Linh hồn bán đảo ... - Trần Ngọc Tuấn

15.08.2013

1.                               

            ... Trưa tháng 7, tôi lên lại "Đồi hài cốt".  Nhớ dạo nọ, tôi còn phải mượn đường của Đồn biên phòng cửa khẩu Tiên Sa dìu nhà sử học ngoài 80 tuổi Nguyễn Văn Xuân leo qua hàng rào thép gai chằng chịt rỉ sét, rồi xoi đường rẽ đám cây dại ken dày như thành, hang hốc trồi sụt mới lên được tới đây, chân tay tứa máu. Đám cỏ lác, gai dại không biết khai sinh tự bao giờ mà cao lút đầu người, như muốn lấp cả dòng chữ "OSSUAIRE" chạm nổi khá lớn dưới cây thánh giá mặt trước một ngôi nhà thờ nhỏ.

Linh  hồn  bán  đảo ... - Trần Ngọc Tuấn

"Ossuaire" - tiếng Pháp nghĩa là Đồi hài cốt, nơi những hài cốt chồng chất lên nhau ! Đó là nơi an nghỉ cuối cùng của những lính Pháp đầu tiên nổ phát súng xâm lược đất nước ta tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) rạng sáng ngày 1 tháng 9 năm Mậu Ngọ (1858).

Trong một bộ hồ sơ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (đề ngày 25/5/1921), nội dung đề nghị Toàn quyền Đông Dương cho tu sửa khu nghĩa địa này, có đoạn: "Tôi xin lưu ý ngài về tình trạng hư hỏng của nghĩa trang ở bán đảo Tiên Sa, bắc Tourane (tức TP. Đà Nẵng ngày nay - NV), nơi chôn cất những binh sĩ bộ binh và hải quân của người Pháp và người Tây Ban Nha thuộc hạm đội của Đô đốc Rigault de Genouilly. Khoảng 1.500 hài cốt đã khai quật và tập trung vào một hốc công cộng có dựng một nhà thờ. Nhà thờ này đã bị đổ nát, cửa ra vào đã hư hỏng. Chung quanh nhà thờ có một số ngôi mộ của các sĩ quan Pháp và Tây Ban Nha, trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis vào ngày 18-11-1859 ..." (Dẫn theo tác giả Lưu Anh Rô - Ban Tuyên giáo thành ủy Đà Nẵng).

            146 năm đã qua ...       

Theo ba bậc cấp xi-măng, tôi trèo qua cái cổng sắt xinh xắn cao chừng nửa thước, đã bị khoá, trong cái nhìn ngạc nhiên của cánh tài xế đang mắc võng bên đường chờ đưa xe vào ăn hàng từ cảng. Gọi là đồi, thực ra chỉ là một cái gò không lớn lắm. Cả thảy 32 ngôi mộ trắng toát màu vôi mới nằm rải xung quanh một ngôi nhà thờ, đúng hơn là nhà nguyện. Lớp cỏ dại gai góc trước kia, giờ được thay bằng loại cỏ Nhật xén phẳng phiu như trong sân vận động, xanh mỡ màng. Đất nâu mềm ẩm, do được tưới tắm thường xuyên. Những dòng chữ xa lạ trên những tấm bia mộ bằng sa thạch lớn cỡ mặt bàn, một số đã được ai đó dùng sơn đen tô lại. Tôi trèo tiếp qua cái cổng sắt cũng đã bị khoá để vào bên trong nhà nguyện. Những vết nứt vỡ nham nhở cùng lớp rêu mốc phả cái lành lạnh rợn người trước kia giờ không còn nữa. Duy những phiến đá khắc chữ chìm ốp trên tường, cùng dòng chữ Latin chạy uốn lượn phía trên bệ thờ là vẫn nguyên màu u ám. Tôi đọc được những dòng chữ Tây đầy ngậm ngùi: "Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Rigault de Genuoilly. Bị chết những năm 1858-59-60, và được an táng nơi đây". 

            Có tiếng lạch xạch mở khoá phía sau. Một thanh niên trạc dưới 30 trong bộ đồ công nhân bạc màu, tay cầm kéo cắt cỏ cùng đôi găng tay lẳng lặng nhìn tôi. Đôi mắt hiền hiền cùng gương mặt gầy rám nắng kia, thoáng chút ngại ngần. Dù sao, đây không phải là một nghĩa trang bình thường. Chúng tôi ngồi bệt dưới nền nhà nguyện. Lê Thanh Trung - tên của người quản trang đặc biệt ấy, nhà ở xóm chài Lộc Phước, phường Thọ Quang, chính là người góp phần tạo ra dáng vẻ mới cho "Đồi hài cốt". Một bữa, năm ngoái, cậu tự vệ phường ấy được phường mời lên, đề nghị làm công việc tu sửa và coi quản khu mả Tây, mà dân địa phương vẫn quen gọi là nghĩa địa Y-pha-nho. Trước đó đã có mấy người từ chối công việc này, bởi sự lạnh lẽo hoang vu cùng những chuyện kể rợn người. Với lại đây là mộ của những kẻ từng nã súng vào đất nước mình, đồng bào tổ tiên mình, người sống ở đất này ai chẳng thấu. Thạo nghề mộc, nề, lại có sức trẻ, Trung ngần ngại ra mặt. Về nhà đem chuyện kể với ba, ông Lê Tấn, 67 tuổi, vốn là một thương binh thời chống Mỹ. Hai cha con bần thần nghĩ ngợi mất mấy ngày. Mẹ vợ ông Tấn, tức bà ngoại thằng Trung là Bà mẹ VNAH, hai cậu và một dì nó đã hy sinh, mẹ nó cũng mất từ khi nó còn rất nhỏ. Bên họ nội của ông cũng nhiều người ngã xuống cho nền độc lập. Và chính ông, mỗi khi trời trở, mảnh đạn găm trong đầu lại quẫy đạp đau xé ... Đến một hôm, ông Tấn gọi Trung lại, bảo: "Thôi, cha đã quyết định rồi, con cứ nhận đi, cha con mình cùng làm ! ở đời, nghĩa tử là nghĩa tận, con ạ !". Thế rồi hai cha con ngày ngày mang dao rựa, cuốc xẻng, với bi-đông nước đạp xe lên đồi âm thầm đánh vật với gai góc, cỏ dại, nhiều hôm tối mịt mới về. Nhiều hôm sợ cha mệt, Trung buộc cha phải nghỉ ở nhà. "Trung làm việc này, bạn bè có nhiều người biết không ?", tôi hỏi. "Dạ, ít người biết lắm - Trung nói giọng dè dặt - Mà em cũng giấu mọi người, ngại lắm anh ạ !". Tôi chợt nhớ ánh mắt Trung nhìn tôi lúc mới bắt gặp. Trĩu nặng một ẩn ức quá khứ cha truyền con nối, vậy đó. Công việc thường ngày của cha con cậu thanh niên xóm chài bây giờ là xén nhổ cỏ dại, tưới nước, sơn sửa lại mộ phần ... Thi thoảng vào ngày rằm hoặc Tết, họ cắm nơi đây vài thẻ nhang, theo phong tục người Việt. Lâu lâu cũng có người tới đây thắp nhang, nhưng cũng chẳng cầu khấn gì. Tôi hỏi Trung có nghe kể gì về "cái hốc" chứa hàng ngàn hài cốt nơi góc nhà nguyện, Trung lắc đầu. ở Đà Nẵng hiện còn nhiều người lớn tuổi từng làm cho Pháp hồi đầu thế kỷ trước vẫn còn nhớ rõ hình ảnh này. Giờ thì hiển nhiên tất cả đã ra cát bụi. Khi khu nghĩa địa hoang vắng xưa kia trở nên khang trang, khách du lịch, nhiều nhất là dân Tây thỉnh thoảng ghé thăm, chụp ảnh. Họ tỏ ra có thiện cảm đặc biệt với cha con người quản trang có vẻ ngoài hiền hậu và bình dị ấy. Có điều, mấy ai hiểu những cuộc chiến cứ thay nhau tiếp nối trên dải đất này, khiến cho con người ta nào kịp có đủ thời gian để quên đi quá khứ !

                                   

 

2.

 

 

Người thợ mộc trên chiến hạm, ông George Thomas ghi lại trong Nhật ký (hiện lưu giữ ở Bảo tàng Constitution tại Charlestown - Boston) “William Cook qua đời và  được  chôn trên bán đảo (Sơn Trà - NV) với tất cả nghi lễ cần thiết. Cờ trên chiến hạm hạ xuống nửa cột để tang cho thuỷ thuỷ Cook. Đêm xuống, nhiều tàu lớn (Việt Nam) thả neo chung quanh chiến hạm, nhưng không quá gần ...”.

Đó là ngày 10/5/1845.

Người lính Mỹ đầu tiên nằm lại Việt Nam ấy không biết cầm súng. William Cook là một thanh niên chơi đàn trong ban nhạc trên chiến hạm lừng danh USS Constitution. Cuộc đời hải quân ngắn ngủi của chàng chỉ dài 14 tháng, chưa bằng thời gian chuyến hải hành dài 495 ngày đêm vòng quanh thế giới lần cuối cùng của chiến hạm này. 

USS Constitution là chiến hạm đầu tiên và lừng danh nhất trong lịch sử hải quân Hoa Kỳ, từng là soái hạm của hạm đội Địa Trung Hải, hạm đội Thái Bình Dương và hạm đội nội địa Hoa Kỳ. Chiến hạm được đóng năm 1794 và được Quốc hội Hoa Kỳ ra quyết định hạ thuỷ năm 1798. Chỉ trong 2 năm sau, USS Constitution đã vượt Địa Trung Hải đi chinh phục xứ Tripoli. Hiệp ước lịch sử  Tripoli đã được ký ngay trên chiến hạm này. Với 54 khẩu đại pháo, chiến hạm được đóng từ 1.500 loại thân cây chọn lọc từ khắp nước Mỹ, thành tàu rắn tới mức có huyền thoại cho rằng đại bác bắn vào phải ... dội ngược trở lại (!). Cái tên “Thành Sắt Cổ” (Old Ironsides) cũng từ đấy mà ra ... Đó là những điều được ghi lại trên trang web về USS Constitution. 

Năm 1845, chiến hạm “già” USS Constitution khi đó đã 50 tuổi, từ năm 1830 đã bị “kết án” phải vào bảo tàng Viện, với viên Hạm trưởng cũng già nua không kém John Percival còn có biệt danh “Mad Jack” khi đó 65 tuổi bị bệnh phong thấp. Ông này đã vận động tha thiết để đưa được tàu đi chuyến hải trình cuối cùng vòng quanh thế giới với nhiệm vụ dân sự. Chuyến đi cuối cùng ấy dài 495 ngày. Cây bút nổi tiếng của tạp chí Boston Globe – nhà báo Peter Kneisel – người đầu tiên cùng một nhóm cựu binh Mỹ từng có mặt tại chiến trường Việt Nam cách đây mấy năm đã lặn lội đến Đà Nẵng tìm thuỷ thủ Cook, trong bài báo “The Search For Seaman Cook” đã viết: “Có lẽ không một yếu tố nào trong câu chuyện hấp dẫn đến nỗi chúng tôi phải bôn ba nửa vòng trái đất để đi tìm. Percival chôn cất thuỷ thủ của ông ta tại hàng tá hải cảng ngoại quốc trong suốt 2 năm hải hành vòng quanh thế giới. Nhưng bởi vì đây là Đà Nẵng, thành phố quen thuộc với hàng trăm ngàn cựu chiến binh, những người từng đặt chân qua đây trong suốt 7 năm dài của cuộc chiến tranh”. Thuỷ thủ thường không được phép chọn lựa nơi an nghỉ của mình. Thường thì họ được hải táng, với thân xác quấn trong vải buồm, cộng thêm một mớ sắt vụn cho nặng. Tuy nhiên, với những thuyền trưởng nặng tình, thì nếu điều kiện có thể, họ sẽ cố gắng mọi cách để chôn thuỷ thủ của mình trên đất liền, như trường hợp của Percival đối với Cook. Nhưng đi xa hơn việc “nghĩa tử nghĩa tận”, Percival lại chính là người Mỹ bắn phát súng đầu tiên vào Việt Nam, vào chính cái nơi mà 13 năm sau (1858), vang rền phát đại bác xâm lược đầu tiên của người Pháp. Nguyên nhân, do viên Hạm trưởng bức xúc trước việc triều đình nhà Nguyễn giam giữ một nhà truyền giáo Pháp mà không cần biết cặn kẽ căn nguyên. Peter Kneisel viết: Ông ta đã “thực hiện các mệnh lệnh chỉ huy sai lạc, và điều này đã thể hiện một lần nữa trong cuộc xung đột đẫm máu 120 năm sau. Tai hoạ, lẽ ra nên được xem là một điều cần được lưu tâm sau này, nhưng chưa ai thật sự nhớ được”. Sau công hàm ngoại giao phản đối của triều đình Huế tới toà lãnh sự Hoa Kỳ tại Singapore, Tổng thống Hoa Kỳ Zachary Taylor đã phải gửi một thư xin lỗi đến vua Thiệu Trị, và cho đây là một hành động ngoại giao bất thường trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ.        

159 năm dằng dặc trôi qua với triền miên biến cố...

Hai mươi năm trước, bãi biển hoang sơ có cái tên Tiên Sa này, người địa phương vẫn gọi bằng cái tên ngộ nghĩnh: Bãi tắm Liên Xô ! Bởi nơi đây gần cảng, một thời thuỷ thủ Liên Xô sang Việt Nam thường ra tắm. Nhưng ít ai biết phía bờ đá nơi quả đồi lúp xúp cỏ hoang nhìn xuống vịnh biển kia, có một “người Mỹ thầm lặng” đang yên nghỉ từ 195 năm về trước.

Hiếu – một người làm du lịch ở Đà Nẵng từng hướng dẫn Peter Kneisel và các bạn đi tìm mộ Cook, kể: “Tìm ra mộ Cook, họ vui lắm. Và điều mà họ thấy bất ngờ hơn nữa là sự giúp đỡ nhiệt tình và thái độ chia xẻ của chính quyền thành phố. Nên trong cuốn Globe Guidebook phát hành toàn thế giới, có hẳn 1 trang do Peter Kneisel viết về Đà Nẵng năm 1845 gắn với sự kiện USS Constitution. Khách du lịch của tôi nhiều người tỏ ra rất quan tâm tới Đà Nẵng cũng từ sau những bài viết ấy” 

Theo chỉ dẫn của Hiếu, tôi tìm tới mộ của William Cook. Người thuỷ thủ chơi nhạc quê biển Boston của hơn 1 thế kỷ rưỡi về trước giờ nằm xen giữa mấy ngôi miếu nhỏ của những người dân chài vô danh làng Thọ Quang. Dấu vết dường như chẳng còn gì. Chỉ còn rất nhiều những chân nhang mới, với hoa và cả trái cây. Điều từng khiến Peter Kneisel và các bạn vô cùng sửng sốt. Và cả Hạm trưởng John Percival nếu có sống dậy cũng không thể tưởng tượng nổi. "Mọi linh hồn đều được đưa tiễn" - triết lý sống giản dị của người Việt.  

 

 

3.

 

            Trước mắt tôi, con đường Xuyên á thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây đã chạm điểm mút cuối cùng hải cảng sầm uất Tiên Sa, sau hành trình gần 1.500 cây số qua 3 nước Myanma, Thái Lan và Lào. Đã có 5 dự án du lịch cao cấp với tổng vốn gần 1.200 tỷ đồng đang đầu tư cho màu xanh ngút ngát, không khí ngọt lành, vịnh biển lặng thoải nguyên sơ nơi đây. Chênh chếch hướng trái, cây cầu treo dây văng lớn nhất Việt Nam dài tới 1.856 mét đủ cho 4 luồng xe lưu thông với kinh phí 650 tỷ đồng đang chuẩn bị nối phố xá với bán đảo. Và rồi thấp thoáng bên bán đảo kia sẽ là vệt biệt thự hiện đại hài hoà với thiên nhiên ...    Bán đảo đang thức giấc.

            Nhưng đứng giữa cao xanh này, không hiểu sao tôi lại cứ nghĩ nhiều tới giấc nghỉ yên hàng trăm năm dưới những nấm mộ đã và đang mất dần dấu tích của những dân binh Đà Nẵng ngã xuống khi giữ đồn An Hải năm 1858. Và cả những nấm mồ viễn chinh câm lặng nơi bán đảo. Bán đảo, mà lại mang sứ mạng của một phần địa đầu Tổ Quốc. Phát súng đầu tiên và nầm mồ đầu tiên của người Mỹ. Phát súng xâm lăng đầu tiên của người Pháp. Gót chân lính thuỷ đánh bộ Mỹ đầu tiên vào miền Nam Việt Nam năm 1965. Gót chân viễn chinh ngoại bang cuối cùng rời khỏi cuộc chiến năm 1973. Tất cả đều diễn ra nơi bán đảo bình yên này...  

Vẳng đâu đây tiếng đàn của William Cook. Tiếng vĩ cầm nhẹ lướt qua mái nhà thờ lãng quên trên đồi cát, cao hơn nữa qua những chùm mây bán đảo, rồi đổ xoà vào ngọn sóng muôn ngàn mảnh nắng vỡ tinh khôi ...    

 

                                                                                                            T.T