Thao thức với sông Hàn - Nguyễn Thảo Nguyên

29.08.2016

Thao thức với sông Hàn - Nguyễn Thảo Nguyên

Tôi nhìn chiếc đồng hồ trên tay. Đã qua 23 giờ nhưng tôi vẫn chưa muốn rời chiếc bàn con đặt cạnh lan can của vỉa hè sát bờ sông Hàn. “Mấy giờ dọn quán, chị?” - Tôi hỏi chủ quán.  “Bình thường thì cũng phải qua 12 giờ. Có khi trễ hơn. Ở đây đường phố ngủ muộn lắm”. Chị trả lời tôi và tiếp tục công việc của mình. Rồi như nhớ ra điều gì, chị lại ngước nhìn tôi: “Anh cứ ngồi tự nhiên nếu muốn. Dù gì thì cũng từ Bến Tre xa xôi ra đây mà. Hôm nay thứ sáu. Giá như anh đến vào tối chủ nhật được dịp xem con rồng bên kia phun lửa lúc 9 giờ, rồi đến 11 giờ, chiếc cầu sông Hàn này quay”. Đúng như chị nói, đường phố Đà Nẵng ngủ muộn, thậm chí tôi có cảm giác thành phố này dường như không có đêm. Không đầy một giờ nữa là sang ngày mới nhưng trên các chiếc cầu và các con đường vẫn còn những dòng xe và người qua lại. Con rồng chị vừa đề cập là con rồng thép được xem lớn nhất thế giới. Nó được thiết kế trên suốt chiều dài thành cầu Rồng nằm cách cầu Quay sông Hàn khoảng một cây số và tôi đang ngồi bên bờ phía đường Trần Hưng Đạo, khoảng giữa hai chiếc cầu này. Xa hơn cầu Rồng một chút là cầu Trần Thị Lý và gần nó là biểu tượng “vòng quay mặt trời” rất to của khu công viên Châu Á (Asian Park) nổi tiếng. Tất cả cùng với rất nhiều khu nhà chọc trời xung quanh sông Hàn và những chiếc du thuyền của các công ty du lịch lữ hành đưa khách lướt trên sông Hàn đều sáng rực và lung linh sắc màu. Những điều đó đã tạo nên điểm nhấn cho Đà Nẵng và trở thành nét đặc trưng so với các tỉnh thành khác trong cả nước. Nó còn biểu thị cho sức sống của một thành phố năng động mà giờ đây được xem là một trung tâm lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Điều đó còn được chứng minh bằng thực tế trong các năm 2008 - 2010 và cũng liên tục từ 2013 - 2015, Đà Nẵng giữ vị trí số 1 trên bảng xếp hạng của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh và trở thành thành phố 6 lần dẫn đầu các tỉnh thành kể từ khi chỉ số này bắt đầu được công bố 10 năm trước (2006). Ngoài các lĩnh vực nêu trên, Đà Nẵng còn là một trung tâm phát triển du lịch và có sức thu hút mạnh đối với khu vực và thế giới. Trong những ngày này, Đà Nẵng đang chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 từ 24/9 đến 03/10. Song, dù vậy trong tôi vẫn luôn có điều trăn trở mỗi khi nhớ đến việc Hoàng Sa, một huyện đảo, một khúc ruột của Đà Nẵng từ nhiều chục năm nay bị Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng trái phép và nhiều sự việc khác nữa có liên quan đến người Trung Quốc thời gian gần đây.

 

Lại nói về chủ quyền biển đảo. Chuyện không mới nhưng sẽ không bao giờ cũ và nhắc lại là điều cần thiết. Vì vừa qua, nhiều sự việc phát sinh từ một bộ phận khách du lịch người Trung Quốc ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước thoạt nhìn có vẻ như chỉ là những chuyện gây rối trật tự bình thường, nguyên nhân có thể chỉ do bất đồng ngôn ngữ hoặc do thiếu hiểu biết về quan niệm, ứng xử văn hóa địa phương. Song, xét các sự việc ấy phát sinh được lặp lại nhiều lần mang tính hệ thống, trong ứng xử còn bao hàm sự thách thức ở những người vi phạm. Nói điều này để thấy rằng những biểu hiện đó có liên quan đến nhận thức của họ về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những ngày đầu tháng 7/2016, nhiều thông tin liên quan đến hành xử của nhà cầm quyền Bắc Kinh trên Biển Đông cùng hoạt động của một số công ty, tập đoàn kinh tế và của một bộ phận khách du lịch Trung Quốc gây bất bình trong dư luận nước ta. Để rõ hơn, tôi đã tìm đọc lại các tư liệu lịch sử.

Theo Giáo sư, Nhà Sử học, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam liên tục từ khóa II đến khóa V, tức từ năm 1990 đến 2015 thì: “Những tư liệu lịch sử về Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta đã có từ lâu đời, ít nhất từ thế kỷ XVII. Có rất nhiều tài liệu cổ đã khẳng định điều đó. Trong đó đặc biệt phải kể đến tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Điều quan trọng là đến triều Nguyễn, chúng ta có rất nhiều tư liệu. Ngay cả thời Pháp thuộc, chính phủ Pháp quản lý vấn đề này rất rõ ràng”. Tiến sĩ, Nhà Sử học, Nhà giáo Nguyễn Nhã thì cho rằng trước thời Pháp thuộc, Hoàng Sa và Trường Sa có tên chung là Hoàng Sa được các triều đại Việt Nam thực thi chủ quyền và khai thác tài nguyên thường xuyên, liên tục từ thế kỷ thứ XVII đến XIX. Điều đó được ghi trong các thư tịch cổ của nhà nước quân chủ nước ta như Phủ biên tạp lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thập lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Châu bảng triều Nguyễn và nhiều tài liệu có uy tín khác.

Trong Phủ biên tạp lục được biên soạn vào năm 1776, qua những ghi chép của Lê Quý Đôn cho thấy từ thế kỷ

XVI - XVII, nhà nước phong kiến Việt Nam đã nghiên cứu và hiểu biết rất rõ về vị trí địa lý, địa hình và những điều kiện tự nhiên của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Xã An Bình huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ở gần biển, phía Đông Bắc ngoài biển có nhiều đảo, các núi nằm rải rác có đến hơn 130 ngọn, giữa các núi là biển, các núi cách nhau đi chừng một ngày đường hoặc vài canh giờ. Trên núi có suối nước ngọt, trên đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn ba mươi dặm, bằng phẳng, rộng lớn, nước trong tận đáy. Bên vách đảo có nhiều tổ chim yến, số chim có đến nghìn vạn con, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh”. Đặc biệt, Lê Quý Đôn còn ghi chép rất chi tiết về tổ chức và hoạt động của đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải trong việc thực hiện lệnh của triều đình đi khai thác quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: “Trước đây họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, luân phiên nhau hằng năm nhận mệnh đi làm sai dịch, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra biển, ba ngày ba đêm mới đến đảo này… Cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhận giấy sai đi. Ở đây tha hồ bắt chim cá mà ăn. Lấy được hóa vật của tàu như gươm, ngựa hoa bạc, tiền bạc, hòn bạc, đồ đồng, khối thiếc, khối chì, súng, ngà voi, sáp ong, đồ sứ, đồ chiến, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng 8  thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong, mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về”. Đối với đội Bắc Hải, Lê Quý Đôn viết: “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản, không định bao nhiêu suất, người lấy vào đội hoặc từ thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương. Ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò. Cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm...”.

Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa còn được khẳng định trong các tài liệu, văn tịch cổ của phương Tây và kể cả của Trung Quốc. Hòa thượng - Học giả Trung Quốc Thích Đại Sán, người còn có một phương danh khác là Thạch Liêm Lão Hòa Thượng. Ông từng được mời đến Việt Nam như một thượng khách thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725). Trong Hải Ngoại Ký Sự xuất bản năm 1696 do Thích Đại Sán biên soạn đã khẳng định: “Vạn lý Trường Sa do Đại Việt thực thi chủ quyền”. Có rất nhiều bản đồ lãnh thổ chính thức của Trung Quốc từ đời Nguyên, Minh đến Thanh nhưng tất cả đều không có đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa. Trong Hoàng triều nhất thống địa dư bản đồ xuất bản ở Trung Quốc năm Quang Tự 20 (1894) đã ghi rõ cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là Nhai Châu, phủ Quỳnh Sa, Quảng Đông ở 18 độ 30 phút Bắc, trong khi Hoàng Sa có đảo ở vị trí cao nhất là 17 độ 05 phút Bắc. Hay bản đồ Đại Thanh Đế quốc trong Đại Thanh Đế quốc toàn đồ, xuất bản năm 1905 đã vẽ cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không vẽ bất kỳ đảo nào khác ở biển Đông. Bên cạnh đó, những tư liệu phương Tây đã góp phần khẳng định về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể kể ra như An Nam Đại Quốc họa đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 khẳng định Cát Vàng tức Hoàng Sa còn gọi là Paracels và nằm trong vùng biển của Việt Nam. Cũng bài của Taberd đăng trong The journal of the Asiatic Society of Bengal, Vol. VI, xác nhận vua Gia Long chính thức giữ chủ quyền quần đảo Paracels. Trước đó Nhật ký trên tàu Amphitrite (năm 1701) xác nhận Paracels là một quần đảo thuộc về nước An Nam. Le mémoire sur la Conchinchine của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) viết vào năm cuối đời Gia Long và hoàn tất năm 1820 đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Paracels. Đến năm 1849, trong The journal of the Geographycal Society of London, Gutz Laff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels. 

Một số tư liệu nói trên mà người viết bài này sưu tầm được tuy chưa nhiều nhưng cũng góp phần cho thấy được luận cứ vững chắc mà các nhà khoa học cùng các học giả trong và ngoài nước nêu ra để góp phần cho việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII. Điều đó còn được khẳng định ở phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ở La Haye (Hà Lan) vào ngày 12/7/2016 vừa rồi liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về tính pháp lý của “đường lưỡi bò” còn được gọi là “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra. PCA khẳng định Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Tuyên bố đòi quyền lịch sử dựa trên cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đi ngược lại với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS - viết tắt từ cụm từ tiếng Anh), mà Trung Quốc  là một thành viên đã tham gia ký kết. Thế nhưng, xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi cùng tư tưởng bá quyền của giới cầm quyền Bắc Kinh, Trung Quốc  đã ngang nhiên dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa sau cuộc hải chiến không cân sức giữa quân đội Trung Quốc với hải quân của chính quyền Sài Gòn vào tháng 01/1974. Sau này còn ngang nhiên chiếm giữ và tiến hành cải tạo trái phép một số đảo trong quần đảo Trường Sa.

Đã 42 năm tính từ ngày chiến hạm đầu tiên của Trung Quốc đổ bộ lên Hoàng Sa. Có lẽ ít nhất cũng ngần ấy thời gian, Trung Quốc  đã tiến hành các hoạt động nhằm làm thay đổi nhận thức trong các tầng lớp người dân Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa và Tây Sa. Điều đó không khó hiểu và cũng là cơ sở để lý giải vì sao một bộ phận khách du lịch Trung Quốc trong thời gian qua khi vào Đà Nẵng cũng như ở một số địa phương khác của Việt Nam có những hành xử không đúng. Nó tương ứng với những nhận thức mà họ đã được nhồi nhét từ lúc nhỏ khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Trong vài chục năm gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc  đã “cấy” vào đầu người dân nước này một suy nghĩ là Biển Đông thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Thậm chí một giáo sư Trung Quốc từng nói: “Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc  50 tuổi vẽ bản đồ nước này, họ sẽ vẽ tấm bản đồ chỉ có Trung Quốc  đại lục. Nhưng nếu bạn đưa ra đề nghị tương tự với một người Trung Quốc 25 tuổi thì tấm bản đổ do họ vẽ ra sẽ xuất hiện cả Biển Đông”. Cho nên không ngạc nhiên khi ngay sau phán quyết của PCA, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến của các nhân vật nổi tiếng trong giới gọi là “sao Hoa ngữ” ở các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, điện ảnh... Hầu hết họ đều ở lứa tuổi đã được tiếp thu trọn vẹn nền giáo dục nhồi nhét tư tưởng “chiếm hữu sai lịch sử” nói trên. Những ý kiến đó phản ứng rất tiêu cực với nội dung phán quyết vừa nêu của PCA. Thậm chí có ý kiến còn đòi làm cho Philippines trở thành một tỉnh của Trung Quốc. Rõ ràng đã có một kế hoạch với một quá trình chuẩn bị và thực hiện tích cực, lâu dài phục vụ cho mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.

Còn về chúng ta? Có quá chăng khi nói rằng bài học về “Trái tim lầm chỗ để trên đầu” từ hơn 2200 năm trước của Thục Phán - An Dương Vương cùng con gái Mỵ Châu cho đến thời đại này, vẫn còn một bộ phận dân Việt mình chưa thuộc? Trước hết hãy nói về lĩnh vực quản lý văn hóa - giáo dục. Liệu rằng chúng ta có chủ quan dẫn đến mất cảnh giác và vô tình tiếp tay, biến hoạt động giáo dục, văn hóa trở thành công cụ tuyên truyền cho ý đồ bá quyền của Bắc Kinh? Báo Thanh Niên số ra ngày 18/3/2013 đưa tin: “Trên thị trường hiện nay tràn lan sách tham khảo thiếu nhi có nguồn gốc Trung Quốc. Trong đó không ít cuốn sách có nội dung làm lệch lạc kiến thức văn hóa, hình ảnh đất nước trong nhận thức ban đầu của trẻ em Việt Nam”. Bài báo cũng thông tin những quyển sách đó do các nhà xuất bản, các công ty sách của Trung Quốc biên soạn, được các đơn vị phát hành, các nhà xuất bản ở Việt Nam mua lại bản quyền, dịch sang tiếng Việt, xuất bản và phát hành. Điều đáng lo là các hình ảnh giúp bé nhận biết, phát triển trí tuệ trong những cuốn sách dành cho giai đoạn đầu đời này đều có “nguyên bản” mang đậm biểu tượng văn hóa, đất nước và kể cả quốc kỳ Trung Quốc. Đặc biệt, cũng theo bài báo, trước đó đã có bốn cuốn sách tham khảo dạy cho trẻ em ở lứa tuổi mầm non có in cờ Trung Quốc được phát hiện là: Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ (Công ty Văn hóa Hương Thủy và Nhà xuất bản Dân Trí), Bé làm quen với chữ cái - hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1 (Công ty cổ phần Dịch vụ văn hóa sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm), 10 phút cho bé trước giờ đi ngủ - tập 2: Bồi dưỡng tình cảm và cuốn Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ (Công ty Đinh Tỵ và Nhà xuất bản Mỹ Thuật). Bên cạnh đó, ngày 12/3/2013, Phòng Văn hóa - Thông tin quận 10 thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và phát hiện tại Nhà sách Nhân Văn (875 Cách Mạng Tháng 8, P.15, Q.10) bộ sách dạy Tiếng Hoa dành cho trẻ em có in bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò” vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Bộ sách này gồm 3 tập do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh liên kết với Công ty cổ phần Giáo dục và Công nghệ Thế Giới Thông Minh xuất bản và phát hành.

Trên lĩnh vực quản lý văn hóa, có một thời kỳ dài báo chí và dư luận phàn nàn về tình trạng các đài truyền hình trong nước phát thường xuyên và liên tục các bộ phim Tàu (cả phim làm ở Hoa Lục, Hồng Kông hay Đài Loan). Cho đến tận bây giờ tình trạng này cũng vẫn còn. Hằng ngày không khó tìm thấy các bộ phim Tàu trên các kênh sóng của đài truyền hình trung ương và các tỉnh. Tất nhiên, trong thời kỳ hội nhập, phát triển và giao lưu văn hóa, chúng ta rất cần tiếp cận các sản phẩm văn hóa có giá trị tích cực của các nước kể cả của Trung Quốc. Qua đó học hỏi, tiếp thu những cái hay của các nước kết hợp phát triển các giá trị truyền thống, làm phong phú tài sản văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Song có những bộ phim lên đến vài trăm tập. Riêng về mặt nghệ thuật cũng chỉ có thể đánh giá thuộc loại xoàng. Chưa nói nội dung chỉ xoay quanh một số nhân vật với những quan hệ về chuyện tình tay ba, việc tranh giành nhau về quyền lợi, địa vị giữa những người trong thân tộc, giữa các đồng sự cùng cơ quan. Hay những hành xử giữa con người với nhau theo kiểu xã hội đen... Cũng lâu rồi, có lần tôi đọc được trên báo một bài viết phân tích về tính nghệ thuật của một bộ phim cũng đến khoảng hai trăm tập. Rằng đối với người xem nó giống như một tô bánh canh mà người mua lỡ kêu múc quá nhiều. Mới nhìn có vẻ hấp dẫn với những lát thịt hòa lẫn màu sắc của các gia vị cùng rau, củ được trang trí trên bề mặt của tô bánh canh. Nhưng khi đã ăn hết vài lát thịt bên trên, cảm giác chán ngán bắt đầu xuất hiện. Khi ấy bỏ thì phí, đành phải tiếp tục làm thực khách trong tâm trạng có phần chán chường. Về mặt nghệ thuật thì như vậy. Còn về tác động tư tưởng từ những bộ phim đó đến người xem, nhất là đối với một bộ phận thanh niên thì như thế nào? Câu trả lời cho vấn đề này cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Một thông tin tôi đọc được khi chuẩn bị cho bài viết này. Ngày 15/7, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Thuận ra thông báo ngưng phát sóng bộ phim Trung Quốc Tân bến Thượng Hải kể từ ngày 16/7/2016. Lý do, hai diễn viên thủ vai hai nhân vật chính của bộ phim này là Huỳnh Hiểu Minh và Tôn Lệ ngay sau khi có phán quyết của PCA đã bày tỏ thái độ phản đối PCA trên trang mạng. Cách làm này của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận đã nhận nhiều sự đồng tình. Theo tôi, đó cũng là một biểu hiện tích cực trong bày tỏ thái độ rõ ràng đối với một vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền của đất nước và cũng là một cách làm đáng để các Đài Phát thanh và Truyền hình khác tham khảo.

Trong hoạt động tổ chức, quản lý du lịch. Trở lại những tác động tiêu cực từ những ứng xử của một bộ phận du khách Trung Quốc khi vào nước ta mà điển hình là các sự việc xảy ra trong những tháng vừa rồi ở Đà Nẵng cùng một số tỉnh miền Trung. Tất nhiên, những kiểu hành xử ấy biểu thị mức văn hóa của mỗi con người. Song, như trên đã đề cập, cần phân tích sâu xa để thấy rằng những con người đó còn là sản phẩm của một giai đoạn giáo dục ở nước người mà nhận thức của họ về chủ quyền đối với Biển Đông nói chung cũng như với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị làm sai lệch so với lịch sử. Cứ nhìn lại các sự kiện để cảm nhận điều đó. Theo thông tin từ chương trình thời sự phát lúc 19g ngày 5/7/2016 của VTV1, trong 6 tháng đầu năm 2016 lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 1/4 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Miền Trung vẫn là tâm điểm đến của số khách quốc tế ấy. Lượng khách du lịch Trung Quốc tăng kéo theo những cá nhân, các công ty Trung Quốc núp bóng hướng dẫn viên du lịch đến Việt Nam hoạt động “chui”. Đã xuất hiện ngày càng nhiều các biểu hiện khách Trung Quốc vi phạm luật pháp trên nước ta như xô xát, ẩu đả làm rối loạn trật tự, khách sử dụng nhân dân tệ, đốt tiền Việt, cư xử thiếu văn hóa với các cá nhân và tổ chức Việt phục vụ du lịch. Các hướng dẫn viên “chui” người Trung Quốc  thuyết minh sai lệch về lịch sử, văn hóa, địa lý Việt Nam. Nguy hiểm hơn, các giá trị lịch sử của nước ta bị xuyên tạc, bóp méo. Một số du khách Trung Quốc  mang vào Việt Nam bản đồ sai lệch địa lý. Tháng 5/2013, Cục Sân bay quốc tế Hải quan Đà Nẵng thu giữ 98 cẩm nang du lịch Trung Quốc  in bản đồ Việt Nam nhưng không có Hoàng Sa và Trường Sa. Ba tháng sau nơi đây tiếp tục phát hiện nữ du khách Trung Quốc  mang theo bản đồ thế giới và bản đồ Trung Quốc  khổ lớn có “đường lưỡi bò” ở biển Đông cùng cái gọi là thành phố Tam Sa tại vị trí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Không chỉ có người Trung Quốc, các công ty và cá nhân Việt Nam cũng phạm luật. Ngày 14/7, Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Đà Nẵng kiểm tra Công ty Dịch vụ và Du lịch Nature Love (địa chỉ 43, Nguyễn Công Sáu, Sơn Trà). Đây là Công ty du lịch Việt Nam nhưng để cho người nước ngoài sử dụng tư cách pháp nhân nhằm hoạt động trái phép, sử dụng hướng dẫn viên người nước ngoài tại Việt Nam. Ở thời điểm kiểm tra, phát hiện có 5 người quốc tịch Trung Quốc đang có mặt tại trụ sở của công ty. Tiếp tục mở rộng, các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm khác. Trong đó có cá nhân đang hướng dẫn cho đoàn khách Trung Quốc của Công ty Dịch vụ và Du lịch Lead Step (116, Xuân Thủy, Cẩm Lệ) nhưng không có thẻ hướng dẫn viên, Chi nhánh Công ty Đầu tư Thương mại và Du lịch Thắng Lợi (có trụ sở tại quận Sơn Trà) không lưu trữ hồ sơ lữ hành theo quy định, không thực hiện trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam...

Những sai phạm trên đã được xử lý như thế nào? Thanh tra Sở Du lịch Đà Nẵng đã lập biên bản vi phạm và ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty Nature Love số tiền 12,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế của công ty 24 tháng, phạt Công ty Lead Step số tiền 12,5 triệu đồng, phạt Công ty Thắng Lợi 15,5 triệu đồng... Trước đó nữa, ngày 06/7/2016, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ký ban hành quyết định xử phạt 6 người Trung Quốc (5 nữ, 1 nam) vi phạm quy định “Người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam”. Phạt mỗi người 20 triệu đồng. Dù chưa thể nói tất cả các mức phạt nói trên đều đã đủ sức răn đe nhưng phần nào cũng cho thấy nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng nhằm tạo lại môi trường “sạch” trong hoạt động du lịch. Cũng với mục đích đó, trong tháng 7/2016, Đà Nẵng cho phát hành bản dịch bộ quy tắc ứng xử du lịch sang tiếng Trung Quốc và sắp tới dịch sang các thứ tiếng khác. Không riêng chính quyền, nhiều nhà nghỉ, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh của người Đà Nẵng không chấp nhận hộ chiếu có in hình “đường lưỡi bò”, không thanh toán bằng tiền nhân dân tệ của Trung Quốc. Song, nếu chỉ có nỗ lực từ Đà Nẵng thì chưa đủ. Trường hợp khách du lịch nam người Trung Quốc có tên Hou Geshun, sinh năm 1984, đã đốt tiền Việt Nam vào rạng sáng 15/6/2016 tại quán rượu TV Club (118A Nguyễn Chí Thanh, Hải Châu, Đà Nẵng). Hành động này đã vi phạm Điều 36, Luật Du lịch Việt Nam năm 2005. Thông tin từ báo chí cho biết Tổng cục Du lịch Việt Nam cung cấp danh tính du khách nói trên, đề nghị Cục Du lịch Trung Quốc xử lý nghiêm. Gì kỳ vậy (?!) Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền. Chúng ta cũng đã có đầy đủ các luật định. Hiện tượng vi phạm nói trên xảy ra trên đất nước Việt Nam, được phát hiện với tang, vật chứng cụ thể. Vậy thì tại sao không xử lý được mà phải “nhờ” phía Trung Quốc làm việc đó? Xin hãy nhìn cách làm của Singapore. Ngành du lịch nước này bắt đầu cất cánh khi bước vào thế kỷ XXI. Đầu thập kỷ 20, lượng khách du lịch người nước ngoài vào Singapore tăng chóng mặt kèm theo đó là số lượng các hướng dẫn viên du lịch bất hợp pháp cũng theo đó nở rộ. Để khắc phục tình trạng này, trong năm 2012, Singapore đã tổ chức gần 200 chiến dịch truy lùng hướng dẫn viên “chui”, tăng gấp đôi so với hai năm trước đó. Đồng thời cải tiến hệ thống thẻ cho phép hành nghề hướng dẫn viên, buộc phải có dấu của cơ quan chức năng mới được hành nghề. Vào năm 2013, Singapore cũng đưa ra đạo luật mới về quản lý du lịch và thẳng tay trừng trị những hướng dẫn viên “làm chui” ở nước này. Theo đó mức xử phạt cho lần vi phạm lần đầu tiên được nâng từ 3000 đô la Singapore - SGD - (tương đương gần 50 triệu đồng tiền Việt Nam) lên đến 5000 SGD (hơn 82 triệu đồng). Mức phạt này cũng được áp dụng đối với cá nhân và các hãng du lịch sử dụng hướng dẫn viên không có giấy phép hành nghề. Bên cạnh việc nâng mức phạt, đạo luật cũng cho phép lực lượng chấp pháp quyền được khám xét trước mà không cần trát tòa, tạm giam các nghi phạm và đặc biệt là các nghi phạm này phải đóng tiền phạt ngay khi bị phát hiện. Trong các điều luật cũ, nghi phạm không bị buộc đóng tiền phạt ngay lập tức, tạo điều kiện cho nhiều đối tượng bỏ trốn khỏi Singapore mà không bị trừng trị.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức không phải tất cả khách du lịch Trung Quốc  vào Việt Nam đều có cư xử không tốt. Cuối chiều ngày 22/7/2016, tôi chứng kiến trong số đông du khách trên khu tham quan của chùa Linh Ứng nằm bên bán đảo Sơn Trà, có đôi vợ chồng khoảng 40 tuổi cùng cô con gái nhỏ người Trung Quốc ngồi ăn uống trên một chiếc ghế đá. Xong, người chồng thản nhiên cầm vứt chiếc túi nylon đựng rác và những chai nhựa rỗng vào bãi cỏ phía sau hàng ghế làm chúng rơi vãi tung tóe. Người vợ tỏ vẻ khó chịu nói câu gì đó hơi cáu gắt về phía chồng mình nhưng người đàn ông vẫn khinh khỉnh đứng lên bỏ đi. Cuối cùng người vợ cùng đứa con gái cố gắng chen lách qua hàng ghế đá vào nhặt rác.

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc luôn là quá trình lâu dài, phức tạp với nhiều cam go thử thách. Thậm chí còn có cả sự hy sinh xương máu của nhiều thế hệ. Nhất là khi âm mưu thôn tính biển đảo của nước ta đã được giới cầm quyền Trung Quốc tiến hành từ nhiều chục năm qua bằng các thủ đoạn nguy hiểm. Ngay cả khi công lý lên tiếng ở La Haye (Hà Lan) ngày 12/7/2016 vừa qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục ngang ngược và trắng trợn: “Từ cổ chí kim, các đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ Trung Quốc. Trong bất kỳ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi, lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA”. Trung Quốc  đã tự vả vào mặt khi chính họ là một thành viên của PCA và lập luận trên đã không được sự đồng tình của dư luận quốc tế, trong đó có cả những người trong giới học giả Trung Quốc. Ông Lý Lệnh Hoa là cựu chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc, nhà nghiên cứu uyên thâm về luật biển của Trung Quốc, từng nổi tiếng với quan điểm phản bác “đường lưỡi bò”. Học giả họ Lý thẳng thắn: “Trung Quốc cần phải nghiêm túc và lý tính đối mặt với kết quả mà PCA đã tuyên”. Vị học giả này lưu ý, UNCLOS là văn kiện có tính toàn diện nhất, hoàn chỉnh nhất về biển của nhân loại từ trước tới nay. Cần nhận thức bảo vệ đất nước không chỉ bằng tiếng đạn bom trên tuyến lửa. Việc bảo vệ vững chắc chủ quyền trên mặt trận văn hóa, giáo dục, các hoạt động xã hội khác cũng có vai trò không kém.

0 giờ 15 phút, tôi phụ dọn với chị chủ quán. Trước khi đẩy chiếc xe chở đồ về nhà, chị còn dặn tôi: “Nhớ nghe! Tối mốt anh ra đây xem rồng phun lửa và cầu quay. Chủ nhật, chỗ này đông vui hơn nhiều lắm”. Hứa với chị nhưng tôi chưa vội quay về. Ánh đèn hiệu trên tầng cùng của khách sạn nơi tôi nghỉ nhìn thấy rất gần và chỉ mất 15 phút lội bộ từ đó đến đây. Tôi tiếp tục thả dọc theo bờ sông Hàn. Những chiếc du thuyền không còn trôi trên sông nhưng ánh điện lung linh quanh thành phố vẫn sáng rực và phản chiếu lên những cơn sóng gợn nhẹ của sông Hàn do ngọn gió đông - nam đưa về. Những cơn sóng tạo cho tôi cảm giác sông Hàn cũng đang thao thức và trăn trở. Tôi nghĩ giá như không có chủ nghĩa dân tộc cực đoan và mỗi người trên hành tinh xanh này đều “có một tấm lòng để gió cuốn đi”(*) thì nhân loại hạnh phúc biết bao. Thật tiếc! Tôi nhủ thầm: “Thôi thì hãy tin vào chân lý. Rồi sông Hàn, rồi Đà Nẵng cùng cả nước sẽ không còn nỗi thao thức như của tôi lúc này. Rồi Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được trả về đúng với chủ quyền lịch sử vốn có của nó”.

N.T.N