Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụa

05.01.2023
Nguyễn Minh Hùng

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụa

Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng tại triển lãm Ký ức lụa là

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Trọng Dũng có cuộc triển lãm riêng về lụa và một cuộc trưng bày khác cho cuộc đời nghệ thuật của mình. Từ ngày 04/11/2022 đến 14/11/2022, tại The World ArtSpace, số 21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH The World ArtSpace đã tổ chức triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với chủ đề Ký ức lụa là… Triển lãm đã ghi nhận sự thành công khá bất ngờ của một họa sĩ Đà Nẵng đối với giới chuyên môn và công chúng yêu chuộng mỹ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Vào mùa xuân này, Họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng bước qua tuổi 60. Ông sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế (hệ trung cấp, 1982 - 1985), sau một thời gian dạy mỹ thuật trường sư phạm, ông tập trung hoàn toàn cho sáng tác. Nguyễn Trọng Dũng là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (1996), nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2007-2012. Ông từng nhận Bằng khen Danh dự ASEAN (1996), Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật miền Trung (1998, 2000, 2001, 2003, 2013, 2021); Bằng khen Triển lãm Mỹ thuật Quân đội (2002), Giải C Triển lãm Mỹ thuật Quân đội toàn quốc (2009), Huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Giải S.I.D.A Triển lãm mỹ thuật toàn quốc (2005); Giải A Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (2003, 2005); Giải Nhất Giải thưởng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng (2013); Bằng khen Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng (2009); Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần II (2009-2013); Giải I Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng lần thứ III (2010 -2015). Tranh (sơn dầu và lụa) của anh đã nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mường, Bộ sưu tập Hội Mỹ thuật Việt Nam,…

Với Triển lãm về lụa lần này, Nguyễn Trọng Dũng mang đến 25 bức lụa để kể những câu chuyện riêng mình giữa khung cảnh náo nhiệt Sài Gòn. Ông thổ lộ: “Đó là tâm hồn tôi được giãi bày trên lụa; là phố xưa - làng cũ; là tìm về lại của chính tôi. Tôi nhờ lụa nói giúp những suy tư buồn bã và đẹp đẽ ấy. Thoạt nhìn, có vẻ như tôi đang tái hiện hình tượng quá khứ. Nhưng không phải, quá khứ không giống vậy. Tôi tạo ra bóng dáng theo hoài niệm của tôi. Để giật mình về những tan vỡ, mất mát. Để đi tìm cái Đẹp bản nguyên..”.

Quan sát kỹ thì thấy cảnh sắc trong lụa của Nguyễn Trọng Dũng không mới mà xa xôi, như sắp tan biến đi để chỉ còn mong nhớ. Lụa tĩnh lặng lại là hơi thở nóng hổi của con người đương đại ngoái lại cổ xưa, như là dâu tằm quê hương vời vợi sống dậy trên từng sợi lụa cùng với sắc màu. Trong lụa, “cặn bẩn” đã không còn chỗ chen lấn giữa thế giới trong ngần của người nghệ sĩ đang hồi tưởng về những giá trị nhân bản. Đó là chính hoài niệm, mà “hoài niệm cũng có hiệu ứng phục hồi và có khả năng chống lại sự cô đơn”.

Tranh lụa Chơi ô làng

Mười bảy bức về Hội An như không hẳn Hội An của bây giờ và của cả quá khứ, dù tác giả dẫn dắt người xem về Phố cao lầu, Phố xích lô, Phố vào hạ thân quen một thời. Ở đó không còn là sự tái hiện mà đang tái tạo không gian huyễn hoặc chưa từng giống, chưa từng có, vừa thân thuộc vừa xa lạ, vừa hiện hình vừa ảo mờ nhân ảnh. Phố mùa đông với những mái nhà ấm áp đến lạ là để đắp lên tâm hồn kẻ tha phương một ý thức về sự tha hóa. Phố giao mùa trong ngày bình thường mà có khi phải đợi đến trăm năm! Ngắm Làng trong phố Phố chợ mới hiểu rằng, làng hay chợ bây giờ chỉ là một “giả lập” hoang tưởng. Đến Ngói cũ, Phố rêu gần như nguyên vẹn mà sao phả vào lụa nỗi xanh xao mong manh đến vậy!... Bởi cái Đẹp không thể lặp lại hai lần, thể tính của sáng tạo là duy nhất. Nguyễn Trọng Dũng đã tận dụng “hạn chế” của lụa là sự né tránh ánh sáng rực rỡ, kỵ giơ không gian sắc nét và tương phản sắc màu để biến thành ưu thế cho sự biểu đạt mơ hồ.

Vẽ phố, Nguyễn Trọng Dũng bị lôi cuốn ở chính vẻ đẹp hiển hiện của một “Hội An trong tôi” và một “Hội An ngoài tôi” - những ngôi nhà cổ luôn được trùng tu, tạo dựng không phải cho con người mà cho du khách. Đến 08 bức tranh quê thì anh hầu như không theo con đường của phố, bởi tất cả chỉ còn trong tâm tưởng. Còn đâu trò chơi ô làng, thả diều, đá cỏ gà,… của ấu thơ, của “nhất khứ bất phục hoàn”?!…

Từ lẽ đó, Hoan ca, Đồng dao muốn thoát khỏi biểu hiện để trình diễn một không gian siêu thực với những hình ảnh và hình khối chồng lấp, “giẫm đạp” lên nhau để tranh tụng về một nỗi hoài mong sâu kín. Ở Trâu trắng trâu đen, Mục đồng Chiều trên đồng, ngoài những chi tiết rành mạch - những đôi mắt chẳng hạn - thì những mảng tím xâm chiếm lòng người bao nhớ thương dào dạt. Riêng Thả diều và Chơi ô làng, bằng đối chọi ánh sáng và nét sắc lạnh như mực tàu được phóng lên lụa, khiến cho “giấc hương quan” sống dậy và ám ảnh mãnh liệt hơn bao giờ hết. Với nghệ sĩ, cái mất đi hoàn toàn có thể sẽ thành mãi mãi.

Phong cách vẽ lụa của Nguyễn Trọng Dũng tựa như một tác phẩm âm nhạc dân gian đương đại - chìm đắm trong rêu phong phố, ẩn trong giấc mơ đồng nội là cảm xúc mạnh của thao thức thời đại đang sống. Và điều đáng nghĩ ngợi khi đứng trước tranh của Nguyễn Trọng Dũng là sự không đơn giản của các mảng hình, sự không dễ dãi với màu sắc, không lệ thuộc vào chất liệu, nhất là không để cho cảm xúc triền miên lôi kéo. Để sau hết, chính vào lúc quay lưng, hoài niệm lụa bắt đầu lên tiếng trong thinh lặng “lụa là”...

Hoài niệm lụa là… của Nguyễn Trọng Dũng đã có những kết nối và lan tỏa thú vị giữa một Sài Gòn lo toan, bận rộn với cuộc sống thường ngày. Trước giờ khai mạc, chương trình Art Talk với chủ đề Con mắt nhìn nghệ thuật đã thu hút đồng nghiệp, báo giới và người yêu tranh. Chương trình không chỉ giới thiệu tranh lụa mà còn chia sẻ quan niệm, đề tài, cảm hứng sáng tác của họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với mọi người về những “tiếng rao vang vọng trong tranh”, “những hình ảnh tuổi thơ miền Trung gần như không còn thấy nữa”. Qua cuộc trao đổi gần 1 giờ 30 phút, nhà báo, nhà thơ, giám tuyển tranh Lý Đợi cho rằng: “Họa sĩ xứ Quảng vẽ lụa là để tạ ơn đất mẹ, chính vì vậy mà anh dùng màu truyền thống, lụa Mã Châu (Duy Xuyên, Quảng Nam) và chủ đề mục đồng, trò chơi dân gian, phố cổ Hội An để thể hiện…”; và Lý Đợi đã “nhìn thấy “dân tộc tính” trong lụa của họa sĩ miền Trung”. Nhà thiết kế lụa Đỗ Trà My khẳng định “hành trình sáng tạo” đáng trân trọng của Nguyễn Trọng Dũng với những bức lụa thu hút người xem. Nhà văn Hòa Bình thì nghĩ về lụa của họa sĩ Dũng là “duyên lành đã kết nối những năng lượng tích cực, giúp cân bằng và nuôi dưỡng cảm xúc, xóa hết những u ám đời thường bằng sắc màu nghệ thuật”, “Đáng quý là tranh Nguyễn Trọng Dũng còn giữ lại được bản chất hiền hòa đáng quý của người Việt!”,…

Triển lãm thành công không chỉ ở người xem, số người “gắn nơ” lên tranh mà còn thu hút các cơ quan thông tấn, báo chí (truyền hình, báo viết, báo mạng). Kênh SCTV4 đã có phóng sự Chuyện người giữ hồn phố cổ; Truyền hình Thông tấn xã đã thực hiện bản tin về Ký ức lụa là… trong chương trình Văn hóa Toàn cảnh. Các báo ngày và online như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Người Lao Động, Giáo dục Thủ đô, Môi trường và Đô thị, Nông Nghiệp Việt Nam, Doanh Nhân Trẻ, Dân Việt, Văn Nghệ, Le Courrier du Vietnam, Eltimes, Đà Nẵng cuối tuần, Văn hóa Quảng Nam,… đã đưa tin, viết bài kịp thời và bày tỏ sự trân trọng với tác phẩm của Nguyễn Trọng Dũng.

Từ những năm 1930 đến nay, tranh lụa Việt Nam được sáng tạo với tinh thần độc lập của người họa sĩ, sự kết hợp một cách tự nhiên nghệ thuật phương Tây với nghệ thuật phương Đông. Họa sĩ đầu tiên vẽ tranh lụa là Nguyễn Phan Chánh, người được biết sớm nhất ở châu Âu. Những họa sĩ cùng lớp với Nguyễn Phan Chánh như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu,… tuy sống ở Pháp nhưng vẫn vẽ tranh lụa đượm hương sắc Việt Nam. Các họa sĩ có tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuờng Lân, Nguyễn Tiến Chung, Lê Văn Đệ,… mỗi người mỗi vẻ làm giàu có thêm nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Từ cuối thập niên 80, các họa sĩ trẻ vẽ tranh lụa ngày càng đông, với nhiều dấu hiệu cách tân đáng mừng. Nếu trước kia vẽ lụa thường dùng màu trầm, thì sau này các họa sĩ vẽ với hòa sắc tươi sáng, táo bạo khi sử dụng các gam màu đối chọi. Tùy theo tay nghề, kỹ thuật, có người thích vẽ lụa khô, người vẽ lụa ẩm, có người lại vẽ không rửa,… tùy theo cá tính và cảm xúc của họa sĩ. Tranh lụa Việt Nam trong thời gian gần đây đã tạo nên những tiếng vang lớn trong các phiên đấu giá mỹ thuật như tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ,… Những năm gần đây, một số họa sĩ trẻ đã dày công tìm tòi nghệ thuật vẽ lụa, đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tranh lụa khá thành công như: Bùi Tiến Tuấn (Thành phố Hồ Chí Minh), Vũ Đình Tuấn, Lưu Chí Hiếu (Hà Nội), Lê Vấn (Buôn Ma Thuột),...

Nhìn trong bức tranh chung của dòng lụa đa dạng hiện thời, Nguyễn Trọng Dũng tuy có cố gắng tìm lối riêng nhưng có vẻ ông không băn khoăn nhiều và không cố tình (hoặc không thể) tìm ra “cái mới” trong lụa như những đồng nghiệp trẻ trung đương đại. Ông lặng lẽ, trung thành, chân thành và hoài niệm với lụa để trang trải một món nợ riêng với nghề mình, với lòng mình. Một phần tư thế kỷ trầm ngâm với lụa, đứng trước nguy cơ quên lãng của chất liệu và phong cách cá nhân, Nguyễn Trọng Dũng đã tư duy lặng lẽ nhằm giãi bày thế giới tâm hồn mình và cất lên tiếng nói chống lại nguy cơ cô độc của con người giữa thế giới này. Và như đã thấy, qua triển lãm này, cuộc hành trình của anh đã không vô vọng.

N.M.H

Bài viết khác cùng số

Những đám mây thổ cẩmChuyện vui kể vào dịp TếtNăm cũNhững ngày cuối nămCôn Đảo - Phố Cây bàng, biển và người nhạc sĩ thiên tàiMùa xuân trên tầng ký ứcTập hợp và phát huy vai trò của văn nghệ sĩ Đà Nẵng - Những vấn đề đang đặt raCó một Đà Nẵng hào hùng 55 xuân trướcMùa xuân khơi dậy khát vọng phát triểnMỹ nhân ám ảnhMột thời vui nhộn cùng chú mèo máy đến từ tương laiMùa chim ri làm tổĐừng nói lời yêu chiều ba mươi TếtVàng Mai rực rỡThanh Mai Tầm XuânTản mạn bốn mùa nước MỹTôi yêu Đà NẵngEm về tắm biển Tiên SaChạm xuânĐó là cách mùa xuân chạm vào chúng taPhía xuân xaPhía xuân quê nhàKhúc tiễn ngày xuânTết quêTháng GiêngCuối TếtTếtMưa trên tượng người Việt cổDắt em về miền biểnCà phê chiềuTruyền thuyết hoa Dã QuỳNgày rất dàiPhiên chợ tình toàn đá núiGiả sửĐợi xuânĐi để trở vềGiao mùaThơ Nguyễn Nho Thùy DươngBến gióVô thườngVó ngựa trót hoang emNghĩ vẩn vơ giữa con sóng thời gianChiều sông HànHồi ức Mã ChâuChào nhé mùa ĐôngNgày nắng vỡNgày giỗ nộiXuân muộnĐoản khúc cho một ngàyThầm thì bên suốiVaTự sựThèm một vòng tayMùi TếtĐã chínDự cảm GiêngTết nướcChuyển mùaNgẫu khúc cầu vàngLy cà phê quán nhỏChùm Haiku mùaTiếng thơ Nguyễn Nho NhượnHọa sĩ Nguyễn Trọng Dũng với triển lãm tranh lụaĐà Nẵng - Thành phố niềm tinVề chùm thơ hai bài thơ Xuân Áng tức cảnh của Phan KhôiBiến thể - Khúc bi ca nhân thếLưu Quang Vũ và một thế hệ đồng hànhVũ Hạnh một nhân cách văn học khó quênCon mèo trong văn hóa dân gian Việt NamNgày xuân đọc lại thơ Tết của Phan Bội ChâuLàng, Đình làng và Hội làng ngày xuânHình ảnh con mèo trong thơ thiếu nhiNhớ “Mùa xuân đầu tiên”Ngày xuân nhớ cụ Nguyễn Văn XuânChiều Đà NẵngCon mèoTuổi mười lămBốn mùa nhớ Bác