Ông lão trong quán điểm tâm ngoài ga-Truyện ngắn K.PAUXTỐPXKI (Nga)

07.04.2015

Ông lão gầy còm, râu tua tủa ngồi ở một xó trong quán điểm tâm của nhà ga Maiôri. Những cơn gió giật mùa đông kéo thành dải ríu rít, ào ào chạy qua vịnh Riga. Băng đóng dày ven bờ biển. Qua bức màn tuyết còn nghe tiếng sóng ầm ầm đập vào màng băng rắn chắc bên bờ.
Ông lão rẽ vào quán chắc chỉ cốt để sưởi. Ông không gọi món gì và ngồi trên cái đi-văng gỗ, vẻ phiền muộn, thủ tay trong tay áo chiếc va-rơi cộc của dân chài được vá víu một cách vụng về.

Ông lão trong quán điểm tâm ngoài ga-Truyện ngắn K.PAUXTỐPXKI (Nga)

Một con chó trắng nhỏ, lông rũ rượi, đi cùng ông. Nó ngồi nép dưới chân ông, run cầm cập.

Ngay cạnh đấy một đám thanh niên gáy nổi gân lên, đỏ gay, ầm ĩ uống bia. Tuyết trên mũ họ đang tan dần. Nước tuyết tan chảy từng giọt xuống những cốc bia và những miếng bánh mì cặp xúc xích sấy. Nhưng những người trẻ còn đang mải tranh cãi về một trận bóng đá và không chú ý đến cái đó.

Đến khi một gã trong bọn cầm lấy bánh và cắn một miếng hết nửa cái thì con chó không chịu được nữa. Nó đi lại phía bàn và đứng lên bằng hai chân sau, nhìn vào mồm gã trẻ tuổi kia với một vẻ xu nịnh.

- Pơti! - ông già gọi khẽ, - Mày không biết xấu hổ à, Pơti ? Sao lại quấy rầy người ta?

Nhưng Pơti vẫn đứng. Chỉ có đôi chân trước của nó luôn luôn run rẩy và thỉnh thoảng lại hạ xuống vì mệt. Khi đôi chân chạm vào cái bụng ướt, con chó lại nhớ ra và giơ chúng lên.

Nhưng người trẻ tuổi không để ý đến nó. Họ đang mải nói chuyện và thỉnh thoảng lại rót thêm bia lạnh cho mình.

Tuyết bịt kín cửa kính và ta phải rùng mình khi trông thấy những người trong lúc tiết trời giá rét thế này mà lại đi uống bia lạnh toát như băng.

- Pơti! - Ông lão lại gọi - Kìa Pơti ! Lại đây!

Con chó vẫy đuôi rất nhanh vài lần như muốn nói để ông lão biết rằng nó nghe thấy ông nói đấy và xin lỗi ông, nhưng nó không cưỡng lại được nó nữa rồi. Nó không nhìn ông lão và còn quay hẳn đi chỗ khác. Như thể nó muốn nói: "Chính tôi cũng biết thế là xấu. Nhưng ông có mua nổi cho tôi một khúc bánh cặp xúc xích như thế đâu!".

- Ôi, Pơti, Pơti! - ông lão thì thào và giọng ông run run vì buồn phiền.

Pơti một lần nữa ve vẩy đuôi cho qua chuyện, cầu khẩn nhìn ông lão. Nó như muốn xin ông lão đừng gọi nó nữa và đừng xấu hổ vì nó, bởi chính nó cũng chẳng vui sướng gì và nếu không bị khốn quẫn quá như bây giờ thì, tất nhiên, nó cũng chẳng bao giờ đi ăn xin người ngoài.

Cuối cùng một gã trong đám thanh niên, gò má cao, đội mũ màu xanh lá cây, trông thấy con chó.

- Mày xin ăn ư, đồ khốn? - gã hỏi - Thế chủ mày đâu?

Pơti vui mừng ve vẩy đuôi, nhìn ông lão và thậm chí nó còn khe khẽ kêu ư ử.

Gã trẻ tuổi nói:

- Sao thế hả ông công dân? Đã nuôi chó thì ông phải cho nó ăn chứ! Như thế thật chẳng có văn hóa tí nào. Chó của ông đi xin của bố thí. Mà ở nước ta luật pháp lại cấm việc ăn xin.

Những người trẻ tuổi phá lên cười.

- Vanka, mày nói thế làm gì!

Một gã trong bọn nói lớn và ném cho con chó một mẩu xúc xích.

- Pơti, không được đụng vào!

Ông lão hét lên. Da mặt xạm nắng gió và cái cổ gầy guộc, nổi gân đỏ gay lên.

Con chó rúm lại, cúp đuôi xuống, không dám nhìn cả đến mẩu xúc xích, đi về phía ông lão.

- Không được đụng đến một mẩu bánh của họ! - ông nói.

Ông lập cập lục trong các túi, lấy ra một số tiền xu và đặt lên lòng bàn tay mà đếm, vừa đếm vừa thổi rác bụi bám vào những đồng tiền. Những ngón tay ông run lên.

- Lại còn mếch lòng nữa cơ đấy! - gã trẻ tuổi có đôi gò má cao nói. - Gớm chưa, ngang ra phết!

- Thôi đi, mặc ông lão! Ông ta có đụng gì đến mày đâu.

Một gã trong bọn vừa rót bia cho các bạn vừa dàn hòa.

Ông lão không trả lời. Ông đi đến bên quầy và để cả đống tiền xu lên mặt bàn ướt.

- Một xanđuých!

Ông khàn khàn nói.

Con chó nhỏ đứng cạnh ông, đuôi cụp lại.

Cô bán hàng đưa cho ông lão một đĩa trên có hai miếng xanđuých.

- Một thôi. Ông lão nói.

- Cụ cứ cầm lấy. - Cô bán hàng nói khẽ, - Không vì thế mà tôi phá sản đâu...

- Cảm ơn cô! - ông lão nói. - Cảm ơn!

Ông cầm lấy hai miếng xanđuých và đi ra ngoài sân ga. Ngoài đó không còn một bóng người. Một cơn gió giật đã qua, cơn nữa sắp đến nhưng còn xa, ở mãi chân trời, thậm chí còn một vệt nắng rơi xuống khu rừng trắng xóa bên kia sông Liêlup.

Ông lão ngồi xuống ghế dài, cho Pơti một miếng xanđuých còn miếng kia ông lấy chiếc khăn tay xám bọc lại và cất vào trong túi.

Con chó tợp lấy tợp để, còn ông lão thì nhìn nó mà nói:

- Chao ơi Pơti, Pơti! Mày là một con chó ngốc ơi là ngốc.

Nhưng con chó không nghe ông. Nó bận ăn. Ông lão nhìn nó và lấy ống tay áo lau mắt - gió làm nước mắt ông ràn rụa.

Đấy là toàn bộ câu chuyện nhỏ đã xảy ra ở ga Maiôri vùng ven biển Riga.

Tôi kể câu chuyện đó làm gì?

Khi bắt đầu viết câu chuyện ấy, tôi nghĩ đến một chuyện khác hẳn. Cũng lạ thực, nhưng nghĩ đến ý nghĩa của những chi tiết trong văn xuôi, tôi nhớ đến câu chuyện trên và cả quyết rằng nếu miêu tả câu chuyện ấy mà không có một chi tiết chính không có chuyện con chó bằng tất cả bộ dạng của nó, tỏ ý xin lỗi ông chủ, không có cái cử chỉ ấy của con chó nhỏ - thì câu chuyện sẽ trở thành thô kệch hơn trong sự thực.

Nhưng giả sử ta bỏ đi những chi tiết khác như chiếc áo va-rơi vá vụng về chứng tỏ một cuộc sống góa bụa hoặc cô đơn, những giọt tuyết tan chảy từ trên mũ xuống, những cốc bia lạnh buốt, những đồng tiền lẻ với những vụn rác trong túi dính vào, cả đến những cơn bão giật mùa đông làm thành những bức tường trắng từ biển kéo vào thì truyện ngắn nọ sẽ còn khô khan hơn nữa và nhợt nhạt hơn nữa.

Trong những năm gần đây, chi tiết bắt đầu biến mất trong văn xuôi của chúng ta, đặc biệt trong tác phẩm của những nhà văn trẻ.

Không có chi tiết thì tác phẩm không sống được. Bất cứ truyện ngắn nào cũng sẽ biến thành một cái que khô khốc dùng để xâu cá hồi sấy mà Tsêkhốp đã có lần nói tới. Cá hồi chẳng thấy đâu mà chỉ thấy một mảnh gỗ.

Ý nghĩa của những chi tiết là ở chỗ, theo lời Puskin sao cho cái vặt vãnh không dễ nhận thấy lại trở thành to lớn, lấp lánh trước mặt mọi người.

Mặt khác lại có những nhà văn mắc bệnh quan sát khô khan và đáng ngán. Các ông này nhét vào trong tác phẩm của mình hàng đống chi tiết không lựa chọn, không hiểu rằng chi tiết chỉ có quyền tồn tại và thật là cần thiết cho tác phẩm trong trường hợp nó có tính chất đặc sắc, nếu như nó có thể như một tia sáng tức khắc lôi một người hay một hiện tượng bất kỳ từ trong bóng tối ra ngoài.

Chẳng hạn ta muốn tạo hình tượng một cơn mưa mới bắt đầu, ta chỉ cần viết rằng những hạt đầu tiên của nó rơi lộp độp trên một tờ báo lăn lóc dưới đất, bên cửa sổ.

Hoặc muốn cho người đọc có cảm giác rùng rợn trước cái chết của một đứa trẻ mới sinh, ta chỉ cần nói về chuyện đó như Alếchxây Tônxtôi đã nói trong cuốn Con đường đau khổ của ông:

"Mệt đến rã rời, Đasa ngủ thiếp đi và khi nàng tỉnh dậy thì đứa con đã chết. Những sợi tóc tơ của nó dựng ngược lên.

- Khi em ngủ thì con chết... - Đasa vừa nói với Têlêghin vừa khóc - Anh ơi tóc nó dựng ngược lên... Một mình nó vật vã đau đớn... Em thì ngủ.

Không có lời khuyên giải nào có thể làm cho nàng quên được cái cảnh tượng thằng bé một mình vật lộn với thần chết".

Chi tiết ấy (những sợi tóc tơ của đứa bé dựng ngược lên), ngang giá với rất nhiều trang giấy tả cái chết chính xác nhất.

Cả hai chi tiết đó đều rất đắt. Chỉ có cái chi tiết quyết định nổi toàn cục, hơn nữa, nhất thiết phải có, mới là chi tiết.

Trong bản thảo của một nhà văn trẻ tôi đã vấp phải một đoạn đối thoại như thế này:

- Chào cô ạ, cô Pasa! - Alếchxây nói và bước vào (Trước đoạn này tác giả nói rằng Alếchxây lấy tay mở cửa phòng bà Pasa, như thể có thể lấy đầu mà mở được cửa).

- Chào anh, Aliôsa. - bà Pasa niềm nở kêu lên, ngừng tay khâu và nhìn Alếchxây. - Sao lâu nay anh không lại chơi?

- Chả có thì giờ nào nữa. Họp suốt một tuần lễ.

- Anh nói suốt một tuần cơ à ?

- Đúng như vậy, cô Pasa à ! Suốt một tuần. Vôlốtka không có nhà ư?

Alêchxây hỏi, đưa mắt nhìn quanh gian phòng trống.

- Không ! Nó đang ở nhà mày.

- Thế thì cháu đi vậy. Chào cô, cô Pasa ! Chúc cô khỏe.

- Chào anh, Aliôsa. - bà Pasa trả lời - Chúc anh khỏe !

Alếchxây đi về phía cửa, mở cửa và bước ra. Bà Pasa nhìn theo anh ta, lắc đầu:

- Thật là một anh chàng hoạt bát. Như một cả máy nổ".

Cả đoạn này, không kể lối viết ẩu và lộn xộn, gồm toàn những chuyện hoàn toàn không cần thiết và rỗng tuếch (những chữ nghiêng). Tất cả những cái đó là những chi tiết không đặc sắc, không cần thiết và không xác định điều gì.

Trong việc tìm tòi và sử dụng chi tiết cần phải lựa chọn hết sức chặt chẽ.

Chi tiết có liên quan rất khăng khít với hiện tượng mà chúng ta gọi là trực giác.

Tôi hình dung trực giác là tài căn cứ vào từng phần cá biệt, vào một chi tiết, vào một tính chất của một vật nào đó mà dựng lại được bức tranh của toàn cục.

Trực giác giúp Puskin, người chưa từng đến Tây Ban Nha và Anh, viết nên những vần thơ Tây Ban Nha tuyệt diệu, viết được Người khách bằng đá, và trong Yến tiệc giữa mùa dịch hạch ông đã vẽ lên cảnh nước Anh chẳng kém gì Oantơ Xcốt hay Berânxơ, những người gốc rễ ở đất nước sương mù, nếu như họ cũng viết về chuyện đó.

Một chi tiết tốt còn gợi lên cho người đọc biểu tượng trực giác và đúng đắn về toàn cục - hoặc về một con người với tâm tình của anh ta, hoặc về một sự kiện, hoặc hơn thế nữa, về cả một thời đại.

                                                                                      

                                                                                                                                                                                     Kim  Ân (dịch)