Con mèo trong văn hóa dân gian Việt Nam

05.01.2023
Huỳnh Thạch Hà

Con mèo trong văn hóa dân gian Việt Nam

Tranh Đám cưới chuột - Tranh dân gian Đông Hồ

Loài mèo được thuần hóa từ thời cổ đại và là một trong những loài vật hiện diện trong nhiều nền văn hóa. Ở Việt Nam, trong 12 con giáp có bảy con vật được thuần dưỡng và đã trở thành vật nuôi trong nhà là trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, lợn. Con mèo tuy không phải là vật nuôi mang lợi ích kinh tế như những con vật khác, nhưng lại là người bạn thân thiết chuyên bắt chuột bảo vệ thành quả lao động của con người nên vẫn được con người yêu quý. Hiện nay, mèo đã trở thành con vật cưng phổ biến ở Việt Nam và cả trên thế giới, nó trở thành người bạn thân thiết với con người.

Trong chu kỳ lịch pháp của người Việt, con mèo được giao quản năm Mão, tháng 2 và từ 5-7 giờ của buổi bình minh. Từ giờ Mão, phương Đông nhuốm hồng ánh dương rồi tỏa lên bầu trời những tia sáng đẹp. Vào tháng 2 - tháng Mão, khí trời bắt đầu ấm, mưa bụi bay nhè nhẹ, cây cối nảy lộc đâm chồi. Vì thế, Mão trong ngũ hành được gắn với mùa xuân, thuộc hành Mộc, hàm ý dương khí bắt đầu thịnh, vạn vật sáng tươi.

Tuy được đặt vào thời gian tươi sáng, bắt đầu ngày mới, nhưng quan niệm về loài mèo cũng có nhiều khác biệt thú vị. Có khi chúng được xem là con vật hữu ích, nhưng cũng có khi chúng được coi là con vật liên quan đến ma quỷ và những điều xui xẻo.

Trong quan niệm xưa của nhiều người dân, con mèo mang lại nhiều điều xui xẻo. Và dân gian vẫn lưu truyền câu tục ngữ: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Ở Việt Nam cũng có nhiều người mê tín rằng nếu mèo đen nhảy qua xác một người mới chết, người đó sẽ hóa thành quỷ nhập tràng. Đó là hiện tượng người chết chưa khâm liệm, để linh miêu nhảy qua, xác chết sẽ bật dậy ngay. Mèo ma nhất là loại sinh vào giờ Mão (5 - 7 giờ sáng), tháng Mão, năm Mão, bị nghi ngờ có liên hệ với cõi âm nhiều nhất. Người ta cũng cho rằng, mèo gào vào nửa đêm là điềm báo sẽ có tai ương, kêu 7 tiếng thì sẽ có người phải lìa đời, còn kêu 9 tiếng thì như oan hồn người chết về nhập vào con mèo như muốn đi đòi mạng người còn sống. Những con mèo hay gào vào đêm người ta cho rằng chúng là quỷ dữ, chuyên báo hiệu cái chết.

Con mèo gắn bó với đời sống người dân từ thuở xưa nên chúng đã sớm xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích. Truyện cổ tích Sự tích con mèo giải thích vì sao xuất hiện loài mèo, và những đặc điểm của chúng lại giống với loài hổ. Câu chuyện kể về quá trình một chú hổ con đến xin con người lửa để sưởi, sau đó ở lại sống với con người và lâu dần thì hóa thành mèo.

Loài mèo vốn là khắc tinh của loài chuột. Trong truyện cổ tích Sự tích vì sao Mèo ghét Chuột, tác giả dân gian đã giải thích nguyên nhân vì sao mối quan hệ giữa mèo và chuột luôn căng thẳng. Thuở xưa, loài chuột giữ kho lúa cho thiên đình nhưng chuột đến mở kho, rủ nhau vào ăn hết lúa. Ngọc Hoàng tức giận đuổi chuột xuống hạ giới. Chuột lại tiếp tục ăn phá thóc của con người, thần Bếp tâu lên Thiên đình. Ngọc Hoàng sai mèo xuống hạ giới để bắt chuột không cho phá hoại mùa màng. Từ đó, hễ thấy chuột là mèo làm nhiệm vụ Ngọc Hoàng giao cho. Chuột cứ nghe tiếng mèo là trốn biệt. Bởi thế, trong dân gian vẫn lưu truyền câu “như chuột thấy mèo”.

Con mèo cũng đi vào các thể loại văn học dân gian như ca dao, tục ngữ. Mèo vừa là hiện thân của sự thanh cảnh, tao nhã nhưng cũng là kẻ ương ngạnh khi ăn vụng, khó bảo. Lâu nay, người dân cũng gán cho nó rất nhiều tính xấu của con người để góp phần răn dạy phê phán và rút ra bài học về lẽ sống. Ví dụ, để chỉ loại người vô giáo dục, sống buông thả thì dân gian có câu Mèo mả gà đồng; để chỉ hạng người tinh ranh nguy hiểm càng lâu càng khôn ngoan, quỷ quyệt thì: Mèo già hóa cáo; chỉ loại người bịp bợm ăn chơi đàng điếm linh tinh: Mèo đàng chó điếm; muốn phê phán hạng người chỉ ham ăn, ham nói dóc, còn làm thì rất dở: Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; phê phán hạng người chưa biết làm thành thạo một công việc đã làm ẩu, làm dối thì: Chưa học bắt chuột đã học ỉa bếp… Có khi dân gian lại dùng mèo để chỉ những hành động khen chê, thắng bại, nguy hiểm, thừa thiếu: Mèo vờn chuột hay Chuột gặm chân mèo để chỉ những hành động dại dột, liều lĩnh, nguy hiểm. Có khi để chỉ một hành động vừa sức mình, dân gian có câu: Mèo nhỏ bắt chuột con. Nhưng để chỉ một việc quá sức mình, lại có câu: Mèo nhỏ lại bắt chuột to. Khi chỉ một hành động chưa chắc ai thắng ai, có câu: Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào. Khi cần phê phán loại người không thấy mình xấu mà chỉ đi soi mói cái xấu của người khác, ca dao có câu: Mèo già chê chó lắm lông.

Thành ngữ cũng có nhiều câu dùng hình ảnh mèo để phê phán. Ví dụ: Mỡ để miệng mèo ám chỉ một sự phô bày hớ hênh dễ kích thích cho kẻ xấu đánh cắp, còn như: Mèo thấy mỡ lại chỉ sự thèm muốn, khát khao không nhịn được của một hạng người tham lam. Khi cần chỉ sự tức giận, bất bình, cạnh khóe có câu: Chửi chó mắng mèo; chỉ sự mâu thuẫn không hòa hợp được có câu: Ăn ở như chó với mèo. Châm biếm cho trường hợp gặp may bất ngờ đạt được cái hoàn toàn ngoài khả năng của mình thì có câu: Mèo mù vớ phải cá rán…

Ca dao về con mèo cũng được dân gian lưu truyền rất nhiều, là những lúc muốn đối đáp trêu đùa cô gái, chàng trai hát câu ca:

Khổ qua xanh, khổ qua đắng

Khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo

Anh muốn thương em, anh mần giấy giao kèo

Ngày nay mới chắc em là con mèo của anh.

Cô gái thông minh, lém lỉnh cũng không vừa, đáp lại:

Con thú bốn chân anh gọi con mèo thì phải

Còn anh với em tình ngãi sao anh cũng gọi mèo?

Thế là chàng trai đánh chịu thua!

Ca dao còn dùng hình ảnh con mèo để thể hiện nỗi lòng của người con gái yêu nhầm anh chàng nào đó đã yên bề:

Sông Hàm Luông sông sâu, sóng cả

Em thương anh nhiều mà chẳng dám theo

Thương anh đâu quản hiểm nghèo

Ngặt vì một nỗi, anh có con mèo theo sau…

Hay những cô gái khi là nạn nhân của nạn tảo hôn trong xã hội thời xưa, cũng trút bầu tâm sự:

Bầu non ong đốt chẳng eo

Tuổi tôi còn bé chẳng mèo mỡ đâu

Kể ra mười bốn trên đầu

Mẹ cha sở định làm dâu nhà người.

Hình ảnh con mèo cũng dự phần vào sự phê phán tục thách cưới, nộp cheo trong hôn nhân ngày xưa:

Anh về anh bảo mẹ cha

Bắt lợn để cưới, bắt gà để cheo

Đầu lợn lớn hơn đầu mèo

Làng ăn không hết làng treo cột đình

Ông xã đánh trống thình thình

Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.

Các tác giả dân gian còn dùng hình ảnh con mèo để phê phán một giai đoạn, một hoàn cảnh của kẻ yếu hèn bằng vè nói ngược:

Con mèo mày trèo cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đàng xa

Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo

Còn hàng quan lại tham ô tham nhũng thì hình ảnh con mèo cũng góp mặt trong những lời phê phán:

Con mèo đi chợ Chùa Chanh

Mua quả na chín, mua nhành cau tươi

Đưa lên nó biếu ông Trời

Trời khen nắc nởm, Trời cười ha ha

Trời ban cho các mèo già

Quần xanh áo đỏ mũ da giày vàng.

Chú mèo còn xuất hiện trong các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống. Trong tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ, người ta bắt gặp hình ảnh tiến sĩ chuột vinh quy cưới vợ, nhưng vẫn phải biếu quà cho chú mèo đang ngồi quặp đuôi vẻ hiền lành, đưa tay ra nhận chút quà mọn trong tiếng trống, tiếng kèn. Với bố cục khỏe, cách diễn nét to, đậm, độ cách điệu vừa phải, giàu tính trang trí, màu sắc mộc mạc, chân quê… Người nghệ sĩ dân gian đã thông qua việc miêu tả cảnh đám cưới để gửi gắm vào tờ tranh cả một lẽ sống, rất sâu sắc: Chặn đầu đoàn rước là con mèo đang ngồi chãnh chọe, giơ một chân trước lên, dáng dấp rất hách dịch. Gặp phải hoàn cảnh ấy, họ hàng nhà chuột cử ngay một “phái bộ” đi thương thuyết, cũng đánh trống, thổi kèn hẳn hoi. Ngoài ra, họ hàng nhà chuột còn công khai mang theo chút “lễ mọn” - là cá và chim đút lót cho mèo nhằm đạt được việc lớn, không ảnh hưởng đến tài sản, hoặc sinh mạng cá nhân nào, quan trọng hơn, để đám rước được suôn sẻ. Ở đây, có thể mèo đại diện cho thế lực cường hào ác bá ở nông thôn, còn chuột là dân nghèo bị áp bức, bóc lột. Các bức tranh tuy mô tả quang cảnh đám cưới vui nhộn nhưng thực tế là sự phê phán thói đời và tầng lớp phong kiến xưa. Đó chính là lối ứng xử vừa bi vừa hài của nhân dân lao động trước người có quyền thế, rộng hơn nữa là lối ứng xử của kẻ yếu trước kẻ mạnh, để yên ổn chung sống trong hòa bình.

Dòng tranh Đông Hồ còn có bức tranh Em bé ôm mèo thuộc chủ đề tranh chúc tụng. Tranh thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên Đán tràn đầy hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng.

Thế nhưng hình ảnh con mèo không chỉ xuất hiện ở trong tranh Tết Đông Hồ, mà người nghệ sĩ dân gian Việt Nam còn cho nó xuất hiện trên những bức chạm khắc ở những nơi chốn tôn nghiêm như đình làng Bình Lục - Quảng Ninh, cảnh mẹ con nhà mèo quây quần, chạm nổi ở bia chùa Linh Quang - Hải Phòng, đều đã phản ánh một nét tư duy của người xưa về con vật gần gũi này.

Có thể thấy rằng, dù trong thời đại nào thì hình tượng con mèo cũng có ý nghĩa vô cùng thiết thân với con người. Nó hiện diện trong đời sống người nông dân như một người bạn để bảo vệ thành quả lao động và cả những tình cảm, những biến chuyển trong cuộc sống. Đặc biệt, người bình dân còn thi vị hóa mèo, dùng hình ảnh của chúng vừa răn dạy người đời, vừa để phê phán những thói hư tật xấu của con người.

H.T.H

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác