Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt Thư

07.03.2017

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt Thư

“Khi về hỏi liễu Chương đài,

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay”.

(Kiều - Nguyễn Du)

 

M ùa xuân năm 759, Hầu công - Tiết độ sứ Bình Lư về kinh thành Trường An tạ ơn vua đã gia phong chức tước cho mình.

Kinh thành cẩm tú đã nức tiếng thiên hạ dưới thời thịnh Đường nay xơ xác sau  cuộc nổi loạn của Tiết độ sứ An Lộc Sơn. Thái tử Lý Hanh nhờ các dũng tướng tôn phù lên ngôi, xưng hiệu là Đường Túc tông, ông đã tái chiếm kinh đô năm 757 và cai quản vương quốc thay cho vua cha Đường Huyền tông đã già cả bạc nhược.

Huyền tông vì si mê Dương quý phi mà gây loạn. Hoàng đế vì quá phóng đãng nên không thỏa lòng ham muốn của mỹ nhân, thị lại thông dâm với An. Gã vốn người Đột Quyết cường tráng, bạo liệt. Ông lại nghe lời nỉ non của nàng gia phong chức tước cho hắn. U mê đến thế là cùng.

Tin tưởng giao cho An làm vương một cõi, tất cả cũng từ người đẹp tu hoa. Nhưng lòng tham không thỏa, hắn muốn làm thiên tử để có cả vương quốc và có nàng liền tạo phản. An chiếm được cả kinh thành. Nhà vua phải bôn tẩu về Thành Đô lánh nạn; nhà Đường của tổ phụ của ông ra công gầy dựng bao năm có nguy cơ sụp đổ; vương tộc tan nát; chúng dân lâm vào thảm cảnh đầu rơi máu chảy.

Trên đường chạy trốn đến Mã Ngôi dịch tướng sĩ nổi loạn không tuân lệnh thiên tử, bắt giết anh họ của Quý phi là Tể tướng Dương Quốc Trung và ông đành phải nghe lời họ cho Dương Quý phi tự ải.

Hầu công tướng mạo oai phong, thân cao bảy thước, tài kiêm văn võ thuộc hàng nho tướng. Đã từng là tùy tướng của An Lộc Sơn khi An được phong Tiết độ sứ Phạm Dương cai quản cả 3 đạo lớn. An được Dương mỹ nhân tỉ tê tâng bốc với Huyền tông để ông mê dại mà tin. Khi hắn làm phản, Bình Lư là vùng đất thuộc quyền, Tiết độ sứ Từ Quy Đạo theo An chống lại triều đình. Hầu mưu cùng chư tướng giết Từ rồi kéo cờ Đường. 

 An Lộc Sơn nổi giận cho quân tiến công thành Bình Lư, quân triều manh mún thụ địch khắp nơi không đường cứu viện, Hầu liên kết được với tộc Hề và Khiết Đan đánh tan quân địch và tiến chiếm Thanh châu. Uy danh vang dội.

Về kinh, Lý tướng quân mộ tiếng đến vấn an. Qua vài tuần mỹ tửu nghe Hầu sang sảng đọc thơ Lý liền giới thiệu bạn mình là danh sĩ Hàn Hoành với Hầu.

Hàn thi thư làu thông, chữ viết đẹp như rồng bay phượng múa, phong thái quân tử, hào hoa nhưng đường công danh lận đận, mới đỗ Tú tài, mấy lần thi cử nhưng vì lời lời phóng khoáng nên chưa đỗ đạt. Qua vài lần thù tiếp hỏi han Hầu biết được chuyện của Hàn thập phần cảm khái.

Hàn lên kinh đô ứng thí, trọ ở phố Chương Đài, ngẫu nhiên bên nhà Liễu ca nương là thiếp yêu của Lý tướng quân. Nàng vốn xuất thân danh gia, là một tiểu thư đài các; thi thư rành rẽ lại có giọng ca thiên phú và luyện được ngón đàn tỳ bà mê hoặc lòng người. Nhưng triều đình lại là nơi tranh giành quyền lực khốc liệt, phụ thân  nàng bị vạ lây vì vị đại thần tiến cử bị hãm hại, thế là gia đình tan nát, nàng phải nương nhờ kỹ viện. Với nhan sắc diễm lệ, đàn hát ru hồn, nổi danh tài sắc, được Lý tướng quân cảm thương nên cưu mang đùm bọc.

Tình vướng thi thư, đêm đêm nàng nghe Hàn đọc những bài thơ bi tráng ưu tư cho số phận long đong của mình nên lòng đầy vương vấn. Liễu khéo léo giới thiệu với Lý và ông mời Hàn qua nhà cùng thù tạc. Thấy họ tâm đầu ý hợp; tri âm tri kỷ, Lý mở lòng nhân mà kết đôi cho họ. Hàn sững sờ từ chối dù trong lòng mừng vui vô hạn. Lý cười: “Hàn huynh là bậc danh sĩ hiện nay mà Liễu thị cũng là một danh sắc. Lấy danh sắc mà sánh duyên cùng danh sĩ thì chẳng đáng lắm sao?”.

Nghe thế, Hàn hết sức ngỡ ngàng nhưng vẫn khăng khăng từ chối. Lý lại nói: “Đấng trượng phu thân nhau trong chén rượu, nếu được một lời nói hợp ý thì người ta cũng có thể lấy cái chết mà hứa với nhau. Nay tôi chỉ tặng Hàn huynh một người đàn bà trong nhiều người đàn bà của tôi, còn huynh thì quá đơn chiếc. Có gì thái quá đâu mà huynh lại từ chối, chẳng hóa ra phụ lòng tôi hay sao?”.

Lý thành tâm tác thành cho Hàn và Liễu kết duyên phu phụ. Ông lại nói riêng với Hàn: “Ông cứ chịu nghèo mãi thế này thì làm sao mà bay nhảy được. Liễu nương có vốn riêng độ vài trăm vạn ta cho, ông cứ lấy ra mà tiêu dùng. Nàng là một người đàn bà hiền thục, tôi chắc rằng nàng sẽ hết lòng với ông”.

Rồi Lý tướng quân từ biệt hai người. Hàn, Liễu rưng rưng lạy tạ  về cái ơn cao cả ấy. Từ đó Lý không lui tới nhà Liễu thị nữa. Hàn qua ở cùng Liễu thị, hai người chính thức sống với nhau trong tình nghĩa vợ chồng. Tình yêu của họ ngày càng thắm thiết, gắn bó như đôi uyên ương liền cánh. Nhiều lúc Hàn càng ngẫm càng thấm thía; dặn lòng không nên coi thường ban võ và giận mình chỉ biết văn chương, sức trói gà không chặt.

Nghe chuyện xong Hầu cảm phục liền xin Lý về với mình và nhận Hàn làm Viên ngoại lo việc sổ sách cho đạo Bình Lư. Đường xa lại đang loạn lạc, tạm để Liễu thị lại kinh đô cho an toàn và hẹn ngày tái hợp. 

Thời ấy các Tiết độ sứ như là ông vua một đạo, có quân đội riêng, thu thuế riêng nên quyền lực lớn lắm, họ như một tiểu vương; cát cứ một vùng nên coi thường mệnh lệnh của triều đình, đến vua cũng phải e ngại. Hầu cũng thế nhưng xuất thân là nho tướng, theo nghĩa tam cương nên trung thành với thiên tử. 

Tháng 5 năm 762, nhờ công lao Hầu được vua Túc tông phong ông làm Bình Lư, Tri Thanh Tiết độ sứ, quản 6 châu là Thanh, Tri, Tề, Nghi, Mật, Hải.

Loạn An - Sử bình chưa xong, đã 3 năm mà Hàn - Liễu chưa một lần tái ngộ, lòng nhớ thương chất ngất, Hàn không rõ nàng còn chung thủy với mình không hay đã ôm cầm sang thuyền khác. Nhân Hầu sai người về kinh đô bái tạ thiên tử Hàn liền viết bài thơ gởi Liễu nương:

“Chương Đài Liễu, Chương Đài Liễu

Tích nhật thanh thanh kim tại phủ

Túng sứ trường điều tự cựu thùy

Dã ưng phan chiết tha nhân thú”?

 

(Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài

Còn chăng thưở trước vẻ xanh tươi

Thướt tha vẫn giống như năm nọ

Vin bé đành tay kẻ khác rồi?)

Liễu nương nhận được thư Hàn, xem mấy câu thơ ấy biết chồng có ý lo sợ mình phụ bạc chàng. Đau đớn vì chàng không hiểu lòng mình nàng liền viết thư hồi âm, có mấy câu:

“Dương liễu chi, phương chi tiết

Khá hận niên niên tặng ly biệt

Nhất diệp tùy phong hốt báo thu,

Túng sứ quân lai khởi kham chiết”.

 

(Nhành dương liễu, trạc xuân xanh

Đeo đẳng bao năm mối biệt tình.

Chiếc lá gió đưa, thu đã tới

Chàng về chưa chắc được vin cành).

Buồn bã vì chồng không tin vào sự thủy chung son sắt của mình nàng xuống tóc xin vào chùa nương thân để khi chàng về cũng chưa chắc được có nàng vì lòng tự trọng  và cũng là để tránh lũ bướm ong thường hay đến buông lời tán tỉnh.   

Nhưng hồng nhan vốn bạc phận. Phiên tướng Sa Tra Lợi nhờ làm phản An Lộc Sơn rồi về hàng triều đình và có công giúp Túc tông thu phục lại Trường An nên được nhà vua biệt đãi và cho về ở kinh đô để phòng hậu họa. Hắn vốn dân Nhung Địch, đời sống buông thả vô pháp quen thân, gặp nàng liền mê mẩn tâm thần liền cho quân bắt nàng về làm thiếp, nàng dạy hắn về sự hòa hợp bởi tình yêu; sự cảm thương tự đáy lòng và dọa tự vẫn nếu hắn cưỡng ép, hắn đành cho lập phủ riêng cho nàng để thu phục mỹ nhân đất Trung nguyên văn vật. Nàng than khóc định quyên sinh để bảo toàn danh tiết nhưng rồi nỗi nhớ thương chồng khiến nàng nấn ná; mong gặp lại một lần nói đôi câu vĩnh biệt mới thỏa lòng ra đi, đành lần lữa tìm kế hoãn binh.

Hầu công sau đó tham gia cùng quân triều đình đánh dẹp Sử Triều Nghĩa, chấm dứt loạn An Sử, nhờ thế được gia phong Kiểm giáo Công bộ Thượng thư, được ban thực ấp, vua lại cho vẽ hình treo tại Lăng Yên các.

May cho nàng Liễu, mùa xuân Hầu được triệu về kinh đô công cán, ông đem Hàn theo về. Đến lại ngôi nhà cũ hỏi biết sự việc đau lòng Hàn buồn vô hạn, hận mình hèn yếu, chiều chiều vẩn vơ nơi phố Chương Đài, hoài niệm một thời phu thê hạnh phúc. Rồi một chiều nàng về thăm lại nhà xưa, họ lại được nhìn thấy nhau và nàng hẹn chiều mai gặp lại. Ngại lộ việc vì tay chân của Sa tướng nàng chỉ nói được một lời son sắt và vĩnh biệt chồng sau khi được tỏ tường gương mặt lang quân yêu dấu và ném cho chàng chiếc khăn tay hồng đẫm lệ.

Chiều đó rượu cùng bầu bạn Hàn nước mắt lưng tròng, tay vân vê chiếc khăn có thêu bài thơ của hai người dạo nọ, bên tai văng vẳng lời nàng: “...gặp nhau lần cuối”. Bằng hữu hỏi thăm Hàn liền nức nở kể lại sự tình.

Bỗng một tiếng “xoảng” rợn người. Một viên tướng trẻ đứng phắt dậy phẫn nộ giọng như trống vỡ: “Ở giữa chốn kinh đô phồn hoa mà cũng có chuyện bất bình ấy hay sao? Tiểu nhân vốn tài hèn sức mọn nhưng cũng xin được ra tay đem phu nhân về cho Hàn viên ngoại, xin huynh hãy viết cho tôi mấy chữ để làm tin với phu nhân. Nếu việc không thành, tôi nguyện nát thân như chiếc chén ấy”.

Mọi người tán thưởng, Hàn mụ mị đưa cho Hứa tướng quân chiếc khăn tay đẫm lệ. Hứa phi ngựa như bay đến biệt phủ. Lại may không có Sa Tra Lợi ở đó. Xộc vào loan phòng giật phắt lấy dải lụa trắng từ tay Liễu thị đang chuẩn bị tự vẫn, đưa nàng chiếc khăn tay làm tin rồi Hứa bồng phắt nàng lên ngựa phi nước đại về dinh Hầu công. Họ ôm nhau mừng mừng tủi tủi. Bằng hữu hoan hô nhiệt liệt và  rượu lại tuôn như suối nhưng lòng ai nấy đều mang nhiều âu lo.

Hôm sau họ cầu khẩn Hầu ra tay cứu giúp, nghe việc làm nghĩa khí của Hứa tiểu tướng ông cười ha hả: “Hảo! Hảo! Đúng là con nhà tướng. Thật hợp ý ta”.

Ông liền làm biểu dâng lên vua, tố cáo Xa kỵ tướng quân Sa Tra Lợi ỷ thế làm càn, cướp đoạt vợ người. Vua Ðại Tông xem biểu, suy nghĩ một lúc đoạn phê vào tờ biểu: “Ban cho Sa Tra Lợi hai ngàn tấm lụa; còn Liễu thị thì trả về cho Hàn Hoành”.

Hàn Liễu được hưởng xuân nồng trong mùa xuân tươi đẹp của đất trời ban tặng.

Thiên hạ nhiều người biết về điển tích Liễu Chương Đài, về một tình nghĩa phu thê sắt son tiết liệt qua mấy vần thơ. Còn sự mã thượng, công lao và sĩ khí của các tướng Hầu, Lý, Hứa thì chẳng ai nhớ đến. Đúng là thi thư đi vào hồn người thì lưu danh thiên cổ.

Đ.N.T

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân