Đường đến miền Tây - Hà Linh

29.08.2016

Đường đến miền Tây - Hà Linh

1. Chuyến phiêu du trầm buồn của bao lần rời bỏ quê hương ra đi phiêu linh qua các phố thị. Cuộc sống vô định hiện ra trong tầm mắt tôi và từ ký ức kẻ lữ hành đơn độc đó bỏ quên mình đi tìm kiếm địa đàng. Địa đàng phía trước bên kia một dòng sông? Địa đàng trong tôi ở bên kia một khoảng trời nào đó và tôi vẫn đi. Cô đơn trên cánh đồng. Con đường vắng người xà ích thanh

thản với chiếc xe ngựa. Bóng những ngôi chùa và tôi đã ra đi bao nhiêu năm.

 

Cuộc hành trình tìm kiếm chính mình rời bỏ kiếp sống phù du. Tôi đã đi qua bao nhiêu nẻo đường trần thế. Những suất cơm không làm vơi bớt cơn đói. Tiếng hát dạo của người mù. Bến xe. Nhà ga. Tôi đã bày tỏ hoàn cảnh của tôi với bao nhiêu người để đi qua nỗi tha phương. Tôi không hiểu là tôi sẽ đi đến đâu và tôi vẫn đi. Những con tàu, những chuyến xe và thời gian. Biển. Mẹ già. Những đứa trẻ. Cuộc sống tha phương biết đâu. Tôi nghĩ thế. Biết đâu có một ngày tôi tìm ra chốn bình yên và nương tựa. Những cánh rừng kia. Gió núi. Dòng sông và cánh đồng hoang có những ngôi nhà tranh lẩn khuất. Tôi nhận ra hoàn cảnh của mình đói khổ và tang tóc.

 

Cuộc hành trình luân lạc đưa tôi đến những nơi chốn khác. Xuống tàu. Con đường tàu xa tắp sâu vào những xóm làng. Tôi xách cái ba lô đã cũ vào nhà ga. Nhà ga vắng khách. Tôi ngủ lại ở sân ga.

 

Cuộc sống lang thang. Những kỷ niệm thoáng qua trong trí nhớ và tan biến. Tôi không có kỷ niệm nào trong cuộc phiêu du ấy. Cuộc sống rời bỏ và cuối cuộc hành trình kia là cái chết là hiện hữu người tìm kiếm con đường vượt qua định mệnh của mình. Hoàng hôn và chuyến tàu đến sân ga buổi chiều. Tôi ngồi lại trong toa tàu vắng. Mua khúc bánh mì ở sân ga và ra biển. Con đường. Ghế đá và sóng biếc mênh mang. Tôi nhớ là tôi đã có nhiều lần đến nơi đây.

 

2. Mua một cái vé để ăn cơm và đến quán cơm xã hội. Tôi đã sống với sự cùng khổ. Những con người cùng khổ. Tôi nhận ra tôi đang ở trong thế giới đó. Thế giới có những chia sớt thầm kín và thầm kín thương yêu. Tôi trở lại ngôi chùa xưa. Sự cùng khổ của con người đấu tranh cho nhân cách và nghệ thuật đã tạo ra một thế giới đối kháng với thế giới chiếm hữu. Sự tự do của con người khởi lên từ đó. Ngày nay. Sau chiến tranh đổ nát. Bạo lực và tham vọng. Việc làm vẫn tồn tại tiếp nối phẩm chất con người và đối kháng với tội ác. Con người có nhiều cơ hội để nhận ra bản chất của con người và ước muốn. Biên giới của Thiện và Ác. Ngục tù và Tự do. Lầm than trơ trọi và Chân lý. Con người trong cuộc sống thường ước muốn tự xây đắp đời sống của họ để thoát ly hoàn cảnh nô lệ.

Sự sống phiêu linh của tôi qua những nẻo đường trần thế. Không nỗi ám ảnh. Những con đường tự do. Sự cứu rỗi và đời sống con người ổn định ở cuối con đường kia còn xa quá. Nơi là định mệnh người trở lại cuộc đời.

 

Ý thức cái hiện có của bản thân con người là sự lựa chọn và tìm thấy niềm an nghỉ của hoàn cảnh mình.

Tôi rong ruổi tìm kiếm cái vô hạn thời gian. Bến sông. Con đò và dòng nước trôi xa vắng. Sự tĩnh lặng và giáo đường trầm mặc. Qua một ngày nương náu trong cuộc hành trình đơn độc. Vô định. Tôi ra đi và cảm ơn người đã giúp đỡ tôi. Họ có biết tôi trở lại cuộc đời không là thiên mệnh của người đã thể hiện lòng nhân từ với cuộc đời.

Sự cô đơn và trái tim nhỏ máu bao lần trong việc thương yêu cuộc đời trở thành kẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Trầm tư bên lề hạnh phúc con người đón nhận nỗi đau trong việc cứu vớt con người và những mảnh đất tôi đã đi qua. Kẻ lữ hành đơn độc lắng nghe trong tâm tư sự chết hơi thở và nhịp đập của trái tim. Con tàu vượt thời gian để đến những sân ga cuối cùng.

 

3. Qua một dòng sông lớn. Tôi dừng lại nơi căn nhà xưa. Bữa cơm đạm bạc hân hoan từ những tấm lòng đón nhận người thân đến thăm. Tôi nhận ra tôi đã xa cách nơi đây một thời gian rất lâu.

 

Mảnh đất kia cuộc sống của những người dân nghèo đắp đổi có tiếng hát câu thơ và việc làm văn nghệ tô vẽ cho quê hương họ đang sống. Những mong ngóng cách mạng từ nghèo nàn xơ xác đến văn minh nhân loại. Sự biến đổi từ góc nhìn nào đó duy trì được phẩm chất con người hoặc sẽ không còn có gì qua những thiết định văn minh. Cuộc tuần hoàn tâm linh trên những cảnh đời khép kín kia. Lối sống cao ốc và thân phận. Con người còn có nỗi bâng khuâng và có cơ hội nào đó để tự giải phóng cho họ ra khỏi sự khổ đau của con người.

 

4. Con đường vượt qua định mệnh vượt qua thân phận khởi lên từ nhận thức rằng tôi có muốn rời bỏ mong ước của tôi không. Tôi đã mong ước những gì trong cuộc phù vân ấy. Hạnh phúc ngắn ngủi và khổ đau.  Tôi nhặt lên tay chiếc lá úa. Xác lá ngập ven đường. Xác của một con chim sẻ. Sự sống và cái chết. Định mệnh tôi trong cuộc tuần hoàn kia và con đường rời bỏ. Tôi nhận ra tôi đã trở lại cuộc đời đơn độc tìm kiếm chính mình qua thời gian và sự cứu rỗi trần thế.

 

Sự cứu rỗi linh hồn do sự lựa chọn của con người như chính tôi cũng đã lựa chọn. Thời gian và sự chết. Sự sống bơ vơ. Giáng sinh và dấu tích Chúa trên hai bàn tay. Tôi rời bỏ cuộc sống thế tục để vượt qua hoàn cảnh của mình. Vượt qua định mệnh. Nhận thức cứu rỗi và hành trình tìm kiếm niết bàn. Những con đường xa tắp. Những con đường rời bỏ kiếp sống phù vân. Không định mệnh. Xa cách và an nghỉ.

 

5. Con đường phía trước xa tắp. Người lữ khách dừng lại ven con đường và người câu cá im lặng bên dòng sông.

Ảo ảnh và cuộc đời. Người lữ khách cô đơn tìm kiếm địa đàng. Địa đàng bên kia sông. Bên kia những chân trời. Người lữ hành đơn độc tìm kiếm sự chết. Niết bàn và hư vô. Tôi nghe trong tôi những hy vọng cuối cùng. Giải thoát. Bóng những ngôi chùa. Em và giáo đường tĩnh lặng. Những chiếc lá và mây trời đìu hiu. Ảo ảnh và thực tại. Những bước chân qua trần thế. Vượt qua định mệnh. Người lữ hành cô đơn tìm kiếm niết bàn trong cõi chết.

Ngày đó tôi trở về đi quanh phố những đêm mưa. Gió lạnh. Tôi tìm kiếm tôi qua thời gian và cuối chân trời kia là ánh sao. Con đường xa tắp kia tôi thấy tôi trong nắng. Con đường xa tắp kia tôi thấy tôi trong mưa. Tôi thấy tôi trong gió. Thấy tôi trong hư ảo đi qua cuộc đời. Thấy tôi lạc lõng bơ vơ. Tôi thấy tôi trở về. Một mùa đông.

H.L