Tản mạn về sông – Nguyễn Văn Tám

30.08.2016

Cái số của tôi cứ phải ở lại với Đà Nẵng sông Hàn. Tôi không rõ Đà Nẵng sông Hàn chọn tôi hay tôi chọn sông Hàn Đà Nẵng. Có lẽ cả hai. Tôi tuổi Giáp Thân nhưng họ hàng với tuổi ngựa nên nay đây mai đó, đi nhiều hơn đứng. Nhiều lúc tôi nghĩ có lẽ đất nước mình khoảng một phần ba dân số là tuổi con ngựa. Nói vậy cũng không sai vì cái thời khai sinh lập địa do hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác, các cụ đã bỏ xứ vào khai phá phương Nam.

Tản mạn về sông – Nguyễn Văn Tám

Đất nước xáo trộn, loạn lạc bởi chiến tranh triền miên, người vào Nam, kẻ ra Bắc, người xuống biển, kẻ lên rừng. Nói tóm lại cũng là con cháu của Mẹ Âu Cơ với Lạc Long Quân tất. Nhưng cũng vì chiến tranh loạn lạc nhất là hai cuộc chiến tranh đánh Pháp và chống Mỹ làm cho con người xích lại gần nhau hơn, đồng thuận hơn, chưa nói đến giao thoa văn hóa vùng miền.

Tôi trở thành người Đà Nẵng cũng vì chiến tranh loạn lạc. Từ ngày giải phóng Đà Nẵng 1975 cũng là lúc tôi có hộ khẩu chính thức là dân Đà Nẵng. Nói đúng hơn là từ năm 1970 tôi đã có mặt ở chiến trường khu Năm rồi. Đà Nẵng là thành phố lớn nhất miền Trung và có vị trí quan trọng về chiến lược chiến thuật lúc bấy giờ. Do đó toàn bộ lãnh đạo khu từ trên khu căn cứ chuyển về đóng tại Đà Nẵng. Từ đó, tôi sống và lớn lên, uống con nước sông Hàn, nước sông Hàn thấm vào trong tôi tan thành máu, nuôi tôi lớn thành người, có sự nghiệp.

Tôi là sản phẩm của sự chia ly hai miền Nam Bắc. Tôi quê phương Nam, trưởng thành ngoài Bắc để có một ngày được cùng đoàn quân nối nhau bất tận vượt Trường Sơn vào Nam công tác và chiến đấu. Năm 1970, chân ướt chân ráo dặt ba lô xuống cơ quan Ban Cán sự Sơn Trà (mật danh Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi) đóng ở Trà Niêu. Chưa biết chiến trường mô tê ra sao thì bị cơn sốt rét ác tính thừa sống thiếu chết phủ đầu. Trùm kín chăn nằm co ro run bần bật trên võng. Có một anh bạn cùng học thời cấp ba nghe tin tôi vào chiến trường nhân chuyến công tác ghé thăm. Đó là anh Hiếu, Huỳnh Trung Hiếu mà chúng tôi gọi là Hiếu "mũi”. Hiếu "mũi” học phổ thông trước tôi một lớp, người to con, da rắng, mũi cao như tây, thích làm thơ. Sau này anh làm giám đốc Sở Điện lực tỉnh Kon Tum rồi nghỉ hưu ở đó.

- Không được, với mày chỉ có thể về công tác trên khu ủy thôi – Anh Hiếu nhìn vào mắt tôi tặc lưỡi thông cảm – Dưới này họ không biết mày là ai và họ sẽ phân công mày đi xuống đồng bằng cõng gạo, cõng muối, bọn nó "chụm " mày ba mươi giây, tiếc lắm!.

Lúc ấy tôi không hiểu anh Hiếu nói gì, sau này tôi mới hiểu "chụm” là bị Mỹ phục kích bên đường bắn tỉa. Đã bị phục kích là "toi” ngay. Những năm tháng khắc nghiệt ấy Ban cán sự Sơn Trà chỉ có hai người được đào tạo bài bản ngoài Bắc về là bác sĩ Thành và tôi là kỹ sư thôi. Tạm gọi là cán bộ "quý hiếm” . Tưởng anh Hiếu "mũi” nói xã giao cho vui, tôi biết phận mình được cấp trên phân đi đâu là yên thân nơi ấy, xa lạ với may mắn. Nhưng đâu ngờ chỉ hơn một tháng sau, tôi có giấy của Khu ủy khu Năm gọi chuyển lên văn phòng Khu ủy và…cái " gáo” để đội mũ của tôi tương đối được an toàn. Sau giải phóng 1975 khu ủy chuyển về Hội An, sau đó ra Đà Nẵng. Cơ quan tôi đóng ở 16 Gia Long, tức đường Lý Tự Trọng của Khu Đường bộ khu Năm bây giờ.

Kể từ đó tôi nghiễm nhiên thành người Đà Nẵng! Thành phố vừa vừa không lớn, không bé như có người đã nói đám mây trôi ngang qua, bên này mưa bên kia nắng; thành phố vừa đủ nghe được tiếng còi tầu. Nhỏ thôi nhưng nằm ở vị trí trung tâm đất nước, hội tụ tất cả những đặc thù mà không phải thành phố nào cũng có. Mặt cắt ngang từ Đông sang Tây có biển xanh thẳm cát dài tít tắp, sông uốn khúc quanh co, đồng bằng len lỏi vào các khe núi và núi cao sừng sững hiểm trở ẩn trong đó có nhiều khu sinh thái như Núi Chúa Bà Nà; đặc biệt có chàng "vệ sĩ” Sơn Trà lặng lẽ lừng lững chuyên cần đua lưng chắn sóng, canh biển, canh trời cho Đà Nẵng bình yên những ngày bão táp. Nhưng nói đến Đà Nẵng mà không nhắc đến tên con sông Hàn là một sai sót rất lớn. Nó là biểu tượng, là mạch sống, là hồn cốt của Đà Nẵng. Không có sông Hàn không thành Đà Nẵng. Thế mới biết vị trí của sông Hàn quan trọng như thế nào đối với thành phố Đà Nẵng .

Tôi đã sống ở đây lâu nhất trong cuộc đời lang bạt nay đây mai đó. Từ đây tôi hiểu thế nào là ngày nắng, ngày mưa, chuyển mùa, giáp hạt. Từ đây tôi biết và hiểu thế nào là lễ hội, tộc họ, đình làng, mùa trăng, con nước, thủy triều và gió chướng…

Đời tôi là cuộc đi bất tận, như tôi đã nói ở trên là tôi họ hàng với tuổi ngựa. Tôi đã qua nhiều vùng đất, biết nhiều địa danh, gặp nhiều dòng sông nên sông Hàn với tôi là đẹp nhất. Tất nhiên khái niệm đẹp của tôi vô chừng vì chẳng con sông nào đẹp bằng con sông của quê hương – nơi ta sinh thành, nơi mẹ ta ru ta bằng giọng hò mênh mang có thác ghềnh của dời mẹ. Sông Hàn không đẹp theo nghĩa văn thơ lãng mạn thanh khiết thần túy như Nhớ con sông quê hương, bài thơ nổi tiếng của Tế Hanh "Nước gương trong soi tóc những hàng tre. Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng”. Càng không như Trần Mai Ninh sững sờ trước con sông Trà Khúc mùa trăng lên" Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc. Mây lồng và nước reo”. Ngày ấy sông Hàn cũng đẹp như tranh " Đứng bên ni sông Hàn ngó bên tê sông Hàn nước xanh như tầu lá”. Và câu tiếp theo của ngày xưa vẫn còn giá trị cho tới bây giờ " Đứng bên tê sông hàn ngó bên ni sông Hàn phố xá nghênh ngang”. Cái "nghênh ngang” ngày xưa bó hẹp trong những căn nhà cấp bốn hoặc một tầng hoặc nhà chồ ven sông to to một chút đã là nghênh ngang rồi. Bây giờ bên tê sông Hàn " nghênh ngang” hơn trăm lần là những cao ốc chọc trời như cây đình của nhà trời cắm xuống bên đầu cầu sông Hàn; là những tòa nhà cao ngất hoành tráng sừng sững thay cho những khu nhà chồ túng quẫn nhếch nhác bên kia sông. Đẹp của sông Hàn hôm nay hiện đại hơn, tuy nhiên vẫn còn phảng phất một chút lãng mạn rơi lại bởi ánh trăng nhô lên từ phía biển. Ánh trăng không lấn át được quầng sáng của muôn vàn ánh điện như giải Ngân Hà vỡ vụn bị bỏ quên. Sông Hàn là dòng sông sử thi, bởi nó là nhân chứng của lịch sử đất nước. Lịch sử Việt Nam có sông Bạch Đằng, sông Lô và những con sông khác, nhưng không thể lãng quên con sông Hàn. Hai đế quốc hùng mạnh Pháp và Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ về sông Hàn để chọn sông Hàn làm điểm đến và đó cũng chính là điểm tử của chúng vào năm 1886 và 1965. Sông Hàn sát biển được ăn theo con nước thủy triều mằn mặn và mang trong lòng nó hương vị phù sa đi qua bao vùng đất trù phú mầu mỡ từ thượng nguồn sông Tranh, qua Giao Thủy, Cẩm Lệ về cầu Thuận Phước ra biển. Sông Hàn chảy giữa lòng thành phố, rộng vừa vừa đủ cho khách lãng du nhìn thấy hai bên bờ sông, đặc biệt khi về đêm, ánh sáng từ những ngọn đèn hắt xuống sông như trăm triệu mảnh vở thủy tinh lăn tăn đủ mầu huyền bí. Cũng chính khoảng cách vừa vừa của hai bờ sông ấy mà có được những lễ Hội pháo hoa quốc tế, một đặc sản của Đà Nẵng để tôn vinh vị thế thành phố đối với trong nước và thế giới. Cự ly hai bên bờ sông Hàn là tiêu cự chuẩn để khẳng định là một dòng sông đẹp. Hãy thử so sánh dù khập khiểng sông Hàn với sông Hồng, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu và sông "láng giềng” Trà Khúc, sông Hương, sông nào cũng rộng lớn ở bờ bên này không thấy bờ bên kia, hoặc thấy cũng chỉ mờ mờ ảo ảo… Trà Giang tự soi mình trên cát mơ màng mà ngẫm về một thời hùng vĩ, vạm vỡ, lãng mạng để được gặp các nhà thơ danh tiếng Cao Bá Quát, Bích Khê, Trần Mai Ninh… Dòng Hương Giang của Huế thơ mộng có tiếng thật đấy nhưng chưa đủ chuẩn cho cuộc thi " Hoa hậu sông”. Sông Hương dùng dằng như hóa thạch, như nến sáp. Sông Hương như cô gái đứng tuổi thâm trầm, sâu lắng, dò xét làm duyên, hiếm hoi mới có nụ cười. Sông Hàn không thế, sông Hàn tươi trẻ, hồn nhiên như tuổi mười tám, lúc nào cũng nghịch ngợm nô đùa nhờ ngọn gió dậy sóng lao xao. Sông Lấp của Hải Phòng cũng nằm giữa lòng thành phố đấy thôi, cũng "tiêu cự” chuẩn để hai bên bờ tôn vinh lẫn nhau nhưng sông Lấp tựa như cái hồ không thoát nước, không gợn sóng, không tàu thuyền qua lại bởi bị chắn ngang từ cầu Tam Bạc. Dẫu có trồng thêm hai hàng phượng vĩ hai bên bờ sông vào dịp Lễ hội "Hoa phượng đỏ” mới được tổ chức lần đầu tiên ở Hải Phòng để vịn vào mầu hoa phượng đỏ lãng mạng qua ca khúc của cố nhạc sĩ Lương Vĩnh "Thành phố hoa phượng đỏ”, thơ Hải Như và sau đó là ca khúc "Một thời hoa đỏ” của Nguyễn Đình Bảng, phổ thơ Nguyễn Thanh Tùng người Hải Phòng thì cũng vậy thôi.

Nói là sông Hàn nhưng sông Hàn ngắn lắm, ngót ngét hơn chục cây số từ Cẩm Lệ đến cửa sông mà thôi. Sông Hàn ngắn vậy mà gồng mình gánh chín cây cầu cũ và mới. Cầu nào cũng đẹp, hiện đại hoành tráng với công nghệ mới nhất. Cầu là đường mà thôi, chức năng là để cho người ta tham gia giao thông, tránh ùn tắc của thời xã hội hiện đại, nhu cầu đi lại vận chuyển lớn. Cầu là đường mà thôi, nhưng cầu sẽ là điểm nhấn tô điểm, gắn hoa lấp lánh trên ngực thành phố mà chức năng của đường không làm được. Nếu ngày ấy cố nhạc sĩ Văn Cao ví Hà Nội như "Năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về. Như đài hoa …” thì Đà Nẵng tuy không xứng tầm như Hà Nội, dù nhỏ bé mà có tới chín Cửa Ô, chín cánh hoa xòe ra khắp hướng. Hoa của trời, của đất, hoa của lòng người

Đứng trên những chiếc cầu mới nhìn lên phía tây gặp Bà Nà trong sương mờ, nhìn qua Hải Vân vút cao dựng ngược lên trời như chiếc cưa khổng lồ chắn phía Bắc. Ngọn gió biển thanh khiết ngất ngây lướt qua làm cho tâm hồn ta thanh thản. Đã đến lúc người ta khẳng định không khí trong lành là một tài nguyên vô giá. Trên bảng xếp hạng không khí trong sạch được mon men đứng gần vàng, sắt, quặng, than…Đà Nẵng, sông Hàn là thành phố có cái tài nguyên kỳ lạ ấy. Thành phố xanh, sạch, đẹp đã và đang gọi về những ai thích hưởng thụ khung cảnh thanh bình, không khí tinh khiết của núi, của sông, của biển và tấm lòng rộng mở

Trời thương Đà Nẵng, trời thương sông Hàn vì đất hẹp, núi lấn đồng, biển lấn đất trôi mầu, mùa hè tắt chậm, mùa xuân qua mau, thảo dân cần cù chịu thương chịu khó, dũng cảm dám thay mặt đất nước đương đầu với hai đế quốc to. Có những người con trung thành, bất khuất, lẫm liệt sẵn sàng tuẫn tiết vì nghĩa lớn như Hoàng Diệu tại thành Hà Nội; dũng khí như những chiến binh quyết giữ Thành Điện Hải của Nguyễn Tri Phương; những Ông Ích Khiêm, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh…Còn đó muôn đời Nghĩa Trũng Khuê Trung "*”– Những người nằm xuống không tên, hồn nhập vào gió bay thơm khoảng trời. ( Trích trường ca Lửa xanh của N.V.T )

Sông Hàn thân yêu của tôi. Đà Nẵng kiên cường của tôi.

Cám ơn anh Hiếu " mũi” đã đề xuất với cấp trên điều tôi từ Quảng Ngãi về trên Khu ủy khu Năm để tôi đã trở thành người Đà Nẵng và có trách nhiệm với nơi này.

N.V.T

---------------------------------------------------

"*” Nhà thơ Trần Mai Ninh hy sinh năm 1947 tại chiến trường khu Năm

"**” Nghĩa Trũng Khuê trung – Nghĩa trang của những nghĩa quân bảo vệ thành Điện Hải do Nguyễn Tri Phương chỉ huy