Biến thể - Khúc bi ca nhân thế

05.01.2023
Lê Hương

Biến thể - Khúc bi ca nhân thế

Bìa tập thơ Biến thể của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm

Ngoài các tập thơ đã xuất bản như: Khói tỏa về trời (Nxb Đà Nẵng, 1994), Bên ngoài cánh đồng (Nxb Đà Nẵng, 2003), Nắng trên đồi (Nxb Đà Nẵng, 2011), thì Nguyễn Nho Khiêm làm độc giả khá bất ngờ với hai tập thơ trình làng trong năm 2021: Bên cửa sổ và Biến thể (Nxb Hội Nhà văn). Cầm tập thơ Biến thể trên tay, tôi thực sự ấn tượng vì tác giả không bị “cái lặp lại”, sự cứng nhắc của loại thơ thế sự chi phối. Tập thơ gồm có 2 phần:
Phần I: “Nhật ký thành phố ngày nhiễm dịch”, Phần II: “Ký ức mưa và lụt”. Với gần 50 bài, tập thơ Biến thể của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm thể hiện cảm quan của người nghệ sĩ trước biến cố thời cuộc, cũng như năng lượng sáng tạo của tác giả trong hành trình neo đậu bến chữ.

Ở phần I tập thơ: “Nhật ký thành phố ngày nhiễm dịch”, người đọc bất chợt gặp lại hình ảnh mình trong những ngày chống dịch. Khi thành phố bị phong tỏa, Covid-19 có thể “kìm kẹp” đôi chân của thi sĩ nhưng không ngăn cản được trái tim rung ngân, ngập tràn thương nhớ của họ. Mở đầu tập Biến thể, Nguyễn Nho Khiêm đã tái tạo một thế giới tinh thần đầy lãng mạn. Trong thế giới ấy, chỉ có “anh” - “em” và những sắc màu dịu ngọt, lắng đọng nhất. Hôm nay phố phong tỏa/ anh giam chân trong nhà/ nhớ em anh nhờ cỏ/ nở hộ một chùm hoa/ Anh nhờ ngàn cơn gió/ mang vị ngọt cánh đồng/ gom hết hương biển mặn/ ướp tóc em bềnh bồng (Thơ cho tuổi mơ xưa). Động từ “nhờ” cho thấy tâm hồn bao dung, tha thiết của “anh” dành cho “em”. Thế giới hiện thực và tinh thần của Nguyễn Nho Khiêm tưởng chừng đối lập, giằng xé nhau nhưng chúng lại bổ sung, tròn đầy, làm cho người đọc xoay chìm trong men yêu mà thi nhân tạo dựng.

Nhìn vào thực tế dịch bệnh Covid-19, Nguyễn Nho Khiêm không khỏi bàng hoàng. Nhà thơ thoát ly khỏi thế giới tình yêu thơ mộng để tái hiện cuộc chiến chống dịch đầy gian truân nhưng rất đỗi tự hào: Khi Đà Nẵng bất ngờ là tâm dịch/ lệnh phong tỏa, cách ly, giãn cách… ban hành/ mỗi người dân dạt về nhà trú ẩn/ mỗi bác sĩ là tuyến đầu trước sự sống mong manh (Gửi Trà My). Các cụm từ trong câu thơ: lệnh phong tỏa, cách ly, giãn cách… được ngắt bằng dấu phẩy thể hiện sự nóng hổi, dồn dập, khẩn thiết của việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, mỗi cá nhân là một chiến sĩ, một “pháo đài” trên mặt trận. Nhờ ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực không ngừng và tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của mỗi người mà chúng ta mau chóng dập dịch. Với sứ mệnh của một nhà thơ trước thời cuộc, Nguyễn Nho Khiêm không thoát khỏi nỗi ám ảnh, lo sợ về dịch bệnh: Tôi lại sợ một ngày/ mặt trời sẽ đeo khẩu trang/ biển sẽ đeo khẩu trang/ xa lánh chúng ta (Biển có nhìn thấy tôi). Thực tế cho chúng ta thấy được mức độ kinh hoàng, tàn khốc của dịch bệnh đến cuộc sống của nhân loại. Ngay cả bầu không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày cũng tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro. Vì thế, nỗi hoang mang về một ngày “mặt trời sẽ đeo khẩu trang”, “biển sẽ đeo khẩu trang” bám riết tâm hồn thi nhân là lẽ thường tình. Viết về dịch bệnh Covid-19, Nguyễn Nho Khiêm không thêm bớt, không né tránh đến những góc khuất, thương tổn mà con người phải trải qua. Bởi “văn học là tấm gương phản ánh chân thực”, nên nhà thơ có nhiệm vụ phản ánh những hy sinh, mất mát mà bản thân chứng kiến. Khi nhìn thấy một người phụ nữ sắp qua đời vì nhiễm Covid-19, Nguyễn Nho Khiêm đã không giấu được xúc động. Nhà thơ kìm nén cảm xúc của mình để tái hiện nên bức tranh bi thương ấy bằng những câu từ nhói buốt: Cô ấy muốn nhìn bình minh lần cuối/ nước mắt rưng vĩnh biệt mặt trời/ chút nữa thôi bóng đêm trùm vũ trụ/ hồn hóa thành ngọn gió rong chơi (Bình minh cuối). Khung cảnh phố xá Sài Gòn hoa lệ lồ lộ hiện lên trong những lời thơ “ngột ngạt” và ám ảnh. Những từ “phố không”, “đường trống”, “người ẩn nấp”, “thở sâu”, “phố vắng”, “quán khép”, “ghế bàn lặng lẽ” gợi chúng ta nhớ lại những giờ phút tận cùng của trống vắng và nguy kịch: Đêm Sài Gòn tránh dịch/ phố không, đường trống/ mười triệu người ẩn nấp, thở sâu/ đêm nằm đếm bước chân virut/ mút lòng sông núi bể dâu (Đêm Sài Gòn tránh dịch); Ngày thành phố nhiễm dịch/ phố vắng/ quán khép/ ghế bàn lặng lẽ/ con virus tàng hình, biến thể/ chặn hơi thở của người như muốn nói điều gì chăng? (Nhật ký thành phố ngày nhiễm dịch). Bằng trải nghiệm chân thực, Nguyễn Nho Khiêm đã cảm nhận sâu sắc và viết nên những câu chữ đầy gai góc. Để một ngày, khi nghe tin “không có ca nhiễm mới”, lòng thi nhân reo vui và hạnh phúc rộn ràng: Sáng nay không có ca nhiễm mới/ nghe lòng vui như vườn cải sớm mai/ như nhánh cỏ triền sông tuổi thơ rót mật/ như gương mặt em mười sáu tuổi, mơ dài (Sáng nay).

Ngoài những bài thơ đầy gợi tả và ám ảnh về dịch bệnh ở phần I, thì hầu hết, những bài thơ ở phần II đều lột tả xúc cảm, nỗi lòng của thi nhân khi chứng kiến cảnh lũ lụt: Mưa lụt ăn sâu vào ký ức/ giấc ngủ đêm nào cũng thấy trôi/ cơn bão từ năm Thìn, năm Ngọ/ vẫn còn phần phật phía mồ côi (Ký ức mưa và lụt). Là một người con của miền Trung, hình ảnh lũ lụt xảy ra triền miên là một phần ký ức không thể nào quên của Nguyễn Nho Khiêm. Đến nỗi, chúng “ăn sâu vào ký ức”, len vào từng giấc ngủ của anh. Nó đem lại cho anh những khoái cảm thẩm mỹ để anh có thể cất lên những lời thơ mà đọc xong người ta đã cảm nhận được “mùi vị của lũ lụt”: Gom mây tám hướng về rừng/ trút mưa làm thác thẳng tưng mấy tầng/ chảy, trôi, ngập, xoáy, cuốn, dâng/ miền Trung gan góc tảo tần miền Trung… (Chùm thơ ngày bão lụt). Những động từ “gom”, “chảy”, “trôi”, “ngập”, “xoáy”, “cuốn”, “dâng” đã khắc họa phần nào bức tranh tàn bạo của lũ lụt miền Trung. Nó làm cho người đọc hình dung và nhớ lại khoảng thời gian mà nhân dân ta phải gồng mình chung tay vượt qua những thương tổn và thiệt hại do thiên tai gây ra. Nếu dịch bệnh Covid-19 là kẻ thù làm nhân loại phải điêu đứng, thì bão lũ cũng khắc nghiệt không kém. Nó làm cho người dân phải vắt kiệt sức lực, tiền của để đối phó. Bằng trải nghiệm sâu sắc, cùng với trách nhiệm của một người cầm bút, Nguyễn Nho Khiêm đã tái hiện bức tranh hiện thực ấy một cách chân thực và lay động nhất.

Dù đôi bài lời thơ còn mộc mạc, song, tập thơ Biến thể đã bộc lộ cảm xúc, nỗi lòng của nhà thơ Nguyễn Nho Khiêm trước vòng xoáy thăng trầm của nhân loại. Viết về Covid-19, về lũ lụt thiên tai không phải là vấn đề mới lạ, nhưng viết như thế nào để chạm vào ngõ ngách tâm hồn và khơi dậy sự đồng cảm ở người đọc thì ắt hẳn anh đã làm được. Chúng ta có quyền hy vọng hơn nữa vào những bước đột phá trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của anh.

L.H

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác