Hoa dại - Truyện ngắn Hoàng Phương Nhâm

29.09.2017

Tôi có một người anh họ xa. Anh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi còn nhỏ. Bà tôi thương anh lắm nên đưa anh về nuôi ăn học. Anh học rất chăm chỉ. Những lần đi họp phụ huynh cho anh, lần nào bà cũng được mời ngồi ở ghế đầu vì anh là học sinh giỏi nhất nhì trong khối. Vậy mà về nhà anh còn giúp bà bao nhiêu là việc. Bà tôi làm nghề hàng ăn. Bún mọc hàng bà tôi nổi tiếng ở chợ Xanh. Ai về chợ Xanh mà chưa được thưởng thức bát bún mọc ở hàng bà tôi thì coi như chưa đến chợ. 

Hoa dại - Truyện ngắn Hoàng Phương Nhâm

Khách hàng của bà thường kháo nhau thế. Tất cả mọi việc, từ nấu nướng đến làm bún, bán hàng đều do một tay bà làm cả. Vì vậy các bác, các chú và cả mẹ tôi nữa không ai nối được cái nghề của bà nên mỗi người lập nghiệp ở một nơi. Thời chiến, các bác, các chú của tôi đều đi bộ đội. Bác Cả hy sinh ở Cổ thành Quảng Trị, còn chú Ba, chú Tư thì sau giải phóng miền Nam ở lại lập nghiệp tại nơi đóng quân. Mẹ tôi lấy chồng ngay làng bên cạnh. Thế là bà lại ở nhà một mình với nghề bún mọc, hằng ngày bán hàng tại túp lều nằm khiêm tốn  nơi góc chợ. Anh họ tôi cứ lầm lũi bên bà như cái bóng. Anh ít nói, chỉ im lặng nghe. Thường khi bà nói chuyện, thích thú lắm anh cũng chỉ tủm tỉm cười, thành ra cứ như bà nói chuyện một mình, cả những lúc hai bà cháu làm hàng cùng nhau cũng vậy. Bà vừa làm vừa kể về những nỗi hoài nhớ của người già. Chỉ khi nào anh ngồi vào bàn học là bà im lặng suy tư như để tích lũy vốn chuyện rồi tí nữa lại kể. Từ khi đã biết suy nghĩ, không bao giờ anh đi ngủ sớm hơn bà và dậy muộn hơn bà. Khi đã lớn hơn một chút, chủ nhật nào mẹ tôi cũng cho tôi dẫn em sang chơi với bà. Những hôm ấy thực sự là ngày hội của chúng tôi. Ai cũng trổ hết tài của mình ra để góp vui. Bà tôi chứng tỏ tài của mình với những món ăn đặc biệt và bát bún mọc đầy tú hụ, khiến chúng tôi ăn rồi đến mãi sau này vẫn không thể nào quên được. Anh họ tôi được dịp trổ tài khéo tay của mình. Anh làm nhiều thứ đồ chơi cho chúng tôi mà bọn con gái không thể nghĩ ra. Khi về nhà, trong túi chị em tôi bao giờ cũng có những thứ để chơi được hết tuần. Tôi thích nhất cỗ xe song mã chở nàng công chúa áo trắng về cung. Cỗ xe ấy làm bằng vỏ bao diêm, bốn bánh làm bằng bốn chiếc cúc áo nhựa đã cũ. Hai con ngựa là hai chú bọ xít nhãn, chúng rất khỏe được đính chặt vào hai thanh đóm làm bánh trượt. Mỗi khi chúng xòe cánh là cỗ xe lại phi nước kiệu quanh mặt bàn. Chơi được một ngày, chẳng may em tôi vô ý dẫm chết hai “con ngựa”. Tôi thương tiếc chúng đến phát khóc lên được và bỏ cả bữa ăn trưa. Em tôi chỉ tặc lưỡi, xuýt xoa:

- Cũng tiếc thật đấy! Nhưng thôi, đến chủ nhật sang bà, em lại bắt anh họ làm đền cỗ xe khác!

Thế rồi đến chủ nhật, em tôi quên biến đi và nhảy tâng tâng lên đòi anh làm cho đồ chơi khác. Còn tôi, tôi thèm có được cỗ xe song mã. Thậm chí tôi đem cả cỗ xe sang chỉ mong anh kiếm cho hai con ngựa khác mà tôi ái ngại không dám nói. Tôi thấy anh lúc nào cũng bận. Hết những việc phụ giúp bà, anh lại đổ gạo đã ngâm vào cối để xay bột. Cái cối xay bột của bà bằng đá, anh cứ phải lệch cả người đi mới quay nổi. Những lúc anh ngồi xay bột, tôi thường ngồi chung tay xay với anh. Em tôi chỉ ngồi nghênh nghênh cái mặt, nhướng cao đôi lông mày đòi anh làm cho hết thứ này đến thứ khác. Tôi ngăn thế nào cũng không được và dù bận đến mấy anh cũng có đủ các thứ theo yêu cầu của nó. Đôi lần, anh hỏi tôi:

- Còn em, em cần thứ gì nào?

Nhìn mồ hôi ướt đẫm lưng áo anh, tôi đáp:

- Em có rồi! Em không thích thứ gì nữa.

Thực lòng, tôi vẫn thèm có cỗ xe song mã nhưng tôi không nỡ bắt tội anh.

Tôi không bắt anh làm hộ việc gì, dần dần anh cũng ít khi hỏi tôi thích gì để chiều chuộng mặc dù anh vẫn rất mực quý mến tôi. Đôi khi anh còn tâm sự những cảm nghĩ của mình về một điều gì đó. Còn em tôi, nó vẫn đỏng đảnh như trước, chuyện chẳng có gì cũng hờn dỗi rồi lại cười ngay được. Nó vẫn bắt anh phải chiều theo ý muốn của nó. Tôi bảo anh: “Thôi, cứ kệ nó”. Vì tôi biết nhiều thứ nó đòi anh làm cho nhưng khi về đến nhà nó lại ném vào xó và quên ngay. Tôi nhặt lấy chúng, cẩn thận cất vào ngăn tủ của mình. Tôi thấy thương anh trước sự vô tâm của em gái.

Chúng tôi mải chơi, mải học, mải lo nghĩ vẩn vơ đến nỗi cả ba trở thành người lớn lúc nào không biết. Tôi mười tám, em tôi mười sáu còn anh hai mươi hai. Em tôi học lớp mười. Nó vẫn nhõng nhẽo với anh và anh hết sức chiều nó mặc dù anh đang bận ôn thi vào đại học. Tôi cũng ôn thi đại học. Biết anh học giỏi nhất, nhì trong trường nhưng tôi không muốn ỷ lại vào anh. Chỉ khi nào thật bí, tôi mới cần anh giúp. Thực ra, tôi học cũng không đến nỗi nào. Đa số những bài trong đề cương ôn thi đại học tôi đều làm được. Tôi mơ ước trở thành cô giáo. Anh muốn trở thành kỹ sư canh nông. Em tôi ngang ngạnh tuyên bố:

- Em sẽ vào Bách khoa để trở thành kỹ sư chế tạo máy. Rồi em sẽ làm ra những cỗ máy thật gửi về cho chàng kỹ sư canh nông của em. Máy thật chứ không phải các loại đồ chơi anh vẫn làm cho em đâu nhé!

 Tôi nhăn mặt trách nó: “ Quá thể!”. Anh chỉ cười thật hiền.

Hai chúng tôi cùng vào trường đại học một lượt. Em gái tôi muốn thực hiện được ước mơ của mình thì còn phải chờ hai năm nữa. Hôm anh lên trường, bà tôi chuẩn bị cho anh khá đầy đủ các thứ đồ dùng. Tôi lên trường muộn hơn. Tôi kín đáo san sẻ cho anh một ít đồ dùng của mình, trong đó có cả một quyển sổ và một chiếc khăn mùi xoa khá đẹp do tôi làm rất công phu. Tất cả các thứ sách vở, đồ dùng của anh bà tôi bỏ hết vào chiếc ba lô con cóc, kỷ vật của bác tôi để lại. Có đôi chỗ đã bị rách bà đã vá lại cẩn thận. Thành ra, anh lên trường đại học cứ y như chú, bác tôi ra trận thuở trước. Chờ mãi chẳng thấy em tôi đến. Hôm trước nó đã hứa cũng đưa tiễn anh ra ga tàu cách nhà chừng dăm, sáu cây số. Mãi đến lúc tàu kéo còi sắp chuyển bánh, nó mới hớt hơ, hớt hải lao đến như một cơn gió lốc. Từ trên tàu, anh nhoài hẳn người ra cửa sổ vẫy nó. Em tôi lao đến. Nó gọi anh, nói với anh những lời tạm biệt đẫm nước mắt. Anh gật đầu hứa hẹn với nó. Tàu từ từ lăn bánh, em tôi hái vội nhánh cúc dã thảo mọc bên đường ray chạy theo dắt vào ngực áo anh. Tàu chạy nhanh dần. Em tôi bần thần nhìn theo và khóc. Anh vẫn nhoài ra ngoài cửa sổ con tàu, cầm nhánh cúc dại vẫy vẫy. Tôi đứng khóc lặng lẽ, nước mắt chảy dài trên má. Tôi nhớ anh và thèm được bộc lộ tình cảm mãnh liệt của mình như em gái mà không dám. Con tàu đã khuất hẳn, sân ga vắng bóng người chị em tôi mới lững thững ra về. Ra khỏi cổng nhà ga, em tôi tươi tỉnh lại. Nó liến thoắng:

- May quá. Em cứ sợ không đến kịp!

Tôi trách:

- Em đi đâu vậy?

Nó cười:

- À, em đến dự sinh nhật một cậu bạn học trên em một lớp.

Tôi khẽ bĩu môi:

- Thế đấy!

Nó níu tay tôi làm lành:

- Mấy hôm nữa chị cũng đi rồi, chỉ còn mình em ở nhà thôi. Nhớ viết thư về cho em đấy! Mà khi nào được nghỉ chị nhớ rủ anh họ cùng về nhớ!

Tiếng “nhớ” của nó chùng xuống như cánh võng làm tôi hết giận. Nó là như thế!

Trời chiều đã muộn. Hai chị em tôi rủ nhau về theo lối tắt qua cánh bãi ven đê. Lối này từ khi làng tôi mở con đường mới ít có ai qua. Cây trinh nữ bò lan ra cả lối đi. Bước chân của chúng tôi làm cho muôn ngàn mắt lá khẽ khàng nhắm lại. Mọc lẫn với cây trinh nữ là những khóm cúc dã thảo nở những bông nhỏ màu trắng. Tôi cúi xuống hái một nhánh và không ngờ loài hoa này lại ngây thơ, hồn nhiên và có sức quyến rũ đến như vậy.

Thời sinh viên sôi động, đầy ắp những dự tính và ước mơ của chúng tôi trôi đi khá nhanh chóng. Sự giao lưu nơi giảng đường và chất thơ mộng của Hà Nội càng làm cho tình cảm giữa ba chúng tôi thêm gắn bó. Và than ôi! Mũi tên vàng của thần Erốt nghịch ngợm đã làm trọng thương cả ba chúng tôi. Sau hai năm, khi tiễn chúng tôi lên trường đại học, em tôi không thi vào Bách khoa để trở thành cô kỹ sư chế tạo máy  mà được chọn thẳng vào trường Đại học Ngoại ngữ, khoa tiếng Anh. Hai năm đầu, chủ nhật nào anh họ cũng đến với tôi. Với số tiền ít ỏi của sinh viên chắt chiu được, bao giờ tôi cũng để dành làm thêm món ăn tươi vào ngày ấy. Rồi anh đạp xe chở tôi đi xem, đi khiêu vũ ở câu lạc bộ sinh viên hay đạp xe lòng vòng khắp phố phường Hà Nội. Tôi thấy mình thật hạnh phúc. Ngồi sau xe đạp, tôi rất muốn vòng tay ôm eo và ngả đầu tựa vào lưng anh. Rất muốn mà không dám.

Khi em tôi lên học, thời gian chúng tôi dành cho nó nhiều hơn. Em thích đến câu lạc bộ. Nó học nhảy rất nhanh và bao giờ cũng giành bằng được anh nhảy với nó. Nếu không có lòng vị tha của người chị thì tôi sẽ thấy mình quá vô duyên, thừa thãi.

Một lần trường nó tổ chức dạ hội có cả khách nước ngoài tham dự. Mỗi sinh viên được mời thêm một người bạn. Tất nhiên là nó tìm anh. Biết như thế mà tôi ở nhà leo lên giường tầng trằn trọc suốt đêm không sao chợp mắt. Một nỗi buồn không thành tên thấm tận đến chân tơ, kẽ tóc. Tinh mơ hôm sau nó đã đến gõ cửa phòng tập thể nữ khi bọn tôi còn lười biếng chưa ai ra khỏi giường. Nó leo lên giường tôi, rúc vào màn và ôm tôi thật chặt, chặt đến nỗi tôi phải đẩy nó ra. Nó nằm thẳng đuỗn như khúc gỗ, hai tay khoanh trước ngực, mắt đăm đắm nhìn lên đình màn. Tôi hỏi nó có chuyện gì xảy ra vậy? Nó như không nghe thấy. Mãi sau nó thì thầm mới hỏi lại:

- Anh họ với mình, họ thế nào vậy?

- Họ khá xa. Hỏi làm gì?

Nó im lặng. Tôi nghe rõ tiếng con tim nó đập uỳnh uỵch. Một lúc nó hỏi lại:

- Mấy đời?

Tôi giật mình:

- Cũng xa, xa lắm! Hình như bốn năm đời về đằng ngoại. Bà bảo thế!

Nó im lặng nằm nghĩ ngợi. Còn tôi thì chờ đợi.

- ...Chúng em yêu nhau... Hôm qua trên sàn nhảy anh ấy hôn em... Anh ấy nói yêu em...

Tôi thảng thốt:

- Ai cơ?

Nó thở dài:

- Anh họ.

- Thế... em thì sao?

- Em yêu anh ấy! Được không chị?

Đến lượt tôi nằm vật ra. Chỉ còn thiếu nước chân tay co quắp, mắt trợn ngược nữa thôi. Em tôi nhổm dậy nhìn thẳng vào mắt tôi:

- Chị cũng yêu anh ấy? Yêu lâu chưa?

Tôi thở dài chua xót thú nhận:

- Nhưng anh ấy chưa nói yêu chị bao giờ!

Thế rồi hết thời sinh viên. Càng ngày tôi càng thấy không thể quên anh họ. Tôi làm đơn xin lên một trường miền núi để dạy học với nỗi trống vắng trong lòng không gì khỏa lấp được. Có hai tháng nghỉ chờ nhận công tác, tôi đành khăn gói về nhà. Những chiều buồn, tôi thơ thẩn đi trên con đường tắt qua cánh bãi mọc đầy cúc dã thảo và cây trinh nữ. Con đường này, thuở còn ở nhà đi học ba chúng tôi thường chờ nhau để cùng đi, cùng về. Thuở ấy, tôi thường đi trước, anh đi sau và em tôi bao giờ cũng chen vào đi giữa. Nó vừa đi vừa hái những bông cúc dã thảo ôm đầy vòng tay. Ôi, những bông dã thảo! Tôi nhớ hồi còn ở trên trường, có lần tôi bắt gặp anh lặng lẽ gục đầu trên trang sổ có nhánh dã thảo được ép khô cẩn thận. Thì ra anh đã yêu mà tôi thì cứ âm thầm hy vọng và chờ đợi. Có nhiều buổi chiều tôi cứ ngồi lì ở đầu con đường đó, giữa những khóm cúc dã thảo cho đến khi nhánh lá trinh nữ ướt đẫm sương đêm đã khép lại trong giấc ngủ vô tư của loài cây hoang dã. Một buổi chiều như thế, bỗng có bàn tay khẽ đặt lên vai tôi. Tôi đứng phắt dậy run rẩy trong vòng tay anh họ. Tôi gục đầu vào ngực anh, lặng lẽ khóc. Nhưng chỉ một thoáng thôi, tôi trấn tĩnh lại, vùng ra khỏi tay anh, chạy thẳng một mạch về nhà. Tôi không sang nhà để chào bà trước khi lên nhận công tác như đã định.

Hai năm sau, tôi nhận được thư của mẹ khẩn thiết gọi tôi về dự đám cưới của em gái và anh họ. Tôi vừa đọc vừa khóc. Thế là chấm dứt mọi hy vọng. Với tôi, mọi cánh cửa dẫn đến tình yêu đều đóng chặt. Tôi ở nhà không quá hai hôm. Khi ra ga, tôi yêu cầu không đưa tiễn. Đêm ngủ cạnh mẹ, tôi chợt nghe mẹ nuốt tiếng thở dài.

Một năm sau. Chỉ một năm sau, nhận được thư của mẹ tôi không biết nên cười hay nên khóc. Em tôi đã ly dị. Chỉ sau một tháng ra tòa nó lấy một chuyên gia người Hàn Quốc mà nó làm phiên dịch cho đoàn ấy. Nó để lại cho anh họ tôi một ngôi nhà khá đẹp mới xây ở phố huyện.

Sau hai năm hay hơn gì đó, bà tôi mất. Tôi về quê chịu tang bà. Gặp anh họ. Anh già đi quá nhanh.

Tôi tránh đối diện với anh. Chắc anh biết thế. Trong đám tang bà, tôi khóc như mưa, như gió, khóc cho cả phần em tôi vì nó đang theo chồng công cán ở Đài Loan không về được. Tôi khóc thương bà, khóc thương anh và khóc cho thân phận mình. Tôi chưa bao giờ được khóc thỏa thuê đến vậy. Đêm về, tôi thấy nhẹ bớt những nỗi niềm bao năm chứa chất.

Cách đấy lâu, thật lâu tôi không về quê, Tết cũng không về, cứ như vùng đất nơi tôi đang ở đã sinh ra tôi vậy. Thư mẹ gửi, tôi đọc nhưng trả lời thì không. Càng gần đây, tôi càng nhận được thư mẹ nhiều hơn. Mẹ kể về những người trong nhà, kể về những người bạn của tôi ở làng và kể về anh họ. Mẹ kể thật nhiều. Cứ như vô tình mà kể. Anh họ tôi vẫn sống một mình trong căn nhà trên phố huyện và công tác tại phòng Nông nghiệp. Chỉ có điều anh tiều tụy, khổ sở vì thiếu tình yêu và bệnh tật. Tuổi già đến gõ cửa nhà anh quá sớm. Tóc anh đã bạc quá nửa đầu.

Một buổi chiều cuối đông lạnh buốt, gió núi như cắt da, cắt thịt. Thư mẹ lại đến với tôi. Ngồi bên bếp lửa, tôi run run bóc thư ra đọc. Đọc xong, tôi cảm thấy hụt hẫng vì cả trang giấy học trò mẹ viết đầy những chữ mà chẳng có dòng nào nhắc đến anh họ. Lại một lần nữa, tôi thấy buốt nhói tận tâm can. Đã có chuyện gì xảy ra với anh vậy? Làm sao mà anh lại không còn là sự quan tâm của mẹ tôi? Hay là... Tôi thật không dám nghĩ tiếp.

Chiều chiều, tôi leo lên tận đỉnh núi cao nhất nhìn về xuôi. Nước mắt cứ thi nhau lăn tròn trên má. Tôi thảng thốt khi nhận thấy trên nền trời xanh màu ngọc bích có một cỗ xe song mã chở nàng công chúa Áo Trắng. Cỗ xe đang phi nước kiệu về phía trời xa. Nơi ấy có anh họ tôi đang đứng đợi. Nét mặt nàng đầy vẻ mãn nguyện của kẻ chiến thắng. Chiếc xe đang bay trong một trời đầy những bông cúc dã thảo. Tôi vội vàng cất tiếng gọi anh. Tôi gọi lạc cả giọng mà anh vẫn không nghe thấy. Tôi vừa khóc, vừa gọi anh, vừa chạy về phía cung điện. Không. Tôi không chạy mà tôi bay. Tôi bay trong bầu trời đầy hoa. Tôi không có cỗ xe song mã nhưng tôi phải về đến cung điện trước nàng công chúa Áo Trắng.

Từng cơn gió lạnh buốt hắt vào mặt tôi làm tôi nặng nề mở mắt. Bên ngoài, sương giăng đầy lối. Tôi thẫn thờ không biết đang mơ hay tỉnh.

H.P.N