Sông Hàn bữa ấy! - Võ Văn Ba

23.12.2013

Xin được bắt đầu bằng hai nhịp mở của lời ca dao thống thiết với những tiết tấu quen thuộc đã đi vào lòng người Đà Nẵng từ thưở Tây lại sứ sang. Nhưng điều ấy sẽ được làm rõ hơn, sẽ diễn luận rộng hơn trong các trang viết sau. Trước hết, hai câu mở đã phác hoạ trên nên một đối cảnh đau lòng “Đứng bên ni Hàn/ Ngó qua bên tê Hà Thân”. Chúng ta dừng lại ở nhịp ngắt mạch ấy, để lắng sâu vào tâm hồn mình với trạng thái chủ thể quặn thắt giữa “bên ni “ và “bên tê “ của hai bờ ruột thịt.

 Sông Hàn bữa ấy! - Võ Văn Ba

Bên ni là đất nhượng địa, là đất bị giặc chiếm đóng. Bên têlà vùng nông thôn cơ cực, xác xơ!  Bài ca dao bước ra từ sau ngày giặc chiếm đóng quê nhà.

      Tuy nhiên trước khi Pháp quyết định liên quân cùng với Tây Ban Nha chính thức đánh chiếm Đà Nẵng, một tiền cảng quan yếu (avant port important), thì bọn chúng đã nhiều lần dọ thám, rồi hăm dọa, phô trương lực lượng, thị uy thanh thế. Những sự kiện ấy được lật ra từ sử liệu:

            Năm 1822, và năm 1825, hai lần Pháp đưa tàu chiến vào cảng Đà Nẵng để giương oai. Bọn chúng đòi triều đình Huế thả các giáo sĩ bị bắt. Đòi được tự do buôn bán.

             Năm 1845, lại hai lần nữa chúng dọa dẫm rồi bỏ đi.

             Hai năm sau đó, tháng 3 – 1847, tàu Pháp vào Đà Nẵng, thuyền trưởng và các giáo sĩ ngang nhiên xông thẳng vào công quán.

         Ngày 15 - 4 - 1847, tàu chiến Pháp bắn phá các chiến thuyền của triều đình neo đậu trong vịnh Đà Nẵng, làm tê liệt hầu như hoàn toàn lực lượng hải quân của vua Thiệu Trị. Đây là hậu quả, là yếu tố tất nhiên đối với một nước nhược tiểu trước vũ khí hiện đại lúc bấy giờ của hai đế quốc xâm lược.

       Ngày 01 - 9 - 1858, sự kiện đất nước đã chính thức đưa địa thế quan yếu, tài nguyên hấp dẫn, non nước hữu tình, vị trí trung độ của tổ quốc thân yêu này, giao cho  người dân Quảng Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, một trọng trách vinh quang nhưng cũng muôn vàn gian khó, và đầy thử thách trong sự nghiệp đi đầu chống thực dân Pháp xâm lược.

     Vì sao hoàng đế nước Pháp, Napoléon đệ tam, huấn lệnh cho Thiếu tướng Ri - gôn Đờ gờ - rờ - nuôidi (Rigault De Grenouilly), về sau vị này trở thành Đô đốc hải quân, buộc ông ta “Ngay lập tức phải chiếm cho được vịnh và lãnh thổ Đà Nẵng, làm chủ vị trí này”? Câu trả lời không có gì khó khăn cả. Bởi đây là địa thế chiến lược quan trọng của một tiền cảng, cách đất liền chưa tới 3 cây số. Bởi cảng Đà Nẵng là đầu mối trung tâm tọa độ trên đường hàng hải quốc tế. Bởi sự phong phú hấp dẫn của tài nguyên. Bởi ngọn núi Sơn Trà là bình phong án ngữ gió bão tàu thuyền,  đồng thời là đôi mắt trông ra biển khơi, quan sát và canh giữ vững vàng phía Đông thành phố.

       Sau khi được tin liên quân Pháp và Tây Ban Nha chiếm Đà Nẵng vào ngày đầu tiên của tháng 9 – 1858, Hoàng Giáp tam đăng Phạm Văn Nghị (1805 – 1880) lúc này ông đang ngồi ghế Đốc học Nam Định (tương đương với Giám Đốc Sở Giáo dục ngày nay) “Giận sôi, tóc dựng mũ, bút gát khá thua ai”. Ông liền tập hợp nhiều nhân sĩ  Bắc Kỳ, tổ chức đạo quân 300 người tình nguyện, cấp tốc vào miền Trung đánh giặc. Khi đến Huế thì nghe tin giặc đã lui và đã chuyển quân. Vua Tự Đức (1848 – 1883) chỉ dụ cho ông về lại Nam Định, với lời phê 4 chữ “Tuế hàn tùng bách” – Gặp năm rét mới biết cây tùng, cây bách là cừng cỏi.

      Về sự kiện lịch sử đầy nước mắt ấy, Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị đã để lại cho hậu thế bản tuyệt tác thi ca Trà Sơn quân thứ ( Hành quân vào Trà Sơn). Một khúc văn chương Việt Nam hào hùng yêu nước và cách mạng cận đại:

           Nộ mục Trà Sơn xu lỗ lai

           (Căm thù mắt thấy giặc cướp đánh Trà Sơn)

         …

        

          Như thử giang sơn như thử dân

           Thái bình quốc thế vạn niên xuân

           Nguyễn Văn Huyền dịch:

         (Sĩ dân đó, núi sông đó

           Muôn năm bền vững nước non này)

       Chúng ta có thể hoàn toàn khẳng định rằng, khí thế chống giặc Pháp vào mùa Thu năm 1858 của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng là sự nghiệp thiêng liêng, mở đầu cho sự nghiệp truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

     Kiêu hãnh biết bao với Hoàng Giáp Lê Khắc Cẩn, bằng chất giọng hùng tráng, hào khí ngất trời. Giọng thơ dễ làm cho mọi người liên tưởng đến hình ảnh danh tướng Đặng Dung mài kiếm dưới trăng. Lê Khắc Cẩn đem nhập cái nguyên khí đất trời vào gươm, kiếm:

               Phải nên xông ánh sao để làm gươm

               Mượn gió gào để làm súng

               Thường ẩn nấp nơi núi Trà, trên các đỉnh cao

              Ở bể Cần, ngoài các khe vũng

                                         Lã Xuân Mai ( dịch)

    Những bài thơ đã xác lập về thời gian ra đời, đồng thời đã định hình cho sự tồn tại. Nếu như Hoàng Giáp tam đăng Phạm Văn Nghị nộ mục Trà Sơn, Hoàng Giáp Lê Khắc Cẩn xông ánh sao mài gươm., thì với Bảng Nhảng Phạm Thanh lại thể hiện khí thế qua bút pháp dũng mãnh, động viên, khích lệ, nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu:

                Nghe tiếng súng Non Trà nổ dữ

                Những muốn săn cho hết giống lợn dữ không tha

                Trông khói tàu Cần Hài bốc cao

                Những muốn chém cho hết loài cá kình mới hả

                Thẳng tiến để xông pha giết giặc

                Cái chết coi dễ như chơi

Đối với La Hữu Trung lại là nỗi cảm hoài sau khi Pháp rời Sơn Trà để tiến chiếm Vũng Tàu:

              Thuyền Tây khói lửa dọc ngang

               Lui nơi Đà Nẵng lại sang Cần Giờ

               Làm cho trăm họ ngẩn ngơ

              Trụ hương mưa bạt, diềm thờ ngó nghiêng

            

             Đó là những câu tâm huyết đau lòng “ứa” ra sau ngày 11 – 02 - 1859, quân Pháp rời Đà Nẵng, tiến quân đánh chiếm Cần Giờ (Cần Hài), một cảng biển nằm sát Vũng Tàu.

         Mặc dầu bọn giặc đã làm chủ trên đất liền cũng như trên biển vịnh. Nhưng chúng đâu có làm chủ được trái tim và ý chí của nhân dân Đà Nẵng bất khuất. Chúng chỉ nắm cái xác, đâu có nắm được phần hồn. Vườn không, nhà trống, phố hoang, người thưa vắng, đến nỗi làm cho chúng lo sợ, vô cùng ngạc nhiên, sững sốt trước một khoảng chân không khủng khiếp và hoang mang. Dân ta khẳng khái, không bao giờ chịu hợp tác với chúng. Điều này đã minh chứng trong một đoạn báo cáo của Đô Đốc Ri-Gôn Đờ Grờ-Nuôi-di, viết “ Chúng tôi hoàn toàn kiệt quệ. Cho đến lúc này phải bất động tại Đà Nẵng. Mọi phương diện để cải tiến tình trạng bộ binh và hải quân đều hết sạch và vô hiệu, Đất mà chúng tôi chiếm  được hoàn toàn bỏ trống, Dân chúng, nhất là giáo dân không hưởng ứng. Không có dân nổi dậy chống triều đình. Không có dân bất mãn cung cấp tin tức”.

        Tài liệu lưu trữ trong thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại ghi chép lại một sự thật vô cùng bi dát đối với họ: “ Ngay từ những ngày đầu, người Việt Nam đã tạo ra một khoảng trống chung quanh người Pháp, đạo quân con chiên mà Rigault de Grenouilly trông chờ, đã không xuất hiện. Trái lại, không có một con chiên nào dứng trong hàng ngũ Pháp và những lời cam kết cùng hứa hẹn của những người truyền giáo, là sẽ có mặt trong đoàn quân viễn chinh Pháp, đã không được chứng thực tí nào” .

 

       Tháng 11 – 1858,  nước sông Hàn, sông Nại Hiệp sục sôi, kiêu hãnh trước lòng dũng cảm của quân và dân ta. Các dũng tướng Đào Trí, Nguyễn Duy, Nguyễn Tri Phương, Lê Đình Lý đã hợp tác chiến đấu anh dũng, đẩy lui sức đánh phá của giặc.

      Ngày 22 - 3 - 1860, Pháp rút khỏi Đà Nẵng, quân và dân nơi đây đã dùng tre phên nện đất, chất đá làm thành lũy. Kết xích sắt ngăn sông,

      Tuy nhiên kinh nghiệm chiến trường trên bộ cũng như trên sông nước đối với chúng ta, một dân tộc có truyền thống yêu hoà bình, chuộng tự do, thì làm sao có thể chống trả được giặc trong tình thế cấp bách  trước sức mạnh của những đội quân chuyên đi xâm lăng! Mặc dầu vậy, nhưng vị tướng An Tây trí dũng Nguyễn Tri Phương đã buộc Pháp phải chuyển đổi thế trận theo chiến lược của ông trong cách bố trí quân tài tình. Ông dùng thuyền nhỏ, chia quân thành phân đội. Áp dụng chiến thuật du kích, phản công bất ngờ,  gây bối rối tinh thần quân địch. Chinh phục bằng nhiều gói nhỏ (Conquête en petis paquets), đưa chúng đến chỗ sa lầy.

         Chiến thắng kiên cường và quả cảm của quân dân Đà Nẵng, giặc Pháp đã để lại một tháp hài cốt chứa hàng ngàn thánh giá!

        Về phía ta, hai nghĩa trũng Phước Ninh và Hóa Khuê – những nghĩa trũng đầu tiên của đất nước, được tưởng niệm dựng lên vào năm 1862 theo chỉ dụ của vua Tự Đức (1848 – 1883) – một  chứng tích thiêng liêng trên quê hương yêu dấu.

    Đà Nẵng của không gian xanh nắng, của Non Nước Ngũ Hành Sơn kỳ ảo, của bầu trời khác lạ khi từ Huế - Xứ Mưa buồn, vừa vượt quá Hải Vân. Sự chuyển dịch bất ngờ về thời tiết hai nơi, đã làm cho Tản Đà xúc cảnh;

            Hải Vân đèo lớn vừa qua

           Mưa Xuân thoắt đã đổi ra nắng hè

    Và cái nắng hè ấy, bầu trời xanh binh yên thơ mộng ấy đã bị giặc hóa mây u ám, để tròng vào cổ người dân Đà Nẵng cái ách nô lệ, buộc vào đôi chân sợi xích đi xâu, khóa vào đôi tay mười ngón bòn vàng. Từ đó đã phát sinh nên lời ca dao thống thiết:

             Đứng bên ni Hàn

             Ngó qua bên tê Hà Thân

             Nước xanh như tàu lá

             Đứng bên tê Hà Thân

             Ngó về Hàn, phố xá nghênh ngang

             Kể từ ngày Tây lại, Sứ sang

             Đi xâu, nộp thuế, làm đàng khổ thân

 

      Hãy lắng sâu tâm hồn bằng nhịp đập trái tim yêu quê hương, bằng những đảo phách ngậm ngùi. Còn nỗi đau nào hơn nỗi đau bị nô lệ. Ngôn ngữ hình như trở nên bất lực trước sự diễn đạt của tấm lòng xót xa thăm thẳm!   Hình ảnh nước xanh như tàu lá, vẽ ra bức tranh xanh xao, nhợt nhạt, gió xé tơi tàu lá quê nghèo.

     Ngó về Hàn, phố xá nghênh ngang. Ơi con phố ngược ngang gót giặc, mà cùng là con phố đô thị hóa ồn ào. Và kể từ ngày ấy, ngày Tây lại Sứ sang, biết bao nỗi lầm than ụp xuống đầu người dân cơ cực. Hoàn cảnh đã kết thêm những lời dị bản ở câu cuối của bài ca:

         Kể từ ngày Tây lại đất Hàn

         Dào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu

         Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu

         Ở nuôi phụ mẫu, sớm chiều có nhau

Và câu cuối ấy, được chuyển đổi lời ca:

         ( Mưa mai có bạn, mưa chiều có ta)

         ( Trăm năm đi nữa, lá cờ điều cũng đừng phai). Lời thủy chung son sắt

         Ngày 26 – 8 -1945, sau khi Đà Nẵng cướp chính quyền, giành độc lập. Thành phố được vinh dự mang tên nhà yêu nước Thái Phiên. Nhưng rồi chúng ta lại phải đương đầu với bọn thực dân tái chiếm quê hương:

            Thành Thái Phiên đắm mình trong máu lửa

             Đất anh hùng lần nữa quyết hy sunh

                                                                                                              (Tế Hanh)

       Những năm 1946 – 1947, tinh thần chiến đấu chống đế quốc Pháp xâm lược của quân – dân Đà Nẵng đã cuộn vào dòng thác lũ cả nước đồng tâm đứng dậy diệt thù. Những trận dánh địch dọc theo phía Nam sông Cẩm Lệ, phá cầu Thủy Tú, ngăn chận bước tiến quân dịch. Tự vệ dùng bom phá sập nhà máy đèn. Bộ đội ta suốt một ngày quần nhau với giặc tại cổ viện Chàm. Nơi bốt đội Cang, say men chiến đấu. Quân Pháp hoảng kinh, chạy trốn vào chùa Phật học.

      Các ngày 20 và 21 - 12 – 1946, bộ đội liên kết với dân quân tự vệ Đà Nẵng, Hòa Vang hợp tác chiến đấu đánh địch tại chợ Mới

      Từ ngày 23 - 12 - 1946 đến ngày 07 – 01 – 1947, Pháp đánh ra ngã tư Yên Khê, gặp phải sự kháng cự dũng mãnh và quyết liệt  của tiểu đoàn 19. Địch bị đẩy lui.

       Cuối tháng 12 năm ấy, tại bến đò Xu, tiểu đoàn 101, trung đoàn 93 đã cho hằng 100 tên lính Pháp về chầu Hà bá. Ngày 07 – 01 – 1947, quân giặc tại cấm Hòa Mỹ bị ta đánh tan. Tại Đa Phước, chúng bị đẩy ngược. Những cuộc “tổng nhiểu loạn” gây cho Pháp hoang mang, lo sợ. Pháo của ta từ bến đò Xu nã vào vị trí địch. Mìn của ta đặt trên đầu máy xe lửa, mở máy chạy thẳng vô sân bay. Chúng hoảng hốt. Ôi! Những trận đánh ngoạn mục.

        Trước chiến thắng hào hùng của quân và dân Đà Nẵng. Xuất sắc, kiên dũng ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Sự mưu trí và dũng lược ấy, đã được Phạm Văn Đồng,  đại diện Trung Ương Đảng và Chính phủ tại Nam Trung Bộ, tặng lá cờ “giữ vững”. Trong đó có lời khen :” So với toàn quốc, mặt trận Đà Nẵng được liệt vào hàng đánh mạnh nhất và dẽo dai nhất”

       Sách Lịch sử Việt Nam 1897 – 1918, Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999, chúng ta cùng lật ra trang 360, dọc những lời nhận xét của nhà sử học người Pháp, Jean Chessaux, viết năm 1955 :”Hạm đội Pháp tới thả neo trước cửa biển Dà Nẵng hôm 31 – 8 - 1858, không phải là nó tới Việt Nam để thực hiện một sứ mạng lịch sử nào cả. Trái hẵn lại, nó đã cắt đoạn những khả năng thực tế phát triển tự thân có sẵn trong dân tộc Việt Nam. Nó sẽ làm chậm lại sự tiến triển, chớ không phải là thúc đẩy dân tộc Việt Nam tiến nhanh hơn” Những lời nhận xét khách quan và trung thực của một sử gia tên tuổi.

       Hơn một thế kỷ sau, hay nói một cách chính xác, sau 107 năm (1858 – 1965), kể từ  ngày 01 - 9 - 1858. Ngày 03 - 8 - 1965, nhân dân Đà Nẵng, thêm một lần nữa, lại phải đối mặt với những thách thức mới. Tiểu đoàn 3, lữ đoàn 9 Thủy quân lục chiến Mỹ, lần đầu tiên đưa quân đến Dà Nẵng, gây thành một cuộc chiến tranh xâm lược cục bộ. Từng bước leo thang đánh phá miền Bắc.

    Anh Huỳnh Ngọc Anh, sau này cải danh thành Huỳnh Trung Việt, để che dấu lý lịch hoạt động cách mạng ở nội thành Đà Nẵng. Hiện nay anh đang sống tại xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nhớ thật rõ:  “Để tiến tới kỷ niệm 5 năm, ngày thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (1960 - 1965). Tháng 12 – 1965, đại diện lực lượng Thanh niên – sinh viên – học sinh Đà Nẵng, đã họp tại nhà ông Phan Liêu, ngõ kiệt số 9, đường Hoàng Diệu. Các thành viên gồm có: Hồ Ngọc Ninh, quyền bí thư thành đoàn. Hồ Duy Lệ ( cựu chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Quảng Nam, đã nghỉ hưu). Phan Hoàng ( Hoàng Liêu ) hy sinh năm 1972…Anh Khâm, anh Linh…Họp nhau bàn luận phương kế đấu tranh,  tuyên truyền, phân phát những tờ rơi dưới hình thức quay rô-nê-ô”.                    

       Tại bãi biển Thanh Bình, học sinh kết chuối cây làm bè. Cắm cờ giải phóng, treo biểu ngữ chống lại nhà cầm quyền. Quân đội Mỹ và lính công binh của Nguyễn Văn Thiệu tại Đà Nẵng, cho xe thiết giáp ầm ầm kéo xuống, tháo gỡ. Việc làm ấy đã góp một phần nhỏ mở ra cho hành động xuống đường.

      Năm 1966, là người được dự chứng sự nổi dậy của đồng bào, sinh viên và học sinh làm chủ thành phố Đà Nẵng ruột thịt trong hai tháng rưởi, hưởng ứng phong trào khởi xướng của tướng Nguyễn Chánh Thi, phản kháng sự điều hành đất nước của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Binh lính và cảnh sát trung thành với chế độ, luôn luôn trong tình trạng đối phó. Đạn súng lên nòng, đầu đội nón sắt, lưng thắt dây nịt xanh - tuya - rông (cinturon) dắt quanh đầy lựu đạn. Chúng kiểm tra tuần hành các ngỏ phố, bưu điện, dọc bờ sông. Vậy mà nhân dân Đà Năng vẫn làm chủ thành phố trong suốt 76 ngày đêm náo nức.

       Những sự kiện đã tạo cho con người Đà Nẵng một phẩm chất cao quý, ưu việt cần thiết để chống lại mọi thù địch. Người dân luôn luôn ý thức sinh động về sự hiện hữu và trách nhiệm chính bản thân với Đà Nẵng thân yêu.

       Đúng 10 năm sau cuộc đỗ bộ của quân đội Mỹ lên thành phố Đà Nẵng.  Ngày 29 - 3 -1975, ngày đánh dấu trang lịch sử hào hùng, rực rỡ. Toàn quân, toàn dân thành phố Đà Nẵng đã kết nên vòng hoa chiến thắng kiêu hãnh, giải phóng hoàn toàn biển – phố thân yêu. Một nét son của cuộc hành trình dân tộc muôn đời. Về đỉnh cao vinh quang này, nhà thơ Lữ Huy Nguyên (1939 – 1998) đã nối thành dòng chảy hào hùng. xuyên suốt 120 câu phối cảm. Khổ giữa của bài thơ “ Ngực thành phố  - Trái tim và ngực thở”, vang lên lời hào sảng:

               Đà Nẵng ơi!

              Hơn thế kỷ qua đi

             Những năm tháng triền miên ngạt thở

             Từ chiến hạm Cô – sanh – sin

             Ngút trời đạn nổ

          “Trà Sơn rách mắt giặc Tây tràn”

 

     Đà Nẵng là một trong những nơi được đô thị hóa sớm nhất trong cả nước. Năm 1898, thành phố được xếp loại 2, cùng với Chợ Lớn, dứng sau Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng.

        Tháng 10 – 1975, tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng hợp nhất với tên gọi Quảng Nam – Đà Nẵng.

       Danh xưng về một giải đất gắn liền như hai anh em trong một nhà. Và khi hai anh em đã trưởng thành, có thể vững vàng tự lập. Đó chính là thời gian bắt đầu cho hai anh em ruột thịt tách riêng trong một dại gia đình tổ quốc. Ngày 01 – 01 – 1977, thành phố Đà Nẵng được chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung Uơng.  Tỉnh Quảng Nam từng bước củng cố, xây dựng, dần dần thăng tiến, và Đà Nẵng vươn đôi cánh rộng tiềm năng, luôn luôn phát triển để xứng đáng với vị trí địa lý – lịch sử - tiền cảng quan trọng, kiên cường với thế đứng vững bền của trung tâm đất nước Việt Nam muôn đời.

     Ngày 17 - 7 - 2003, thành phố Đà Nẵng được chính phủ công nhận là đô thị loại I .

      Sáu năm sau ngày đăng quang ấy, Đà Nẵng luôn luôn thể hiện tính ưu việt vốn có, tính năng động  của một nền văn hóa không bao giờ tĩnh tại – một nền văn hóa chiến thắng kiên trung. Tháng 7 – 2009, những đức tính quý báu ấy đã nối nhịp kỳ diệu chiếc cầu treo dây võng 2000 mét bắc qua sông Hàn. Chiếc cầu thẫm mỹ hiện đại dài nhất Việt Nam, nối Hải Châu với bán đảo Sơn Trà. Chiếc cầu khúc xạ hai ngọn nước giao thoa mặn ngọt. Biển và sông hợp lưu con nước thủy chung. Chiếc cầu dây võng thênh thang 18 thước, xuôi ngược hai lằn xe, dã tạo ra cho thành phố một thế nhìn đối diện với biển bao la.

       Dòng văn hóa không bao giờ tĩnh tại – luôn luôn tiếp biến. Nền văn hóa của chiến thắng. Vị trí địa lý – lich sử như vậy. Địa linh sinh nhân kiệt, sẽ tất yếu sinh ra những con người Quảng Nam – Đà Nẵng như vậy, trong mọi thời đại.

             

V.V.B

Tài liệu tham khảo

 

        Lịch sử Việt Nam 1897 – 1918, Nhà xuất bản Hà Nội, năm 1999

        Anamach – Những sự kiện lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999

        Nam Trung Bộ kháng chiến 1945 – 1975, Viện lịch sử Hà Nội, 1992

        Tìm hiểu con người Xứ Quảng, Nguyên Ngọc (chủ biên), Nxb Đà Nẵng, 2005.

        Huỳnh Thúc Kháng – con người và thơ văn. Nguyễn Q. Thắng, Nxb Văn học, năm        2001.

        Văn học Dân gian Quảng Nam, Nguyễn Văn Bổn – Sở VHTT Quảng Nam, 2001.

        Văn Nghệ Dân Gian Đất Quảng, số Xuân Ất Dậu. Hội VNDG Đà Nẵng

Nguồn: http://dangiandanang.blogspot.com