Để lý luận phê bình ngày càng khởi sắc - Trần Thị Trâm

29.08.2016

Để lý luận phê bình ngày càng khởi sắc - Trần Thị Trâm

Ba mươi năm qua, do yêu cầu phát triển của đất nước thời kỳ đổi mới, số lượng người được đào tạo một cách có hệ thống ở trình độ cao tăng lên rất nhanh, đặc biệt các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đồng thời, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của báo chí, xuất bản và mạng internet, Lý luận Phê bình văn học đã có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển: đông đảo về đội ngũ, phong phú về bài vở, đa dạng về phong cách, tăng cường về tốc độ. Có tác giả xuất hiện chưa lâu, chưa thành danh nhưng đã kịp công bố tới dăm đầu sách - thường là tập hợp những bài nghiên cứu, phê bình đã đăng rải rác trên báo chí...

Rõ ràng, Lý luận Phê bình gần đây đã có nhiều bứt phá, đã không ngừng phấn đấu để đổi mới, không ít lý thuyết mới đã được các nhà nghiên cứu vận dụng một cách khá hiệu quả. Nhưng vẫn có cảm giác, ngành Lý luận Phê bình văn học (và cả các ngành nghệ thuật khác) vẫn đang lúng túng, chưa có được đột biến để tạo ra một diện mạo tương xứng với bước tiến mạnh mẽ của thời đại. Lý luận Phê bình Việt Nam không những chưa theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới mà còn có vẻ ì ạch hơn so với lĩnh vực sáng tác.

Mặc dù vấn đề đã được các cấp Hội quan tâm, đã có không ít nhà lãnh đạo văn nghệ trăn trở và đã có nhiều người cầm bút tâm huyết với nghề cảm thấy bức xúc, song hình như ”lực bất tòng tâm”. Nền Lý luận Phê bình hôm nay dù có đổi nhưng chưa thật mới, phần lý thuyết chưa mạnh. Phê bình chưa thật chuyên nghiệp. Số tác phẩm xuất sắc thuộc lĩnh vực Lý luận Phê bình vẫn còn rất thưa thớt. Phê bình trên báo chí (truyền thông) phát triển khá rầm rộ, trong khi đó phê bình học thuật có vẻ còn rất khiêm tốn. Số lượng học giả tên tuổi khá hiếm hoi.

Vẫn biết rằng, chất lượng Lý luận Phê bình được quyết định bởi nhiều yếu tố: đối tượng phê bình, công chúng thưởng thức, chủ thể sáng tạo và không khí văn chương. Vậy có phải vì văn học của ta còn thiếu những tác phẩm sáng giá? Hay vì sân của nhà phê bình còn hẹp? Có thể vì công chúng của Lý luận Phê bình đã hạn chế về số lượng nhưng lại rất khó tính dẫn đến Lý luận Phê bình vẫn là công việc làm thật ăn giả: đã khó viết lại khó tiêu thụ, mà hiện nay trong cơ chế thị trường, hơn bao giờ hết: “cơm áo không đùa với khách thơ” (Xuân Diệu)!

Thực tế cho thấy, nhà phê bình đâu dễ có được tác phẩm tốt nếu thiếu đi những sáng tác văn học hay, thiếu sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của công chúng và các nhà quản lý. Cho nên trước hết, cần phải có một cái nhìn khoa học và khách quan về vị trí, vai trò của ngành Lý luận Phê bình đối với sự phát triển của lịch sử văn học, đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa mới nói chung và với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đặc biệt là định hướng thẩm mỹ; cho công chúng, từ đó có sự quan tâm, hỗ trợ cần thiết đối với những người sáng tạo ở lĩnh vực văn học độc đáo này. Hiện nay, trong xã hội vẫn còn có người cho rằng: nhà văn là người làm thơ, viết truyện mà chưa thấy được phê bình văn học cũng là văn học. Đa số công chúng Việt Nam có thói quen đề cao sáng tác hơn phê bình, thích đọc thơ văn hơn tác phẩm lý luận. Để tạo ra một sự thay đổi trong thói quen của đông đảo người tiếp nhận là điều không phải dễ dàng. Đã nhiều lần phỏng vấn các bạn trẻ chăm đọc sách báo thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: họ không thích đọc Lý luận Phê bình văn học mà chỉ đọc truyện ngắn, tản văn, thơ, tiểu phẩm cười và dường như không bao giờ mua sách phê bình văn học. Có lẽ giống như trong âm nhạc: dường như người ta vốn chỉ quen nghe thanh nhạc mà chưa mấy người thích khí nhạc và cũng không mặn mà với phê bình âm nhạc.

Thậm chí ngay trong giới sáng tác cũng vẫn còn một số nhà văn có cái nhìn chưa thật đúng về phê bình. Với thái độ bất hợp tác, những người này coi phê bình văn học là một thứ tầm gửi mà không thấy phê bình đã góp phần thúc đẩy nền văn học phát triển nhanh hơn và đi đúng định hướng hơn. Giai thoại về cụ Nguyễn Tuân trước lúc về với Tiên Tổ vẫn không muốn được nằm cùng với cánh phê bình, có thể coi là một ví dụ tiêu biểu.

Thực ra, là hai bộ phận song song cùng tồn tại, sáng tác và phê bình rất cần có sự tác động tương hỗ lẫn nhau. Lý luận ra đời chẳng qua là để tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tác. Đối tượng của phê bình chính là tác phẩm văn học - những đứa con tinh thần của các nhà văn mà trong thời đại hôm nay việc PR chúng đang là một nhu cầu cần thiết. Phong trào thơ Mới đã giúp cho nhà phê bình Hoài Thanh tài hoa may mắn có được một Thi nhân Việt Nam. Phong trào viết tiểu thuyết sôi nổi những năm 30-45 của thế kỷ XX đã tạo ra được một Nhà văn Việt Nam hiện đại. Nhưng ngược lại, nhờ những cây bút xuất sắc như Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan mà tất cả các hiện tượng văn học này đã đến được đông đảo công chúng (dù chưa đọc tác phẩm) biết đến rồi nâng cao tầm đón nhận cho họ. Nên có thể nói một cách công bằng: sự chưa khởi sắc của phê bình có phần do sáng tác còn thiếu những tác phẩm đặt ra được những vấn đề lớn cho phê bình vào cuộc. Thực tế cho thấy: một kiệt tác như Truyện Kiều của Nguyễn Du, đã là chất liệu quý báu cho hàng ngàn công trình lớn nhỏ. Văn nghiệp của kỳ nữ Xuân Hương, của “ông vua phóng sự đất Bắc” Vũ Trọng Phụng, của nhà thơ tài hoa Xuân Quỳnh... đã là đề tài cho bao nhiêu luận văn, luận án, bài báo khoa học, bao bài bình hay. Thời kỳ đầu đổi mới, nếu thiếu đi hai tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thì làm sao tạo nên không khí sôi động cho sân chơi của các nhà phê bình khoảng những năm 90 của thế kỷ trước... Và gần đây nhất, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với hàng trăm đầu sách bán rất chạy, những tác phẩm của nhà văn vùng Đất Mũi Nguyễn Ngọc Tư, của nhà thơ đầy cá tính Vi Thùy Linh... cũng đã trở thành đối tượng cho biết bao hội thảo, luận văn, bài báo hấp dẫn.

Tất nhiên, những nguyên nhân khách quan là không thể phủ nhận và đã được nhiều người đề cập. Trong bài Lý luận Phê bình văn học hôm nay - một cách nhìn (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 684, tháng 3/2008), tác giả Cao Thanh Hải đã có những lý giải khá xác đáng, đã đưa ra được một số kiến nghị và giải pháp có thể khả thi. Bài viết này của chúng tôi chỉ tập trung vào vấn đề tăng cường nội lực của nhà lý luận phê bình - điều quan trọng để lý luận phê bình khởi sắc.

Bởi suy cho đến cùng, con người mới là yếu tố quyết định sự phát triển của xã hội vì thế căn cốt của đổi mới Lý luận Phê bình phải nằm ở tài năng, trữ lượng văn hóa và sự nỗ lực của đội ngũ những người làm công tác Lý luận Phê bình. Vì vậy, để thực sự có đóng góp, Lý luận Phê bình cần phải bám sát đời sống văn học, phải có được những công trình lớn, những tác phẩm sâu sắc vừa mang tính chuyên nghiệp, mang tính bác học vừa phải vận động theo hướng dân chủ hóa vì đặc điểm của văn hóa thời đại toàn cầu hóa là sự xóa bỏ khoảng cách giữa văn hóa dân gian và văn hóa bác học. Dĩ nhiên, những tạp chí chuyên ngành và những bài chuyên sâu thì phải kinh viện song không nên quá cầu kỳ mà cần viết giản dị. Xin đừng quên rằng đi đến tận cùng cái đẹp đó chính là sự giản dị. Giản dị không hề dễ vì đó đâu phải là giản đơn mà là cách diễn đạt tối ưu.

Như vậy, để phê bình khởi sắc nguyên nhân sâu xa tất phải nằm ở tài năng, trình độ và bản lĩnh của những nhà phê bình. Điều này đòi hỏi đội ngũ Lý luận Phê bình phải thấy rõ trách nhiệm để không ngừng vươn lên hoàn thiện chính mình. Với các tác giả này việc tự học để chiếm lĩnh những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực: chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức văn hóa nền tảng, kiến thức chuyên ngành và liên ngành là vô cùng cần thiết, bởi chưa bao giờ những lý thuyết mới, những kiến thức của nhân loại lại tăng lên nhanh như hiện nay. Chưa bao giờ số lượng tác phẩm văn chương lại được xuất bản lớn như bây giờ. Vả lại, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, sự bùng nổ của thông tin, dân trí phát triển vượt bậc, muốn giữ vị trí hướng đạo cho sự phát triển của văn học, muốn thu hút được công chúng người làm công tác lý luận càng phải có bản lĩnh, có trình độ và uy tín cao.

Vì thế chăm học, chăm đọc (nhất là những lý thuyết mới), để tăng cường nội lực chăm viết để rèn luyện năng lực và bản lĩnh là con đường tất yếu để nhà phê bình khẳng định được chỗ đứng của mình trong xã hội, để ngành phê bình có thể đổi mới và phát triển.

 

Vậy nội lực là gì? Nội lực chính là sức mạnh từ bên trong của con người, là sức mạnh tổng hợp của trí lực và thể lực. Muốn có nội lực trước hết cần phải có được một cái phông văn hóa theo nghĩa rộng, bao gồm không chỉ là những kiến thức văn hóa nghệ thuật mà còn là cả những hiểu biết về triết học, đạo đức, chính trị, xã hội, công nghệ, ngoại ngữ; là những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ (hiểu biết về sáng tác văn chương và lý thuyết mới) mà người đó đang theo đuổi.

Nội lực chính là thực lực, là cơ sở tạo nên bút lực và bút hồn cho mỗi tác phẩm của nhà nghiên cứu phê bình, giúp họ tự tin và có nhu cầu không ngừng vươn lên. Nội lực bao gồm trình độ học vấn, kiến thức văn chương nghệ thuật, kiến thức lý luận, những hiểu biết về lý thuyết chuyên ngành và khả năng làm chủ những kiến thức đó để tạo nên bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp. Đó là trí tuệ mà trí tuệ sẽ mang đến cho chúng ta tiền bạc một cách đàng hoàng, cho phép người cầm bút tự tin, tự trọng và có sự cạnh tranh lành mạnh, dám làm dám chịu, dám dấn thân. Cho nên có thể nói: nội lực là vấn đề then chốt nhất, quyết định tầm vóc, phong cách và sự phát triển bền vững của nhà phê bình. Bởi suy cho đến cùng mọi sự phát triển của xã hội đều do con người quyết định.

Đội ngũ lý luận phê bình hiện nay có thể phân chia thành 3 thế hệ:

- Những cây bút tên tuổi thời kỳ đổi mới, nay có người đã ra đi (Hoàng Ngọc Hiến, Phan Cự Đệ, Lê Trí Viễn, Hoàng Như Mai, Trần Thanh Đạm...); những tác giả khác hầu hết đã ở độ tuổi trên 70: Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Hà Minh Đức, Phong Lê, La Khắc Hòa...

- Những cây bút sung sức, đông đảo và đang ở độ tuổi 50, 60: Đỗ Lai Thúy, Vương Trí Nhàn, Trương Đăng Dung, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thị Minh Thái, Mai Hương, Bích Thu, Lý Hoài Thu, Lưu Khánh Thơ...

Gần đây mới nổi lên một số cây bút trẻ đầy triển vọng: Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Đoàn Minh Tâm, Đoàn Ánh Dương...

Nhìn chung cầm trịch văn đàn hôm nay đều là nhóm nhà văn ở độ tuổi 50, 60. Đây là lớp người trưởng thành trong chiến tranh và nhiều người được đào tạo ở Liên Xô cũ. Có một điều đáng tiếc là do phần lớn đều là những nhà quản lý nên họ không thật sự chuyên nghiệp vì muốn chuyên nghiệp thì nhất định phải chuyên tâm. Vả lại, đa số anh chị em lứa này không giỏi ngoại ngữ nên khó tiếp cận những kiến thức mới nhất. Mặt khác, đội ngũ nghiên cứu phê bình bây giờ đông là thế nhưng hình như không ai dám bỏ ra cả chục năm như cụ Hoài Thanh để đọc hàng vạn bài thơ Mới, hay để nghiên cứu đóng góp của hàng trăm tác giả văn xuôi thời kỳ hoàng kim của văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX như học giả đáng kính Vũ Ngọc Phan.

Dường như người viết lý luận phê bình hôm nay chỉ đi vào những vấn đề nhỏ lẻ như giới thiệu một cuốn sách, phê bình một tác phẩm, một tác giả, viết một tham luận trong hội thảo mà ít có chuyên khảo, chuyên sâu. Nếu có chuyên khảo thường cũng là từ luận văn, luận án in ra.

Vì sao để phê bình khởi sắc điều cần nhất lại là nâng cao nội lực cho nhà phê bình? Bởi khác với công việc sáng tác, để có khả năng làm giám khảo văn chương, nhà phê bình phải có một vốn văn hóa sâu rộng. Khi trở thành hội viên Hội Nhà văn, thường không còn trẻ nữa. Thật khó gặp một nhà phê bình ở độ tuổi dưới 30 mà sắc sảo như tác giả Dưới mắt tôi Trương Chính. Trong khi giới sáng tác, ở nước nào, cũng có hiện tượng Thần đồng.

Nay những người trẻ tuổi đang triệt để khai thác sức mạnh của mạng Internet nhưng nếu quá ỷ lại vào mạng, lười suy nghĩ, không đọc tư liệu gốc mà chỉ quen đi xào xáo, cóp nhặt sẽ dẫn đến hiện tượng thừa thông tin nhưng thiếu kiến thức. Nhà Lý luận Phê bình vừa phải biết sống nhanh vừa phải biết sống chậm để suy ngẫm và tích lũy sao cho có được một khối kiến thức chắc chắn và hệ thống. Ngoài nắm vững lý thuyết còn phải bám sát đời sống văn học và nếu mọi nghiên cứu đều xuất phát từ yêu cầu cuộc sống thì tất yếu văn chương sẽ không còn xa cách với cuộc đời. Có một điều đặt ra là: tại sao việc chuyển giao công nghệ trong khoa học đang rất ồ ạt nhưng chuyển giao trong văn chương lại rất chậm? Trước hết là do những nhà nghiên cứu phê bình ít được ra nước ngoài, do ở độ tuổi cao, do bận bịu, họ ít có điều kiện để giao lưu, trong khi thế giới đã trở thành thế giới phẳng, công dân thế kỷ XXI đã trở thành công dân toàn cầu.

Hiện giờ tài liệu sách vở quá trời, mà thời gian, sức lực của con người lại rất hữu hạn. Vì vậy, để làm chủ được đời sống văn học, phải chăng các nhà phê bình cũng nên có những liên kết để tạo nên sức mạnh và lấp đi phần nào những lỗ hổng tất yếu trong kho kiến thức của mỗi người.

 Từ nâng cao hơn nữa nhận thức, nhà phê bình sẽ có trách nhiệm hơn đối với mỗi bài viết, mỗi vấn đề đặt ra và có được một thái độ khoa học, khách quan trong phê bình và tiếp nhận phê bình, giảm bớt sự ngại ngùng va chạm, dám sống chết với nghề. Xưa nay mấy ai dám dành cả một quãng thời gian dài để khảo sát tường tận một hiện tượng văn học, nghiên cứu thật sâu, thật kỹ về một tác giả tác phẩm, một giai đoạn văn học để có thể đặt ra những vấn đề có ý nghĩa đối với đời sống văn chương và xã hội. Thường tiện thì nói. Cần thì viết: viết bài cho hội thảo, viết bài theo đơn đặt hàng chứ ít người viết phê bình với mục đích giải đáp những băn khoăn triết học về cuộc đời về thân phận, về kiếp người nhỏ bé...

Hội thảo thì nhiều, mỗi hội thảo bàn về một vấn đề, kỷ yếu là tập hợp ý kiến của nhiều nhà khoa học vì thế dễ gì vấn đề được giải quyết thật sâu, thật đồng bộ. Những bộ sách lý luận, phê bình có giá trị trước đây như Thi nhân Việt Nam, Nhà văn Việt Nam hiện đại... đều là sản phẩm của một người, do một người có niềm say mê, tâm huyết với nghề, xuất phát từ nhu cầu tự thân và nhu cầu bức xúc của đời sống văn hóa, trăn trở rất nhiều mới lựa chọn rồi tập trung nghiên cứu đối tượng một cách kỹ càng, cẩn trọng nên công trình của các tác giả này luôn có tính lô gích, tính thống nhất và có khả năng khái quát cao. Ngược lại, phần lớn đề tài luận án của nghiên cứu sinh là do thầy tìm giúp và rất ít công trình được triển khai theo hướng văn dụng học mà thường chỉ nhằm mục đích trường ốc. Sau khi bảo vệ, không mấy khi giở lại. Theo chúng tôi ngoài đưa lên mạng cũng cần khuyến khích các tác giả chỉnh sửa nâng cấp công trình để xã hội hóa. Có như thế các công trình lý luận thực sự mới có ý nghĩa và không bị lãng phí.

Dĩ nhiên, để Lý luận Phê bình khởi sắc rất cần có những chế độ chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần cho phù hợp. Bắt đầu từ việc nâng cao nhuận bút và việc chi trả nhuận bút sao cho người viết không chỉ được nhận một nhuận bút xứng đáng mà còn phải được nhận đúng thời hạn, nhận một cách trân trọng. Nếu tác giả không tới lấy được thì nên qua đường bưu điện gửi đến tận nhà. Nhận được bài cần có hồi âm. Muốn chỉnh sửa thì nên có trao đổi. Bài không đăng cũng cần nói rõ lý do để chủ nhân có phương án xử lý, bởi để viết được một bài Lý luận Phê bình người viết thường mất không ít công phu.

Mặt khác, Hội cần thường xuyên hơn trong việc bồi dưỡng lý thuyết mới cho các nhà văn, nhất là những người làm nghiên cứu phê bình vì lý thuyết mới thì ngày càng nhiều nhưng người Việt vốn có truyền thống không mạnh về lý thuyết. Các hội thảo lớn cần thông báo rộng rãi để những ai có nhu cầu có thể tham dự, chứ không dừng lại ở những khách mời theo kế hoạch của hội thảo.

Đồng thời, những tạp chí chuyên ngành cũng nên có phương hướng khả thi để thu hút người đọc. Dĩ nhiên, trước hết Lý luận Phê bình cần phải viết cho hay, khúc chiết mà có văn nhưng cũng nên vận động theo hướng dân chủ hóa. Những bài chuyên sâu, có lẽ vẫn phải viết giản dị hơn, cô đọng hàm súc hơn. Cách đây 17 năm (1999), cuốn Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa đã trở thành một hiện tượng, được công chúng say mê đón đọc bởi anh có lối viết mới lạ, hấp dẫn đầy cá tính, rất có văn và rất đời, rất hài và hóm: trí tuệ mà vui. Nhưng nhiều giáo viên dạy văn ở phổ thông rất chăm đọc sách lại không tiếp thu được các bài viết trên tạp chí Nghiên cứu văn học? Có lẽ là do chúng quá kinh viện. Để nâng cao trình độ lý luận cho đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực văn chương, phải chăng bên cạnh tính hàn lâm những tạp chí chuyên ngành cũng nên chọn một cách trình bày gần gũi hơn với công chúng. Có như vậy số lượng phát hành mới lớn và số người đọc chắc chắn mới nhiều...

Dĩ nhiên, để lý luận phê bình khởi sắc có rất nhiều vấn đề cần bàn nhưng theo chúng tôi không thể không bắt đầu từ việc tăng cường nội lực của người cầm bút.

T.T.T