về Sea game khá rầm rộ và thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thiết thực vào các cuộc vận động này. Kinh nghiệm ở các nước  phát triển đã đô thị hoá nhiều thế kỷ chỉ rõ tuyên truyền mạnh mẽ và pháp luật nghiêm minh sẽ tạo ra ý thức chấp hành nghiêm chỉnh ở người dân, nhất là trong công tác đảm bảo môi trường văn minh sạch đẹp.

Như các đô thị lớn ở nước ta, Đà Nẵng cũng đang diễn ra sự phân tầng xã hội mạnh mẽ. Điều đó vừa tạo ra động lực của sự phát triển vừa dẫn tới sự phân biệt giàu nghèo. Sự khác biệt về mức sống có tác động mạnh đến đời sống đô thị và ý thức người dân. Nếp sống văn hoá, văn minh đô thị chỉ có thể có khi mỗi người tự giác thực hiện một cách thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày và được xem như là biểu hiện của chiều sâu văn hoá trong con người. Yêu cầu đó đặt ra vấn đề phải xây dựng tính cộng đồng và ý thức tự quản đô thị.

Xây dựng ý thức tự quản đô thị thực chất là phát huy tinh thần dân chủ trên cơ sở pháp luật để huy động sức mạnh cộng đồng trong việc xây dựng và giữ gìn trật tự kỷ cương văn minh đô thị. Làm sao để các tầng lớp cư dân ở đô thị Đà Nẵng hiểu rõ về dân chủ và pháp luật để điều chỉnh hành động và lợi ích của mình theo đúng pháp luật thì mới bảo đảm xây dựng được ý thức tự quản đô thị, để từ đó phát huy ý thức tự quản văn hoá công cộng ở đô thị.

Những năm trước đây, với việc thực hiện Chỉ thị 36-CP về lập lại trật tự kỷ cương đô thị, thành phố Đà Nẵng bằng vào việc  quản lý mạnh mẽ, kiên quyết và có hiệu lực của Nhà nước cùng với sự hiểu biết dân chủ và pháp luật của người dân đã góp phần không nhỏ vào sự hình thành ý thức tự quản đô thị. Ở giai đoạn xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị này, nhất thiết phải phát huy trên cơ sở nêu cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, kế thừa và phát huy những mặt tích cực của truyền thống cộng đồng làng xã  để đưa việc xây dựng ý thức tự quản đô thị  lên một bước cao hơn.

Môi trường văn hoá lành mạnh nhất thiết phải bắt đầu từ gia đình-tế bào của xã hội. Trong những năm qua, sự thay đổi cơ chế kinh tế từ bao cấp sang cơ chế thị trường đã có tác động nhiều mặt đến nhiều lĩnh vực xã hội, trong đó có gia đình nhất là gia đình ở đô thị. Áp lực đồng tiền, lợi ích vật chất đã chi phối mạnh mẽ quan hệ gia đình, làm xói mòn đạo lý truyền thống, làm gia tăng những hành vi phi pháp, tội lỗi, coi thường trật tự, kỷ cương phép nước. Gia đình ở đô thị đang đứng trước những thách thức gay gắt về sự biến đổi chức năng và định hướng giá trị. Thực trạng đó đòi hỏi phải quan tâm đến việc xây dựng gia đình văn hoá. Trong điều kiện đô thị với nhiều biến động phức tạp về lối sống và tâm lý xã hội, việc xây dựng gia đình văn hoá đòi hỏi phải nhận thức đúng đắn và thực hành có hiệu quả tránh phô trương hình thức. Làm sao phải thực hiện xây dựng gia đình văn hoá một cách khoa học, theo những tiêu chí cơ bản và mang tính thực tế để phù hợp với điều kiện một đô thị phát triển trên con đường công nghiệp hoá-hiện đại hoá.

Từ nhiều năm nay, Thành phố đã triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” theo từng giai đoạn. Việc xác định thực hiện một cách thực chất và đạt kết quả tốt xây dựng gia đình văn hoá ở đô thị này sẽ là nhân tố góp phần quan trọng vào việc xây dựng những con người mới tiến bộ, văn minh, thanh lịch, có ý thức tôn trọng  trật tự, kỷ cương, văn minh nơi công cộng. Chính những con người này sẽ làm cho việc thực hiện và quản lý văn hoá công cộng ở đô thị đạt kết quả tốt.

Đời sống văn hoá không bó hẹp vào một số lĩnh vực mà bao quát mọi mặt của đời sống xã hội, không tồn tại chung chung mà được thể hiện qua những đơn vị văn hoá cơ sở. Trong quá trình quản lý văn hoá nơi công cộng không thể không coi trọng việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở bởi nó là nền tảng vững chắc cho việc xây dựng tác phong văn minh nơi công cộng. Với ý nghĩa đó, cần phải hết sức quan tâm đổi mới phương thức hoạt động văn hoá cơ sở, lựa chọn các phương thức giáo dục tối ưu có khả năng thu hút đông đảo quần chúng.

Trước đây trong hoạt động văn hoá thường đề cao chức năng giáo dục mà xem nhẹ chức năng giải trí. Với đặc điểm xã hội ngày nay cần tăng cường yếu tố giải trí, thoả mãn nhu cầu thị hiếu của đông đảo quần chúng đô thị, làm sao cho người tham gia vui chơi, giải trí không có cảm giác bị giáo dục để từ đó mà thực hiện chức năng giáo dục văn hoá, làm cho hoạt động văn hoá đi vào lòng người.

Từ nhiều năm rồi việc xây dựng văn hoá cơ sở, hình thành các thiết chế văn hoá, những trung tâm văn hoá cơ sở ở thành phố có được chú trọng song so với nhu cầu thực tế thì hãy còn chưa đáp ứng kịp. Trong quản lý hoạt động còn có những qui định mang tính hình thức, khó trở thành hiện thực trong cuộc sống; nhiều mặt hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu phong phú, đa dạng của cư dân đô thị nên chưa thu hút được quần chúng trong khi các phương tiện hoạt động văn hoá, thông tin liên lạc hiện đại được đưa vào nước ta ngày càng nhiều, lượng thông tin văn hoá thế giới ngày càng lớn, kích thích nhu cầu văn hoá của nhân dân, dễ thu hút quần chúng hưởng thụ văn hoá ngoại lai thiếu định hướng. Thực tế đó đặt ra vấn đề cấp bách đòi hỏi phải nhìn nhận lại để định hướng đúng đắn cho việc quản lý đời sống văn hoá cơ sở ở đô thị Đà Nẵng nhằm tạo nên sự chuyển biến tích cực trong tác phong văn minh đô thị, trật tự kỷ cương nơi công cộng.

Thực tế cuộc sống ở đô thị ngày càng phức tạp, trong đó thói quen sinh hoạt của người sản xuất nhỏ là một cản trở lớn cho việc xây dựng nếp sống nơi công cộng. Ở đô thị để quản lý văn hoá  nơi công cộng có kết quả nhất thiết phải ban hành những qui tắc về nếp sống nơi công cộng và tăng cường tính pháp chế văn hoá trên cơ sở giáo dục, nâng cao sự hiểu biết, nhận thức  rõ việc thực hiện các qui định là tiêu chí của một đô thị văn minh, là yêu cầu đảm bảo để đô thị phát triển bền vững, con người thực sự hạnh phúc và xem việc chấp hành văn hoá nơi công cộng là đòi hỏi tất nhiên, thường xuyên, là thói quen dựa trên sự tự giác của bản thân mỗi người. Các nước đã đô thị hoá trên thế giới đều thực hiện như vậy trong quá trình đô thị hoá. Nhà nước ta cũng đã có những qui định, luật lệ về quản lý đô thị, quản lý văn hoá đô thị như luật bảo vệ môi trường, luật xây dựng, luật giao thông đường bộ, luật đất đai, luật phòng chống ma tuý, luật di sản văn hoá...song sự tuân thủ thực hiện  những qui định đó hầu như chưa được chặt chẽ và triệt để dẫn đến tình trạng nảy sinh nhiều hiện tượng phản văn hoá gây phức tạp cho việc quản lý và điều hành văn hoá ở đô thị. Trước thực trạng đó, vấn đề xây dựng qui tắc, phát huy sức mạnh của pháp luật, tăng cường dư luận xã hội cần kiên quyết thực hiện để củng cố và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức đạo đức cho người dân đô thị tạo tiền đề cơ bản cho việc phát triển hoạt động văn hoá.

Trong tiến trình đổi mới phát triển để trở thành trung tâm kinh tế-văn hoá- khoa học công nghệ của miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng đã vươn mình bước những bước dài trên nhiều lĩnh vực. Vì thế nên không thể xem nhẹ phát triển văn hoá.

Muốn có một nền văn hoá tương thích với một nền kinh tế phát triển và nhất là muốn khắc phục thực tế môi trường văn hoá còn nhiều hạn chế ở đô thị Đà Nẵng, không có cách nào khác là trong mỗi con người phải tự thay đổi mình, Thành phố phải có giải pháp quản lý văn hoá đô thị  đảm bảo theo những yêu cầu được đặt ra từ cuộc sống với những chế tài cần thiết và giới truyền thông phải vào cuộc. Cộng hưởng những điều đó lại  nhất định sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, thực hiện được một trong ba đề án đã đề ra, góp phần phát triển văn hoá thành phố đúng tầm đô thị loại I cấp quốc gia.

 

L.H.N

 

 (1)Thơ của Nguyễn Quân

(2)Thơ của Bùi Xuân