Bảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh Nguyệt

07.03.2017

Bảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh Nguyệt

Ngày nay, không gian hoạt động của bảo tàng gồm không gian ngoài trời và không gian trưng bày hiện vật trong nhà một cách hài hòa tương thích với thế giới môi trường thiên nhiên chung quanh. Đây cũng là cách tiếp cận mới về bảo tàng  “Theo đó, bảo tàng được hiểu rộng là nhà trưng bày, trung tâm thông tin, làng nghề, xưởng máy, đồng ruộng, công viên, vườn sinh thái, di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh” (Lê Thị Minh Lý, 2004, tr 14). Thông qua trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu..., những câu chuyện nối kết nhau mà chủ nhân bảo tàng muốn giới thiệu với du khách. Bảo tàng Đồng Đình trong không gian sinh thái rừng quốc gia Sơn Trà là hình ảnh sinh động mà người xây dựng ra nó muốn chia sẻ với du khách để họ hiểu rõ hơn, trân trọng hơn các yếu tố về bản sắc văn hóa bản địa hài hòa với phong cảnh tại địa phương.

Sơn Trà còn là một hòn đảo có không khí trong lành, các bãi tắm sạch đẹp và nguồn nước tự nhiên phong phú, càng tăng thêm những điều kiện để xây dựng bán đảo Sơn Trà thành khu nghỉ mát, tham quan du lịch sinh thái (xem thêm Lê Huy Bá, 2006). Bảo tàng Đồng Đình dựa trên những yếu tố thiên nhiên để phát triển đa dạng không gian sinh thái kết hợp với văn hóa để tạo cho riêng nơi đây một sự hài hòa nói riêng và là điểm nhấn đặc biệt trên bán đảo Sơn Trà này nói chung, góp phần cho thành phố Đà Nẵng có thêm sản phẩm du lịch xanh nhằm bổ sung và đa dạng hóa các loại hình du lịch tại địa phương, theo đó cũng là một loại hình dịch vụ du lịch của tương lai.

1.         Quan niệm bảo tàng của Đoàn Huy Giao

Bảo tàng Đồng Đình có diện tích rộng gần 10.000 m2, nằm trên một vùng đồi nhìn ra biển tại rừng cấm quốc gia Sơn Trà. Đây là một trong hai bảo tàng ngoài công lập ở Đà Nẵng (bên cạnh bảo tàng Văn hóa Phật Giáo vừa mới hình thành) trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm đến 2.500 năm, thuộc các nền văn hóa Đại Việt, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa khác trong khu vực.

Chủ nhân của bảo tàng - nhà thơ, đạo diễn Đoàn Huy Giao từng được biết đến như một người say mê sưu tầm đồ cổ và hội họa. Tưởng như đây chỉ là thú tiêu khiển như bao nhà sưu tập không chuyên khác nhưng không ngờ ông đã quyết tâm tạo cho mình một không gian trưng bày bảo vật của miền Trung - Tây Nguyên mà ông đã trải nghiệm sau những chuyến đi làm phim tài liệu truyền hình.

Cái tên lạ lùng “Đồng Đình” được Đoàn Huy Giao giải thích là tìm lại bằng chính hình ảnh cây đùng đình (tên khoa học caryota mitislour) sống rất thịnh tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, được ông gọi là “Khu vườn của ký ức”. 

Xuất phát từ cái nhìn đầy ưu tư của ông về việc đô thị hóa rất nhanh của thành phố Đà Nẵng trong những năm gần đây. Nhiều tòa nhà cao tầng được mọc lên cùng với đó là những con đường được mở rộng tạo nên một đô thị nhộn nhịp phát triển mạnh mẽ nhất tại dải đất miền Trung, nhưng cũng có nguy cơ phá vỡ các giá trị mong manh về văn hóa và sinh thái tự nhiên rừng của thành phố xinh đẹp này. Ông mạnh dạn đề xuất xây dựng bảo tàng tư nhân mà ông là chủ dự án với chính quyền thành phố Đà Nẵng và được chấp thuận cấp phép. Khu bảo tàng trở thành không gian văn hóa kết hợp với không gian sinh thái, làm sao để không phá vỡ cấu trúc tự nhiên mà còn dựa vào địa hình đó để tạo được không gian văn hóa trên nền cảnh quan độc đáo mang tính bản địa.

Đoàn Huy Giao chia sẻ về quan niệm làm bảo tàng là tạo ra không gian sinh thái (cây cỏ, chim thú, suối nước...) kết hợp với bảo tàng văn hóa (cổ vật, tác phẩm mỹ thuật, hiện vật dân tộc học...) do vậy ông lựa chọn phương án xây dựng các công trình không làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên của rừng quốc gia Sơn Trà: Kiến trúc nhà vườn dựa trên yếu tố về địa hình đồi núi như suối, các loại cây bản địa được bảo tồn, thảm cỏ tự nhiên được chăm chút quanh lối đi trong vườn bằng các hàng chè tàu được cắt tỉa cẩn thận, giữ xanh cho khu vườn. Ngoài ra, ông còn cho đào ba cái ao để tạo phong thủy theo mô hình một khu nhà vườn trung du xứ Quảng. Sự hài hòa trong mối quan hệ giữa không gian thiên nhiên với không gian văn hóa, thiên nhiên với con người và con người với văn hóa giúp cho con người thoát ra khỏi cuộc sống tấp nập ngột ngạt của phố thị hiện đại, đồng thời, có thể chiêm quan thế giới cây cỏ được chăm chút khá hài hòa công năng kiến trúc với công năng sinh thái. Việc xây dựng nên bảo tàng được ông nói ngắn gọn là: “Mỗi câu chuyện của hiện vật sẽ tạo ra một ký ức”. Ký ức nằm sâu đâu đó trong mỗi người xem (xem thêm Đoàn Huy Giao, 2016).

2.         Không gian xanh của bảo tàng Đồng Đình

2.1. Kiến trúc nhà vườn - bản địa và quốc tế

Bước vào không gian nơi đây, bạn sẽ được tận hưởng những nét đẹp thiên nhiên như còn ban sơ. Khóm lồ ô uốn cong rì rào trong gió, văng vẳng bên tai tiếng suối Bụt róc rách chảy, chim hót líu lo đưa du khách hòa mình vào thế giới thiên nhiên hoang sơ, yên tĩnh lạ thường. Những con đường rải sỏi nho nhỏ chạy quanh co giữa thảm cỏ tóc tiên, những cây mùi tàu bên dưới vô số cây rừng cao sừng sững... Trong một môi trường xanh mát, trong lành khiến cho du khách cảm giác như vừa rời bỏ phố thị ồn ào cách đó hơn 1 km để bước vào một khu rừng tịch mịch, thâm u. Tạo được cảm giác đó là nhờ  khu vườn rừng đá tảng dành cho nhóm bạn hoặc gia đình sau khi tham quan bảo tàng có thể thư thái ngồi nghỉ ngơi để nghe tiếng gió của lá và tiếng hót của chim rừng. Khu vườn “ký ức” mang dáng dấp về một kiểu nhà vườn Quảng Nam pha trộn và biến tấu theo phong cách của vườn Thiền Nhật Bản.

Nhà vườn Nhật Bản vốn hướng về tự nhiên là xu hướng chủ đạo trong kiến trúc Nhật Bản suốt chiều dài lịch sử. Mối quan hệ giữa ngôi nhà và môi trường, cụ thể nhất là vườn - khía cạnh quan trọng trong thiết kế truyền thống. Người Nhật không tách rời không gian nội thất với ngoại thất, vườn và nhà mang tính liên tục. Các khối đá xếp chồng và nhô ra giữa thảm cỏ làm nền cho những thân cây cổ thụ xòe tán rộng vừa gợi cảm như lối kiến trúc vườn đá Nhật Bản vừa mang dáng dấp khu vườn ngõ đá trung du ở Tiên Phước như là một hoài niệm tinh thần về một không gian thấm trĩu ký ức xanh mát. Đoàn Huy Giao quyết định giữ nguyên nguyên liệu rừng quốc gia Sơn Trà với đồi núi, cỏ cây, dòng suối và sửa sang đôi chút tạo thành một khu vườn: con suối vốn có được dẫn theo dòng chảy đổ xuống ba cái hồ tự tạo, đảm bảo được yếu tố phong thủy theo hướng “thủy tụ” (nước đọng lại một chỗ là điều lành); chọn lựa khá kỹ càng các loại cây bản địa để trồng gần các hồ tạo cho nó vẻ tự nhiên, giúp nó thích hợp và phát triển nhanh với môi trường ẩm, đặc biệt loại cây này giữ nước và bám rễ khá sâu vào lòng đất, rất hữu hiệu cho việc giữ đất không bị xói mòn sau những lần mưa bão. Như vậy, từng phiến đá, dòng suối, cái cây, ngọn cỏ... cũng tham dự vào không gian như những hiện vật sống động của sinh thái bản địa.

2.2. Kiến trúc nhà trưng bày - truyền thống và hiện đại

Hai nhà rường cổ xưa xứ Quảng theo phong cách kiến trúc của làng mộc Kim Bồng nổi tiếng dành trưng bày các sưu tập gốm cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, gốm Chămpa, gốm Đại Việt, gốm mậu dịch... tìm thấy trong đất và lòng biển miền Trung được các chuyên gia giám định cổ vật lập phiếu xác nhận niên đại và nội dung xuất xứ (Đoàn Huy Giao, 2016). 

Miền Trung đầy nắng, gió lại hay bị bão của khí hậu nhiệt đới gió mùa nên thiết kế nhà với mái cao cong sẽ cách được nhiệt từ trên mái phả xuống phía dưới vào mùa hè, cửa rộng để đón gió từ bên ngoài vào trong, mái hiên bè thấp để cản mưa gió vào mùa mưa bão. Tất cả đều thuận theo phong thủy, phù hợp với âm dương ngũ hành là những điều kiện tốt cho người sử dụng. Qua việc sử dụng nhà rường cổ làm không gian trưng bày, ông còn muốn lưu giữ lại những tinh hoa, bảo tồn những đặc điểm kiến trúc truyền thống giữa một thành phố đang phát triển và có nguy cơ mất dần những giá trị cổ truyền.

  Bên cạnh hai căn nhà rường của người Quảng, Đoàn Huy Giao thiết kế một ngôi biệt thự trên đồi đá tảng và rừng cây. Ba phòng của ngôi biệt thự có nền cao thấp khác nhau tuân theo địa thế của khu đất. Điểm nhấn đặc biệt của công trình là cho những tảng đá lớn thâm nhập vào bên trong nội thất như một sự tham gia của thiên nhiên vào không gian của ngôi nhà. Công trình kiến trúc độc đáo này đã được các nhà sinh thái học, các kiến trúc sư trong và ngoài nước có dịp đến thăm, đánh giá cao khả năng biểu cảm của nó (Trí Tín, 2011). Công trình này dùng để trưng bày các tác phẩm sưu tập tranh tượng của các họa sĩ Đinh Ý Nhi, Đặng Việt Triều, Từ Duy... và là nơi luân phiên trưng bày tác phẩm mỹ thuật của các tác giả khác.

Có thể nói với óc sáng tạo và những trải nghiệm về các phong cách văn hóa, kiến trúc khác nhau, chủ nhân bảo tàng đã làm cho các công trình trưng bày hết sức hài hòa độc đáo. Đó là sự kết hợp cổ kim - nhà rường cổ người Quảng trưng bày hiện vật cổ đối thoại với kiểu biệt thự sinh thái trưng bày tác phẩm hiện đại làm nên nét chấm phá đặc biệt về một kiểu bảo tàng trong không gian sinh thái.

2.3. Nhà sàn để quản lý và làm việc - chiều sâu không gian văn hóa rừng miền Trung - Tây Nguyên

Hạng mục khu nhà ở, nhà làm việc làm cho khách du lịch cảm nhận được sự khác biệt rất đặt trưng của nhà sàn các dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên.

Từ thời vua Hùng, nhà sàn đã là nơi cư trú, che nắng, che mưa, ngăn thú dữ, là nơi sum họp gia đình. Vật liệu để xây cất nhà sàn rất đơn giản, thường là gỗ, song, mây, tre, bương, vầu... hài hòa với môi trường được khai thác trong các rừng nhiệt đới. Tuy được dựng từ những vật liệu đơn sơ như vậy, nhưng nhà sàn vẫn rất vững chãi nhờ sự hợp lý trong việc tạo tỉ lệ trong kết cấu khung gỗ “hai vì kèo tạo thành một gian, và vì kèo dựa trên hệ thống cột, bao gồm cột chính và cột phụ” (Phan Cẩm Thượng, 2015, tr 460). Mái của nhà sàn thường có độ dốc lớn, có dạng 2 mái, 3 mái hay 4 mái với vật liệu để lợp thường là lá gồi, tranh hay ngói âm dương... Việc tạo độ dốc lớn như vậy nhằm tạo điều kiện cho nước mưa thoát đi nhanh nhất, đồng thời tận dụng không gian bên trong bằng cách gác thêm các tấm ván để chứa ngô, khoai, thóc, lúa và công cụ đi rừng.

Am hiểu những điều ấy, Đoàn Huy Giao đã tạo cho mình một căn nhà sàn khá đặc biệt tại phần dốc của bảo tàng nhằm khắc phục nhược điểm về địa hình, đồng thời  tạo điểm nhấn đặc sắc hơn cho bảo tàng của mình. Phần nhà sàn của ông không khác mấy so với những nhà sàn bình thường nhưng quy mô của nó nhỏ hơn, ông cho mở cửa ở ba mặt của nhà sàn nhằm đưa không gian thiên nhiên, sinh thái bên ngoài vào trong nhà sàn. Với tông màu chủ đạo chính của căn nhà sơn màu xanh lá non được sơn phủ bề ngoài càng làm tăng thêm độ xanh tổng thể của khu bảo tàng sinh thái Đồng Đình. Nhà sàn này là nơi ông làm việc và tiếp khách, không gian căn nhà chỉ vỏn vẹn chưa đến 30 mét vuông nhưng khi bước vào chúng ta không cảm thấy chật hẹp tù túng mà ngược lại khách tham quan sẽ cảm thấy sự thoải mái mát mẻ bởi không gian sinh thái cây cỏ, chim chóc đang bao phủ lấy ngôi nhà.

Ngoài căn nhà sàn dùng để làm việc thì vẫn còn một căn nhà khác là nhà quản lý kết hợp trưng bày những bộ sưu tập dân tộc học khá đa dạng về văn hóa các dân tộc thiểu số miền Trung - Tây Nguyên. Kiến trúc và vật liệu của ngôi nhà sàn này cũng không khác nhiều so với ngôi nhà ở trên, vật liệu vẫn được làm từ tre nứa... Nhưng điều đặc biệt thật sự ấn tượng với ngôi nhà này khi tác giả không trau chuốt nhiều về hình thức, vẫn là màu tre nứa và lá dừa, bên trong trưng bày các hiện vật dân tộc học về người thiểu số. Bên ngoài căn nhà ông treo một đầu trâu và nhiều mặt nạ mang nhiều biểu tượng cảm xúc khác nhau, thể hiện tinh cốt văn hóa rừng nguyên sơ của người bản địa Tây Nguyên.

2.4. Ký ức làng chài

Đó là khu trưng bày gắn liền với tên tuổi của thành phố: Thành phố biển.

Khu trưng bày đã lần ra “căn cước” của làng chài cổ Nam Thọ, nơi bảo tàng đứng chân. Một làng chài truyền thống của thành phố biển Đà Nẵng. Nơi đây trưng bày những hiện vật được ông sưu tầm tại chỗ, những câu chuyện về làng nghề biển thông qua các công cụ làm cá và hình ảnh về gia đình ngư dân từ đầu thế kỷ 20... tạo ra một vùng ký ức thân thuộc chưa xa của người dân Đà Nẵng: ký ức làng chài. Điều đầu tiên khi đến nhà ký ức làng chài, đập vào mắt chúng ta là hình ảnh chiếc bóng nước nổi, một vật dụng quen thuộc của người dân vùng biển kèm theo đó là những chiếc phao nhỏ dùng để nổi các tấm lưới được mắc vào hai cây xanh như một sự chào mừng thân quen. Đi sâu vào trong, băng qua những phiến đá gập ghềnh mọi cảm xúc ùa về, về một thời tuổi thơ, về một làng chài, về những vật dụng quen thuộc của người dân vùng biển: thúng, lưới, quang gánh, đèn biển, rổ, chum làm mắm, cần câu, dây... Tất cả những vật dụng thân thiết gắn liền với ngư dân miền Trung. Ngôi nhà được trang trí thô sơ nhưng chân thực, tất cả quen thuộc đến lạ thường. Nhà ký ức làng chài được làm từ vật liệu 2 con thuyền gỗ, 3 con thuyền nan, 5 chiếc thúng chai đã hết đời đi biển. Bản thân ngôi nhà, như ông nói cũng là một hiện vật chứa đựng những ký ức của ngư dân gắn liền cuộc đời mình với sóng to gió cả để mưu sinh như nỗi niềm đau đáu “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”.

Từ trên cao nhìn xuống ta có thể nhìn thấy bao quát phía dưới chân Đồng Đình là những làng chài phường Thọ Quang, Mân Thái nổi tiếng của Đà Nẵng từ xưa đã vượt qua bao thăng trầm. Do vậy, Ký ức làng chài là một phần gây ấn tượng bên chân núi Sơn Trà giữ lại những hình ảnh của ngư dân ở một góc nhỏ Đồng Đình mà cũng có thể gợi ý cho một bảo tàng nghề cá?

2.5. Ký ức quê nhà

Công trình ký ức quê nhà với hiện vật là chiếc xe đạp cũ mà em trai của ông Đoàn Huy Giao dùng trong công việc đồng áng nặng nhọc ở quê nhà cho đến khi em ông đã qua đời được an nghỉ trên nghĩa trang ở quê. Hiện vật này cùng những bức ảnh cũ của chính gia đình ông được ông sưu tập và trưng bày (những bức tranh làng chài đến những hình ảnh người Chăm xưa, được chụp vào những năm 1908 - 1910 - đã tạo ra những hình thân thương bên cạnh bộ bàn ghế nhỏ ở khung cảnh mộc mạc tựa như ngôi nhà nhỏ của một vùng quê) hé lộ một chân dung của chính ông mà ông gọi là “ký ức quê nhà”. Chính là kể một câu chuyện nào đó để chia sẻ với người xem về một làng quê nghèo nơi sinh ra ông. Đây là một thể nghiệm theo cách làm bảo tàng hiện đại, và cách làm bảo tàng mới mẻ ấy khiến nhiều chuyên gia bảo tàng học nước ngoài (ví như khóa trải nghiệm của sinh viên Đại học Queensland (Úc) (Chu Thụy, 2016) thích thú với sưu tập này.

Vậy điều gì làm động lực cho Đoàn Huy Giao xây dựng nên bảo tàng

Đồng Đình? Đó chính là ký ức. Khu vực này cũng chính là chỗ gần ngôi nhà nhỏ trước năm 1975 của ông, ngày xưa ông đã từng làm vườn, đào ao thả cá ở dưới chân núi và lên đây lấy củi, trồng cây. Lúc đó, những năm đầu 1970, ban ngày ông sang Đà Nẵng làm báo, chiều tối và ngày nghỉ ông quay về với vườn, với núi. Sơn Trà luôn gợi trong ông những kỷ niệm khó quên thời trai trẻ. Quê Đoàn Huy Giao ở vùng ven biển huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Nơi đó có dãy núi Thình Thình đầy huyền thoại vốn in đậm trong những kỷ niệm tuổi thơ. Bởi vậy, không gian mở của Ký ức làng chài và Ký ức quê nhà gợi ra bao nhiêu suy tưởng với câu ca dao đau đáu lòng người: Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Lòng ta thương nhớ bậu nước mắt và lộn cơm hay Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre/ Tham Hội nhiều lúa Châu Me nhiều tiền.

 

Đoàn Huy Giao chia sẻ, mục đích của dự án Bảo tàng Đồng Đình là tạo thêm một địa chỉ văn hóa góp phần vào diện mạo văn hóa của Đà Nẵng, kết hợp giữa du lịch văn hóa và cảnh quan sinh thái bản địa. Nhưng vượt ra khỏi ý định đó, bảo tàng như là một hoài niệm sâu xa về không gian xanh hài hòa với cỏ cây truyền thống Phương Đông, thức dậy cho chúng ta một ký ức xanh mà trong quá trình đô thị hóa, đôi khi con người đã lãng quên. Trong thời đại văn minh kĩ trị, “trần trụi” giữa “rừng bê tông”, bị giam hãm giữa máy móc và sự cỗi cằn, chúng ta đang trở nên bất an hơn bao giờ hết. Sự biến mất của thiên nhiên khiến cho con người đánh mất tinh thần, đánh mất tâm hồn, đánh mất ký ức, đánh mất quá khứ... Vậy nên một vùng ký ức xanh mát trong không gian văn hóa Đồng Đình nhắc nhở chúng ta về sự mong manh của tự nhiên. Khi mà Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bảo tàng Đồng Đình giúp nhận thức lại cách sống hài hòa với thiên nhiên cây cỏ, có như vậy nhân loại mới có thể phát triển bền vững được.

 

T.T.A.N

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. GS.TSKH Lê Huy Bá chủ biên (2006), Du lịch sinh thái (Ecotourism), NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

2. Đoàn Huy Giao, Thuyết minh bảo tàng Đồng Đình

3. Đoàn Huy Giao (2016), Trao đổi của Đoàn Huy Giao trong chương trình Văn hóa Sự kiện và Bình luận, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1, phát sóng ngày 07/04/2016

4. Lê Thị Minh Lý (2004), “Bảo tàng sinh thái - một cách tiếp cận bảo tàng học mới”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 6,

trang 12 - 16.

5. Chu Thụy (2016), Căn cước văn hóa, http://baoquangnam.com.vn/van-hoa-van-nghe/van-hoa/201604/

can-cuoc-van-hoa-671628 (Truy cập ngày 10/04/2016)

6. Phan Cẩm Thượng (2015), Văn minh vật chất của người Việt, Tái bản lần thứ 5, NXB Tri Thức, Hà Nội.

7. Trí Tín (2011), Đồng Đình - bảo tàng cổ vật quý ở miền Trung, http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/dong-dinh-bao-tang-co-vat-quy-o-mien-trung-2201479.html (Truy cập ngày 3/8/2011)

 

* Bài viết của chúng tôi có kèm theo ảnh minh họa của bảo tàng, một số hình ảnh do chúng tôi chụp, một số hình ảnh do ông Đoàn Huy Giao cung cấp.

(Bài viết có sự tham gia của nhóm sinh viên Đại học Duy Tân: Ngô Đặng Duy Bảo,  Lê Văn Thắng, Phạm Thị Hồng Đào, Nguyễn Thị Minh An)

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân