Côn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tài

04.01.2023
Hồ Sĩ Bình

Côn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tài

Phố Cây bàng Côn Đảo

Biển Côn Đảo xanh như ngọc bích, nhiều bãi biển còn hoang sơ nên rất sạch, trời trong mây trắng ngần như bông, rừng lại chưa bị phá hoại còn giữ được “sự nguyên sinh”. Gần đây con đường Tây Bắc mở ra một vòng cung quanh thị trấn xuyên qua giữa rừng già và biển ăn thông với cảng Bến Đầm đẹp vô ngần.

Tôi sống gần biển đã mấy chục năm thế nhưng trước cảnh biển trời của Côn Đảo vẫn cảm thấy ngỡ ngàng vì sự hấp dẫn bình yên đến lạ lùng.

Hải, bạn tôi hơn mười năm trở lại đây, anh đã ba lần về Côn Đảo nên rành rõi mọi ngóc ngách, đường đi nước bước thế mà khi cùng tôi về lại lòng vẫn đầy cảm xúc. Anh nói: “Côn Đảo cũng dần thay đổi nhưng vẫn còn giữ được nét hoang sơ, cảnh sắc thiên nhiên vẫn tuyệt vời, vẫn một chút phố xưa còn giữ lại…”.

Ngoài thời gian thăm thú các nhà tù và các di tích lịch sử, chúng tôi thích nhìn ngắm những biệt thự, ngôi nhà cổ theo lối kiến trúc của Pháp và thăm thú những địa điểm như Sở Cò, nơi mà Võ Thị Sáu bị giam giữ một đêm để ngày mai ra pháp trường xử bắn, thăm những hồ nước ngào ngạt hương sen. Thăm Sở Muối, Lò vôi...  có từ thời Pháp giờ đã hoang phế chỉ còn trơ trơ tường gạch loang lổ, tất cả như một vết cắt của lịch sử, tôi thầm nghĩ đó là dấu vết một giai đoạn của văn minh thuộc địa sơ khai mà người Pháp để lại trên mảnh đất này.

Phố Cây bàng

Người ta đã viết nhiều về các di tích lịch sử, các nhà tù, tôi không muốn nhắc lại, chỉ bày tỏ một chút cảm nhận như một góc nhìn thêm về hòn đảo ngọc. Hình ảnh cây bàng được trồng trên 100 năm, được xếp vào loại cây di sản xuất hiện trên khắp các nẻo đường. Ngày xưa người Pháp từng gọi thị trấn Côn Lôn là thị trấn Cây Bàng và con đường Tôn Đức Thắng bây giờ trước kia là đường Cây Bàng. Đây là con đường chạy dọc ven bờ biển như một hành lang ôm lấy ngôi nhà thị xã, nhỏ nhắn thơ mộng, gần gũi như một niềm yêu thương. Con đường mang một vẻ đẹp khiêm tốn nhưng sâu thẳm một nỗi niềm xưa cũ. Nó yên ắng rất ít người qua lại, về đêm thì hoang vắng hun hút chỉ còn tiếng sóng khẽ khàng. Những ngày ở đảo đêm nào cũng lang thang trong khuya lơ khuya lắc nhiều khi ngỡ như tất cả không gian đều thuộc về thế giới của cây cối. Con đường ấy đã làm thức dậy nơi tôi một niềm hoài cảm mênh mang. Tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã Quảng Trị, từng có một con đường bên sông Thạch Hãn với dãy hàng phượng vĩ dọc theo bờ sông, mùa hè đứng trên cầu nhìn dọc theo sông, phượng đỏ rực như thắp lửa bên trời. Con đường đó cũng như đường Cây Bàng không có nhà dân mà chỉ có các công sở nên cũng vắng lặng đêm sâu. Nhiều buổi chiều tôi chạy lúp xúp theo chị tôi trong tà áo lụa trắng nhặt những cánh phượng ép vào tập giấy pelure chép đầy những bài thơ tình thời thượng. 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, bom Mỹ đã vùi dập cả thị xã chỉ còn là những đống gạch vụn, con đường bờ sông ấy cũng không còn, chỉ còn là kỷ niệm…

Từ lâu tôi vốn rất thích hình ảnh cây bàng mùa đông, khoảng thời gian này, lá chuyển sang màu đỏ rồi sau đó mới rụng. Bàng Côn Đảo thuộc loại cây di sản ước chừng còn khoảng 60 cây. Thân cây to đến 3 người ôm không xuể, nhất là lá rất to. Thử tưởng tượng đến mùa đông trên những nẻo đường Côn Đảo một màu đỏ trên cây và lá bàng rơi xao xác thắm một màu xác pháo đỏ thẫm trên vỉa hè, trên mặt đường, xao xuyến vô cùng. Một vẻ đẹp của nỗi buồn được thăng hoa. Đối với những tù nhân được sống sót trở về, ai cũng nhớ đến cây bàng. Anh Hoàng Công Khảm ở Đà Nẵng là một tù nhân chung phòng và bị xiềng chân với cố nhà thơ Phan Duy Nhân (Nguyễn Chính) đang nằm điều trị tại bệnh viện Ung thư Đà Nẵng biết tôi đi Côn Đảo về, chỉ nhắn: “B. ơi, cây bàng trước “Nhà dây thép” còn không em…”. Nói như thế, dẫu qua bao dâu bể, người từng bị giam cầm ở đó, hình ảnh cây bàng vẫn đẹp như một nỗi nhớ…

Nhà soạn nhạc thiên tài

Cũng trên con đường Cây Bàng có một ngôi nhà theo lối kiến trúc Pháp. Ngôi nhà trưng bày, lưu niệm nhạc sĩ Camille Saint Saens, một nhà soạn nhạc tài danh của Pháp và châu Âu. Ông đến đây theo lời mời của A. Rousse mới sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương và Louis Jacquet, một người hàng xóm của ông ở Paris là Quyền Giám đốc Nhà tù Côn Đảo - một nơi yên tĩnh để hoàn thành những chương cuối vở Opera  Brunhilde của Emest Guiraud, một người bạn nhạc sĩ thân thiết nhất vừa qua đời đã ủy thác. Camille Saint Saens được bố trí ở lại Côn Đảo từ ngày 20 tháng 3 năm 1895 đến ngày 19 tháng 4 năm 1895 trong một ngôi nhà Công quản, trước mặt là biển, đối diện với cầu Cảng 914 cùng với mấy cây bàng im bóng, phía bên trái dịch vào một chút là nhà Chúa đảo. Không gian thật tuyệt vời, quá lý tưởng để cho ông sáng tác, để chỉ sau một tháng đã kịp hoàn thành vở opera. Thêm một chi tiết mới mà trong Nhà lưu niệm Camille Saint Saens chưa thấy bổ sung, cập nhật thông tin là vở Opera Brunhilde sau này được ông đổi tên là Hoàng hậu Frédesgonde, nội dung là câu chuyện về một giai đoạn lịch sử có thật của nước Pháp thời tiền Trung cổ với những giao tranh xoay quanh vương quyền và cuộc đời nàng Frédégonde. Mặc dù vở opera ra đời đã lâu nhưng nội dung vở nhạc kịch vẫn mang tính thời sự hiện đại, đặc biệt là đã được Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng phối hợp với Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dàn dựng và trình diễn vào tháng 10 năm 2017. Buổi diễn đã quy tụ nhiều nghệ sĩ lừng danh của Pháp tham gia. Sự chọn lựa trình diễn vở nhạc kịch này mang ý nghĩa đặc biệt vì nó đã được sáng tạo trên mảnh đất Côn Đảo của Việt Nam. Đây là cơ hội mà khán giả Việt Nam được thưởng thức tác phẩm của một trong những tác giả vĩ đại của nền âm nhạc nhân loại.

Nhà lưu niệm nhạc sĩ Camil Saens trên Phố Cây bàng

Những ngày ở Côn Đảo, có những đêm khuya ông nghe thấy “tiếng lọc cọc  của những đoàn xe bò chở rau quả của các tù nhân đi ngang nhà khách. Tiếng xiềng xích kéo lê trên mặt đường, có tiếng roi quất đen đét, tiếp đó là tiếng người rên rỉ. Rồi tất cả lại lặng đi”, đã làm ông day dứt và như một sự thức tỉnh trước sự dã man ghê rợn của một nơi chốn tưởng như bình yên. Một đêm khuya thanh vắng, ông chợt nghe từ trong trại giam “một âm thanh lạ tai vọng lên dè dặt: một người đang so dây một cây đàn nhị vang lên một đoạn giáo đầu kỳ lạ. Bỗng có tiếng đấm cửa sắt thình thịch. Tiếng đàn nhị im bặt”. Tiếng đàn nhị ngân rung như sâu xoáy vào trái tim, ông vội vã đi theo tiếng đàn ấy, chợt tiếng đàn ngưng lại nửa chừng kèm theo là tiếng mở khóa cửa của tên cai ngục… Trong bức thư của người nhạc sĩ tài hoa cho Chúa đảo Jacquet được viết rất ngắn. “Những cái tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng được âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu trong sáng và phong phú của họ”. Rõ ràng, bằng một linh cảm của một nhạc sĩ giàu lòng nhân ái, là tác giả của những tác phẩm luôn hướng về tiếng khóc, giàu tính nhân văn, ông hiểu rằng trong âm hưởng tiếng đàn nhị của người tù là một thứ âm nhạc sinh ra từ nỗi đau, thật sự “họ đã đau khổ biết dường nào”. Tác giả của vở nhạc kịch đã rất phẫn nộ, không thể chấp nhận cảnh tù nhân vừa sống trong xiềng xích, tra khảo tàn bạo mà ngay cả âm nhạc cũng bị săn đuổi, ngăn cản bằng bạo lực. Xin lưu ý một điều, ông không hề tận mắt chứng kiến cảnh tra khảo và giam giữ tàn bạo tù nhân nhưng chỉ mới nghe thấy tiếng xiềng xích và tiếng roi quất trong đêm tối, tiếng đàn nhị bị đứt quãng của tên cai ngục mà ông đã cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau đớn đến tận cùng của tù nhân đã trải qua trong cay nghiệt…

Những ngày cuối cùng trước khi rời đảo, ông đã thức suốt đêm để hoàn thành tác phẩm. Những nỗi đau xé lòng trước hình ảnh tù nhân phải chịu đựng như tiếp thêm nguồn cảm xúc và cảm thương khi viết về nhân vật Hoàng hậu Frédesgonde  trong những ngày cuối đời thất thủ đang phải chịu cảnh tra tấn ghê rợn nhất. Ông rất xót xa và kết thúc bức thư, ông viết: “Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi quá nhiều… Cái gì đã khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này?... Còn cách nào cứu vãn được không?… Là một người yêu nhạc, tôi tin chắc rằng: Ở đâu cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi, ở đó chẳng cần đến luật pháp…”. Rõ ràng, câu nói này đã thể hiện một quan điểm, một tấm lòng của người nghệ sĩ chân chính về cái Đẹp một cách đúng nghĩa, khi mà cái đẹp được tôn vinh vĩnh hằng không hề có chỗ nào cho tội ác xuất hiện… Thư được trích rất ngắn nhưng đã thể hiện nỗi lòng đau đớn tột cùng để phải thốt lên những lời phẫn nộ tuy nhẹ nhàng nhưng không kém phần quyết liệt dù người viết đã nhận được sự ưu ái, quý trọng của Chúa đảo vì đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho ông suốt thời gian lưu trú. Thật sự là trớ trêu.

Tôi đọc hết bức thư lòng xốn xang cảm xúc, trong tâm trí cứ ám ảnh suốt trên đường về. Có điều vẫn băn khoăn dù khách du lịch về Côn Đảo khá đông nhưng qua theo dõi rất ít người ghé thăm địa điểm này, thật tiếc…

Ngày rời đảo, chúng tôi chỉ tiếc là dù đã đến đảo Hòn Bảy Canh nhưng không tận mắt chứng kiến rùa đẻ trứng vì chưa đúng mùa. Trong những câu chuyện được nghe lại, điều ấn tượng khó quên nhất là việc rùa con sau khi nở ra khỏi trứng, chúng tự chạy ra biển. Người ta cho biết nhiều khi 1000 con rùa con ra biển có khi chỉ sống sót một con để trở về. Đúng 30 năm sau vào thời kỳ hoài thai, chúng trở lại đẻ trứng đúng nơi mà ngày xưa chúng từng được sinh ra. Điều này thật kỳ diệu và khó giải thích vì suốt 30 trôi dạt giữa mênh mông đại dương làm sao biết đường về. Đâu chỉ là con người, ý thức tìm về nguồn cội về nơi nhau rốn của rùa cũng đáng cho con người phải suy gẫm.  Đời của rùa cứ thế mà quay theo chu kỳ của thời gian. Có những bà rùa nặng tới 70, 80 cân tuổi đời rất cao. Rất khó để biết tuổi của rùa “trường thọ” đến bao nhiêu nhưng chắc là già “khủng” lắm. Tôi chợt nghĩ đến rùa ở Hồ Gươm và Thần Kim Quy trong truyền thuyết An Dương Vương, những hình ảnh giữa hư - thực, giữa thần thoại và hiện thực đã có một mối liên kết trong tâm thức văn hóa của người Việt.

Côn Đảo để lại nơi tôi nhiều cảm xúc nhất là dấu tích của lịch sử, quá khứ, ký ức. Ký ức ấy đã làm sống dậy biết bao nỗi niềm thế sự, thế nên khi chia tay tôi biết còn phải mang theo một nỗi nhớ dằng dặc. Nỗi nhớ Côn Đảo.

H.S.B

Bài viết khác cùng số

Côn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiVàng Mai rực rỡĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtMùa chim ri làm tổMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămNhững đám mây thổ cẩmTháng GiêngTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaCà phê chiềuDắt em về miền biểnMưa trên tượng người Việt cổNgẫu khúc cầu vàngHồi ức Mã ChâuCuối TếtTếtNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhNgày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Hình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuCon mèoChiều Đà NẵngTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác