Cầu vồng bảy sắc – Truyện ngắn Phan Thị Thu Loan

26.03.2015

Tôi ngồi trong khán phòng nghe Hiếu chơi đàn. Tiếng đàn trầm bổng điêu luyện, lúc nỉ non lúc réo rắt khiến tôi bồi hồi thương cảm. Cậu bé hàng xóm kém may mắn của tôi đã trở thành nghệ sĩ đàn bầu thiệt sao? Lúc chia tay nhau, Hiếu là một thiếu niên tật nguyền bất hạnh. Không ngờ bữa nay, Hiếu lớn và chững chạc như vầy! Bài Ru con Nam Bộ tôi từng nghe Hiếu tập từ lúc nhỏ với cây đàn tự tạo. Nhưng hôm nay Hiếu đàn hay tới độ tôi không còn tin vô tai mình. Từng giọt đàn tròn trặn da diết rơi xuống lòng tôi khiến mắt chợt cay xè. Tôi thấm những giọt lệ lăn xuống má, vừa lúc tiếng vỗ tay nồng nhiệt cất lên. Vội vàng đi ra lối cửa hông dành cho nghệ sĩ, tôi hồi hộp đứng trước phòng hoá trang chờ Hiếu .

Cầu vồng bảy sắc – Truyện ngắn Phan Thị Thu Loan


Một thanh niên cao ráo, có thể gọi là đẹp trai nếu không có cặp kính đen sù sụ trên mặt che kín đôi mắt đục nhờ, cùng mấy đứa trẻ đi tới. Tôi thảng thốt nắm tay người đó: “Hiếu! Hiếu à! Uyên đây. Có nhận ra mình không?”. Hiếu dừng lại, mừng quýnh. Nụ cười đôn hậu nở trên khuôn mặt chữ điền. “Uyên đó à? Lâu quá rồi mới gặp!” Rồi Hiếu cúi lại gần, nói nhỏ chỉ đủ cho mình tôi nghe: “Cầu vồng bẩy sắc… Tối nay tôi đã nhìn thấy rồi Uyên à!”. Nghe nói vậy, tôi lại muốn rơi nước mắt.   

 

Ngày ấy, tôi và Hiếu là đôi bạn thân cùng lớp, lại còn là xóm giềng với nhau. Hiếu thường nhờ tôi giải hộ bài toán, còn tôi thì nhờ Hiếu làm giùm bài văn. Con gái giỏi văn, con trai giỏi toán. Thường là như vậy nhưng tôi và Hiếu lại không giống mọi người. Tôi hiếu động, đầu têu toàn những trò tinh nghịch trong khi Hiếu lại thích chơi đàn. Lúc nào rảnh là Hiếu lấy cây đàn bầu tự tạo ra gẩy tưng tưng. Tôi thường giằng lấy vứt lên nóc tủ và ra lệnh “Dẹp cái trò cụ non đó ngay, đi chơi mau!”. Bị tôi phá đám, Hiếu không đổ quạu mà chỉ cười hiền, đứng dậy đi theo. Tụi con nít trong xóm Cầu Kênh thường hay châm chọc. “Con trai mà để con gái xỏ mũi dắt đi. Đồ chết nhát!” Hiếu cười trừ, không cãi không giận. Tôi chấm cái tánh hiền lành của Hiếu, nên có miếng nào ngon đều dành phần đem cho. Biết chuyện, tụi quỷ con lại réo lên: “Lộn cầu vồng nước trong nước chảy. Có cô mười bảy, lấy chồng mười ba. Hai chị em ta, ra lộn cầu vồng…”. Tôi nhảy tới, giận dữ véo tai sắp nhỏ. Tụi nó la inh ỏi. Hiếu lại cười: “Thôi, tha cho mấy đứa đi. Mình chơi kéo co nghen!”. Tôi một đầu, Hiếu đầu kia, cái đuôi rồng rắn là mấy đứa con nít. Đứa nào bị tôi véo tai đều ùa sang bên Hiếu. Còn lại là vô phe tôi. Thường thì bên Hiếu đông hơn. Tôi bị thua dài dài, xị mặt ra gắt gỏng: “Khỏi thèm chơi luôn! Ỷ đông ăn hiếp con gái hả? Dẹp!”. Tụi con nít tưng hửng, len lét bỏ đi một hơi. Còn Hiếu đứng lại, gãi tai cười: “Vậy thì mình lộn cầu vồng há? Ừa đi! Chỉ hai đứa chơi thôi, như mấy bữa đó mà...”. Rồi không đợi tôi gật đầu, Hiếu cầm hai tay tôi, xoay tròn, miệng hát “Lộn cầu vồng…”. Tôi bật cười: “ Hát chi mà vô duyên quá trời đi. Bộ tôi già hơn ông hả?”. Hiếu đang thở hào hển, cũng phì cười. Vậy là tôi hết giận. 

 

Lớn lên chút nữa, hai đứa được vào phổ thông cơ sở. Tôi và Hiếu không còn chơi những trò con nít nhưng vẫn rất thân nhau. Tánh tôi nghịch ngợm không thua con trai nhưng có lần Hiếu gặp tôi ngồi thơ thẩn ngó mưa trước nhà. Tôi mê mải ngắm cầu vồng, không biết Hiếu sang lúc nào. Những sắc màu xanh đỏ tím vàng huyền ảo làm tôi ngẩn ngơ. Lâu thiệt lâu tôi vẫn ngồi bất động, mặt nghếch lên trời. Bất chợt day qua thấy Hiếu chăm chăm ngó mình, tôi mắc cỡ nạt: “Qua hồi nào mà ngậm tăm vậy cà?”. Hiếu cười cười: ”Cầu vồng đẹp thiệt há Uyên!”. “Ừa, đẹp thiệt. Ngó hoài hổng biết chán.”. Hiếu đăm chiêu: “Lâu quá mình không chơi lộn cầu vồng nữa rồi Uyên…”. Tôi cắt ngang: “Ông khùng hả? Chơi chi cái trò con nít đó nữa!”. “Nhưng mà hồi nhỏ vui quá trời. Chơi riết rồi Uyên mê coi cầu vồng đó chi?”. Tôi tắc họng, không biết đối đáp ra sao. Lần đầu tiên tôi ngắc ngứ trước mặt Hiếu. Dòm qua, chợt nhận ra cậu ta cũng đang ngó mình. Tôi đỏ mặt, vụt đứng dậy quày quả bước vô nhà, để mặc Hiếu đứng lại một mình, cười lỏn lẻn.

 

Hai đứa tôi chắc vẫn còn gấu ó nhau tối ngày, nếu không có tai hoạ bất chợt đổ ụp lên đầu Hiếu. Mùa hè đó tôi ra nhà dì dượng ở thành phố chơi cả tháng. Buổi trưa đầu tiên về lại quê, tôi ghé qua nhà Hiếu. Cậu ta ngồi yên trên phản, không ngó thấy tôi bước vô. Tôi kêu “Hiếu à! Làm chi ngồi  thừ ra đó?”. Hiếu giật mình day qua tôi, đưa tay ra rờ rẫm trước mặt, rồi mới tụt xuống khỏi bộ ván. Tôi điếng người, thấy mắt Hiếu hấp háy, nhưng tròng mắt đùng đục khác thường. “Mắt ông sao vậy?”. Hiếu không cười như mọi lần, nước mắt ứa ra bên khoé: “Hiếu mù rồi Uyên ơi! Hơn một tuần nay rồi…”. Tôi hét lạc giọng: “Không! Hiếu phải đi bệnh viện chớ. Uyên đưa Hiếu đi!”. Hiếu nghèn nghẹn đáp: “Đi rồi. Ba Hiếu nghỉ phép về đưa đi. Bị di chứng chất độc da cam. Không khỏi được đâu.”. Tôi khóc như mưa. Hiếu dỗ dành tôi nhưng cuối cùng cũng khóc oà lên. Đầu Hiếu gục nặng một bên vai tôi. Sau rốt, Hiếu ngẩng lên, nói với tôi: “Hiếu khóc bữa nay nữa thôi. Lần sau Uyên qua chơi, nhớ đừng khóc nghen!”. Tôi nghẹn ngào hứa, nhưng nước mắt cứ ầng ậc tuôn ra.

 

Hiếu bỏ học. Ngồi chơi đàn suốt ngày. Tôi ở bên nhà ôn bài, nghe tiếng đàn vọng qua, buồn não ruột. Cũng không vô đầu được chữ nào. Đêm về, tiếng đàn càng khắc khoải như cười than, khóc hận. Khuya thật khuya mới chịu lặng đi. Tôi nghe má tôi ru thằng Út trong buồng : “Ầu ơ, đàn bầu ai gảy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu…”. Qua hôm sau ba nói có việc phải lên nhà dì dượng. Má lựa lời nhắc: “Ai có phận đó con à. Đừng nghĩ ngợi nhiều mà học không vô nghen con!”. Tôi biết ba má lo cho mình, nhưng không ngờ hai người lại quyết định gởi tôi lên thành phố. Trước ngày đi, tôi qua chào Hiếu. Hai đứa ngồi trên cái chõng kê ngoài hiên. Mưa rơi tí tách. Hiếu gẩy đàn, cố lựa toàn bài vui, sao tôi nghe buồn như cật tre cứa ruột. Rồi Hiếu buông cần, hỏi tôi: “Uyên coi bữa nay có cầu vồng không vậy?”. Tôi đang ngó trời, cố làm giọng tỉnh, đáp: “Có. Đẹp lắm…”. Chợt giật thót vì sợ Hiếu buồn, tôi im luôn. Hiếu cười. Lâu thiệt là lâu mới thấy cậu ta cười. “Hiếu cũng thấy rồi. Đẹp thiệt đó Uyên.”. Tôi ngạc nhiên ngó qua. Mắt Hiếu vẫn mờ đục. “Uyên là cầu vồng của Hiếu đó. Cầu vồng bảy sắc à nghen. Lúc nào gặp Uyên là Hiếu lại ngó thấy cầu vồng trước mặt. Thiệt mà”. Tôi nghe nước mắt kéo lên mi, không dám nói gì, sợ Hiếu biết mình đang khóc.   

 

Mùa hè, tôi hơ hải về nhà. Món quà tôi mang cho Hiếu là chiếc đàn bầu mới tinh thiệt đẹp. Tiền chú dì thưởng cho vì học giỏi, tôi mua cho ba cây dọc tẩu, cho má vuông khăn len, phần thằng Út cái áo sơ mi trắng. Tiền mua cây đàn tôi có được nhờ dạy kèm tiếng Anh cho sắp nhỏ hàng xóm. Tôi tha chừng đó món quà về quê, lòng vui rộn ràng. Hiếu chắc mừng húm vì có cây đàn tốt, thay thế cây đàn tự tạo đã nứt cả bầu. Tới nhà, tôi tưng hửng vì nghe tin Hiếu đã ra miền Trung, vô học trường Nguyễn Đình Chiểu dành cho trẻ em khuyết tật. Những mùa hè sau đó Hiếu cũng không về. Tôi hỏi thăm, chỉ nghe má kể là Hiếu ra tận Thủ đô học Nhạc viện Hà Nội. Cây đàn tôi tính tặng Hiếu vẫn còn để nguyên trong hộc tủ thờ. Mỗi lần về thăm nhà, tôi lại mang nó ra. Hí hoáy lau chùi để nhớ lại một thời thơ bé hồn nhiên nghịch ngợm và cả mất mát đau buồn giữa hai đứa.

 

Gặp lại Hiếu, tôi mừng hết biết. Tôi tìm ra tận đây bởi tình cờ đọc được cột tin trên báo về buổi hoà nhạc từ thiện này. Cái tên Lê Hiếu trong tiết mục độc tấu đàn bầu đập ngay vào mắt tôi. Chắc chắn đây là Hiếu, người bạn cật ruột ngày xưa tôi vẫn hằng mong gặp lại. Từ lúc học xong đi làm, ba má đã mấy lần hối tôi lấy chồng, nhưng không một ai làm cho tôi thương mến như là Hiếu. Tôi vẫn là cầu vồng ngày mưa. Hễ trời tạnh thì tan biến. Trái tim tôi không chịu lớn khôn cùng thân xác, vẫn cứ vấn vương mấy trò chơi lúc nhỏ. Hôm nay tôi càng tin ông Trời có mắt, đã cho tôi cơ hội tìm được Hiếu, để nối lại tình thân dang dở hồi nào.

 

Hiếu hẹn tôi ngày mai lại trường chơi, tôi nhận lời, rồi chào Hiếu để quay lại phòng khán giả. Buổi biểu diễn âm nhạc từ thiện sắp chấm dứt. Tôi lên sân khấu, trao món quà của mình cho ban tổ chức. Toàn bộ số tiền thu được đêm nay sẽ chuyển cho các trẻ em nạn nhân chất độc da cam. Tôi hiểu nỗi lòng của Hiếu, muốn góp phần giúp đỡ những đứa trẻ kém may mắn đó. Trở về khách sạn, tôi trằn trọc mãi mới ngủ được. Sáng hôm sau, không đi tham quan thắng cảnh theo kế hoạch, tôi gọi xe ôm đi thẳng đến trường.

 

Hiếu sống trong khu tập thể giáo viên. Tôi hỏi thăm nhà và hồi hộp gõ cửa. Chút xíu nữa là tôi giáp mặt Hiếu rồi hai đứa mặc sức kể chuyện ngày xưa. Cả về cây đàn bầu vẫn nằm im trong hộc tủ. Và Hiếu sẽ cười, nụ cười thiệt hiền. Lại gọi tôi là cầu vồng của Hiếu. Cầu vồng tôi sẽ không đi đón cơn mưa nữa mà đậu lại nơi căn nhà bé nhỏ này, để làm rực rỡ những ngày vui của Hiếu - của tôi.

 

Một cô gái trẻ lành lặn, xinh xắn ra mở cửa. Tôi hơi sững lại, không biết nói gì. “Chào chị! Chị là Uyên phải không? Mời chị vô. Anh Hiếu đang chờ chị!”. Tôi định thần lại, đáp: “Vâng, cám ơn cô!”. Hiếu đứng dậy, mời tôi ngồi xuống ghế. Tôi chết trân khi nghe Hiếu giới thiệu : ”Đây là Ly, vợ tôi đó, Uyên à! Cô ấy trước là giáo viên dạy chữ nổi cho tôi”. Tôi ráng cười, chúc phúc hai người mà đầu ù lên như có đàn ong bay vù vù trong đó. Ly ái ngại  nhìn tôi “Chị mệt lắm phải không? Vô phòng em nằm nghỉ chút đi. Em làm cơm rồi. Mời chị ở lại dùng bữa trưa với vợ chồng em!”. Tôi lấy cớ phải về gặp đối tác kinh doanh, chỉ xin ngồi thêm mươi phút nữa. Hiếu cười tươi, kể cho Ly nghe về tình bạn hồi nhỏ giữa Hiếu và tôi. Vui vẻ đáp lễ hai người mà gan ruột tôi đau như ai xát muối. Sau cùng tôi cám ơn Hiếu và Ly rồi xin phép ra về. Tới cửa, Ly ý tứ quay trở vô. Hiếu ghé lại gần tôi nói nhỏ: “Uyên là cầu vồng ngày mưa... Còn Ly, cô ấy là mặt trời ngày nắng đó!”.

 

Tôi trở về nhà, đóng hộp xốp cây đàn bầu để gởi ra trường cho Hiếu. Rồi tôi ráng quên chuyện cũ và lấy chồng. Tôi lại ru con gái nhỏ của mình giống như má tôi từng ru thằng Út: “Đàn bầu ai gẩy nấy nghe. Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu…”.

 

                                                                                                                                                            P.T.T.L