Tổ chức cốt truyện - điểm nhấn độc đáo trong tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh - Trương Văn Cả

29.08.2016

Tổ chức cốt truyện - điểm nhấn độc đáo trong tiểu thuyết Miền hoang của Sương Nguyệt Minh - Trương Văn Cả

M iền hoang1 của Sương Nguyệt Minh là cuốn tiểu thuyết

viết về các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Campuchia trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh tiêu diệt bọn diệt chủng Pon Pot. Đây là tiểu thuyết nằm trong hệ đề tài tiểu thuyết Việt Nam viết về Quân tình nguyện trên các chiến trường Lào và Campuchia - mảng đề tài đến nay vẫn còn quá ít, chưa tương xứng với hiện thực bi tráng trong lịch sử đất nước và lịch sử văn học Việt Nam. Nói như Lê Minh Quốc: “Cuộc chiến này hầu như chưa thể hiện nhiều trên các trang viết. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Cuộc chiến này chưa kịp hình thành một lực lượng viết mới” (leminhquoc.vn/ hoi-hoa/tu-lieu-le-minh-quoc/2358). Cho đến nay, chúng ta mới chỉ có Bên kia biên giới, Trước giờ nổ súng của Lê Khâm viết về Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Lào ở cuộc kháng chiến chống Pháp; Nguyễn Thành Nhân với tiểu thuyết Mùa xa nhà,  Nguyễn Đình Tú với tiểu thuyết Hoang tâm viết về Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Campuchia.

Sương Nguyệt Minh viết Miền hoang như một sự góp món nợ phải trả ấy của lịch sử văn chương Việt, và anh đã trả một cách xứng đáng: cuốn tiểu thuyết đồ sộ cả về khối lượng (631 trang, dày nhất trong các tiểu thuyết viết về mảng đề tài này) và nhất là hệ vấn đề, tính tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến một phương diện trong chuỗi vấn đề rất đa dạng và phức tạp mà Sương Nguyệt Minh đã thể hiện trong cuốn tiểu thuyết: việc tổ chức cốt truyện.

Trong Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã chọn một câu chuyện độc đáo đến mức dị biệt để tạo dựng nên cốt truyện của tác phẩm: cuộc lạc rừng của 4 con người thuộc 2 sắc tộc, 2 giới, 2 phía địch - ta, 2 ngôn ngữ, 2 nền văn hóa,... Đó là Tùng - chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam mới nhập ngũ và được đưa sang chiến trường K (Campuchia); là Sa Ly - cô y tá của quân đội cách mạng Campuchia nhưng bị lính Pon Pot phục kích bắt về phục vụ cho chúng; là Lục Thum (hay Ông Lớn) - tên chỉ huy của Pon Pot và thằng Rô, lính của Lục Thum. Trong một cuộc tao ngộ chiến bất ngờ và khốc liệt, cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề, trời tối, 4 con người bị lạc đơn vị, họ buộc phải gắn kết với nhau để

vừa cáng thương (Lục Thum) vừa tìm

đường về giữa vùng rừng Dang reck, Campuchia. Cuộc lạc rừng, do đó, mang tính “quốc tế”, xứng đáng được xem là hy hữu, “độc nhất vô nhị”!

Có thể nói, Sương Nguyệt Minh đã tạo ra một cái “lò bát quái” rừng Dang reck để ném vào đó 4 con người khiến cho cốt truyện ấy tạo ra nhiều tình huống2 truyện đặc biệt. Chẳng hạn, do bất đồng ngôn ngữ (Tùng nói tiếng Việt, 2 tên lính Pol Pot nói tiếng Miên, Sa Ly biến mình thành con câm chỉ “bật thành lời ở những khoảnh khắc ú tim”) nên diễn ra tình trạng “ông nói gà bà nói vịt” dở khóc dở cười, khiến Sương Nguyệt Minh có thể sử dụng đủ mọi hình thức ngôn ngữ (nhất là lời đối thoại, độc thoại, thoại dẫn...) cũng như giọng điệu đa sắc trong tác phẩm. Cũng ở tình huống đó, bản chất từng nhân vật được bộc lộ rõ rệt nhất: Tùng vừa tức vừa khinh thằng Rô, Lục Thum vừa độc ác vừa thâm hiểm, thằng lính Rô nửa thú nửa người, Sa Ly vừa sợ 2 thằng Pon Pot vừa thương Tùng nên cố “dịch” sai (tr.135-137) để chúng không có cớ giết Tùng,... Hoặc tình cảnh “lò bát quái” Dang reck thời kỳ này với nhiều kiểu đánh nhau nên cảnh lạc rừng cũng nhiều vô số, trong đó có người Việt lạc, người Miên lạc, lại có cả cố vấn Trung Quốc (Tàu “Khựa”) cũng lạc. Hoàn cảnh đó tạo nên hiện thực phong phú cho Sương Nguyệt Minh vẫy vùng ngọn bút miêu tả sự phát triển từ một “cây” cốt truyện ra muôn vàn cành, nhánh của truyện, khiến anh đưa được vào đấy nhiều cảnh ngộ chẳng những khốc liệt, hoang đường mà còn rất bi hài (cảnh thằng Lục Thum tra tấn 2 thằng lính của mình vì hãm hiếp Sa Ly, cảnh bóng người ẩn hiện bám theo đoàn đi lạc, cảnh thằng Tàu “Khựa” khiêng cáng rồi bị trói đứng vào cành cây, cảnh thằng Lục Thum bắt Sa Ly vuốt dương vật để giảm cơn đau, cảnh thằng Rô giành giật mảnh ruột thú với lũ kên kên, sói đói,…).

Tất cả cho thấy, cùng viết về một cốt truyện về cuộc chiến ở Campuchia  nhưng Miền hoang của Sương Nguyệt Minh mang những đặc điểm khác lạ, hấp dẫn. Đấy chính là nhờ anh lựa chọn được cốt truyện độc đáo, tạo ra nhiều tình huống truyện đặc biệt, làm nên “đất diễn” cho cuốn tiểu thuyết, từ đó làm nên sự đóng góp mới mẻ của anh. Bên cạnh đó cũng cần đề cập tới một thủ pháp khác cũng rất nổi trội của Miền hoang, ấy là cách xây dựng những mạch truyện đan xen, chồng chéo. Ở Miền hoang có rất nhiều mạch truyện và giữa chúng có mối liên hệ tương hỗ, nhân quả hoặc phụ thuộc. Điều này làm nên sự liền mạch của toàn bộ truyện. Có thể kể đến: chuyện của Tùng, chuyện của Sa Ly, chuyện của Lục Thum hay của thằng Rô hoặc nhiều những câu chuyện khác như chuyện quân tình nguyện tiêu diệt Pol Pot, chuyện quân Pol Pot tàn sát dân ở biên giới, chuyện về anh Du, về Quân, v.v... Tất cả các câu chuyện trên đều được “bố trí” xen kẽ: chương này chuyện chưa kết thúc thì đến chương tiếp theo kể về một câu chuyện khác, cách 1 - 2 chương mới lặp lại câu chuyện đang bỏ dở của chương trước. Chẳng hạn, đang kể nhóm lạc rừng (chương 6) đến chương 7 lại kể về cảnh Sa Ly bị ba thằng lính Pol Pot hiếp dâm thú vật, sang chương 8,9 là kể về rừng Dang reck với những con chim kên kên chuyên ăn thịt người chết, những con Kh'la “có tiếng gầm âm âm từ xa vọng tới”... mãi đến chương 15 mới quay lại sự kiện ở chương 7 khi Sa Ly nhớ lại cảnh Lục Thum trừng phạt dã man ba thằng lính hiếp cô. Hoặc ở chương 12 đang kể chuyện Sa Ly cứu chữa vết thương cho Lục Thum thì sang chương 13 lại là hồi ức của Tùng về những ngày sống cùng anh Du và đồng đội, chương 14 là cảnh nhóm lạc rừng đối diện với cọp trắng tha người v.v...

Ngay trong một chương, sự xen kẽ nhiều câu chuyện nhỏ cũng xuất hiện. Ví dụ ở chương 8, khi  đang kể về cảnh bốn người bị lạc phải đối phó với lũ kên kên, câu chuyện rẽ ngoặt sang nói về Ma Lai khi Lục Thum nhắc thằng Rô đi vệ sinh trong rừng đề phòng Ma Lai móc ruột, cuối cùng câu chuyện lại dành kể về người đồng đội Cải “chéc” suýt bắn chết oan người đàn bà Khmer khi tưởng chị là Ma Lai,... Hoặc ở chương 29 khi  đang kể về Tùng trốn thoát bọn Rô “sống như người tiền sử trên cây” (tr. 223) lại xen vào hồi ức của Tùng những tháng ngày ở bên mẹ với mâm cơm mẹ nấu (225), những miếng ngon Hà Nội và thuở học sinh cùng người bạn gái Thùy ăn bánh tôm Hồ Tây (227),... Kiểu mạch chuyện được kể đan xen này khiến tác phẩm tuy ngồn ngộn hiện thực nhưng được xử lý rất mềm mại nên truyện không bị nhạt, người đọc không nhàm chán hoặc trong một dung lượng ngắn nhưng bao chứa được nhiều hiện thực.

 

Về Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, ngoài vấn đề tổ chức cốt truyện, còn phải nói đến sự thành công của anh trên nhiều vấn đề khác nữa như: xây dựng nhân vật, giọng điệu trần thuật, ngôn ngữ,... Bởi dù viết về miền vùng rừng Dang reck nhưng nó cũng là miền chung của chiến trường K giai đoạn cuối cuộc chiến tranh. Ở đây mọi thứ đều hoang sơ, hoang dã, hoang dại, hoang hóa, hoang tàn,... của một thiên nhiên nắng mưa đều dữ dội, khắc nghiệt, bất thường, đầy chết chóc, đe dọa mà hiếm sự sống sinh sôi nảy nở; của những con thú thiếu vắng sự thân thiện nhưng lại thừa mứa sự dữ dằn... Đặc biệt, trong “miền hoang” ấy con người cũng không còn giữ được bản chất của tên loài: chủ yếu là các kiểu loại xác chết không tên, nếu còn sống thì cũng là dạng người - thú như dã nhân, người rừng hoặc người mà đồng loại dân thường thì “lạ lẫm, soi mói”, quân cách mạng Campuchia thì “trố mắt lặng phắc nhìn”, không ai nhận họ vào xã hội người!... Sương Nguyệt Minh đã chọn được một góc độ của “vùng thẩm mỹ” khá đặc biệt làm bối cảnh hiện thực cho cuốn tiểu thuyết. Mặt khác, Miền hoang cũng không phải chỉ là “miền hoang” của chiến trường Campuchia mà là của bất cứ nơi đâu trên trái đất này, hễ ở đâu còn có sự hoang hóa về thiên nhiên, về con người, đẩy sự sống đến tận cùng của bản năng, trần trụi và tồi tệ thì đó sẽ là miền hoang. Cần phải làm gì để ngày càng xóa bớt, đẩy lùi những miền hoang hóa ấy, đưa lại sự phục sinh cuộc sống cho tạo vật và con người? Đó phải chăng là thông điệp tác giả muốn gửi tới con người, dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời đại nào?

Rõ ràng Miền hoang là một tiểu thuyết lớn trên cả hai bình diện quy mô và tư tưởng, góp phần đắc lực nhất (tính đến nay) trong sứ mệnh trả món nợ lịch sử của văn chương về Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường nước bạn.

 

1  Sương Nguyệt Minh, 2014, Miền hoang,  NXB Trẻ, được Giải thưởng sách hay năm 2015 của Viện IRED và Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh.

2  Tình huống truyện: khoảnh khắc sự kiện, biến cố đặc biệt, bất ngờ xuất hiện làm thay đổi trạng thái hiện thực; nhân vật phải bộc lộ bản chất thật, tính cách thật khi được đặt vào những tình huống đó.

T.V.K