Mùa xuân trên tầng ký ức

03.01.2023
Nguyễn Thị Anh Đào

Mùa xuân trên tầng ký ức

Mùa xuân về ngược dòng ký ức trên thành phố. Vượt qua nhiều hơn những thác ghềnh, khó khăn, hướng mặt trời vẫn bừng lên những mùa vàng đón đợi. Mùa xuân mang theo khát vọng tràn về, bù đắp vết trống hoang trên gương mặt thanh xuân vừa thoáng hiện. Thanh xuân của thành phố ân tình!

Tôi đã có những ngày ngoại ô thành phố với những rối bời bờ bãi. Một chiều ngoại ô không phải chỉ để ngắm nhìn những gì mình thấy, mà là để lắng nghe nhịp đập của cuộc sống đang gượng dậy sau mùa đông - mùa mưa lũ của miền Trung khắc nghiệt. Nhưng, cuộc sống hồi sinh và nảy mầm theo cách của tạo hóa. Ở quanh đây cỏ cây hoa lá đang đan chen để cố ngoi lên khỏi mặt bùn non đang bám đầy đồng, bãi. Những dấu chân người in đầy mặt đất, đường làng, ngõ xóm… chỗ nào có bùn non là có dấu chân người. Chợt nhớ đôi câu thơ văn xuôi của nhà thơ Bùi Xuân “Anh chắt chiu từng giọt bùn sau mùa lụt để bồi đắp cho cánh đồng eo sèo thóc lép của mình. Anh chưng cất niềm vui, nỗi buồn, sự nếm trải, tìm trong đó chút tinh chất và anh ngẫm ra một điều, mọi chớp bể mưa nguồn rồi sẽ qua, cái còn lại, đọng lại là bùn non và tất cả đều có thể trở thành lớp phù sa màu mỡ”. Vậy mà sao trong tôi vẫn đẫm nỗi buồn, đẫm điều phiến dụ, đẫm cả những câu hỏi ngu ngơ không dễ trả lời. Niềm hạnh phúc được vực trong bùn non của tôi ngày xưa chợt bị khựng lại bởi một nỗi nhói đau.

Rồi ở phố cũng ngập ngụa trong bùn non sau bão lũ. Rồi người ở phố cũng phải đối diện và tập làm quen với lũ ống, lũ quét. Bùn non có phải là phù sa của thượng nguồn bồi về cho đồng bằng hay đó chính là nỗi đau của người dân ngày ngày vẫn bám ruộng, bám đồng? Có phải sông mỗi độ mùa lũ quét lại phải quặn lòng thương những sinh linh đã vì mình mà quên sinh trong dòng nước xiết. Sông có đau như cơn đau của người mẹ khi trở dạ sinh những đứa con của mình? Sông có biết bao người đang chờ đợi cái bình yên như tâm khảm để rồi sông có thể là dải lụa hiền hòa mà chở che cho bao số phận con người? Tôi đứng bên dòng Trường Định, cái gió sau bão, cái gió sau mưa, cái gió sau lũ bây giờ chỉ đủ làm mấy sợi tóc mai của tôi lây phây trong nắng chiều với đầy những điều mong manh trong miền mơ tưởng. Nhận ra, con đường nào cũng sẽ có điểm dừng, nếu ta tìm đúng hướng về phía đích.

Nhưng bất luận vì lẽ nào trong bốn mùa thiên nhiên đổi thay màu áo mới, bốn mùa lòng người có thể ngược xuôi đong đầy trên từng vùng xúc cảm thì những thời khắc mùa xuân chạm ngõ, sẽ lại đong đầy nhiều hơn những niềm hy vọng chưa bao giờ thôi bồi đắp trong mỗi tâm hồn. Và cuộc sống phải hồi sinh và con người vẫn bước tiếp dưới ánh nắng mặt trời chói chang, để tìm nguồn năng lượng tích cực nhất, tràn đầy sức sống nhất. Tôi vẫn dành những ngày cuối năm, đôi khi chỉ để lặng yên ở một xó xỉnh của quán cà phê nào đó. Lắng lại. Trốn một mình. Rồi một mình xách xe máy dạo quanh thành phố. Những ngọn gió mát rượi phía chân cầu thổi ngược, vờn những sợi tóc bay bay sau lưng. Thành phố những ngày quay như bão, nhớ như bão và cô đơn như bão. Tôi chợt nhận ra đôi chân mình dừng lại trước những chứng tích một thời đẫm dấu ấn trên mảnh đất đầu biển cuối sông. Nhưng, dấu lặng đứng như một mũi tên, rồi chìm vào thời gian của sự lãng quên. Đúng hơn là dấu tích chỉ còn trong ký ức miệt mài của ai đó - có tấm lòng thành thật nhất với thành phố này. Nhớ, buổi cà phê sáng bên sông, ông già nghệ sĩ - nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng từng nói với tôi, làm cái gì đó thật dấu ấn cho thành phố, khó chứ chẳng phải là một lời nói đơn thuần. Có cái đầu sáng tạo, nhưng sự sáng tạo ấy phải được chắp cánh bởi những nội lực mạnh mẽ nhất, mới mong đổi ý tưởng thành hiện thực. Nếu không, ý tưởng vẫn mãi là thủy tinh tuyệt đẹp.

Ly cà phê trôi ngang mắt trước đầy vơi con nước sông Hàn. Nhấm nháp vị đắng đã quen với hương vị phố phường, vị biển, vị nắng gió. Đôi lúc thảng thốt đến chơi vơi, mới hay, cái chân không cũng đủ để lật lại một chùm ký ức mới tươi. Những vòng xe đạp chạy quanh những con đường, gió mát rượi. Trôi mãi với những dự định, nhớ câu chuyện ở góc quán quen khi ngồi với người bạn đồng nghiệp. “Mình sống trong một thành phố mình sống không có ký ức”. Tôi thảng thốt. Tại sao người ở trong phố lại có cảm giác đó? Tại sao những dấu ấn ký ức mãi là những viên bi không lăn về đích mà lặn xuống đáy biển sâu. Ký ức có phải là của ngày hôm qua hay là dấu ấn mờ phai của một con đường đã quá mòn và người ta muốn lấp đầy lên đó những thớ đất mới nhất, thảm lên con đường đó lớp nhựa đường mới nhất. Làm sao thay đổi được một con đường ký ức? Câu nói bâng quơ của bạn tôi như nhói lặng trong tim khi tôi cố gắng tìm về những góc sâu văn hóa, những di tích lịch sử hay những dấu tích trên thành phố này. Câu hỏi khó vượt qua tầm với. Sự nghèo nàn và khô khốc về văn hóa khiến tôi chống chếnh không như một cơn say mà như một hồi ức xa mờ.

Văn hóa không nằm trong lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài của một đô thị mới, đô thị hướng biển. Văn hóa nằm trong chiều sâu, những điểm đến dấu ấn nhất và để lại ấn tượng nhất đối với những ai đặc biệt quan tâm văn hóa hay những du khách đến rồi đi mà vẫn luôn nhắc về nơi đã đến với đầy ắp dấu ấn đẹp. Có vòng quay thời gian trên chiếc xe đạp chở những ký ức tôi đi dọc phố phường. Biển lặng và gió êm. Những công trình mọc cao hơn ký ức của người dân thành phố một thời qua sông bằng những chuyến phà. Khi tôi đứng lặng dưới gốc đa cả trăm năm tuổi bên sông Hàn. Ước cái bến đò xưa hiện lên dẫu chỉ trong một ký ức mờ phai bởi sóng nước nơi này, nhưng làm sao để trở về khi thành phố cứ thế vươn lên, bỏ lại sau lưng những miệt mài của làng chài, của những góc phố mùa đông xa thẳm. Nước trên sông đổi mùa như thời gian đi qua bao chiếc cầu, đời sông đã mấy phen nhọc nhằn buông tỏa. Ngồi lặng ở gốc đa đó, nhìn những cội rễ mạnh mẽ bám trụ quanh gốc cây đa, mới hay thời gian quá khắc nghiệt. Chưa ai trở lại nơi này để ngồi ngắm một hoàng hôn xanh thẳm. Chưa ai đi đến nơi này để đong đếm kho ký ức vời vợi thuở nào. Ký ức là nền tảng của tương lai và cũng là những khoảng nhớ diệu vợi kham khó để thành phố thêm vững lòng, phát triển hài hòa, bền vững.

Gác lại phía sau những công trình cao chót vót, tạo nên những điểm nhấn ven sông. Tìm lại một bóng dáng sớm mai thơ thẩn bên sông, nơi gánh hàng rong chưa quen lối về lạ lẫm, vẫn ngang sông với mớ rau, nải chuối, hay những chậu hoa kiểng đẹp kiêu sa trên những chuyến xe thồ. Thành phố không ký ức, có ai hiến tạo nên ký ức cho thành phố quê hương tôi? Nụ cười hiền của ông già đạp xe đạp thồ mấy chục năm trước chợ Hàn kéo tôi về thực tại. “Sống vẫn cần có ký ức, nhưng rồi phải bước qua ký ức đó để tồn tại trong thực tế này. Bốn mươi năm già vẫn ở chỗ này, vẫn chở hết bao chuyến hàng từ chợ về khắp ngõ phố. Già có khi là ký ức phố, cháu liệu có tin lời già nói?”. Cái lưng đã còng, cái mũ phớt bạc màu thời gian, nụ cười hiền và những vòng xe đạp thồ không mỏi của ông già đạp xe thồ đó làm tôi nhói lên một vùng cảm thức. Ký ức quay trong vòng xe đạp qua phố, len lỏi giữa dòng xe cộ nhộp nhịp cùng những giọt mồ hôi đẫm ướt lưng áo. Ký ức đó chăng, thành phố không ký ức của tôi?

Mang câu hỏi thấm màu thời gian đi tìm ký ức. Vẫn chấp chới một dòng nhạc đồng quê mơ chiều thẳm nắng. Ngoài những cây cầu, những công trình mới bên sông, văn hóa nơi này có gì để người ta nhớ? Khó biết bao nhiêu, khi ngổn ngang bao điều mới mẻ mà thành phố này đang hướng đến để hòa vào trong cuộc hành trình vươn lên mạnh mẽ như rồng?

Điểm tựa nào để con rồng bay lên? Hay những ký ức đã trở thành điểm tựa để thành phố hôm nay không chối bỏ? Lòng người dân ở thành phố này liệu có phải là một giá trị tạo nên dấu ấn văn hóa sâu nhất cho thành phố biển? Những câu hỏi của tôi vụt lên giữa hỗn tạp phố phường. Bánh xe vẫn quay qua nhiều con phố. Gió vẫn mát lạnh từ biển thổi vào len lỏi phố phường.

Mùa xuân trên nền bản nhạc ai đó vừa hòa tấu vang lên nhiều thanh âm diệu vợi. Có câu bài chòi quá đỗi thân thương nhưng cũng có những thước phim quá hiện đại về thành phố. Vượt qua thác ghềnh sẽ là bãi bờ yên lặng - thành phố sẽ mạnh mẽ bứt phá với sức bật trong ký ức mằn mặn nước sông Hàn.

N.T.A.Đ

Bài viết khác cùng số

Côn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiVàng Mai rực rỡĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtMùa chim ri làm tổMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmTháng GiêngTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổNgẫu khúc cầu vàngHồi ức Mã ChâuCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhNgày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Hình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuCon mèoChiều Đà NẵngTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác