Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)

07.03.2017

Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)

Sau chiến thắng Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột, ngày 17.3.1975, anh Năm Công (Võ Chí Công), Bí thư Khu ủy 5 đã chỉ thị cho Đặc khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 4: “Ta đã thắng lớn ở Tây Nguyên, địch bỏ chạy. Ta đang truy kích chia cắt địch ở đồng bằng. Thời cơ đã đến, các đồng chí khẩn trương chuẩn bị giải phóng Đà Nẵng”.

Ngày 18.3.1975, Thường vụ Khu ủy 5 (A15) triệu tập anh Trần Thận, Bí thư Đặc khu ủy lên giao nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng. Cùng đi có các anh Phan Hoan và Trần Văn Tân, Thường vụ Đặc khu ủy.

Tình hình Quảng Đà lúc này biến động dữ dội. Ở phía Bắc, quân dân Trị Thiên dồn dập tấn công các cứ điểm phòng thủ của Sư đoàn I ngụy, ở phía Nam, quân dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và bộ đội Sư 2 tấn công quyết liệt vào thị xã Quảng Ngãi, Tam Kỳ và nhiều vùng phụ cận. Đà Nẵng lúc này đã hoàn toàn bị cô lập. Bọn tàn binh ngụy từ khắp nơi đổ dồn về Đà Nẵng, nâng tổng số binh lính địch ở đây lên hơn 10 vạn tên. Lại thêm đồng bào di tản từ Trị Thiên, Quảng Ngãi, Tam Kỳ... ùn ùn chạy về làm cho tình hình càng thêm hỗn loạn. Số người thực tế ở trong thành phố vào những ngày cuối tháng 3 đã lên đến gần 2 triệu.

Ngày 23.3 anh Thận được triệu tập dự cuộc họp cấp tốc của Khu ủy và Quân khu ủy 5 để nghe truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Đặc khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 4 được giao nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị cho việc tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng.

Sau khi đi họp ở Khu về, ngày 24.3 tại căn cứ Hòn Tàu thuộc xã Xuyên Hiệp (Duy Xuyên) anh Thận đã tổ chức ngay một cuộc họp quan trọng của Đặc khu ủy để quán triệt mệnh lệnh giải phóng

Đà Nẵng, thảo luận kế hoạch tấn công và nổi dậy, bàn biện pháp tổ chức và huy động lực lượng quần chúng ở nội thành và các huyện vùng ven kéo vào thành phố, hỗ trợ lực lượng tại chỗ nổi dậy. Huy động du kích và bộ đội địa phương các huyện, thị hình thành thêm một số tiểu đoàn, trung đoàn mới áp sát thành phố. Tổ chức và phân công các mũi tấn công, tổ chức bộ phận chỉ đạo nội thành lót trước vào thành phố do anh Bắc (Trần Hưng Thừa) Thường vụ Đặc khu ủy, Bí thư Quận I phụ trách.

Chiều 24.3, theo điện khẩn của A15, tôi được cử lên gặp Thường vụ Khu ủy để nhận chỉ thị bổ sung. Đến nơi, tôi được anh Năm Công cho biết: Sáng nay (24.3) Sư đoàn 2 đã đánh chiếm thị xã Tam Kỳ, giải phóng tỉnh lỵ Quảng Tín và sẽ giải phóng tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, các đơn vị của Quân đoàn 2 đang bao vây Huế, đường số 1 Đà Nẵng - Huế đã bị cắt, Huế sẽ được giải phóng nay mai. Anh nhận định: tàn quân địch sẽ dồn về Đà Nẵng cùng với hàng triệu dân di tản, Đà Nẵng nhất định sẽ rơi vào cảnh đại loạn.

Sau khi phân tích, đánh giá tình hình, anh đã đưa ra một số chỉ thị, trong đó có những nội dung chính:

- Thời cơ đã đến, phải tiến công giải phóng Đà Nẵng càng sớm càng tốt, không cho địch có thời gian co cụm lại để củng cố các tuyến phòng thủ quanh Đà Nẵng.

- Theo kế hoạch của trên, Bộ chỉ huy mặt trận giải phóng Đà Nẵng đã được thành lập, nhưng do chiến trường cách trở, Bộ chỉ huy chưa họp được mà chỉ điện báo hợp đồng thời gian ngày N. sẽ đồng loạt tiến công Đà Nẵng. Ngày N. trước đây được dự kiến là ngày 2 hoặc 3 tháng 4 năm 1975, nhưng nay tình hình chiến sự chuyển biến quá nhanh, nếu theo kế hoạch cũ sợ chậm trễ, mất thời cơ. Vì vậy Khu ủy và Quân khu ủy quyết định dùng Sư đoàn 2, Sư đoàn 304 và các trung đoàn của Mặt trận 4 tấn công ngay, bên trong thành phố sẽ sử dụng lực lượng biệt động, tự vệ thành phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, nếu lực lượng bên ngoài vào kịp thì càng tốt. Chủ trương này của Khu ủy đã được trên đồng ý chấp nhận.

Sau khi truyền đạt chỉ thị, anh Năm Công nắm tay tôi căn dặn: “Anh về báo cáo lại với Thường vụ Đặc khu ủy cấp tốc làm theo hướng này. Anh Hai Mạnh (tức anh Chu Huy Mân, Phó Bí thư Khu ủy 5, Tư lệnh Quân khu 5) đã lệnh cho Sư 2 gấp rút chuẩn bị. Nay mai tôi sẽ xuống chỗ anh”.

Chia tay với anh Năm Công, tôi về báo cáo lại tình hình với anh Thận, cùng nhau bàn biện pháp để triển khai thực hiện. Cuộc họp Đặc khu ủy mở rộng sau đó đã quyết định đưa Trung đoàn 96 do Thượng tá Phan Hoan, Tư lệnh Mặt trận 4 chỉ huy, phối hợp với lực lượng của quân khu và Bộ Tổng chia làm nhiều cánh đánh thẳng vào trung tâm thành phố, cùng với lực lượng quần chúng nổi dậy chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng. Trung đoàn 97 mới thành lập do Trung tá Hà Bân chỉ huy sẽ đột kích dọc theo bờ biển ra Sơn Trà để khóa chặt các đường rút lui của địch theo hướng biển. Đồng thời Đặc khu ủy chỉ thị cho các quận huyện trực thuộc gấp rút thành lập các Ủy ban khởi nghĩa, nhanh chóng phát triển lực lượng biệt động, tự vệ thành, phát động quần chúng nhân dân trong toàn thành phố sẵn sàng phối hợp với lực lượng hỗ trợ từ bên ngoài kéo vào nổi dậy cướp chính quyền, giành quyền làm chủ. Để đảm bảo thắng lợi cho cuộc tiến công, tôi được cử đi gặp Bộ tư lệnh Sư đoàn 304 để bàn kế hoạch phối hợp tấn công Đà Nẵng.

Mờ sáng ngày 28.3, từ căn cứ Hòn Tàu, tất cả cán bộ lãnh đạo chỉ huy của Khu ủy (xuống đây từ chiều 27.3) và Đặc khu ủy được chia làm 2 đoàn, đi theo 2 hướng về Đà Nẵng.

Đoàn thứ nhất do anh Trần Thận phụ trách, có nhiệm vụ cùng với Bộ chỉ huy tiền phương của Đặc khu ủy ra lót sát vùng ven thành phố để chỉ đạo giải phóng Đà Nẵng. Đoàn đi theo hướng từ Đồng Lớn xuống Xuyên Hiệp qua cụm Chiêm Sơn ra Điện Bàn. Trong đoàn còn có các anh Phan Hoan, Nguyễn Thanh Năm, Võ Văn Đặng (Trưởng ban đấu tranh chính trị Khu ủy 5), Phan Văn Trình (tức Trí, Trưởng ban binh vận khu).

Đoàn thứ hai do anh Năm Công trực tiếp phụ trách gồm tất cả các cơ quan, ban ngành và bộ phận tiền phương Khu ủy đi xuống hướng Xuyên Trà rồi ra đường số 1 để gặp cho được Sư 2 đang hành tiến từ Tam Kỳ về Đà Nẵng cũng ngay sáng hôm đó. Tôi cùng với các anh Trần Văn Đán, Hoàng Văn Lai, Thuờng vụ Đặc khu ủy, đi theo đoàn này.

Đêm 28.3, đoàn chúng tôi nghỉ lại ở làng An Thành - Cẩm Sơn thuộc thôn 1 Xuyên Trà. Suốt đêm, anh em du kích, giao liên, cảnh vệ tổ chức đi gỡ mìn dọc theo tuyến phía tây đường số 1 từ Mậu Hoa vào đến chợ Gò Phú Diên do ta gài từ trước để chống địch càn quét. Đến 2 giờ sáng ngày 29.3, tất cả lại lên đường. Do sợ vướng mìn còn sót lại nên anh em phải mò mẫm từng bước một, mãi đến 5 giờ sáng mới ra đến chợ Bà Rén. Vừa ra đến chợ Bà Rén thì gặp ngay bộ đội Sư 2 đang rầm rập tiến ra. Anh em công binh đang khẩn trương làm cầu phao cho bộ đội qua sông, còn anh em pháo binh thì đang đặt pháo hạng nặng tại bờ nam để bắn ra Đà Nẵng. Buổi bình minh ngày 29.3 tại cầu Bà Rén chẳng khác gì một ngày hội, ai cũng sung sướng đến trào nước mắt vì niềm vui chiến thắng đã ở ngay trước mặt.

7 giờ sáng ngày 29.3, tại một địa điểm ở làng Xuyên Đông, xã Xuyên Mỹ (nay là Duy An) huyện Duy Xuyên đã diễn ra một cuộc họp cấp tốc của Bộ chỉ huy tiền phương khu ủy, quân khu ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn 2 để quyết định một số vấn đề cấp bách. Buổi họp đã đưa ra một nhật lệnh ngắn ngủi nhưng vô cùng quan trọng: “Nội trong ngày 29.3 phải chiếm và làm chủ thành phố Đà Nẵng”.

Sau buổi họp, theo lệnh của anh Năm Công, bộ phận điện đài đặt tại cây đa Xuyên Mỹ mở máy liên lạc với anh Trần Thận, hẹn 10 giờ sẽ gặp phái viên của Bộ chỉ huy tiền phương tại quán Bốn Anh gần chợ Mới Ba Xã. Tôi được giao nhiệm vụ đi gặp anh Thận để truyền đạt mệnh lệnh của Khu ủy.

Khi tôi và đồng chí cảnh vệ vừa qua khỏi cầu Câu Lâu thì gặp ngay đoàn xe của anh Lương Trí Nghĩa (tức Lưỡng, cán bộ công vận) từ nội thành ra đón. Sau giây phút vui mừng, tôi lên xe cùng anh Nghĩa ra chợ Mới Ba Xã để gặp anh Thận. Đến nơi đã thấy anh Thận cùng nhiều anh em khác đang đứng chờ.

Sau khi nghe tôi truyền đạt xong mệnh lệnh của anh Năm Công, anh Thận liền đi ngay vào thành phố, còn tôi thì quay trở lại để đón đoàn. Vào đến Thanh Quýt thì gặp Bộ chỉ huy tiền phương của Khu ủy đã ra đóng tại nhà anh Bảy Gạt ở xóm Chay, còn cơ quan Đặc khu ủy thì đóng ở nhà thờ tộc Lê, Thanh Quýt.

Khoảng 13 giờ chiều ngày 29.3, anh Trần Thận từ nội thành ra báo cáo tình hình, sau đó cùng với đoàn xe đón anh Năm Công vào thành phố. Đoàn xe theo đường số 1 vào Ngã ba Huế, xuống Ngã tư Thanh Khê, Ngã ba Cai Lang rồi xuống đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Bạch Đằng. Đâu đâu cũng thấy đồng bào ùa ra đứng chật hai bên đường vỗ tay reo mừng. Đến Tòa thị chính thì trời vừa tối, nhìn lên đã thấy cờ mặt trận tung bay trên trụ cờ. Đoàn chỉ ghé xem qua Tòa thị chính rồi chia nhau đi thăm cơ sở, gặp bộ phận chỉ đạo nội thành tại nhà chị Nguyệt Ánh ở đường Hoàng Diệu. Đến khoảng 12 giờ đêm thì đoàn quay vào Thanh Quýt để họp bàn kế hoạch tiếp quản thành phố.

Việc thành phố Đà Nẵng, căn cứ quân sự liên hợp lớn thứ hai ở miền Nam được giải phóng là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử. Sau 117 năm bị kìm kẹp, thành phố đã về tay nhân dân một cách toàn vẹn. Trừ một số trận đụng độ nhỏ ở ngoại vi như cầu Tứ Câu, Non Nước, sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, bãi biển Mỹ Khê, tất cả các khu vực nội thành đều không có đánh lớn. Nhân dân đã đứng lên giành quyền làm chủ, buộc binh lính địch phải buông súng đầu hàng. Thành phố được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Đây là một chiến công xuất sắc của quân dân Quảng Đà nói chung và quân dân Đà Nẵng nói riêng.

Việc cấp bách trong những ngày đầu giải phóng là phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, tước vũ khí ngụy quân, ngụy quyền, ra lệnh cho chúng phải trình diện tại các ủy ban quân quản. Vấn đề khó khăn lớn nhất mà Ủy ban quân quản thành phố phải giải quyết lúc này là trên 1 triệu dân di tản từ Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi... còn đọng lại. Với chủ trương tuyên truyền, vận động thuyết phục kết hợp với việc trợ cấp lương thực, thực phẩm, chính quyền thành phố đã tổ chức hàng chục đoàn xe ô tô, tàu thủy đưa đồng bào hồi hương về quê cũ. Khi di tản hoảng loạn bao nhiêu thì khi trở về nhân dân lại vui mừng, phấn khởi bấy nhiêu. Đó là nhờ được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của cách mạng và nhân dân thành phố.

Đối với trên 700.000 đồng bào các huyện trong tỉnh bị địch cày ủi, tàn phá đất đai phải bỏ chạy ra Đà Nẵng, ngay sau ngày quê hương giải phóng đã được chính quyền và nhân dân thành phố giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cần thiết để hồi cư về làng cũ xây dựng cuộc đời mới.

Đà Nẵng những ngày cuốì tháng Ba là tiền tuyến nóng bỏng, bước sang đầu tháng Tư đã trở thành hậu phương vững chắc gắn liền với miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với vị trí là bàn đạp để tiến vào giải phóng Sài Gòn, trong tháng 4.1975, Đà Nẵng đã huy động hàng ngàn xe ô tô các loại để vận chuyển bộ đội, đạn dược, vũ khí phục vụ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Những ngày tháng Ba năm ấy, quân dân Đà Nẵng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nổi dậy giải phóng quê hương, chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, xứng đáng là thành phố anh hùng của dải đất miền Trung kiên cường, bất khuất.

 

(*)Đồng chí Phạm Đức Nam, nguyên Phó bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà - Phó chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Đà Nẵng 1975.

P.Đ.N - T.Q 

Bài viết khác cùng số

Liễu Chương Đài - Đỗ Nhựt ThưHoa rau muống - Lương Hoàng HạcHoa ngò điểm trắng Giêng - Hai - Nguyễn Thành GiangTản văn Nguyễn Văn HọcLễ hội thuyền ... giấy - Nguyễn Thị Bích NhànCuộc hội ngộ sau 44 năm với các chiến sĩ biệt động Lê Độ thành phố Đà Nẵng - Giang Nguyên TháiĐoàn Văn công giải phóng Trung Trung bộ trong những năm chiến tranh - Nguyễn Hữu TyNhớ trận đánh Trùm Giao – Đỗ Văn Đông (kể) Đình Hiệp (ghi)Nhớ lại những ngày giải phóng Đà Nẵng - Phạm Đức Nam* (kể) Thế Quang (ghi)Về một khoảng trời ký ức - Hoàng Hương ViệtĐà Nẵng - Tầm cao mới - Lê Minh QuốcRủ trăng về - Trần Văn HuyBản thảo tháng Giêng - Đỗ Thượng ThếMã Châu - Trần TuấnTrong cơn mưa Đà Nẵng - Văn Công HùngNhớ Hà Thân - Vỹ NguyễnChờ đợi mùa xuân chảy từ một ô cửa khác - Hoàng Thụy AnhMơ vườn lạnh - Đinh Thị Như ThúyLắng nghe tình yêu ban mai - Nguyễn Hải LýNgang lối rẽ - Thùy AnhThắp nắng - Thái Hòa“Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ” - GS. TS. Huỳnh Như PhươngBảo tàng trong không gian sinh thái (Trường hợp Bảo tàng Đồng Đình, Đà Nẵng) - TS. Trần Thị Ánh NguyệtPhan Khôi - Bàn về thiên chức văn học của phụ nữ Việt Nam - Vân TrìnhBãi cỏ hoang bừng nắng - Trần Đức Tiến Nâng cao chất lượng cảm nhận không gian cảnh quan góp phần tạo nên bản sắc văn hóa cho đô thị Đà Nẵng - TS. KTS Tô Văn HùngTình yêu, niềm tự hào và sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vô cùng cần thiết cho người biên đạo - nghệ sĩ múa Việt Nam - Lê Huân