Tóc một sợi bạc – Tiểu Quyên

03.05.2016

Hồi bé, tôi hay "kiếm" được tiền nhờ nhô’ tóc bạc cho má tôi. Không biết quy đổi ra chính xác nhổ một sợi thì được bao nhiêu tiền. Nhưng thường thì sau mỗi buổi ngồi tỉ mẩn nhổ nhổ đếm đếm, thế nào tôi cũng được "trả" vài ngàn đồng đi qua xóm mua cốm, sinh tố, bánh bông lan, bánh ú... Mấy món ăn vặt thòm thèm vào những buổi chiều luôn có được nhờ công nhổ tóc bạc. Tôi cứ nhổ trong hồn nhiên mà không hề thắc mắc sao tóc má bạc nhiều vậy. Nhổ hoài không hết.

Tóc một sợi bạc – Tiểu Quyên

Bây giờ, tóc má tôi đã trắng cả mái đầu.

 

Bây giờ là 20 năm sau. Trên đầu tôi cũng vừa có một sợi bạc. Cô tiệm tóc chải lược thưa, kẹp thẳng, phát hiện ra sợi tóc bạc, nhổ xuống cho tôi xem. Sợi tóc mảnh và dài. Tôi nhìn, giật mình nghĩ năm tháng đã trôi đi quá nhanh, hoặc là tôi đã sống quá lâu trong cuộc đời để bắt đầu nhận về một sợi tóc bạc.Thời gian

không chờ đợi một ai, cũng không bỏ qua một ai. Bạn bè tôi, cũng nhiều người đã lấm tấm bạc mà trong vô thức chỉ có thể là nỗi chấp nhận trên lưng chừng thời gian của đời mình. Không đo đếm được trong một sợi tóc bạc của một người có bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu buồn đau thăng trầm, bất an lặn lội. Có người phải qua tuổi 40 mới bắt đầu bạc tóc, nhưng cũng có người sớm hơn. Mà có lẽ ai cũng sẽ phải giật mình khi nhìn thấy sợi tóc đầu tiên bạc trắng trên đầu...

Nhiều năm trước, mỗi lần lùa tay vào tóc anh trai, tôi hay trêu sao anh mau già quá. Tôi bảo mua thuốc về nhuộm cho đen tóc, anh còn "bảnh trai phong độ thế mà". Anh tôi cười, nói một câu rất teen dâu: "Ai rồi cũng... bạc đầu". Bây giờ, tóc anh cũng như tóc má năm xưa. Con gái anh mỗi lần nhổ tóc bạc cũng bắt chước "thế hệ cô dì" đòi tiền từng sợi cho vui, chứ bé cũng không cần số tiền nhỏ nhoi ấy. Anh tôi đã làm mọi việc để gia đình có cuộc sống sung túc, làm suốt từ thanh xuân cho đến khi tóc hoa râm. Lăn lộn bao năm trên thương trường, có những năm tháng phân phối vải vóc về các chợ, anh vừa làm giám đốc vừa làm nhân công, tự lái xe đường dài rồi tự làm phu khuân vác. Thời gian là để người ta gầy dựng; năm tháng là để thử thách và trách nhiệm; tình yêu thương là để con người vượt qua được tất cả mọi vất vả gian khó trên đường đời. Kể cả giông tố. Năm tháng hằn lên gương mặt anh, phủ lên màu tóc. Tôi hiểu, để có được một cơ ngơi vững vàng, một sức mạnh lớn để bảo vệ gia đình mình, anh tôi - mà cũng như biết bao ngựời đàn ông trong cuộc đời đều phải đi qua sương gió đời mình. Đôi vai của chở che và gánh vác.

Cũng không biết tự khi nào, tôi có thói quen nhìn... tóc của người khác. Tóc của trẻ con lơ thơ mềm mịn, dễ thương như khuôn mặt chưa tỳ vết. Tóc của tuổi teen đủ kiểu trẻ trung, cập nhật mọi "xu hướng thời đại", tóc quê suông dài đen nhánh, tóc phố uốn nhuộm thời trang... Nhưng thường thì trải qua "bao cuộc bể dâu" người ta có xu hướng trở về mái tóc ban đầu, hoặc là giản tiện nhất. Mái tóc thanh xuân thường được trau chuốt, đổi kiểu chăm sóc "từ gốc đến ngọn". Nhưng mái tóc tuổi già thì cứ là... tóc thôi. Người ta nói "cái răng cái tóc là gốc con người". Nhưng sẽ có rất nhiều người,"cái gốc" đó chỉ là một sự tồn tại hiển nhiên thôi. Nỗi vất vả in dấu vào số phận khiến người ta cũng không còn thiết tha nghĩ về mái tóc phải gội bồ kết hay là dầu gội đầu chiết xuất thiên nhiên, hàng hiệu. Như chị tôi - đúng nghĩa một người phụ nữ quê mùa hiền lành tần tảo. Mái tóc chị búi từ thời con gái cho đến khi trở thành người phụ nữ đi qua tuổi hoa râm. Mái tóc của những năm tháng lội sình lội kênh kéo mạ non ra ruộng, bán mặt cho đất bán lưng cho trời; của những ngày đi qua sóng gió hôn nhân lặng lẽ dắt con gái trở về cánh đồng; của những đêm quạnh hiu nghe tiếng con ễnh ương kêu oài oạp ngoài bến sông; của ngày 50 tuổi...Tóc chị vẫn dài nhưng chị không thể xõa vai được nữa. Quen đến mức dịp Tết về tôi rủ mấy chị em mặc quần áo đẹp đi chụp hình kỷ niệm, mà phải năn nỉ thuyết phục mãi chị mới thả tóc dài để "lên hình". Để rồi cứ nhìn mãi vào bức ảnh người phụ nữ tóc dài với nụ cười đã phai màu xuân xanh, ngại ngùng hỏi em gái: "út thấy- có đẹp không?". Tôi nhanh chóng gật đầu cười mà thấy lòng xốn xang.Tuổi xuân của tôi rộn rã. Còn tuổi xuân của chị, ký ức chỉ còn lại là những ngày chăm sóc đàn em, ngày ngày cơm nước ruộng đồng. Cả đời chị quẩn quanh thôn làng vì cuộc hy sinh năm nào để anh Hai và các em được về thành phố. Mặt trời của chị bây giờ rọi nắng về chân chim trong mắt. Mái tóc thanh xuân của người con gái hát cải lương hay không thua gì nghệ sĩ năm xưa bây giờ đã trắng nửa mái đầu...

                                                                                                   

Tóc một sợi bạc. Nhắc ta nhớ về những đoạn năm tháng trong cuộc đời mình. Không trả lời được nỗi buồn đau nào đến trong cuộc đời khiến người bạc tóc. Có lẽ là một cuộc cộng dồn  tất cả, những được mất trả vay. Tóc một sợi bạc. Nhắc ta nhớ về những đêm nằm đếm canh thâu chờ trời sáng. Những lo toan đời hằn lên trong  đôi mắt. Tự hỏi: sau tất cả đời người phải tiếc nuối nhất là điều gì?

Nói chuyện tóc bạc, mới nhớ trong nhiều phim kiếm hiệp có những nhân vật sau một đêm bạc hết mái đầu. Vì lo vì yêu vì sầu vì hận. Hẳn là trong cuộc đời thật chẳng có ai như vậy, một mái đầu bạc phải đổi qua một dặm đêm trường rất dài trong cuộc đời của một con người. Một mái đầu bạc đổi bằng cái chớp mắt của vũ trụ, để người ta biết mình đã già.

 

Đã đi đến năm tháng nào, đoạn dốc nào của đời người. Tóc một sợi bạc, tóc hai sợi bạc... để nhắc ta về sự sống. Rồi khi bạc trắng mái đầu, người sẽ cười nhẹ tênh mà rằng, suốt mấy mươi năm cuộc đời có đau khổ nào mà không qua, có buồn vui nào không thấu. Có lẽ rằng, mái tóc cũng là một cái cân vô lượng, dùng để đo đếm thanh xuân đo đếm sức khỏe và hạnh phúc của mỗi người. Hôm qua xem một đoạn phim ngắn của nước ngoài, tôi đã bật khóc vì hành trình của một người mẹ. Từ khi con lẫm chẫm chào đời cho đến khi con trở thành một người làm chủ xã hội, mẹ trở về với tóc bạc vô thanh, nhớ nhớ quên quên. Mẹ cười ngu ngơ mà nước mắt con chảy mãi. Chợt thấy mình cũng như bao người, đang đi trên sợi dây của định  mệnh mà chắc chắn rồi cũng đến ngày tóc mình cũng sẽ bạc trắng trên đầu. Ngày ấy có còn nhận ra ai hay còn biết nghĩ về hạnh phúc.

 

Mà sao không chọn sống cho trọn vẹn, cho thanh khiết lòng mình khi tóc còn xanh?

 

Bây giờ, ai người tóc bạc ai người tóc xanh.

 

T.Q