Lễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích Nhàn

07.03.2017

Lễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích Nhàn

Thằng Tân sướng thiệt bây ơi!

- Sướng dụ gì?

- Mới được đi xem đua ngựa, giờ lại chuẩn bị đi coi đua thuyền! Đua gì đua dữ không biết, cứ làm tớ thèm mới chịu được hay sao á?!

- Có lễ hội mới có lý do để người ta đi chơi Tết chớ mầy!

- Tết gì bữa nay nữa, bà cố!

- Hết Tết thì còn... Xuân. Chớ mày không biết tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng tưng bừng lễ hội à ?

Tới đây thì thằng cu Bom xụi lơ, hết biết nói gì luôn. Tháng giêng tưng bừng lễ hội? Làm sao mà biết được, con Lam ròm hỏi cũng lắt léo dữ. Cái xóm nhỏ, nằm gần núi Chai, sát sông Bàn Thạch là xóm nghèo. Mấy sào ruộng khoán không đủ nuôi miệng nên người ta phải kiếm chuyện làm thêm. Làm gì bây giờ, có ai học qua lớp 9 đâu, chỉ còn cách lang bạt trong Sài Gòn, thợ hồ, thợ nề, bán vé số, ôsin... vv và vv... Một người đi, lót được ổ rồi thì hú người nữa, người nữa... cứ như vậy, cuối cùng, xóm chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Người già ở nhà giữ cháu - mấy đứa tuổi từ mẫu giáo đổ lại, lũ choai choai thì buổi học buổi chăn bò. Công bằng mà nói thì cũng khổ thiệt nhưng chưa đến nỗi cơ cực, đói khát. Nghèo thì nghèo nhưng nhà nào cũng có ti vi để coi - ti vi màu hẳn hoi. Mà ti vi thì thứ gì hông có, lễ hội càng có. Lam ròm nói vậy là tại nó siêng coi ti vi hơn thằng cu Bom, Bom nhà ta thì thích bắn bi bắn đáo hơn. Hắn công kích chuyện dính chặt vô ti vi của Lam ròm, cứ nằm chình ình trên giường, nằm nhiều như thế ươn hết cả người. Bom là “đàn ông”, hổng chịu ru rú trong nhà như con gà bị... rụ.

Mấy ngày Tết rồi cũng qua nhanh, cái xóm nhỏ xôm lên được 3 ngày rồi cũng xẹp lép như ruột xe đạp xì hơi, lại hiu hắt. Thấy tiếc quá chừng. Mới loáng một cái đã hết Tết, mấy đứa nhỏ đâu có kịp chơi gì ngoài việc về nội ngoại với xem ti vi. Mùa xuân là mùa được coi ti vi thỏa thê - cả mùa xuân được thu gọn trong cái màn hình 15 in mà.

- Ba! - thằng cu Bom lên tiếng.

- Chuyện gì mà ba với bốn?

- Ba mẹ thằng Tân chuẩn bị chở hắn đi coi đua thuyền ở đầm Ô Loan á?

- Nhà nó có điều kiện mà, năm nào hổng chơi đúng chơi đủ, chơi cho hết tháng giêng mới thôi chứ!

- Ô Loan có xa không ba?

- Muốn đi như nó hả?

- ... đi một lần... cho biết... với người ta...

- Mai tao vô Sài Gòn lại rồi. Thôi, khi nào nhà mình đỡ đỡ chút, ba sẽ cho đi chơi... bù.

Khi nào là khi nào, chắc tới Tết Công gô quá! Thằng cu Bom sụ mặt, đi tìm con Lam ròm, thằng Tài than thở:

- Chúng ta là những đứa trẻ khốn khổ nhứt thế giới!

- Gì nữa?

- Nhỏ giờ chúng mình có biết lễ hội là cái quái quỷ gì đâu?

Nhỏ Lam sảnh sẹ, vảnh mặt “dạy đời” liền:

- Ối giời! Đói ăn đói mặc mới khổ chứ lễ hội thì dễ òm chứ khó gì mà không biết!

- Tao xin ba rồi, không được là không được.

- Xin xỏ cái gì, lễ hội là người ta bày ra trò gì đó để mọi người áo quần nô nức tới thiệt là đông. Mà đông thì vui thôi. Người lớn làm được thì tụi mình cũng làm được chứ khó khăn gì!

- Bà có giỏi thì đứng ra tổ chức đi?

- Chuyện nhỏ như con... thỏ.

- Dóc mỏ nữa!

- Chúng ta cũng tổ chức đua thuyền, có điều là thuyền... giấy.

Lễ hội đua thuyền... giấy được  Lam ròm phát động rộng rãi khắp xóm, hễ là trẻ nhỏ thì đều được tham gia, số lượng thuyền không hạn định. Sẽ có một giải duy nhất, người được giải đặc biệt sẽ được làm tổng chỉ huy. Được ra lệnh cho tất cả những người thua cuộc, bắt họ phải tham gia bất kỳ một trò chơi nào đó mà tổng chỉ huy yêu cầu.

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, cu Bom, thằng Tài thi nhau tìm những tờ bìa cứng, xếp thuyền. Thằng Tân cùng bố mẹ đi coi đua thuyền nhiều rồi, vẫn hăng hái tham gia, hắn xếp lần tới 10 con thuyền giấy bự chảng. Hắn có manh tâm muốn làm tổng chỉ huy mà.

Chiều mùng mười, trăng non. Trăng thượng huyền có hình lưỡi liềm, không phải, trăng có hình con thuyền, y như con thuyền giấy cong cong mà thằng cu Bom đang cầm nè. Trên mỗi chiếc thuyền, mấy nhỏ gắn lên một cây nến. Khúc mương cái, nơi có cây cầu bắc ngang tối nay lúc nhúc những cái đầu, lao xao tiếng cười giỡn, không khí náo nhiệt lắm.

Không lộng lẫy, không cờ hoa, không băng rôn khẩu hiệu nhưng lễ hội của chúng ta diễn ra tưng bừng, sôi nổi, không thua bất kỳ một cuộc đua thuyền nào khác trên thế giới, Lam ròm trịnh trọng tuyên bố như vậy và mời Quý đen lên khai mạc hội đua thuyền… giấy. Thằng Quý đen lớn nhứt bầy, được mấy nhỏ kiêng nể nên vinh dự làm trọng tài của cuộc thi. Trọng tài là cha là mẹ, Quý ta hất mặt lên, bằng giọng rè rè của thằng con trai vỡ giọng, hắn đằng hắng một cái rõ to rồi tròn miệng, phát lệnh thắp nến thả thuyền. Tiếng reo hò đinh tai. Một... Hai... Ba! Mấy nhỏ đồng loạt la to rồi buông thuyền (làm mấy người lớn đang ở trong nhà cũng lật đật chạy ra xem, chắc là nghĩ, không biết chiến sự gì đang xảy ra, ra nhìn thấy thì ai nấy cũng cười rồi lắc đầu đi vô, chắc là nghĩ, kệ chúng nó, không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới).

Những chiếc thuyền được thả xuống nước. Khúc mương bừng lên, màu trắng của con thuyền, màu đùng đục của dòng nước được ánh sáng nhập nhoạng của những ngọn nến nhỏ làm lung linh. Mấy bữa Tết cứ lay bay mưa và lành lạnh nhưng  tối nay trời bỗng ấm áp lạ thường. Ánh sáng của nến hắt lên bờ, từng khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ, tươi mới, bừng bừng. Mấy nhỏ la hét, có tiếng khóc hu hu khi một con thuyền bị nhận nước, ngọn nến từ từ chìm xuống. Có tiếng cười ha há, tiếng vỗ tay hí hửng khi những con thuyền còn trụ được trên nước, nến vẫn hiên ngang bừng sáng. Thuyền trôi tới đâu, tiếng bước chân, tiếng cười nói theo đến đó. Khi chỉ còn đôi con thuyền trên dòng nước, nến vẫn tỏa sáng, hắt thứ ánh sáng diệu kỳ xuống dòng nước thì với mấy nhỏ, đây đúng là giờ khắc thiêng liêng.

Không biết sức mạnh gì làm cho thuyền thằng cu Bom kiên cường đến như vậy. Khi chỉ còn thuyền mình ngạo nghễ ngự trên dòng nước cùng ngọn nến hiên ngang, thằng Bom ré lên, tung tay tung chân la hét, nhìn nó, người ta nghĩ niềm vui đang vỡ òa đến từng tế bào li ti trong cơ thể gầy đét kia. Thấy thằng cu Bom phấn khích vì vui sướng, mấy nhỏ cũng bừng lên như dầu thêm lửa, ồ lại nhấc bổng hắn lên, tung hô như một nhà vô địch được các cuồng fan tung hứng. Bằng cái giọng rè rè của một đứa nhỏ khàn cả cuống họng vì la hét cả ngày, cu Bom cố giữ thăng bằng, đứng trên vai của thằng Quý đen, long trọng tuyên bố: Từ nay, xóm chúng ta sẽ lấy mùng 10 Tết làm ngày đua thuyền... giấy truyền thống. Hắn nói xong thì mấy nhỏ vỗ tay rần rần, hô to: “Đồng ý, đồng ý!”.

 Ba của thằng Tân đã đứng đấy tự bao giờ, phát lệnh cho mấy nhỏ im lặng rồi ôn tồn nói, ông sẽ là nhà tài trợ chính của lễ hội đua thuyền... giấy. Trời ơi, ông vừa dứt lời, tiếng reo hò vỡ ra dữ dội, xóm nhỏ rộn ràng chưa từng có.

N.T.B.N

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân