Người say thơ - Thanh Quế

29.08.2016

Người say thơ - Thanh Quế

Trinh Đường là một người say thơ. Ông chẳng say thứ gì khác: tiền tài, của cải, danh vọng. Chỉ say thơ. Mà thứ ông say lại là thơ hay, thơ hay của mình, thơ hay của người khác. Có thể nói ông là người tôn thờ thơ hay.

Nhân 15 năm ngày mất của ông (28/9/2001 - 28/9/2016) tôi ghi lại vài câu chuyện say thơ của ông mà tôi được chứng kiến.

 

C HỈ CÓ THƠ MỚI QUAN TRỌNG

Hồi còn là sinh viên ở Đại học Tổng hợp Hà Nội, mỗi năm chúng tôi được phát phiếu vải vừa đủ may một bộ đồ âu và một quần đùi. Vì thế, nhiều sinh viên phải mặc quần áo vá víu để lên lớp. Lần ấy, anh em nhắc mãi tôi cần sắm quần áo mới  nên tôi tranh thủ hôm rảnh học để đi mua quần áo may sẵn, thứ rất thịnh hành hồi đó. Tôi đạp xe qua phố Bà Triệu (Hà Nội) định vòng lên cửa hàng quần áo may sẵn ở phố Hàng Trống thì gặp nhà thơ Trinh Đường từ nhà dắt xe ra. Hồi ấy ông là Trưởng ban thơ Báo Văn Nghệ. Ông hỏi tôi:

- Cậu đi đâu thế?

- Dạ em tranh thủ đi mua bộ quần áo may sẵn, quần áo em tã quá rồi.

- Tớ cũng đến cơ quan nhưng gặp cậu đây. Cậu về phòng tớ, tớ cho xem trường ca mới của Thu Bồn. Cậu này tên thật là Hà Đức Trọng, người Quảng Nam, hồi ở ngoài này viết lem nhem thôi, vào trỏng (trong Nam) vừa gởi ra Trường ca chim Chơrao ghê gớm lắm. Đi cậu...

- Dạ, cho em khi khác, em cần phải mua quần áo để mặc lên lớp.

- Quần áo là cái gì? Chỉ có thơ mới quan trọng - Ông vừa nói vừa kéo ghi đông xe đạp của tôi - Đi theo tớ!

MỘT CUỘC ĐỌC THƠ

Trinh Đường ở một căn phòng tầng 3 nhà số 36 Bà Triệu, Hà Nội. Nơi đây, vào tối thứ 7, ngày chủ nhật, anh em trẻ thường đến đưa thơ để ông góp ý và nếu được sẽ cho đăng. Có bữa, không hẹn nhau nhưng tới 3, 4 người đến một lúc. Lúc ấy, Trinh Đường thường bắt “khổ chủ” đọc thơ mình cho anh em góp ý rồi ông kết luận là in được hay không.

Lần ấy, ông chưa vội bắt anh em đọc thơ mình mà nhờ một người đọc bài thơ “Béttôven và âm vang hai thế kỷ” của Bằng Việt từ Kiép (Ucraina) gởi về. Ông vừa nghe, vừa đi đến đứng trước từng người, với người này ông đập vai bảo “câu thơ ghê gớm hỉ”, với người kia ông véo tay, bảo “tuyệt, tuyệt”. Khi người bạn đọc xong bài thơ ông mới đến bên tôi:

- Cậu thấy thế nào?

- Dạ hay.

- Phải nói tuyệt hay chứ - Ông gườm gườm nhìn tôi nói như quát – bài thơ mới của cậu đâu, đọc lên cho chúng tớ mổ xẻ...

ÂM MƯU GÌ?

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV là một đại hội sôi nổi và gay cấn, có nhiều ý kiến trái ngược nhau của nhóm này nhóm nọ. Sự trái ngược không những trong đánh giá tình hình văn học mà cả trong sự lựa chọn người để đưa vào Ban chấp hành. Hôm ấy, để chuẩn bị danh sách đề cử, nhiều người tụ nhau từng nhóm thì thầm bàn tán. Cũng lúc ấy, người ta thấy Trinh Đường len vào giữa các nhóm thì thầm vào tai người này người nọ rồi đưa cho mỗi người một tờ giấy nhỏ có in sẵn những gì trong đó. Ông có âm mưu gì? Vận động bầu cử cho ai? Cứ thấy ông đi hết nhóm này đến nhóm nọ thì thì thầm thầm rồi đưa tờ rơi đó... Một lúc sau, ông đến bên tôi:

- Đến anh em khác trước đã, giờ mới đến các cậu quen. Này, cậu về trỏng cố gắng giúp mình theo tờ giấy mình yêu cầu đây rồi gửi ra càng sớm càng tốt...

Thì ra, Trinh Đường ghi trong tờ giấy đề nghị các nhà thơ trả lời cho ông câu hỏi: “Làm thế nào để có thơ hay?” và lựa cho ông một bài thơ ưng ý nhất của mình để ông thực hiện biên soạn tập “Thơ và lời bình” mà ông đã ấp ủ lâu nay...

T.Q