Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn Hùng

07.03.2017

Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn Hùng

Kể từ khi các vấn đề liên quan kiến trúc cảnh quan đô thị được chú trọng thì cũng là lúc đô thị đứng trước nhiều thách thức và yêu cầu mới do thực tiễn đặt ra. Trong đó yêu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống luôn là mục tiêu hướng đến của tất cả các đô thị văn minh. Thực tế cho thấy, mặc dù công tác quy hoạch và thiết kế kiến trúc trong thời gian qua được thực hiện khá tốt, tuy nhiên chất lượng đô thị Đà Nẵng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng sẵn có và hiệu quả khai thác không gian cảnh quan là chưa cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng chính là tổ chức không gian đô thị chưa chú trọng đến chất lượng cảm nhận cảnh quan. Chất lượng cảm nhận cảnh quan không chỉ thể hiện qua việc cảm thụ về mặt thị giác mà còn được cảm nhận thông qua sự trải nghiệm bằng các giác quan khác. Ngoài ra không gian cảnh quan cần phải đảm bảo duy trì hoạt động giao tiếp và tăng cường cảnh quan hoạt động - như là một nhiệm vụ quan trọng của tổ chức kiến trúc cảnh quan (KTCQ) đô thị. Tất cả như là nhu cầu, nguyện vọng, văn hóa và lối sống của người dân Đà Nẵng. Và để nâng cao chất lượng cảm nhận cảnh quan, thiết nghĩ chúng ta cần có những giải pháp khoa học, cụ thể và chất lượng.

Từ việc tạo sức hút cho không gian và tăng cường các hoạt động giao tiếp

Ở bất cứ xã hội nào, dù cổ sơ hay hiện đại, giao tiếp trực tiếp giữa con người với nhau bao giờ cũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi xã hội. Mặt khác, với tư cách là một sinh vật xã hội, con người bao giờ cũng rất cần sự hợp tác và có thiên hướng hợp tác với người khác. Nghiên cứu xã hội học cho thấy, ở các xã hội hiện đại, khi con người ngày càng khẳng định “cái tôi”, thì họ càng cảm thấy cô đơn và càng có nhu cầu giao tiếp, càng có nhu cầu tìm sự bù đắp ở cộng đồng. Thực tế cho thấy xu hướng tổ chức không gian cảnh quan đô thị ngày càng nhiều nhà cao tầng, nhiều con đường 4-6 làn xe và nhiều quảng trường có sức chứa hàng vạn người với mong muốn tạo ra sự hoành tráng cho đô thị. Tuy nhiên, với kiểu không gian bị pha loãng và lan rộng như thế hoàn toàn trống vắng hoạt động giao tiếp xã hội. Các hoạt động riêng tư và công cộng bị phân tán vì không gian có kích thước quá lớn, khó hình thành các không gian giao tiếp - điều kiện để con người tìm đến với nhau, bộc lộ mối quan hệ giữa họ với nhau, đồng thời cùng nhau thỏa mãn những nhu cầu xã hội. Đường dành cho giao thông không thiếu nhưng không gian dành cho người đi bộ thì hạn chế, sự kết nối không gian bị ngăn cản do sự mất an toàn khi băng qua con đường quá rộng và xe lưu thông tốc độ quá nhanh, người dân không thể thiết lập những hoạt động thân tình và sử dụng kém hiệu quả các dịch vụ đô thị. Trong lịch sử phát triển đô thị, các đường phố và quảng trường có kích thước phù hợp với nhân trắc học từng là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống cho đô thị (đô thị châu Âu thời trung cổ, hay Hội An, Huế, 36 phố phường của Hà Nội là một ví dụ). Đường phố dựa trên mô hình tuyến tính theo sự vận động của con người và quảng trường dựa trên cơ sở khả năng của mắt có thể quan sát một khu vực, tai có thể nghe các âm thanh và mũi có thể phân biệt được các cửa hàng dọc phố.

Giải pháp tổ chức KTCQ có thể tạo sức hút và tăng cường giao tiếp xã hội nhờ xác định kích thước của đường phố và quảng trường một cách cẩn trọng trong mối quan hệ với tầm nhìn, tương quan nhân trắc học và số người sử dụng không gian. Cho nên trong công tác quy hoạch cần chú trọng việc lựa chọn địa điểm xây dựng, tiết kiệm diện tích xây dựng do tăng mật độ và chọn cấu trúc xây dựng, tạo nhiều khoảng xanh và can thiệp ít nhất vào thiên nhiên, là việc gìn giữ mặt nước và tổ chức không gian trống hai bên, là việc gìn giữ và bảo vệ nguồn nước ngầm... Là thành phố môi trường, việc tiết kiệm đất tạo mảng xanh cần phải đề ra và đặc biệt trong điều kiện đất đai quý hiếm của Đà Nẵng. Kiểu bố cục tập trung xung quanh một quảng trường hay sân tập trung truyền thống nên được chú trọng. Cường độ của sự trải nghiệm sẽ tăng lên khi kích thước không gian giảm. Ở không gian nhỏ bao giờ cũng thú vị hơn vì có thể nhìn thấy cả tổng thể và cả chi tiết, tìm ra một quán cà phê nhờ nghe rõ âm thanh phát ra hay nhận biết một cửa hàng ăn uống khi ngửi được mùi vị món ăn đặc trưng lan tỏa luôn mang lại cho ta sự thú vị. Bán kính hoạt động thông thường cho đa số người đi bộ nằm trong giới hạn 400 - 500m cho một chuyến đi, khả năng gặp những người khác và tiến trình của sự kiện giới hạn cự ly trong khoảng 20 đến 100m tùy thuộc vào những gì sẽ được trông thấy. Khoảng cách thông thường giữa các quầy hàng ở chợ và trong cửa hàng bách hóa là từ 2 đến 3m. Bên cạnh đó, về kiến trúc, xây dựng thì việc xác định giới hạn hợp lý của khu đất, là tận dụng những đặc điểm khí hậu của vùng xây dựng, là việc bố trí các hướng công trình. Trong cả quần thể có thể dùng những công trình cao tầng ở chu vi để che gió lạnh về mùa đông cho toàn khu. Những giải pháp được đề xuất là chọn cấu trúc xây dựng hợp lý, tạo sự liên kết về sinh học giữa không gian xã hội và sinh học cũng như chọn giải pháp cụ thể trong thiết kế nhà bằng những vật liệu sinh thái và quan trọng nhất là tăng cường mảng xanh.

 Đến việc tạo sự hòa nhập giữa các nhân tố tạo cảnh quan

Không gian cảnh quan tạo sự hòa nhập thu hút nhiều người sử dụng, hoạt động cùng nhau và truyền cảm hứng cho nhau. Ở khu phố cũ giao thông đi bộ cho phép hình thành một cơ cấu thành phố mà các thương gia và những người thợ thủ công, người giàu và người nghèo, người trẻ và người già đều nương tựa, sống và làm việc sát bên nhau tạo ra hệ sinh thái đô thị bền vững. Trái lại cơ cấu quy hoạch thành phố theo chủ nghĩa chức năng thể hiện sự tách biệt những chức năng khác nhau và kết quả là thành phố được chia thành các khu vực đơn lẻ. Khu dân cư trải dài liên tục trên các con đường với những nhóm dân cư đồng dạng, các khu công nghiệp đơn điệu tẻ nhạt và các khu vực thành phố giả, rộng lớn được xây dựng quanh một chức năng đơn lẻ như khu công nghệ cao, khu làng đại học là ví dụ về những khu đơn chức năng như vậy.

Cần tổ chức KTCQ tạo sự hòa nhập là làm sao có thể pha trộn tất cả các chức năng không gây mâu thuẫn với nhau hoặc không gây phiền cho nhau. Sự hòa nhập còn tạo ra sự kết nối giữa các nhân tố tự nhiên và nhân tạo, giữa không gian kiến trúc và không gian xanh, giữa yếu tố lịch sử với yếu tố đương đại... Sự hòa nhập sẽ cho con người cảm nhận được không gian cảnh quan một cách trọn vẹn. Bằng việc khai thông những không gian ngăn cách bờ biển hiện nay sẽ giúp cho du khách khi di chuyển trên tuyến cảnh quan ven biển, không chỉ được nhìn thấy màu xanh của biển mà còn được nghe được tiếng sóng biển, ngửi thấy vị mặn của biển hay cảm nhận độ nóng rát của nắng... Tất cả mang lại sự thú vị, hấp dẫn và khó quên. Cũng cần có sự tính toán kỹ về giao thông và về kiến trúc, xây dựng. Đó là sự hòa nhập còn mang lại cảm giác an toàn khi khai thác không gian cảnh quan. Đường phố với nhiều loại phương tiện, di chuyển với nhiều tốc độ khác nhau đảm bảo mức độ an toàn cao nhất, tạo ra sự an tâm khi tham gia giao thông hay an toàn cho bộ hành băng qua đường. Không gian cộng đồng có sự hòa nhập về thành phần, đối tượng, và văn hóa sẽ xóa bỏ sự kỳ thị, mang lại sự bình đẳng cho mọi người. Đó là việc khai thác các vật liệu xây dựng có nguồn gốc từ thiên nhiên (đá tự nhiên, gỗ, gạch không nung...) xen lẫn nhiều mảng xanh (cây xanh, mặt nước) trong thiết kế kiến trúc sẽ mang lại cho con người sống không gian gần gũi với thiên nhiên là xu hướng đúng nên tăng cường khai thác.

 Và tăng cường cảm nhận không gian cảnh quan đa chiều

 Con người cảm nhận không gian cảnh quan đa chiều được hiểu là sự cảm nhận thông qua nhiều giác quan của con người, đó là: xúc giác, thị giác, khứu giác, thính giác và vị giác. Dù cảm nhận bằng mắt thị giác là rất quan trọng trong nhận thức về không gian, nhưng không thể thiếu sự hỗ trợ và kết hợp của các giác quan khác nữa. Bằng thị giác, con người cảm nhận chiều sâu của không gian, qua cách thức mà không gian được giới hạn; những vật ở gần trông rõ và to hơn những vật ở xa. Quy luật thị giác được hình thành một cách bản năng và hỗ trợ việc xây dựng mô hình không gian của những đối tượng được quan sát trong ý thức. Bằng thính giác, khi di chuyển trong không gian, con người nghe thấy các âm thanh được phản xạ hoặc hấp thụ bởi các bức tường xung quanh, cho phép nhận thức về không gian cho dù không nhìn thấy những bức tường đó. Âm nhạc cũng có thể ảnh hưởng đến cảm nhận không gian. Bằng khứu giác, con người cũng liên hệ những mùi vị nhất định với những địa điểm nhất định. Di chuyển trong không gian, con người cảm nhận được nền đất mềm hay cứng, hay có thể cảm nhận cái lạnh của một mảng tường ốp đá khác cái lạnh đều đều của phòng điều hòa nhiệt độ... Ngoài khả năng thu nhận âm thanh, thính giác còn có vai trò quan trọng trong việc trao đổi liên lạc thông tin giữa người với người cũng như giúp tâm hồn thư giãn khi nghe những lời nói dịu hiền hoặc những điệu âm nhạc nhẹ nhàng. Thật thú vị khi du khách tham quan được cảm nhận và trải nghiệm không gian cảnh quan đô thị với nhiều cung bậc của cảm xúc: từ mùi vị của biển (làng chài Nại Hiên Đông), âm thanh khàn khàn của tiếng chạm khắc đá (làng đá Ngũ Hành Sơn), hương thơm phảng phất của những luống hoa (làng hoa Phước Mỹ) hay tiếng chuông chùa ngân lên trong không gian tâm linh tĩnh mịch (Chùa Non Nước). Nhận biết về không gian của mỗi người sẽ được giảm bớt nếu tín hiệu thị giác bị hỗn loạn hay âm thanh bị hòa lẫn.

Tổ chức KTCQ với yếu tố sinh thái môi trường không chỉ đơn thuần dựa trên nguyên tắc của thẩm mỹ không gian mà còn phải dựa trên khả năng cảm thụ của con người, trong đó phải biết khai thác khả năng cảm nhận thông qua hệ thống giác quan: mắt nhìn thấy sự vật, tai nghe âm thanh, mũi ngửi thấy mùi vị, da cảm nhận được thay đổi thời tiết... Tất cả các cảm nhận này đều mang lại sự thích thú khi trải nghiệm trong không gian cảnh quan, tạo ra sự phong phú tổ chức hoạt động cho đô thị. Nếu biết vận dụng trong các thiết kế sẽ góp phần quan trọng tạo lập bản sắc đậm nét cho đô thị Đà Nẵng trong tương lai.

 T.V.H

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân