Tự hào sân khấu đất Quảng - Hội Sân khấu Đà Nẵng

29.08.2016

Tự hào sân khấu đất Quảng - Hội Sân khấu Đà Nẵng

Ngày 12 tháng 8 âm lịch hằng năm là ngày Giỗ tổ sân khấu đã được Nhà nước ta chọn làm ngày SÂN KHẤU VIỆT NAM. Đây là sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng, thể hiện sự quan tâm, sự đánh giá cao những đóng góp to lớn của nghệ thuật sân khấu đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Đây thực sự là niềm vinh dự và tự hào đối với tất cả những người hoạt động sân khấu từ tác giả, đạo diễn, diễn viên cùng những thành phần sáng tạo khác đến các nhà quản lý, tổ chức biểu diễn, hậu đài v.v...

Nhân ngày sân khấu Việt Nam, nhìn lại sự phát triển nghệ thuật sân khấu của vùng đất Đà Nẵng - Quảng Nam trong hơn một thế kỷ qua, chúng ta có nhiều thành tựu và cũng có những trăn trở.

Đất Quảng được xem là cái nôi của nghệ thuật Tuồng. Từ nửa sau thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX vùng đất này đã sản sinh và nuôi dưỡng một lớp nghệ sĩ xuất chúng nổi danh trong cả nước như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, Văn Phước Khôi v.v..., những soạn giả, những nhà nghiên cứu Tuồng như Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký v.v... đặc biệt là sự xuất hiện của một nhà hoạt động nghệ thuật Tuồng lỗi lạc, đó là ông Tuần An Quán Nguyễn Hiển Dĩnh. Ngoài ra, có sự ra đời của nhiều gánh hát bội mà tiêu biểu là rạp An Quán của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh trong thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; các đoàn nghệ thuật trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Năm 1960 Đoàn văn công giải phóng miền Tây Quảng Đà được thành lập. Cuối năm 1963 Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà rồi đến tháng 9 năm 1964 Đoàn văn công giải phóng tỉnh Quảng Nam lần lượt ra đời. Ba năm sau, năm 1968 Đoàn Tuồng giải phóng Quảng Nam đi vào hoạt động. Trong khi đó, trong lòng thành phố Đà Nẵng bất chấp sự kìm kẹp của kẻ thù, hoạt động sân khấu của học sinh, sinh viên vẫn phát triển mạnh mẽ. Cùng với những vở diễn của sân khấu cách mạng ở vùng giải phóng như “Đâu có giặc là ta cứ đi” của Nguyễn Vũ, “Bà mẹ Gò Nổi”, “Ba cha con” của Phan Ngạn..., những vở kịch lịch sử “Trưng Vương”, “Tiếng gọi Lam Sơn” của Trần Quang Long, đề cao lòng yêu nước được diễn công khai ngay trong lòng địch, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp tấn công trực diện kẻ thù trên mặt trận văn hóa văn nghệ, động viên các tầng lớp nhân dân đứng lên tham gia kháng chiến.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng ác liệt đã có 31 cán bộ, diễn viên hy sinh, 37 người mang thương tật suốt đời, nhiều diễn viên bị bắt bớ, tù đày. Chỉ riêng Đoàn văn công giải phóng Quảng Đà trong một trận ném bom của địch khi đang tập luyện xây dựng chương trình chuẩn bị phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã có 13 cán bộ, diễn viên hy sinh, 15 anh chị em khác bị thương.

Ngày 29 tháng 3 năm 1975 quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng mở ra những thời cơ mới, những thuận lợi mới cho văn học nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật sân khấu. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có đến bốn đoàn nghệ thuật sân khấu, đó là Đoàn nghệ thuật Tuồng (Nay là Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), Đoàn ca kịch bài chòi, Đoàn kịch nói và Đoàn cải lương Sông Hàn. Các đoàn có mặt khắp các địa bàn trong tỉnh cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước và được dư luận đánh giá cao. Bên cạnh đó hằng năm có hàng chục Đoàn nghệ thuật sân khấu của Trung ương, của Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đã về phục vụ công chúng Quảng Nam - Đà Nẵng. Phong trào sân khấu quần chúng phát triển mạnh mẽ. Đội văn nghệ của hợp tác xã cũng dàn dựng được những vở kịch ngắn, thậm chí cả kịch dài, biểu diễn phục vụ bà con xã viên.

Trong thời kỳ này đời sống sân khấu thực sự sôi động, khán giả được thưởng thức nhiều tác phẩm sân khấu có giá trị.

Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân, sau khi chia tách tỉnh, thành phố Đà Nẵng chỉ còn Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Được thành lập năm 1992, vượt qua bao khó khăn, Nhà hát đã phát triển không ngừng, trở thành một đơn vị sân khấu dân tộc mạnh của cả nước. Nhà hát đã khai thác và lưu giữ được vốn tuồng cổ đồ sộ và đặc sắc. Nhà hát có mặt ở nhiều nơi trong và ngoài thành phố, ở nước ngoài và gần đây đã thường xuyên đỏ đèn phục vụ khách du lịch. Nhằm đưa nghệ thuật tuồng đến với đông đảo quần chúng nhân dân, mới đây Nhà hát đã mạnh dạn “đưa tuồng xuống phố”, đến với các em học sinh qua chương trình “sân khấu học đường”; tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật sân khấu dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc và đã giành được nhiều giải thưởng cao cho tập thể và cá nhân.

Trong cả quá trình hoạt động, sân khấu Đà Nẵng đã có 6 người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đó là các nghệ sĩ Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Nguyễn Phẩm, nghệ sĩ Trần Đình Sanh và nghệ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhân, 16 người được tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhà soạn tuồng Tống Phước Phổ được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Nhà nghiên cứu nghệ thuật sân khấu Hoàng Châu Ký và tác giả kịch bản Hồ Hải Học được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Thật là thiếu sót nếu như nói đến thành quả phát triển sân khấu trong những năm gần đây mà không nhắc đến vai trò của Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố Đà Nẵng. Từ khi thành lập năm 2001 đến nay, Hội đã trở thành ngôi nhà chung của những người hoạt động sân khấu chuyên và không chuyên, nơi giao lưu, gặp gỡ, động viên nhau trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, Hội đã phối hợp mở bốn lớp đào tạo bồi dưỡng phong cách biểu diễn và hô hát các làn điệu dân ca bài chòi cho 260 học viên và nhiều người trong số đó đã trở thành những hạt nhân của phong trào văn nghệ cơ sở. Bên cạnh đó Hội cũng đã tổ chức dàn dựng nhiều tiểu phẩm, kịch ngắn và ba vở kịch dài: “Đội kịch chim chèo bẻo” của Nguyễn Văn Niêm, “Một mạng người” của Đào Hồng Cẩm, “Chuyện bên dòng sông Thu” của Lưu Quang Vũ - Hồ Hải Học, mang đi biểu diễn 22 buổi ở các địa phương và được ghi hình phát rộng rãi trên sóng Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng.

Với đội ngũ 62 hội viên, trong đó có 42 hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, tiềm năng hoạt động của Hội còn rất lớn, nhưng do nhiều khó khăn, nhất là kinh phí quá hạn hẹp nên chưa phát huy được đúng mức. Hội Nghệ sĩ sân khấu Thành phố mong muốn được sự quan tâm đầu tư của Thành phố mà trực tiếp là của Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng để Hội có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển nghệ thuật sân khấu của thành phố thân yêu.

Những thành quả phát triển nghệ thuật sân khấu của Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây cũng như thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây là rất đáng tự hào. Sự cống hiến, hy sinh của những người hoạt động sân khấu xứng đáng được ghi nhận và tôn vinh. Nhân NGÀY SÂN KHẤU VIỆT NAM chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp, chỉ đạo, đầu tư để sân khấu phát triển, để anh chị em hoạt động trên lĩnh vực nghệ thuật này phát huy được tài năng, trí tuệ của mình. Cảm ơn những người yêu nghệ thuật luôn nuôi nấng, che chở, cổ vũ động viên nghệ sĩ đã tạo nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật.

Thành phố Đà Nẵng đang phát triển nhanh chóng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại. Nhu cầu văn hóa, yêu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân ngày càng cao. Rõ ràng hoạt động sân khấu hiện nay còn lâu mới theo kịp những yêu cầu chính đáng đó của xã hội. Sân khấu thành phố đang thiếu sự hấp dẫn, sôi động, còn đơn điệu về loại hình; thiếu vắng những nghệ sĩ thật tài năng. Nghệ thuật dân tộc rất khó tuyển diễn viên và thu hút công chúng, nhất là lớp trẻ. Trang thiết bị vẫn còn lạc hậu. Đời sống diễn viên còn nhiều khó khăn v.v... Tuy vậy, những người hoạt động sân khấu tin tưởng rằng với lòng yêu nghề tha thiết, với trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Thành phố, nghệ thuật sân khấu Đà Nẵng sẽ vững vàng từng bước đi lên.

H.S.K