Phan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân Trình

07.03.2017

Phan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân Trình

Sinh thời, học giả, nhà văn, nhà báo đất Quảng - Phan Khôi (1887-1959) là người sớm phát hiện và đề cao vai trò của phụ nữ đối với văn học, thể hiện qua một số bài viết trên báo Phụ nữ Tân Văn, Sài Gòn, năm 1929.

 

Trong bài viết “Về văn học của phụ nữ Việt Nam”, Phan Khôi nhấn mạnh: “Theo trình độ tiến hóa của loài người ngày nay, thì về phe phụ nữ ta cũng phải có một nền văn học. Bởi vì trải xem cái tình thế trong các nước hiện thời, loài người đã gần đến ngày bình đẳng rồi, bên nam bên nữ cũng đều gánh vác công việc với xã hội như nhau, thì sự học vấn tri thức, có lẽ đâu chỉ để riêng cho đàn ông mà thôi hay sao?”.

Nhắc đến câu ca thời xưa: Sáng trăng trải chiếu hai hàng, cho chàng đọc sách cho nàng quay tơ, ông cho rằng, nó không còn thích hợp với thời thế ngày nay nữa. Bởi, quay tơ là chức phận của đàn bà, song cái chức phận ấy cũng như là chức phận của đàn ông cầm cày hay là cầm búa nhưng sự học lại là chuyện hoàn toàn khác, phải bình đẳng, không ai kém ai: hai hàng chiếu trải ở dưới trăng ngày nay, phải để cho anh đọc sách mà nàng cũng đọc sách!

Với thái độ rất thẳng thắn, Phan Khôi chỉ ra số người phụ nữ Việt Nam làm thơ, viết văn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông khuyên: “Chị em ta phải thú thiệt rằng nền văn học của nữ giới ta, từ xưa tới nay, chưa hề có bao giờ”, do vậy, “ngày nay chị em chúng ta phải lập riêng một nền văn học cho chị em chúng ta. Chị em phải nhớ rằng cái nền văn học tương lai đó là chung cho cả đàn bà Việt Nam, chớ không phải đâu là riêng của một vài người nào, cho nên mỗi chị em mình đi học, là phải bỏ vào đó một chút công để xây dựng cái nền ấy lên mới được... Bắt đầu từ đây chúng ta phải gia công hiệp sức nhau lại mà gây dựng lên nền văn học của phụ nữ Việt Nam. Chị em ta hãy gắng lên”. Nhà báo họ Phan xác định rõ thiên chức của phụ nữ đối với nền văn học Việt: “Tôi nghĩ rằng đương thời buổi nầy mà đám nữ lưu mình còn chưa chịu ra nhận lấy gánh văn học làm gánh riêng của mình, ấy là một sự bất lợi cho loài người, cho xã hội... Văn học ngày xưa là đồ để cho đàn ông nhờ nó mà mưu lấy công danh phú quý, thì chị em mình không thèm dự vào làm chi cũng phải; còn văn học đời giờ là một sự cần dùng cho xã hội, huống chi lại hiệp với tánh chất đàn bà, thì đàn bà chúng ta há nên từ chối cái thiên chức ấy đi hay sao?”.

Theo Phan Khôi, người phụ nữ có nhiều tố chất giúp họ có chỗ đứng trên văn đàn nước nhà: “Chúng ta có những cái tánh trầm tĩnh, nhẫn nại, dùng những cái tánh ấy mà nghiên cứu văn học, thì không có gì hạp cho bằng, có lẽ chúng ta theo nghề văn học còn dễ dàng hơn đàn ông nữa. Còn có một điều thích hiệp nữa, là văn học chuyên trọng về đường tình cảm, mà chúng ta là giống có tình cảm nhiều hơn đàn ông, thì thật là tiện lợi cho chúng ta biết mấy”.

Để củng cố niềm tin của nữ độc giả vào luận điểm trên, Phan Khôi có hẳn một bài báo “Văn học và nữ tánh” đăng trên Phụ nữ Tân văn, Sài Gòn, số 2 (9.5.1929). Trong bài viết này, ông bộc bạch: “Tôi rất lấy làm lạ rằng xưa nay bất kỳ nước nào cũng vậy, văn học là phần đàn ông, đàn ông đứng vào trung tâm của văn học, thì làm sao trong văn học, lại cứ hay nói đến chuyện đàn bà. Càng làm những áng văn chương hay chừng nào thì lại càng nói tinh về chuyện đàn bà chừng nấy. Có lắm bậc văn hào đời xưa lại ưa mượn câu chuyện đàn bà để tỏ bày tâm sự của mình. Nhiều nhà thi nhơn đại tài cũng hay mô tả các tình tiết cùng là thân phận của phụ nữ. Sự đó há chẳng phải là một cái vấn đề đáng cho ta nghiên cứu hay sao? Hoặc giả văn học với nữ tánh có quan hệ với nhau làm sao đó mà xưa nay ta lửng đi, không chú ý đến”. Phan Khôi đưa ra nhiều dẫn chứng thú vị. Như Đỗ Phủ, Lý Bạch là những tay thi thánh, mở thi tập của các vị ấy ra mà xem thì thấy chẳng có mấy bài là chẳng nói đến cái thứ tình nhi nữ. Hay như ở nước ta, Truyện Kiều và Cung oán ngâm khúc là những áng văn chương kiệt tác, đều nói về cảnh ngộ và tâm sự của người phụ nữ. Bên trời Tây cũng chẳng kém. Kinh thánh của Cứu thế giáo là kinh điển của một tôn giáo, chứ không phải là tác phẩm văn chương, song cũng có một sách gọi là Nhã ca của Salomon, toàn dùng lời con gái mà nói về ái tình cả.

Cuối bài viết, Phan Khôi hùng hồn khẳng định: “Nếu văn học mà quả lấy nữ tánh làm trung tâm thì đàn bà chủ trương lấy nền văn học là phải, mà như vậy thì văn học có lẽ lại tấn bộ hơn trước. Bởi vì đàn ông mà nói chuyện đàn bà làm sao cho tinh tế bằng đàn bà nói lấy chuyện của mình? Giá có người cung phi nào làm lấy bài Cung oán ngâm khúc thì chắc còn hay hơn bài của ông Ôn Như Hầu?! Và cô nào kể lấy chuyện mình hồi còn nhỏ, hồi làm dâu, hồi vắng chồng, thì lại càng tỉ mỉ và đằm thắm hơn bài Trường Can hành của ông Lý Bạch nữa”.

Nhân 130 năm ngày sinh của học giả, nhà văn, nhà báo Phan Khôi, đọc lại những bài viết về vai trò của phụ nữ đối với văn học của ông gần 90 năm trước, chúng ta chẳng những hiểu sâu sắc hơn về thiên chức văn học của người phụ nữ mà còn thấy rõ nhãn quan và tình cảm của một nhà báo, một học giả tài hoa xứ Quảng. Ông quả là một trong những người đi tiên phong vì sự tiến bộ của phụ nữ nước nhà, đáng được hậu thế ngưỡng mộ và trân trọng!

 

V.T

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân