Chuông reo - Truyện ngắn Trần Đức Tiến

25.01.2018

Biết tin Tháo cũng được đi dự trại sáng tác đợt này, tôi không khỏi ngạc nhiên và vui mừng. Đã lâu lắm, dễ có đến dăm, bảy năm, Tháo bỏ viết. Không viết mà vẫn được mời, như thế là người ta còn nhớ đến cậu. Nhớ đến những gì trước đây đã từng làm nên tên tuổi một cây bút trẻ. Chính tôi cũng thầm cảm ơn ai đó đã mạnh dạn đưa Tháo vào danh sách. Lâu nay Tháo chuyển sang làm thầu xây dựng, phất lên nhanh, xây nhà lầu, sắm xe hơi, tôi khấp khởi mừng cho bạn. 

Chuông reo -  Truyện ngắn Trần Đức Tiến

Ngoài miệng bảo: Tao ủng hộ, đi như thế là đúng cách, bỏ mấy năm lo cho cái nền tảng kinh tế thật vững vàng rồi quay lại với văn chương cũng chưa muộn, có khi còn có ích. Nhưng trong bụng đôi lúc vẫn tiếc thầm: cái thằng đã từng chí thú viết lách, đã từng cho ra đời những cái truyện như thế...
Tôi từ Vũng Tàu lên thành phố Hồ Chí Minh trọ nhà Tháo một đêm để đến sáng hôm sau hai anh em cùng ra sân bay. Bà mẹ Tháo lâu ngày mới gặp lại tôi, mừng lắm. “Ra Hà Nội lần này, thể nào nó cũng phải dẫn con Hằng đến gặp bác. Thôi thì trăm sự nhờ bác, hay dở tốt xấu thế nào, bác cứ cố vun vào cho chúng nó”. Tôi cười xòa. Tôi hơn Tháo sáu tuổi mà bà lão cứ làm như đã già lắm. Ờ, mà có lẽ tôi già thật. Tôi già vì đã có gia đình, vợ con đàng hoàng. Các con tôi, đứa vào đại học, đứa học cấp ba. Còn cái tên Tháo kia, suốt ngày nhong nhong ngoài đường như con chó dại, nay công trình này, mai công trình khác, xấp xỉ bốn mươi mà nhắc đến gái chỉ biết nhe răng ra cười trừ, thử hỏi làm sao bà lão có thể yên tâm? Hóa ra đợt đi này, bên cạnh chuyện sáng tác, cậu chàng còn được bà cụ giao cho nhiệm vụ phải kết cho bằng được một cô nàng để cưới làm vợ.

Tôi hỏi: Hằng nào? Tháo ngập ngừng: chưa đâu vào đâu anh ơi. Tôi phũ: cậu kén bỏ mẹ. Hạng như cậu, tốt nhất là vớ được con nào ế chồng. Bọn ấy mới biết thương người. Chứ đánh đu với lũ choai choai, làm sao cậu hầu chúng nó được? Tháo cười gượng: Thế cho nên em cũng phân vân lắm. Gặp nhau mới vài lần. Còn toàn qua thư từ, điện thoại. Lần này ra gặp anh, nó có hỏi, anh cứ bảo là em làm ở cơ quan anh. Vẫn là cán bộ nhân viên nhà nước. Em giấu, không cho nó biết là em đã ra ngoài...

A, rõ thật lẩn thẩn. Ra ngoài thì đã sao nào? Tưởng bám vào cơ quan nhà nước là báu lắm à? Giờ mà còn nghĩ ngợi kiểu cách đây mấy thập niên như thế thì bập vào gái kể cũng khó. Thế đã ngủ với nó lần nào chưa, tôi hỏi? Như mọi khi, Tháo chỉ ngơ ngẩn cười... Tôi sực nhớ đến câu nói đùa của mấy thằng bạn Tháo: tụi em nghi lắm, đang tính lúc nào vật cu cậu ra để kiểm tra. Nếu là thằng đàn ông khỏe mạnh, thì không lấy vợ cũng phải cặp bồ hay chơi gái, nhất là thời buổi bây giờ, kiếm ra tiền như nó.

Tháo lục sục hoài không ngủ. Chắc không phải bồn chồn vì chuyến bay ngày mai. Một năm cậu ta xoành xoạch bay ra bay vào cả chục lần như cơm bữa. Tôi chuyển qua đề tài khác cho câu chuyện mềm mại: đến trại phải viết cái gì chứ? Vâng. Em bỏ lâu quá. Nhưng đợt này nhất định phải viết.

Tôi tin Tháo. Như hồi trước từng tin. Hồi ấy, thấy Tháo đùng đùng bỏ cơ quan quyết ra ngoài làm giàu, bạn bè anh nào cũng cười mũi. Chỉ có mình tôi dám cá là Tháo sẽ thành công. Tôi biết Tháo. Dân văn nghệ nhưng ý chí của Tháo rất mạnh. Bảo học ngoại ngữ là lọ mọ đạp xe đến trung tâm ngoại ngữ liên tục bốn năm liền. Bảo in tập truyện là đóng cửa ngồi cày mấy tháng cho xong tập truyện. Quyết tâm của Tháo lây cả sang tôi. Cũng một phần nhờ có cậu ta mà tôi hì hục viết... Con người ấy đã nói thì chắc sẽ làm được.

 

Trước đây anh em còn làm chung cơ quan, gặp nhau trong giờ hành chính, tôi chả có dịp để ý những chuyện sinh hoạt lặt vặt của nhau. Bây giờ chung buồng khách sạn, mới thấy anh chàng có lắm tật đến đoảng. Chân tay lóng ngóng, động vào cái gì cũng đánh đổ đánh tháo. Ra vào sập cửa ầm ầm. Đi đâu về là mải miết bật ti vi, mở âm thanh to hết cỡ, cứ như thiên hạ sắp tranh mất phần nghe nhìn. Tuy nhiên, cái máy điện thoại di động của Tháo mới khiến tôi khó chịu hơn cả. Nó đổ chuông hối hả như điện thoại trực chiến. Một buổi sáng ngồi nhà, dễ thường phải có dăm bảy cuộc gọi đến, không tính cũng chừng ấy cuộc gọi đi. Sắt, thép, xi măng, gạch, đá, nhân lực, tiền bạc, hợp đồng, điều chuyển, phát sinh, đình hoãn... Một núi công việc, một không gian hoạt động quá tải, chồng chéo, gấp gáp, như lửa cháy, như nước lũ. Ấy là tôi hình dung ra thế, qua những cú phôn thất thanh. Mà không chỉ lúc ngồi trong phòng khách sạn! Đang ngồi ăn sáng với nhau ngoài quán phở, điện thoại cũng réo. Đang đi dạo chờ đèn xanh qua ngã tư, Tháo cũng sực nhớ móc điện thoại trong túi ra. Bất chấp tiếng ồn, bất chấp có người ngoái nhìn, anh chàng cứ thoải mái hét vào máy, truyền cái thông tin nóng rãy đến một địa chỉ mịt mù nào đó. Những lúc đó, thú thực, tôi cứ phải lảng ra chỗ khác, giả bộ như không đi cùng với y.

Tôi nhớ đến cái điện thoại để bàn ở nhà tôi. Ít giao du, ít bạn, thế mà lắm lúc cũng đến khổ vì điện thoại. Tình cờ số máy nhà tôi lại gần trùng với số máy của sở điện. Đang yên lành, tự nhiên đèn đóm tắt phụt là y như rằng vài phút sau, chuông điện thoại réo liên hồi. Nhưng tai họa hơn cả là những nhầm lẫn lúc nửa đêm. Nhiều đêm đang say giấc, lại bất ngờ bị điện thoại dựng dậy để đòi nợ, để thuê chỗ trọ, để tâm tình, thậm chí để dẫn gái... Thời đại bùng nổ thông tin, đến tôi mà còn phải chịu những hậu quả như thế thì không biết với con người hoạt động như Tháo sẽ như thế nào? “Anh yên tâm, từ hôm ở chung phòng với anh, hôm nào đi ngủ em cũng nhớ tắt máy”.

Tôi xác định trước: đi trại kỳ này chỉ cốt nghỉ ngơi, chơi bời với đám bạn bè cũ ở Hà Nội. Sản phẩm nộp cho trại, vài cái truyện ngắn, thì đã viết sẵn từ nhà. Cho nên thừa thời gian để tiếp khách, nằm ngủ, xem ti vi, chán chê lại đóng bộ nhênh nhang ra phố. Nhưng còn Tháo? Từ hôm ra đến nay, chưa hề thấy cậu ta có phút nào bình tâm. Hằng ngày chúng tôi cùng đi ăn sáng, thỉnh thoảng mới cùng ăn trưa hoặc tối (trại phát tiền cho từng người để tiện lo liệu). Ăn sáng xong, Tháo diện bộ cánh chỉnh tề, đầu chải mượt, điện thoại dắt lưng, xuống đứng trước cửa khách sạn, vẫy xe ôm rồi biến mất. Tháo không thuốc lá, không bia rượu, nhưng cũng có hôm đi đâu về, người bốc hơi men, chỉ kịp mở ti vi, cởi giày rồi vật mình ra giường, lát sau đã thấy ngáy ì ạch trong tiếng nhạc thính phòng hay tiếng reo hò tường thuật bóng đá.

Tôi hỏi:

- Hằng đâu? Sao không thấy dẫn nàng đến chơi?

- Dẫn về đây quấy anh, anh làm việc sao được.

- Thằng dở hơi. Mày đưa nó về đây, tao biến đi chỗ khác. Tha hồ mà tâm sự, tìm hiểu.

- Em đùa đấy. Ra đây công việc vẫn túi bụi, đã gặp được cô ấy đâu.

- Ơ hay, thế mày đi Hà Nội lần này vẫn để hành nghề thầu khoán, chứ không phải là đi tìm vợ hay đi viết văn?

Tháo cười buồn:

- Đi rồi mới thấy hối. Công việc ở nhà ngập đầu ngập cổ. Tự nhiên chẳng còn hứng gặp bồ nữa.

Nói thế nhưng nghĩ thế nào lại tặc lưỡi, tự hâm nóng tinh thần:

- Nhưng sẽ gặp. Thế nào cũng gặp. Mà không hiểu anh thế nào, chứ em thấy lũ con gái bây giờ...

Sáng hôm sau, Tháo ra đi từ sớm, không đánh thức tôi cùng đi ăn sáng như mọi bữa. Tay này quả thật đã nói là làm. Tối hôm đó tôi cũng có khách. Dẫn nhau đi ăn uống xong, chín giờ tôi mới trở về khách sạn. Mở cửa vào buồng đã thấy Tháo còn đóng nguyên bộ quần áo giày dép, nằm thẳng cẳng trên giường. Hai mắt mở to lên trần nhà, chẳng rõ vui hay buồn. Ti vi không mở. Trên bàn là một bó hoa nhỏ bọc giấy bóng kính, thò ra những bông hồng mềm oặt.

- Không gặp bồ  à?

- Có chứ có chứ - Tháo gượng ngồi dậy chỉ bó hoa - Hoa đấy của Hằng tặng em.

Tôi hơi ngạc nhiên. Hóa ra bây giờ chúng nó “dân chủ” hơn mình ngày trước, con gái tặng hoa cho con trai.

Tháo mở tủ, lấy bộ đồ lót mới rồi chui vào nhà tắm. Lát sau trở ra, lẳng lặng đến bên bàn viết, kéo ghế ngồi xuống, bật đèn, giấy bút soạn ngay ngắn trước mặt. Bắt đầu mở máy rồi. Có lẽ cậu chàng đã tìm thấy trớn. Tôi nghĩ thầm rồi khoan khoái trùm chăn lên kín đầu.

Thức dậy lần thứ nhất, tôi vẫn thấy đèn sáng và Tháo ngồi bất động trước trang giấy.

 

Mấy ngày liền Tháo không ra khỏi phòng, miệt mài cặm cụi bên bàn viết. Điện thoại di động cúp hoàn toàn. Tôi không biết cậu chàng viết được những gì, nhưng xem ra đánh vật với văn chương cũng không kém phần vất vả so với làm thầu xây dựng.

Một lần có hai anh em ở trong phòng, Tháo bất ngờ quăng bút rồi phóng ra một tuyên ngôn:

- Em phải cưới Hằng!

Tôi phì cười. Nghe ngon nhỉ? Chả bõ với những lúc cứ như thằng công công. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hiểu tại sao lại quyết định nhanh thế? Cưới liền tay, vì cô nàng quá xinh đẹp, quá hấp dẫn, hay còn vì lý do nào khác?

- Giờ em đến chỗ cô ấy. Tối nay là có thể “báo cáo” anh kết quả.

Tháo vừa mủm mỉm cười vừa xỏ giày. Sầm sầm bước ra cửa, sầm sầm xuống cầu thang, bỏ mặc tôi ngồi lại một mình với nỗi ngơ ngác.

Nhưng không phải đợi đến tối, vì quá trưa hôm ấy, Tháo đã quay lại. Chả cần hỏi, chỉ nhìn gương mặt cố làm ra vẻ thản nhiên của cậu chàng, tôi đã hiểu cái chuyện kia thế là đi đứt!

Tháo nhanh chóng thu xếp quần áo, đồ dùng nhét vào túi xách rồi ngập ngừng:

- Em bay vào Sài Gòn… Chuyến ba giờ chiều.

Tôi lặng thinh, tập làm quen với nhịp sống hiện đại. Tới lúc chuẩn bị tiễn Tháo đi, tôi mới sực nhớ và hỏi:

- Thế đã viết được cái gì nộp cho trại chưa?

- Chưa. Chả rặn ra được chữ nào.

Lần đầu tiên tôi đọc thấy trong đôi mắt Tháo một vẻ thất bại cay đắng.

 

Mãi sau này tôi mới rõ đầu đuôi câu chuyện xảy ra buổi trưa ngày hôm đó. Hóa ra mấy tay bạn của Tháo lâu nay nghi ngờ sai toét. Tháo đâu có thua kém gã đàn ông nào.

Từ khách sạn, Tháo thuê xe ôm đến thẳng chỗ Hằng. Cậu chàng nung nấu ý định trong đầu, rằng chỉ có cách hành động dứt khoát như thế như thế... mới có thể đẩy nhanh “tiến độ”. Hai người rủ nhau lên một cái quán đặc sản ven Hồ Tây. Ăn uống xong, họ tìm thuê một nhà nghỉ sạch sẽ, kín đáo. Mọi chuyện diễn ra tự nhiên như với tất cả những cặp tình nhân khác. Nhưng giữa lúc tưởng chừng trên thế gian này chỉ còn lại hai người, bất thần chuông điện thoại reo. Tháo đành phải bỏ dở công việc yêu đương, vùng dậy nghe máy. Tin báo Tháo trúng thầu. Một đoạn đường bảy cây số trải nhựa cho hai làn xe chạy. Thói quen giải quyết công việc khiến anh nhà thầu nhanh chóng quên phắt mọi sự. Những tính toán nhoay nhoáy trong đầu. Những thông tin cần xác minh. Những chỉ thị kịp thời, chính xác... Chỉ đến khi cuộc đàm thoại chấm dứt, Tháo mới sực tỉnh, bẽn lẽn nhận ra mình đang tồng ngồng đứng bên cửa sổ phòng trọ. Gió lùa qua con chim lành lạnh. Chiếc giường nệm trống trơn. Đôi giày gót cao dưới sàn và chiếc váy hoa trên lưng ghế cũng biến mất. Yên tĩnh đến nghe rõ cả tiếng lá cây xào xạc ngoài vườn.

Chính Tháo kể lại cho tôi nghe tường tận mọi chuyện. Cuối cùng mới tỏ ra một chút tiếc nuối:

- Em nhớ rõ ràng trước lúc lên giường, mình đã tắt điện thoại. Giống như những tối ngủ chung với anh ở khách sạn ấy. Vậy mà không hiểu sao?...

Tôi ngán ngẩm lắc đầu. Hỏi thế thì đến bố tôi cũng chịu.

T.Đ.T