Hoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành Giang

07.03.2017

Hoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành Giang

Khi cái Tết đã bắt đầu lùi lại phía sau lưng, ngày lại bình nhiên trôi với những khoảnh khắc gọi mùa xuân đi nhanh theo sương, theo gió, theo cái nắng hòa trong cái lạnh chuyển dần. Với tôi, trong những chiều Giêng – Hai chạng vạng, không gì bình yên bằng dạo một vòng ra cánh đồng làng. Ở đó, hoa ngò đã thơm một mùi rất riêng, rất dịu và cũng rất thân thương. Mùi hoa đồng nội ấy đã theo trong hồn tôi suốt cả 30 năm trời, từ cái thuở chưa biết đi, ngồi trong quang gánh cùng mẹ ra đồng.

Những luống rau ngò theo chân mẹ ra chợ Tết, năm nào cũng còn lại một luống, hoặc nửa luống để dành lấy giống cho mùa sau. Từng ấy thôi, nhưng đã đủ sức mạnh để hầu như cuối chiều nào tôi cũng lang thang ra đồng, rồi ngồi bên luống ngò trổ bông, thả lòng trôi theo gió sương mùa dần buông. Sau một vụ rau cải Tết, cả cánh đồng hầu như đã trở về với đất trống để bắt đầu một vụ mới. Lác đác còn lại những luống cải xà lách và ngò để giống. Và, phần lớn đã bắt đầu xuống giống đậu phộng vụ muộn. Có lẽ vì thế, mùi thơm của hoa ngò trở nên hầu như là duy nhất chiếm lĩnh không gian đồng bãi, làm lòng người dịu đi, sau một ngày căng thẳng với nhiều lo toan, tất bật.

Và, khi ánh mắt người cũng nhòa theo chiều dần buông sâu xuống cánh đồng, thì màu trắng của hoa ngò nổi lên, như một điểm sáng hút cái nhìn vào. Khi ấy, màu tím, màu vàng của các loài hoa cỏ lối bờ, ở các vạt đất bỏ hoang cũng không còn đủ sức để khoe màu trong ánh sáng dần khuất vào bóng đêm. Ngồi bên luống ngò vừa lên hoa, tôi thương lắm màu trắng li ti như một thứ sắc màu vừa khiêm nhường, vừa trong lành, lại vừa không chịu lẫn dễ dàng giữa ngày, giữa mùa đang đi nhanh. Mùi hương và màu hoa ấy da diết đến cháy lòng, những mùa xuân ngày cạn, lúc tôi vì lý do nào đó, xa nhà xa quê dài ngày.

Có một lần nào đó nằm trên thảm cỏ đồng, hít vào tận cùng mùi hương ngò và lim dim hai mắt nhìn màu trắng hoa ngò vương vương trong trời chiều, bạn sẽ hiểu cảm giác của tôi đã qua nhiều lần như thế. Nhìn màu hoa ngò, rồi lại ngước nhìn bầu trời dần thấp xuống, mới thấy mênh mông một niềm quê, mênh mông một miền thương từ những điều bình dị nhất. Và, từ đó, tôi cũng thương hơn những vất vả, cơ cực của ba của mẹ, của những bà con hàng xóm. Chính những giọt mồ hôi đổ xuống bao mùa mới cho tôi được những giây phút bình an như thế này. Rưng rưng lòng biết ơn đồng, rưng rưng lòng biết ơn người đã đem sức gọi mùa về trên mùa và mùi hoa ngò.

Bao mùa hoa ngò đã đi qua. Tôi từ một thằng bé lon ton theo ba mẹ ra đồng, rồi lao vào những bước đường mưu sinh bộn bề lo toan, rồi có vợ có con. Cuộc sống đã quá nhiều biến động, nhiều mối quan hệ đã đến rồi lại đi. Nhưng, nơi mảnh đất đồng nhà, hoa ngò vẫn nở, tiễn Tết đi nhanh theo mùa xuân cạn. Và vẫn trắng một màu rất nông dân, rất bãi bờ, nhưng cũng rất đáng yêu và quý lắm. Tôi không còn là một cậu bé đuổi theo những chú ong, chú bướm bay lập chập trên hoa ngò, rồi trượt té úp cả mặt vào mùi thơm đến ngây ngất của luống ngò; nhưng tâm hồn vẫn còn thơ trẻ mỗi độ Giêng - Hai, mỗi độ mùi hoa ngò rộ lên như một lời mời gọi.

Rồi sẽ đến một ngày cuối tháng Giêng đầu tháng Hai âm lịch, khi hoa ngò đã hầu hết kết hạt, rồi hạt ngò chín. Vẫn mùi hương thân thuộc ấy, nhưng mùa trắng của hoa không còn ngự trị nữa. Tôi thường phụ ba mẹ nhổ cây ngò về, phơi khô, chà lấy hạt để làm giống gieo cho vụ rau Tết sau. Thân ngò cũng được giữ lại để tắm cho trẻ con trong nhà, mỗi khi có sảy có ban lúc trời quá nắng nóng. Hoa ngò lúc ấy, tạm biệt một vòng đi của chức phận mình, đợi một năm kế tiếp, khi mùa xuân theo gió theo lạnh về, sẽ tiếp tục khoe sắc đưa hương.

Miên man chảy trong tôi vẫn là những luống hoa ngò trắng điểm trên đồng chiều hút mây và gió, hút cả lòng đứa con quê nhà trở về sau những ngày mệt mỏi. Và, trong những dự định tương lai của tôi, một luống ngò trồng trong vườn nhà sau này là một ưu tiên lớn. Vì nghe đâu, vài năm nữa, toàn bộ cánh đồng làng tôi và cả nhà tôi ở sẽ vào diện giải tỏa trắng. Có thể, gia đình tôi sẽ đến ở một nơi hoàn toàn mới, với cuộc sống không còn những luống rau, luống cải hằng ngày, hằng mùa. Nhưng, tôi sẽ chừa ra một khoảng đất trước sân hay sau nhà, trồng một luống ngò nho nhỏ, để mỗi mùa Tết vừa đi, lại có hương và hoa ngò để ngắm, và để nhớ. Tôi cũng sẽ nói với các con mình về một loài hoa mà ba nó đã thương, đã say mê như một mối duyên lành của đời người, của một phận quê.

N.T.G 

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân